Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
14:47 (GMT +7)

Đồng đội một thời máu lửa

(Nhớ  Đàm Văn Su và đồng đội)

VNTN - Chiến trường Quảng Trị, 1972.

      Su nói với tôi:

- Mẹ kiếp, tao có đi chôn người bao giờ đâu! Nói xong cậu chạy ra khỏi hầm. Lát sau quay về cười như trúng số:

- Không phải đi nữa! Lính là chỉ có đánh nhau mà thôi!

- Thế hả - tôi nói - thì tao cũng có đi chôn người bao giờ!

Anh Lân - “bố già” nói như thật:

- Rồi ở đấy mà sợ, thằng nào cũng phải chôn người! Không chôn thì nay mai lỡ chết ai chôn mình!? Câu nói của anh Lân làm hai đứa tôi tròn xoe mắt. Tôi quay lại nói với Su:

- Nghe rõ chưa? Nếu nay mai có chết chắc để xác cho quạ nó tha?

Không ngờ, câu nói đó lại là một điềm gở. Chuyện thật đau lòng xảy ra vào đúng tối hôm ấy, mồng 3 tháng 9 năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị.

Su kể, nó chạy tới hầm trung đội trưởng năn nỉ: “Cho em đi đánh nhau, nguy hiểm kiểu gì em cũng không sợ, chứ đi chôn người thì em không quen!”. Trung đội trưởng Thỏ nghe xong gật đầu liền! Su phóng một mạch về hầm như thể báo tin vui!

Chả là đêm hôm trước tiểu đội của tôi trên đường đi lấy vũ khí chạm trán với tụi thám báo địch, quân ta hi sinh một. Thật thương cho anh bạn quê Hà Tây vừa được bổ sung vào lúc chiều đã phải ra đi! Đáng lẽ ra viên đạn đó phải vào ngực tôi mới là đúng. Chuyện là thế này: Sáu lính chúng tôi vừa tới chân con dốc nhỏ thì phát hiện có tiếng động phía trước. Tất cả dừng lại trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một sự im lặng và chờ đợi thật khủng khiếp! Trời đêm nay mưa nhẹ. Tôi là người đi thứ hai sau tiểu đội trưởng Y (dẫn đường), sau tôi là cậu lính mới, tôi chưa kịp hỏi tên. Những đám lân tinh sáng trắng phát ra từ những thân gỗ mục như một thế giới ma trơi hăm dọa những người yếu bóng vía! Tiếng động phía trước cứ lớn dần, mà sao tiểu đội trưởng Y vẫn im lặng? “Sắp tới rồi”- một giọng tiếng Bắc phát ra từ phía bên kia nghe rõ mồn một, dẫu xung quanh vẫn có những hạt mưa rơi tí tách. “Sông Ba!”- vẫn giọng ấy phía bên kia phát lên! Một họng súng đen xì chĩa thẳng vào tôi! Tôi chưa kịp nghĩ gì thì cậu lính mới chen vào chỗ tôi và nói “Thằng quê em!” (chẳng hiểu sao cậu ấy lại nói vậy). Tiểu đội trưởng Y hỏi: “Trung 3 vào đông không?”. Trung 3 là Trung đoàn 3, sư 304. Phía bên kia hỏi lại: “Cho biết mật hiệu?”. Một ánh chớp trên trời làm tôi nhận ra chiếc mũ sắt và nòng khẩu M16 (loại tiểu liên cực nhanh của Mỹ)! Chưa kịp trở tay thì một phát nổ gọn lỏn phát ra, cậu lính mới bên tôi rú lên một tiếng rồi ngã gục tại chỗ do trúng đạn đối phương! Cậu ấy đã thay vị trí chết cho tôi! Bọn địch liền tháo chạy, sau khi nhả đúng một viên đạn! Còn tiểu đội trưởng Y, chắc tai nghễnh ngãng hay sao, nên mới nghe “Sông Ba”- mật khẩu của địch thành “Trung 3” của mình!? Chả là hồi chiều nghe phong thanh sẽ có quân của Trung đoàn 3 bổ sung cho Trung đoàn 1 của chúng tôi! Tiểu đội trưởng Y xả một băng AK “vuốt đuôi”! Chúng tôi cũng hướng nòng súng về phía địch bóp cò! Chẳng biết có tên địch nào chết không? Tiểu đội trưởng Y vuốt mắt cho đồng đội vừa hy sinh, rồi đặt bạn nằm ngay ngắn và lẩm bẩm nói câu gì đó, tôi nghe không rõ. Chúng tôi trở lại hầm chốt. Tiểu đội trưởng Y lên cấp trên báo cáo tình hình. Anh ta bị cấp trên “xạc” cho một trận và đưa ra hình thức kỉ luật nặng vì đã không sử dụng mật khẩu theo quy định!

Hầm chốt của chúng tôi cách điểm cao 105 của địch hơn cây số theo đường chim bay. Ngồi ở cửa hầm có thể nhìn thấy địch đi lại trên đó. Nhưng ta chủ yếu đánh địch vào ban đêm, chứ nếu đánh ban ngày, địch phát hiện ra hầm “Việt Cộng” thì, thôi rồi - đủ các loại máy bay sẽ lao tới thi nhau mà vãi bom! Quảng Trị “81 ngày đêm” là như vậy. Địch hầu như làm chủ bầu trời!

Trao đổi tình hình chiến đấu ở trận địa chốt trên sông Thạch Hãn     Ký họa của Phạm Ngọc Liệu

Kế hoạch chôn cất tử sĩ sẽ thực hiện vào đêm hôm sau mùng 3 tháng 9, trong đó Đàm Văn Su là một trong những người đã được trung đội phân công thực hiện nhiệm vụ này!

Pháo địch vẫn cầm canh, những âm thanh chiu chíu rít dài trên nóc hầm chúng tôi rồi tắt ngấm ở phía xa…

Tôi và Su lại lao vào vật nhau. Ngày nào chúng tôi cũng vật nhau, cãi nhau chí chóe làm cho anh Lân “già” vô cùng khó chịu, nhưng rồi cũng phải sống quen với “quỷ sứ”. Bọn lính trẻ chúng tôi, tuy nghịch ngợm nhưng được cái đi đâu, làm gì cũng nhanh nhẹn. Anh Lân là một “điển hình” về sai vặt. Lúc thì “sai” tôi hoặc Su đi xuống khe lấy nước. Lúc thì rủ “hai em” cùng đi ỉa (đúng hơn là đi bảo vệ anh ấy)… Giọng nói của anh thì ngọt như đường phèn! Chả biết từ hồi vào chiến trường anh đã bắn chết thằng địch nào chưa, nhưng nghe anh kể về những trận đánh thì tôi và Su cứ ngứa ran người, muốn xông ngay ra trận! Khoái nhất là chuyện tình yêu anh kể. Chúng tôi há hốc mồm ra mà nghe, mà tưởng tượng, rồi đến lúc không chịu nổi nữa, liền phóng năng lượng bằng trò vật lộn! “Thôi thôi, lại lên cơn rồi, anh không kể cho chúng mày nghe nữa!”. Tôi và Su cũng không vừa, đè anh Lân ra để “kiểm tra”, làm anh kêu toáng lên: “Để anh kể tiếp...”. Anh Lân gốc Hà Thành, khi nhập ngũ anh là sinh viên trường đại học xây dựng. Tôi và Su thi nhau hỏi anh về các thứ ngôn ngữ của tình yêu. Chúng tôi nào biết tình yêu là gì. Nào biết tay con gái nóng hay lạnh...

- Anh còn biết môi, biết miệng phụ nữ, nếu có chết cũng chả có gì phải ân hận. Anh cứ kể hết cho chúng em nghe, chả làm gì phải giấu, phải xấu hổ. Nơi hòn tên mũi đạn này sống chết ai đoán trước được!- Su nói giọng vừa có gì hài hước lại vừa có gì xa xăm tội nghiệp.  Anh Lân ngồi im, mắt nhìn ra miệng hầm, rồi lại nhìn hai đứa tôi. Cái nhìn đong đầy trìu mến. Thế rồi anh ôm chầm chúng tôi khóc! Tôi không ngờ anh yếu đuối thế. Anh coi chúng tôi như hai người em cùng máu mủ ruột rà. Anh cũng đoán được khát vọng của chúng tôi - Khát vọng dành cho mỗi con người. Rồi anh kể biết bao chuyện của anh và người yêu. Có lẽ trong tâm tư anh nghĩ rằng: ngày mai chẳng may chúng tôi hi sinh, thì cũng hiểu được phần nào tình yêu luôn đi cùng khát vọng bản năng, để rồi đôi trai gái như “nuốt” lấy nhau…Tình yêu thể hiện  bằng thứ ngôn ngữ hành động là vậy. Tôi và Su chưa nếm trải ái tình, nhưng cũng biết hình dung ra nó thật lãng mạn, giống như trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô viết A-xtơ-rốp-xki: “Bỗng Pa-ven ngẩn người ra trong giây lát, trước mặt anh là Tô-nhi-a Tu-ma-nô-va”. Anh Lân hát rất hay. Anh thuộc nhiều bài hát. Anh dạy chúng tôi hát bài “Chiều Mat-xcơ-va” nghe đến lâm ly. Cũng vì bài hát này mà sau này tôi bị quân pháp ở đoàn an dưỡng 231 Quân khu Việt Bắc, đóng ở xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú gọi lên điều tra: “Đồng chí hay hát nhạc vàng lắm phải không?”. Ngày đó nhạc vàng bị cấm! Tôi thất thần trước câu hỏi và ánh mắt của vị quân pháp nhìn tôi như kẻ thù! Một thời ấu trí thật đáng nguyền rủa! Người ta không phân biệt được đâu là thứ nhạc vàng ủy mị, đâu là nhạc trữ tình lãng mạn nâng tâm hồn lên để sống có lý tưởng cao đẹp! Giờ nghĩ lại tôi thấy thương thay cho vị quân pháp mang quân hàm trung úy hơn là sự tức giận!

Su dạy anh Lân học tiếng Tày, đến nỗi hai người có thể dùng tiếng Tày nói chuyện với nhau. Anh Lân có hai em gái, anh hứa sau này về sẽ gả cho chúng tôi. Chẳng biết nay mai thế nào nhưng nghe anh nói chúng tôi cũng cảm thấy sung sướng vô cùng!

Su và tôi học cùng trường phổ thông cấp 3 Đại Từ. Su lớp 9 còn tôi lớp 8 (tương đương lớp 11 và lớp 10 bây giờ). Hai đứa cùng ngày nhập ngũ khi vừa kết thúc học kỳ I; cùng trung đội huấn luyện, rồi lại cùng đơn vị chiến đấu. Nhà Su ở xã Phú Lạc, cách trung tâm huyện lỵ Đại Từ hơn 10 cây số theo hướng Bắc. Còn nhà tôi ở Cát Nê cách trung tâm huyện lỵ 13 cây số theo hướng Nam. Hai nhà cách nhau hơn 20 cây số. Thời kỳ, những năm 70 của thế kỉ XX, với khoảng cách này không phải là con số nhỏ! Tuy là người dân tộc Tày, nhưng Su rất hài hước và dí dỏm. Cậu ta có cả một kho chuyện cười. Su có đặc biệt là, kể chuyện cười mà mặt cứ lạnh như tiền, dẫu cho mọi người xung quanh cười lăn quay! Tôi còn nhớ những câu thơ của Su ngày ấy như “Thái Nguyên thành phố đẹp làm sao/ Bao nhiêu ống khói thật là cao..”… Chiều hôm đó Su đọc lên bài thơ, không biết thơ của Su hay của ai mà nghe thấy buồn đến thế: “Thôi nhé từ nay tạm biệt nhau/ Hoàng hôn rủ tím nắng phai màu/ Sương buông thong thả trời mau tối/ Tạm biệt làm chi vĩnh biệt thôi”. Một điều lạ là, chỉ nghe một lần bài thơ ấy mà tôi thuộc đến bây giờ.

Trung đội trưởng Thỏ xuất hiện, trông ông như một anh hề. Mặt mũi nhọ nhem, đầu đội chiếc mũ tai bèo chằng chịt lỗ thủng. Trung đội trưởng giục anh Lân: “Mang quân trang lên hầm đại đội nhận nhiệm vụ mới!”. Anh Lân giật mình đánh thót! Theo trung đội trưởng ra khỏi căn hầm chữ Z, anh Lân cố nhìn lại chúng tôi, như thể nhìn lần cuối cùng! Anh nói câu nhẹ nhàng: “Anh đi nhé hai em!”. Chúng tôi cứ ngớ người ra?! Bỗng căn hầm trống toang, lạnh ngắt. Tôi và Su nhìn nhau khóc. “Chắc anh Lân phải chuyển đơn vị rồi?”- tôi nói vậy. Ở chiến trường việc thay đổi quân là chuyện thường. Nhưng sao hôm nay anh Lân đi mà lòng chúng tôi vô cùng bứt rứt. Kể từ đó tôi không nhận được một tin tức gì về anh nữa. Một lát sau, trung đội trưởng Thỏ trở lại theo sau là một lính cũ rích, tên Kỳ, quê Phú Thọ. Kỳ vào chiến trường trước chúng tôi sáu tháng, với chiến trường ác liệt này thì sáu tháng giống như sáu năm! Kỳ tỏ ra khá lanh lợi khi kể về các loại vũ khí của địch và cách sử dụng. Rồi Kỳ kéo chúng tôi ra ngồi ở cửa hầm, chỉ cho chúng tôi những khu vực địch chiếm đóng, những điểm cao, những kinh nghiệm chiến trường... Chúng tôi đang ở khu vực Động Ông Do miền Tây Quảng Trị. Cả một vùng rộng lớn khói lửa đêm ngày. Tôi đã từng nhìn thấy con hươu cụt chân, con chim lìa cánh do dính mảnh bom đạn. Trông chúng thật tội nghiệp. Trên bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Đó là những chiếc thám thính OV-10, L19…những chiếc phản lực F.5, F.4H… sẵn sàng dội bom xuống nơi nào khi có cột khói trắng chỉ điểm! Còn loại pháo đài bay B.52 bay thấp như “sờ” vào được. Chúng thường đi một tốp 3 chiếc, bom chúng thả không khác gì vãi trấu trên trời, để rồi trên mặt đất những đám nấm khói khổng lồ của thần chết cứ lớn dần như muốn choán hết không gian!

Kỳ gãi liên tục. Hóa ra anh ta bị hắc lào! Toàn thân anh được “trạm trổ” những “đóa hoa đồng tiền”. Cái ngứa của hắc lào, sau này tôi cũng dính căn bệnh này. Ai đã từng qua chiến trường đều bị như thế. Nhất là vào mùa mưa này, cơn ngứa khi đã bùng phát thì càng gãi càng ngứa và càng “sướng”. Gãi cho tóe máu ra vẫn thích. Lần trước ở hầm tôi có anh Hai người Thanh Hóa bị nhiễm trùng hắc lào phải chuyển ra tuyến sau điều trị, không thể cầm súng chiến đấu được. Từ lúc Kỳ xuất hiện, căn hầm liền dội lên một mùi tanh khó chịu, phải đến ngày hôm sau chúng tôi mới tạm gọi là “thích nghi đoàn kết”!

Vào khoảng 8 giờ tối ngày 3 tháng 9 năm 1972, tôi, Kỳ và Su ra khỏi hầm để đi chặn đánh địch ngoài đường tăng. Su hớn hở lắm. Cậu ta còn hôn vào nòng súng AK, mân mê mấy trái lựu đạn, rồi bảo “Đời thằng con trai thời chiến mà không dám ra chiến trường thì lên mẹ rừng mà ở với khỉ!”.

Hôm nay chúng tôi đi có tất cả tám người, do anh Đa người Hà Nội phụ trách. Anh dặn đi dặn lại mọi người mật hiệu hôm nay là “Hỏi Trường, đáp Thọ”. Anh Đa có khuôn mặt sần sùi, tính anh ngang tàng, trên mình đầy vết sẹo đạn bom.  Đồng đội gọi anh là “khắc tinh của địch”. Anh đùa: “Tao thuộc loại gái giang hồ, trai tứ chiếng”. Anh là công nhân đường sắt xung phong bằng được đi bộ đội để thể hiện với cánh chị em rằng, ta là “nam nhi thời loạn”, anh bảo thế.

Chúng tôi đi cách nhau 5 mét theo con đường tối qua, anh Đa đi đầu, tôi đi vị trí thứ 4, còn Su thứ 5. Tôi cứ tưởng tượng trong đầu về cuộc đụng độ với địch tối qua. Và, đêm nay không biết có còn như thế nữa không? Su bảo tôi: “Tụi thằng Tuấn đen hôm nay cũng đi chôn thằng Hà Tây đêm qua đấy, nhưng tụi nó đi sau mình!”. Trời đêm nay vẫn mưa nhỏ. Anh Đa truyền lệnh “cách nhau 10 mét”. Tôi chỉ có chú ý phía trước. Bỗng anh Đa dừng lại. Tôi linh cảm điều chẳng lành? Đánh mắt sang bên trái tôi thấy một đám người “lì lợm” ngồi ở tư thế quỳ bắn, cách chúng tôi chừng chục mét!? Sau này tôi được biết chỗ này là miệng một hố bom tấn, nên mới có một khoảng đất trống cao. Tôi rút vội quả “mỏ vịt” (lựu đạn Mỹ) mở chốt sẵn. Anh Đa phát lên mật hiệu: “Trường?”. Không thấy trả lời? Anh liền nổ súng! Tôi và mọi người cũng kịp vung lựu đạn và dùng AK nhằm phía địch mà bóp cò! Có tiếng kêu rú lên của những tên địch. Một trận “hòa âm” của AK, lựu đạn, M79, M16 không khác gì trong phim ảnh. Còn hơn cả trong phim ảnh! Mọi sự hồi hộp và “sờ sợ” trong tôi biến đâu mất, thay vào đó là lòng quả cảm! Những đồng đội bên tôi cũng như thế! Tôi cảm nhận được bằng những loạt đạn AK phóng về phía địch! Chân trái tôi bỗng bị thương, nhưng cảm giác đau đớn không xuất hiện! Tôi vẫn “lỳ lợm” siết cò súng!  Những tiếng nổ chát chúa, những tiếng rít xé tan hoang không khí lấp đầy hai lỗ tai tôi… Rồi bất ngờ mu bàn tay phải của tôi như có một lưỡi dao sắc lẹm chặt vào, làm khẩu AK rời tay. Tôi nằm úp mặt xuống đất, nghe những loạt đạn tiểu liên của hai bên thi nhau chuyển động ngược chiều, rồi nhẩm đoán: “loạt này chắc vào đầu?”. Những âm thanh “chíu chíu” kéo dài rồi vụt tắt tức thì khi gặp vật cản. Đủ các loại thanh âm của “thần chết” chen chúc nhau. Khoảnh khắc này thật vô cùng căng thẳng, một giây tính bằng cả giờ! Tôi nghĩ mình sẽ chết. Bọn địch có lợi thế là bắn tà âm và chúng hoàn toàn ở thế chủ động. Những tiếng nổ, tiếng rít… sao mà lâu thế? Tôi không thể ngóc đầu dậy. Rồi đến lúc mọi âm thanh rùng rợn cũng vơi dần rồi câm bặt. Tôi vẫn chưa cảm thấy đau. Mu bàn tay phải của tôi bị dập nát. Đầu tôi bắt đầu choáng váng! Tôi nghe thấy tiếng kêu “cứu” của Su, nhưng sao không định được vị trí? Tôi cố bò, quơ tay trái lần tìm bạn thì thót tim khi sờ đúng mặt tử sĩ tối qua lạnh như nước đá! “Có thể mình sẽ bị địch bắt”, tôi nghĩ vậy. Và, tôi đã nghĩ tới quả lựu đạn cuối cùng bên thắt lưng, mà sao không kéo ra nổi! Bỗng tiếng Su thốt lên to hơn! Tôi bò tới hỏi: “Có sao không?”. Su nói như còn rất tỉnh: “Tao hết đạn rồi!”. Hóa ra cậu ta đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng! Su tiếp tục: “Nhớ về nói bà già tao chết rồi! Tao thăm thầy cô!”. “Sao mà chết được?”. Không thấy Su nói nữa! Vừa lúc đó một bóng đen bò tới ?! Tôi nghĩ là địch? Nhưng không, hóa ra lại là Kỳ. Kỳ vội băng bó cho Su và giục tôi lấy tay trái bóp chặt cổ tay phải để hạn chế máu chảy! Su bị thương đầy người, nặng nhất là ở đầu. Su không nói gì nữa! “Chết rồi!”- Kỳ nói giọng yếu ớt như hết lượng ô-xi trong phổi. Kỳ quay lại ga-rô cho tôi và động viên tôi yên tâm! Tôi cố sờ vào người Su xem còn sống hay không! Kỳ lay Su mấy nhịp và gọi bạn lần nữa, nhưng đã hết hy vọng! “Đi rồi!”- Kỳ buông câu buồn thắt ruột! Kỳ gom tất cả 6 tử sĩ vào một chỗ rồi lấy tăng che kín. Sau đó thu toàn bộ súng đạn giấu vào một chỗ rồi dìu tôi lên dốc để kịp về hầm. Kỳ nói: “Tụi địch nó biết mình đi chôn tử sĩ nên phục kích mà. Mình chủ quan quá!”. Kỳ đã lấy hết sức mình để giải quyết hậu quả cho tình huống xảy ra, mặc dù anh cũng bị thương đầy người! Tôi nấc lên vì thương đồng đội, nhất là Su. Phải chẳng Su linh cảm trước điều xảy ra mà làm bài thơ “Vĩnh biệt”?

Tôi được đưa vào một căn hầm có ba đồng đội. Họ chăm sóc cho tôi hết sức nhiệt tình. Động viên tôi bằng những lời yêu thương, mà có lẽ chỉ có ở lính chiến trường. Họ dành cho tôi chỗ nằm, chăm sóc cho tôi từng vết thương. Trời mưa như trút nước. Những giọt nước ngấm qua nóc hầm rớt xuống thân thể lạnh như băng. Tôi thiếp đi khi nghe lờ mờ những âm thanh bàn tán: “Vết ở đùi, ở lưng là tiểu liên cực nhanh, vết ở tai, ở tay là M79…”. Và, sáng sớm hôm sau tôi được đưa đến trạm dã chiến quân y của tiểu đoàn. Ngày hôm sau thì ra phẫu trung đoàn ở hậu cứ. Tại đây tôi gặp lại Lê Đức Tâm- anh lính Việt Nam Cộng hòa bị chính chúng tôi bắt vào chiều ngày 2 tháng 9 năm 1972. Tâm bị thương vào chân. Cũng từ đây tôi và Tâm trở thành “đôi bạn hai bên chiến tuyến” với những kỷ niệm biết bao ngậm ngùi!

Sau này tôi có gặp một vài đồng đội, họ kể rằng: Khi biết tin Su hi sinh, đồng đội ai cũng khóc. Mọi người nhắc lại những kỉ niệm với Su- những câu chuyện hài hước mà sâu sắc. Su cũng là một tay súng “điểm xạ” (giữ cò súng để chỉ cho 2 viên đạn bay ra khỏi nòng, khi đó ta nghe thấy hai tiếng “tằng tằng”) số 1, được trung đội trưởng khen hết lời! Ở Su luôn là niềm lạc quan yêu đời, vô tư nhưng cũng thật dũng cảm trong  chiến đấu. Câu nói của Su mà tôi nhớ mãi: “Lính là chỉ có đánh nhau!”. Cho nên Su rất “sợ” không được trực tiếp cầm súng ra trận! Tôi lại có chút “tính toán”: “Giá như hôm ấy Su không xung phong đi mà ở lại chôn cất đồng đội thì chắc gì đã chết?”.

Khi vận tải cáng tôi ra phẫu trung đoàn vào một buổi chiều, đi qua nơi xảy ra trận chiến hôm trước. Tôi nhìn thấy những tên lính địch chết trên miệng hố bom, có tên tay còn đeo đồng hồ SK to tướng. Tử sĩ của mình đã được đưa đi chôn cất. Tôi bỗng khóc òa, gọi tên Su, anh Đa, Sơn, Tưởng… “Im mồm! Muốn chết hả!”. Mấy chục năm sau tôi mới biết người nói câu này chính là Đào Minh Tuấn hôm đó cùng đồng đội cáng tôi ra. Tuấn còn kể: Trận các ông bị địch phục kích cả tiểu đoàn biết. Địch chết hơn chục thằng, bị thương bao nhiêu thì không biết. Ông Đa bị bắn trúng đầu. Su bị vào mang tai. Những người khác đều dính đạn thẳng và mảnh cối cá nhân...

*

Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới có dịp trở về thăm trường cũ. Các thầy cô cũ chuyển đi gần hết. Tôi gặp cô Kháng (dạy Sinh), thầy Sinh (dạy Lý), Thầy Giá (dạy Văn) và tôi đã kể về câu chuyện hy sinh anh dũng của Đàm Văn Su nơi chiến trường đỏ lửa. Nghe xong, thầy cô ai cũng nhòa nước mắt. Rồi tôi tìm về nhà Su ở xã Phú Lạc. Tôi gặp lại Mục là em trai của Su. Tôi biết Mục từ hồi em về thăm anh trai khi đang huấn luyện ở Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 304B. Thương nhất là mẹ Su. Mẹ già hom hem trong bộ áo chàm nói tiếng Kinh không sõi: “Bảo cái thằng nó đã đến tuổi đâu mà cứ đòi đi bộ đội. Nó bảo, đàn bà còn đi đánh giặc huống hồ thanh niên, rồi nó dặn đi dặn lại ở nhà giữ sách vở cho nó để nay mai nó về học tiếp…”. Bà mẹ người Tày, nhớ đâu nói đấy. Mẹ khô héo như chiếc lá khô khi cục máu của mình đã hi sinh nơi chiến trường! Tôi đứng trước bàn thờ có tấm di ảnh của Su mà dâng trào nước mắt! Su như vẫn bên tôi, với nụ cười thân thiết! Tôi thắp lên nén hương thơm nói lời rưng rưng, quặn thắt trong ruột gan: “Su ơi, đất nước giải phóng rồi, mình đã về thăm Mẹ …”. Bà mẹ người Tày ôm tôi khóc, như ôm con trai mình! Tôi xúc động và nghẹn ngào đứng không vững đến mức Mục phải dìu ngồi xuống giường!

Đàm Văn Su - người bạn chiến đấu của tôi, tham gia bao trận đánh, bao lần bị thương mà không chịu chuyển ra tuyến sau, quyết xin ở lại cùng đồng đội giữ chốt nơi chiến trường ác liệt! “Ôi, những người bạn anh hùng!”. Tôi sẽ mãi mãi gọi đồng đội của mình như thế!

Quảng Trị - Thái Nguyên- Biên Hòa, 

tháng 7 năm 2003

Kí. Đào Sỹ Quang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước