Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:20 (GMT +7)

Đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động

VNTN - Vừa qua, tại thành phố Sông Công, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã có buổi đối thoại với gần 400 công nhân trên địa bàn. Nhiều băn khoăn, trăn trở của người lao động đã được tháo gỡ.


Mở đầu buổi đối thoại, đồng chí Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: muốn người lao động thẳng thắn, cởi mở, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Đồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành lắng nghe và trả lời có trách nhiệm các câu hỏi của người lao động liên quan đến lĩnh vực, ngành mình phụ trách, để cùng giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: những năm qua, Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Đạt được những thành quả đó, có sự đóng góp tích cực của đội ngũ những người lao động trên địa bàn tỉnh.

Người đầu tiên nêu câu hỏi là chị Dương Thị Hồng Vân, Công ty CP may xuất khẩu SilHan. Chị cho biết: năm 2017, tỉnh đã có nguồn vốn dành cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, đời sống của người lao động được cải thiện. Vậy năm nay, tỉnh có tiếp tục bố trí nguồn vốn cho vay này nữa không? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, tỉnh vẫn tiếp tục dành nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng được ủy thác cho Ngân hàng chính sách dành cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Huy, công nhân

Công ty TNHH Young Jin Hitech Việt Nam tại buổi đối thoại

Chị Phạm Thị Phương, Nhà máy thép Trường Sơn chia sẻ: Hiện nay, trong các khu công nghiệp có rất đông lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Phần đông chị em đều ở trọ tập trung quanh khu vực công ty. Tuy nhiên trên địa bàn có rất ít nhà trẻ (kể cả công lập và dân lập) nên chị em đều phải thuê gửi giữ trẻ với giá cao và không đảm bảo. Vậy đề nghị tỉnh sớm có giải pháp xây thêm trường mầm non để người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống.

Để giải đáp băn khoăn này của người lao động, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: hiện nay trên địa bàn có 6 khu công nghiệp với trên 100.000 lao động, nhu cầu gửi trẻ đông, tình trạng quá tải đang diễn ra, tỉnh đã xây dựng đề án và quy hoạch phát triển giáo dục trong đó dự kiến xây dựng 13 trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh. Tại thị xã Phổ Yên, TP Sông Công sẽ thành lập thêm các trường mầm non tư thục, thành lập các nhóm lớp, điểm trường lẻ tại các nhà máy. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các khu công nghiệp quy hoạch, xây dựng các thiết chế giáo dục tại các khu công nghiệp; ưu tiên nguồn lực xây dựng, mở rộng các trường mầm non tại các khu công nghiệp; huy động nguồn lực xây dựng trường mầm non tư thục… từng bước góp phần giảm tải đối với hệ thống trường mầm non.

Anh Nguyễn Văn Huy, công nhân Công ty TNHH Young Jin Hitech Việt Nam bày tỏ: hiện nay nhu cầu đi lại bằng phương tiện xe bus từ khu công nghiệp Yên Bình, khu công nghiệp Điềm Thụy và các điểm tập trung nhiều công nhân đi các nơi tăng cao, đề nghị tỉnh nghiên cứu chủ trương mở thêm nhiều tuyến xe bus để người lao động đi lại được thuận lợi. Trả lời nội dung này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện toàn tỉnh có 10 tuyến xe bus đang hoạt động trong đó có 3 tuyến qua khu công nghiệp Yên Bình. Sở Giao thông Vận tải đã và đang trao đổi với các đơn vị vận tải tăng tần suất tuyến; chuyển một số luồng tuyến lượng khách ít sang luồng tuyến có lượng khách cao, bổ sung tuyến đến trung tâm một số xã chưa có tuyến xe bus; bổ sung điểm dừng trả đón khách đối với một số tuyến chạy qua khu công nghiệp Điềm Thụy.

Chị Vũ Bích Hà, công nhân công ty TNHH Mani Hà Nội đặt câu hỏi: Hiện nay, công tác kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và các loại hàng hóa, thực phẩm bầy bán tại các khu chợ cóc, chợ tự phát gần cổng ra vào các nhà máy hoặc nơi tập trung đông người lao động chưa được thực hiện thường xuyên, vấn đề này người lao động rất quan tâm, lo lắng. Vậy chính quyền đã có giải pháp gì để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại các địa điểm này, đồng thời có khuyến cáo gì đối với người lao động?

Lãnh đạo Sở Y tế giải đáp qua việc cung cấp thông tin. Trong năm qua, ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra 63 cơ sở, giám sát 205 mẫu, qua kiểm tra các bếp ăn tại khu công nghiệp đạt 100% yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Hiện nay, việc quản lý bán hàng tại một số điểm trước các công ty mặc dù đã được phân cấp, song công tác quản lý chưa đem lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, đề nghị người lao động cần chủ động nâng cao kiến thức về ATTP hơn nữa.

Vẫn là người lao động của Công ty TNHH Mani Hà Nội - chị Trần Thị Minh Phương, trăn trở về vấn đề an toàn cho người lao động. Chị cho biết, thời gian qua có nhiều công nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) trong khi đi làm hoặc đi làm về, do sử dụng phương tiện xe máy. Chị đặt câu hỏi: Khi xảy ra tai nạn giao thông, người lao động phải làm những thủ tục gì để được coi là tai nạn lao động?

Trả lời câu hỏi này lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: người lao động phải chứng minh được TNGT xảy ra trên tuyến đường và thời gian phù hợp với quá trình đi làm của người bị nạn. Sau đó, gia đình người bị nạn phối hợp với đơn vị sử dụng lao động đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục để công nhận TNGT là tai nạn lao động. Khi đó, đơn vị sử dụng lao động và bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết các chính sách cho người lao động được hưởng theo quy định. Ngoài ra, tại cuộc đối thoại lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách người lao động hợp đồng 68; người lao động nghỉ theo dạng tinh giản biên chế; việc xây dựng nhà ở xã hội; việc quản lý an ninh trật tự tại các điểm tập trung đông người lao động…

Sau khi lắng nghe ý kiến của công nhân và phần trả lời của các sở, ban, ngành, đồng chí Vũ Hồng Bắc đã yêu cầu: Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng lập kế hoạch, đề xuất phương án bố trí tuyến xe buýt qua Khu công nghiệp Điềm Thụy; Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn theo kế hoạch của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; UBND T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công có phương án xử lý dứt điểm tình trạng họp chợ lấn chiếm lề đường, mất an ninh trật tự quanh một số công ty; Điện lực Thái Nguyên hướng dẫn cụ thể để công nhân được sử dụng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước; Sở Giáo dục - Đào tạo rà soát và đề xuất phương án giảm tải tại các trường mầm non tại khu vực đông công nhân; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người lao động không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm để được công nhận TNGT là TNLĐ…

Đây là lần thứ hai đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với công nhân lao động. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng người lao động, những tâm tư, nguyện vọng của họ đã được lắng nghe và những kiến nghị, đề xuất hợp lí hợp pháp đã được giải đáp, có phương án khắc phục trong thời gian tới.

Nhân dịp này, đồng chí Vũ Hồng Bắc đã đi thăm Khu nhà trọ tự quản công nhân tại tổ dân phố Làng Mới, phường Bách Quang (T.P Sông Công); UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng số tiền xây dựng 2 ngôi nhà Mái ấm Công đoàn (30 triệu đồng/nhà); tặng 20 suất quà cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Mạnh Thắng - Khánh Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy