Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:41 (GMT +7)

Dọn lòng đón năm mới bình an

Thương Sài Gòn là thương ai!

Cách đây gần hai mươi năm, khi đặt chân đến Thành phố mang tên Bác (người dân hay gọi theo tên cũ là Sài Gòn), tôi và rất nhiều bạn bè đã nghĩ: mình đến đây để học đại học sau đó sẽ về quê. Ra trường chúng tôi lại nghĩ mình ráng ở lại kiếm tiền vài năm sau đó sẽ về. Rồi tôi, bạn bè tôi và rất nhiều người khác, cứ thế ở lại Sài Gòn mua đất, cất nhà, sinh cơ lập nghiệp rồi sinh con đẻ cái, con cái lại lớn lên…

Sài Gòn trước hết là thành phố dễ mưu sinh - nơi có nền kinh tế sôi động nhất cả nước. Người dân khắp mọi miền đất nước tụ về. Ở đây tất cả các món ăn đều là đặc sản của một vùng miền nào đó. Thật khó để trả lời đặc sản của Sài Gòn là gì.

Sài Gòn với những người dân tất tả mưu sinh

Sài Gòn đã đi qua đỉnh dịch COVID-19. Nương tựa sài Gòn, định cư Sài Gòn rất nhiều năm mà tôi không khỏi giật mình khi nhận ra mình chẳng biết được gì nhiều về Sài Gòn cả. Mỗi người gắn với những con đường quen thuộc, những gương mặt, môi trường quen thuộc. Dõi theo những bước chân của bộ đội phát gói an sinh cho người dân mới biết Sài Gòn có những xóm lao động nghèo xơ nghèo xác.

Thương Sài Gòn là thương những thân phận gắn với những xóm trọ chật hẹp vách tôn tạm bợ, thương những người kẹt giữa ở và đi.

Một Sài Gòn đau thương và giàu tình cảm trong đại dịch

Sài Gòn có lẽ là nơi gánh tổn thất nặng nề nhất cả nước trong đợt dịch vừa qua. Giữa những ngày thành phố lockdown, nhiễu loạn thông tin về vaccine và phác đồ điều trị, lương thực dự trữ khan hiếm, bệnh viện quá tải... Lúc dịch bệnh nghẹt thở, là lúc xóm giềng đùm bọc san sẻ cho nhau từng cọng hành, gói bột mì. Đó là một nhà báo mỗi ngày nấu hàng trăm suất thức ăn gởi tặng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Là những hội nhóm được thành lập giúp người dân trụ lại Sài Gòn. Là những phần rau, phần gạo được đặt trước cửa nhà miễn phí. Bác sĩ ngủ ngồi canh từng hơi thở cho bệnh nhân. Nhiều cánh tay chìa ra, dìu nhau đi qua đại dịch. Sài Gòn vẫn là thành phố đóng góp nhiều nhất cả nước cho quỹ vaccine!

Sau đỉnh dịch. Sài Gòn mở cửa trở lại, những hân hoan chưa kịp cất lời đã chùng xuống bởi nỗi đau “những người không thể bước tiếp hôm nay” trong lòng người ở lại. Những ai đã từng đi qua nỗi đau mất người thân mới hiểu được kể từ lúc đó không bao giờ họ có thêm một niềm vui trọn vẹn. Hình ảnh người dân quỳ lạy trên đường về quê, những đoàn xe tháo chạy khỏi Sài Gòn vẫn còn lưu lại trong tâm trí người dân cả nước.

Nếu đã quen với một Sài Gòn hối hả, kẹt xe hàng giờ đồng hồ thì cảm giác đứng giữa đường phố không một bóng người thật đáng sợ. Tiếng còi xe cứu thương hú hét ám ảnh suốt đêm. Thời điểm đó trên mạng xã hội thi thoảng lại thấy trong list bạn bè có người đổi hình đại diện màu đen, những người lạc quan nhất cũng có lúc khủng hoảng tinh thần. Sài Gòn là thành phố hòa hợp và tụ hội. Những người nằm xuống là đồng bào ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Cả nước đau nỗi đau chung của Sài Gòn.

Hàng quán đóng cửa, nhiều công ty phá sản, người Sài Gòn thèm biết bao những thói quen thường nhật bình yên ngày trước. Lời hẹn “bao giờ hết dịch” được nhắc đến nhiều nhất.

Thận trọng khi thành phố mở cửa trở lại

Tôi nhớ mãi cảm xúc lúc khu phố tôi gỡ hàng rào. Bà con trong khu phố vỗ tay reo hò. Hàng rào được kéo đi, anh cảnh sát khu vực nhắc nhở bà con tuân thủ 5K, dịch vẫn còn dài. Quả thật lúc đó dẫu rất muốn được ra đường, mong được đi thăm người thân, đồng nghiệp, bạn bè, thèm một ly cà phê đá vỉa hè, một bát bún bò Huế quán quen nhưng lòng bỗng chùng xuống. Tự nhắc mình thật thận trọng dù rất mong cuộc sống trở lại bình thường.

Thành phố vắng vẻ đi nhiều, hàng quán đóng cửa, chợ búa thưa thớt. Những người bán hàng quen lâu nay thật khó để tìm lại họ ở góc chợ quen.

Ca nhiễm và ca trở nặng tại Sài Gòn bắt đầu giảm mạnh, những tín hiệu tích cực khiến người dân Sài Gòn yên tâm thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”, hàng quán mở cửa, những người lao động về quê tránh dịch cũng bắt đầu quay trở lại. Nhiều người dẫn con cháu đến Thảo Cầm Viên để ủng hộ và thăm bách thú vì trong thời gian dịch bệnh nhiều thông tin Thảo Cầm Viên không có nguồn thu để chăm sóc tốt cho thú nuôi.

Đường sách Nguyễn Văn Bình là không gian văn hóa của nhiều sự kiện và điểm hẹn của nhiều người dân Sài Gòn cũng bắt đầu mở cửa đón khách. Dưới vòm me tây xanh mát bên cạnh nhà thờ Đức Bà, nhiều bạn trẻ đi dạo, chụp hình check in. Nhiều gia đình dẫn theo trẻ nhỏ đi chơi, mua vài cuốn sách để “giải độc công nghệ” suốt những ngày thành phố cách ly. Khẩu trang, nước xịt khuẩn là những vật dụng không thể thiếu trong những buổi hẹn hò.

Đường sách Nguyễn Văn Bình

Khép lại một năm nhiều biến động

Sài Gòn đã đi qua những ngày đau thương, vẫn còn đó nỗi đau về những người không thể cùng bước tiếp hôm nay nhưng không thể cứ mãi nhìn về những nỗi đau để mà rầu rĩ. Sài Gòn năng động và sôi động, Sài Gòn dễ sống lắm, Sài Gòn luôn có những bàn tay chìa ra san sẻ nỗi đau. Thành phố mở cửa, trạng thái bình thường mới rồi sẽ bình thường. Đi qua trận dịch khủng khiếp mới thấy trân trọng những ngày bình thường đều đều biết mấy. Những buổi chiều chở con ra công viên dạo mát, đi thả diều ven bờ kè sông Sài Gòn, những tấm nilon trải trên vỉa hè của đám bạn trẻ túm tụm sau giờ tan học ăn xiên trứng cút, xúc xích, bịch bánh tráng trộn là hình ảnh quen thuộc và bình yên sau ngày dài tất tả của người dân Thành phố.

2021 là một năm nhiều biến động của toàn thế giới chứ không chỉ Sài Gòn. Toàn nhân loại chống chọi với dịch bệnh, thật may mắn vì sài Gòn nói riêng cả nước nói chung đã tiêm phủ vaccine. Đội ngũ y tế, người dân đã bình tĩnh và nhiều kinh nghiệm điều trị khi đối mặt với F0. Trong thời gian cách ly nhiều người chia sẻ với nhau cách trồng giá đỗ, trồng rau trên sân thượng, tiết kiệm gas, lương thực, tập thở, tập thể dục nâng cao sức khỏe.

Nhiều người lạc quan còn cho rằng thời gian cách ly là khoảng lặng hiếm hoi khiến mọi người sống chậm lại, nhìn nhận vai trò của thiên nhiên, nghĩ đến cân bằng hệ sinh thái. Nhiều dự án trồng rừng bắt đầu từ việc mỗi người góp một cây xanh.

Khép lại một năm nhiều mất mát, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng người dân thành phố hy vọng một năm mới bình an, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Khi đó trẻ em được đến trường, thầy cô giáo được đứng trên bục giảng. Cha mẹ quay lại công việc thường nhật.

Những hình ảnh quen thuộc của phố phường mỗi khi chiều về

Và lạc quan đón Tết

Bánh xe của thời gian không thể đảo chiều, thời gian vẫn chảy trôi, một năm mới lại đến. Sài Gòn như bà mẹ đông con, cưu mang nhiều phận người tứ xứ. Tết ở Sài Gòn bao giờ cũng vắng vẻ hơn ngày thường bởi rất nhiều người trở về đoàn tụ với gia đình.

Sài Gòn xôn xao nhất là những ngày giáp Tết, khi đó chợ đầu mối nhộn nhịp người bán buôn, siêu thị đông đúc người sắm sửa mua quà cho người thân ở quê nhà. Những ngày ấy trên phố người ta bắt gặp nhiều cội mai già đã được tuốt lá chi chít nụ rung rinh trên những chiếc xe tải khiến người qua đường trầm trồ, suýt xoa. Những con phố dài bày hoa cúc, hoa mào gà, cụi ngô đồng, chậu địa lan vàng rực. Những “bãi” dưa hấu, “bãi” dừa khắc vẽ hoa mai hoa đào… Đấy là những hình ảnh, thanh âm quen thuộc của những ngày thành phố chuẩn bị bước vào một kỳ nghỉ dài nhất năm lấy sức cho một năm mới mê say, hào sảng.

Những chậu mai đang chờ người rước về nhà đón Tết.

Sài Gòn những ngày cuối năm nay phố không chăng đèn hoa như nhiều năm trước. Thành phố cũng không bắn pháo hoa vào dịp Tết dương lịch nhưng nhiều gia đình, bạn trẻ vẫn rủ nhau đến những địa điểm quen thuộc để đón năm mới. Người Sài Gòn cởi mở, đón năm mới bằng cách cùng nhau đứng trên cầu Thủ Thiêm lộng gió nhìn mọi người nói cười, cùng nhau đếm ngược để bắt đầu thời khắc của một năm đầy hi vọng. Trong số họ có những người nhà cao cửa rộng, nhưng cũng có những người sau thời khắc giao thừa lại trở về xóm trọ tồi tàn.

Năm nay nhiều người không về quê ăn Tết, năm nay nhiều người không trở lại Sài Gòn. Nhưng dù thế nào thì những chậu mai cũng sẽ bung nở những cánh vàng tươi, sẽ đón Tết cổ truyền bằng tất cả những gì rực rỡ.

Người Việt mình cả nghĩ, nhưng người Việt mình cũng rất lạc quan, năm mới người ta kiêng nhắc đến chuyện buồn năm cũ. Tờ lịch mới đợi ngày đầu xuân, công việc mới đợi người lao động, đồng phục mới của con chờ ngày đến lớp. Người Sài Gòn sẽ dọn lại lòng mình để đón một năm mới bình an.

Bài. Hoàng Hiền - Ảnh. Thái Học Sinh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước