Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:07 (GMT +7)

Đổi thay từ Nghị quyết

VNTN- Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ có trên 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Một số xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao (trên dưới 70%) như xã Tân Long, Tân Lợi, Văn Lăng, Nam Hòa và Hợp Tiến. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng một điều dễ nhận thấy là trong vài năm trở lại đây, “diện mạo” xóm thôn trong vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến đáng kể.

Trong 2 năm trở lại đây, đời sống của đồng bào DTTS ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt
Trong 2 năm trở lại đây, đời sống của đồng bào DTTS ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt

Ngay sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 04) được ban hành, việc triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết trên địa bàn đã được cấp uỷ, chính quyền huyện triển khai thực hiện theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Việc tổ chức quán triệt, triển khai học tập các nội dung của Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dân tộc.

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04, UBND huyện đã triển khai, ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Song song với đó, Đồng Hỷ đã đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; thường xuyên rà soát kịp thời để củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực người DTTS đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ, chất lượng theo quy định.

Chính quyền các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Trong đó trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh....

Hệ thống đường giao thông của nhiều xóm, bản vùng đồng bào DTTDS trên địa bàn huyện được cải tạo, nâng cấp giúp việc đi lại, giao thương của bà con ngày càng thuận tiện hơn
Hệ thống đường giao thông của nhiều xóm, bản vùng đồng bào DTTDS trên địa bàn huyện được cải tạo, nâng cấp giúp việc đi lại, giao thương của bà con ngày càng thuận tiện hơn. Ảnh: Đường  giao thông nông thôn thuộc xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ

Huyện Đồng Hỷ đã tập trung các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, chính sách về giáo dục, bảo hiểm y tế và tín dụng cho các đối tượng chính sách, hộ DTTS nghèo; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn giới thiệu việc làm cho đồng bào các dân tộc. 

Nhờ vậy, đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có đường nhựa đến trung tâm xã; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 53/53 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,77% ...

Tổng nguồn vốn đầu tư công trong lĩnh vực này 2 năm qua ở Đồng Hỷ là trên 216 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành xây dựng 95,3km đường bê tông nông thôn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thực hiện các công trình, dự án; tiếp tục triển khai thi công các công trình dự án, khu dân cư, khu đô thị; triển khai xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông trọng điểm. Trong 2 năm 2021 và 2022 tổng số công trình mới của huyện là 53 công trình.

Hạ tầng được cải tạo và nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và sản xuất nông nghiệp. Đi đôi với đó hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện, trụ sở làm việc các xã, thị trấn, nhà văn hóa xóm, các công trình phúc lợi công cộng cũng được đầu tư, nâng cấp thường xuyên.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục có những dấu ấn đáng ghi nhận. Thông qua chương trình, bộ mặt nông thôn và các lĩnh vực của đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS đều có sự chuyển biến tích cực, tạo được lòng tin của nhân dân đối với công cuộc xây dựng NTM.

Trong 2 năm, Đồng Hỷ đã xây dựng xã Tân Long đạt chuẩn NTM. 2 xã Văn Hán và Hóa Trung đạt NTM nâng cao, xã Minh Lập đạt NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt NTM trên địa bàn huyện lên 12/13 xã. 

Để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thì việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được huyện tập trung chỉ đạo.

Nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án nhiều vùng trồng chè của bà con vùng DTTS ở huyện Đồng HỶ đã được hỗ trợ trang bj hế thống tưới tự động, góp phần tăng năng suất cây trồng
Nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án nhiều vùng trồng chè của bà con vùng DTTS ở huyện Đồng Hỷ đã được hỗ trợ trang bị hế thống tưới tự động, góp phần tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Vùng chè tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ.

Coi trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững, huyện đã tập trung duy trì, phát triển diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP tại các xã Hòa Bình, Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu. Đến nay tổng  diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP trên toàn huyện đạt 568,5 ha.

Tận dụng sự phát triển của công nghệ số, huyện đã ứng dụng vào việc thực hiện công tác quảng bá sản phẩm chè thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, đăng ký sản lượng trên các trang Website, hệ thống thông tin điện tử của Trung tâm xúc tiến thương mại Sở Công thương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh để giới thiệu sản phẩm nhằm tìm kiếm thị trường và quảng bá, phát triển thương hiệu chè huyện Đồng Hỷ. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có thêm thị trường mới, việc giao thương của bà con cũng vì thế mà dễ dàng hơn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua không chỉ các dự án đầu tư phát triển kinh tế đem lại hiệu quả thiết thực mà chất lượng giáo dục, đào tạo cũng được nâng lên. Số lượng, chất lương, mạng lưới trường lớp ở Đồng Hỷ được mở rộng về cả số lượng, nâng cao chất lượng và loại hình.

Đến năm 2022, trường Mầm non Vân Hán được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đánh dấu mốc 100% trường đạt chuẩn (không tính 02 trường mầm non tư thục). Trong đó có 18/53 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chiếm 34%. Huyện cũng duy trì, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ mức độ 2. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm thực hiện đạt được kết quả rõ rệt.

Trong lĩnh vực Y tế, huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số, giảm tỷ lệ trẻ em từ 5 tuổi trở xuống suy dinh dưỡng xuống còn 9,9%, bằng 100,0% kế hoạch; giảm tỷ suất sinh thô đạt 100% kế hoạch; duy trì và giữ vững 100% các xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020)...

Đời sống vật chất được cải thiện song song với đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS cũng ngày càng được chăm lo. Với việc năm 2022 được UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích đình Tân Đô, xã Hoà Bình, đã nâng tổng số di sản văn hoá vật thể được Nhà nước công nhận xếp hạng trên địa bàn huyện lên 12 di tích.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai sâu rộng, năm 2022, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 92,91%, 132/143 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, 102/113 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thường xuyên được đầu tư, nâng cấp đồng bộ… trong 2 năm, toàn huyện xây mới 10 nhà văn hoá xóm, nâng tổng số nhà văn hoá xóm đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 99/142 nhà.

Những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội qua 2 năm thực hiện Nghị quyết là những dấu ấn rõ nét. Trong thời gian tới, Đồng Hỷ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và các Đề án: “Phát triển nông nghiệp huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, “Xây dựng huyện Đồng Hỷ đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022-2025”, “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị văn hóa, danh thắng gắn với phát triển làng nghề để phát triển du lịch huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của từng vùng đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy