Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:29 (GMT +7)

Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử

Hướng tới Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (23/5/2021)


Tiếp xúc cử tri là hoạt động quan trọng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, được cử tri đánh giá cao về hiệu quả, chất lượng, cũng như năng lực và trách nhiệm của mỗi đại biểu nhân dân.


Đẩy mạnh tiếp xúc cử tri theo chuyên đề

33 ý kiến, kiến nghị được tổng hợp bằng văn bản và 5 ý kiến trực tiếp tại hội trường đều được lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan trả lời, làm rõ ngay tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh với cử tri ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thái Nguyên, được tổ chức vào giữa năm 2018. Dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và hiệu quả là những gì đọng lại trước sự đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải (áo vets đứng giữa) - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trong lần tiếp xúc cử tri xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Cử tri Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên nói: “Tôi thấy có rất nhiều sự đổi mới. Đó là chúng tôi được trực tiếp bày tỏ tâm tư nguyện vọng về những việc cụ thể, gắn với lĩnh vực công tác; đồng thời lại được các cấp lãnh đạo, trực tiếp là Đoàn ĐBQH, HĐND và các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Thái Nguyên lắng nghe, trả lời. Nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập đã được làm rõ hoặc giải quyết ngay tại hội nghị. Nhiều nội dung có định hướng và lộ trình giải quyết rõ ràng. Chúng tôi rất phấn khởi và hài lòng đối với cách thức tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề như thế này.”

Cử tri Nguyễn Thị Quốc Hòa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên cho biết: “Tại hội nghị, tôi có 3 ý kiến đề xuất. Trong đó, ý kiến liên quan đến việc chuyển giao vị trí và cơ sở vật chất của trường THPT Chuyên (trước đây) cho trường THCS Chu Văn An đã được lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu. Chúng tôi cũng mong rằng, qua hội nghị này sẽ góp phần có thêm những tiếng nói của cử tri ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên tới nghị trường Quốc hội và các diễn đàn của HĐND tỉnh, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp để giáo dục - đào tạo có những thay đổi tích cực trong giai đoạn mới này. Đó là khi mà chúng ta đang thực hiện chương trình đổi mới giáo dục và trước những đòi hỏi của việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng”.

Hội nghị giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh

Thực tế, ngay sau hội nghị này, gần 40 nội dung được cử tri ngành GD&ĐT phản ánh, kiến nghị đã nhanh chóng được các cấp, ngành của tỉnh xem xét giải quyết. Đơn cử, là chỉ sau gần 5 tháng kể từ hội nghị này, ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện tinh gọn bộ máy ngành GD&ĐT đã được các đại biểu HĐND tỉnh tiếp nhận và đưa ra thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ tại kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, được tổ chức vào tháng 12 năm 2018. Trên cơ sở rà soát, nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp của các cơ quan chuyên môn, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2019”. “Tinh gọn bộ máy là yêu cầu bức thiết, tuy nhiên đối với ngành GD&ĐT có đặc thù riêng, nhất là đối với Thái Nguyên, nơi đang có tốc độ đô thị hóa cao, các trường học tại khu vực đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp thường xuyên quá tải học sinh. Bởi vậy, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời và là chính sách đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, mà ít địa phương có được. Nghị quyết được ban hành hàng năm đã giúp ngành GD&ĐT giải quyết được những khó khăn bước đầu trong đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên, cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục trên địa bàn” - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Tiếp xúc chuyên đề với cử tri ngành GD&ĐT chỉ là 1 trong tổng số 13 hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề đã được Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phối hợp với HĐND tỉnh và Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. 13 hội nghị là 13 nhóm cử tri khác nhau về địa bàn và lĩnh vực công tác, gồm: cử tri là cán bộ, viên chức, người lao động, cán bộ công đoàn trên địa bàn; cử tri là đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cử tri ngành tài nguyên và môi trường; cử tri là công nhân Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; cử tri là cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh; cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh,… Tuy nhiên, điều tựu chung lại sau các buổi tiếp xúc là tinh thần cầu thị, thẳng thắn và hiệu quả.

Bên lề Hội nghị tiếp xúc chuyên đề với cử tri là cán bộ, viên chức, người lao động, cán bộ công đoàn trên địa bàn, cử tri Trần Văn Lâm, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Thép Trường Sơn phấn khởi nói: “Trước đây, các buổi tiếp xúc cử tri thường mời các đại cử tri, tức là mang tính đại diện cho các ngành, lĩnh vực, hay cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiệm kỳ này, cử tri chúng tôi được tiếp xúc theo chuyên đề với các đối tượng cử tri cụ thể. Nói cách khác là cử tri ở cấp cơ sở, thuộc một ngành, lĩnh vực đều được mời tới tham dự để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Thực tế, nhiều ý kiến, nguyện vọng chính đáng đã được tiếp thu, giải đáp ngay tại hội nghị. Tôi mong muốn có nhiều hơn những cuộc tiếp xúc như thế này”.

Gắn tiếp xúc với đối thoại

Thực tế trước đây, có những thời điểm, tại các buổi tiếp xúc, cử tri phát biểu rất nhiều ý kiến liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc thẩm quyền trả lời, giải quyết của nhiều cấp, ngành. Ở chức năng, quyền hạn của mình, đại biểu mới dừng lại ở việc ghi nhận, chưa thể giải thích thỏa đáng cho người dân, hiệu quả của các buổi tiếp xúc vì thế cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động tiếp xúc cử tri đã được cải tiến. Không chỉ tăng cường tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, tiếp xúc cử tri ở cơ sở, tại nơi công tác mà hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ này còn gắn liền với hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương được mời trực tiếp tham gia để cùng cử tri giải quyết những vấn đề quan tâm. Việc lựa chọn địa điểm, đối tượng tiếp xúc, đối thoại cũng được Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND tỉnh thực hiện chu đáo, chặt chẽ. Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên trao đổi: “Căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp của Quốc hội, kỳ họp của HĐND tỉnh, chúng tôi tổ chức rà soát, lựa chọn đối tượng, địa bàn, khu vực cử tri để tổ chức tiếp xúc, đối thoại. Đây phải là những địa phương, khu vực có nhiều vấn đề, thậm chí là vấn đề “nóng” được cử tri phản ánh, liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như: tài nguyên môi trường, cải cách hành chính, các chính sách an sinh, xã hội,… Tôi cho rằng, việc lựa chọn đúng đối tượng, địa điểm tiếp xúc, đối thoại đã góp phần giải quyết trúng vấn đề mà cử tri đang quan tâm, qua đó nâng cao hiệu quả của các buổi tiếp xúc, đối thoại”.

Có mặt tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cử tri thành phố Thái Nguyên, cử tri Nguyễn Văn Bền, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Thay mặt cho cử tri ở địa phương, tôi phát biểu hai nội dung. Một là, đề nghị có giải pháp đối với một số công trình xây dựng trái phép trên địa bàn; và hai là, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đường Bắc Sơn kéo dài. Thay mặt lãnh đạo phường, đồng chí Chủ tịch UBND phường đã tiếp thu, xác minh vấn đề cử tri phản ánh về tình trạng xây dựng trái phép là đúng và đã cam kết xử lý nghiêm. Đối với nội dung thứ hai, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin tiến độ và những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ dự án. Cử tri chúng tôi cũng nhận thấy có trách nhiệm của bản thân trong đó. Bởi vậy, sau hội nghị này, các đoàn thể của địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân vùng ảnh hưởng đồng thuận với dự án, vì sự phát triển chung của thành phố và của tỉnh”.

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ qua, các cơ quan dân cử trên địa bàn đã tổ chức được hơn 20 cuộc tiếp xúc cử tri gắn với đối thoại của cấp ủy, chính quyền địa phương với cử tri và nhân dân trên địa bàn. Đánh giá về hiệu quả của việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri gắn với đối thoại ở cơ sở, ông Bùi Văn Lương - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cũng cho rằng: “Thông qua lồng ghép việc tiếp xúc và thực hiện quy chế việc đối thoại của các cơ quan dân cử đã góp phần cho công tác tiếp xúc cử tri được cụ thể hơn; các đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri được đa dạng hơn, cử tri khi được tiếp xúc thì các ý kiến, kiến nghị của họ đều được quan tâm, giải quyết. Đặc biệt, đối với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại như thế này, nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được giải quyết triệt để hoặc được các cấp, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết”.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động tiếp xúc cử tri của các cơ quan dân cử cũng được thay đổi linh hoạt theo hình thức trực tuyến, nhằm vừa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Thường trực HĐND tỉnh khảo sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Doanh nghiệp Tư nhân Trung Thành, TP. Thái Nguyên

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

Trong nhiệm kỳ, cùng với tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc, hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được các cơ quan dân cử quan tâm, qua đó góp phần gia tăng hiệu lực thực sự của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền ở cơ sở và từng bước đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân trên địa bàn. Đối với riêng HĐND tỉnh, đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho biết: “Hoạt động này, lần đầu tiên được HĐND tỉnh lựa chọn, tổ chức giám sát chuyên đề vào năm 2017 và đã được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện thường xuyên trước mỗi kỳ họp thường lệ. Đến nay, đã giám sát được 8 cuộc, với 682 kiến nghị của cử tri”.

Theo đó, để nâng cao chất lượng giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát, giao cho Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các Ban và các Tổ đại biểu thực hiện khảo sát cụ thể tại nơi cử tri có ý kiến đối với từng kiến nghị; tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND cấp huyện để làm rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và định hướng tiến độ giải quyết tiếp theo. Đây là căn cứ quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát đối với UBND tỉnh. Kết quả giám sát cũng được báo cáo tại các kỳ họp HĐND tỉnh và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, xác định rõ thời gian, lộ trình và phương án giải quyết cụ thể đối với từng kiến nghị đang giải quyết. Đối với những kiến nghị thời gian giải quyết kéo dài, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục lựa chọn để thực hiện chất vấn tại phiên chất vấn, phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.

Còn đối với Đoàn ĐBQH tỉnh, “qua theo dõi, giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri, đến nay cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các hội nghị đều được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trả lời và được tập hợp, sao gửi văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Ủy ban MTTQ, HĐND, UBND các cấp để thông tin đến cử tri theo quy định. Đối với những nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành hoặc nội dung kiến nghị của địa phương còn chưa rõ, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục kiến nghị, trao đổi với các bộ, ngành để thống nhất và thông tin tới các bậc cử tri” - ông Hoàng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm.

Thực tế, từ sự giám sát chặt chẽ của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã góp phần đôn đốc các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực hơn để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, trong suốt nhiệm kỳ qua tổng số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đã được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét, trả lời và giải quyết đạt tỷ lệ 100%, trong đó có trên 60% tổng số ý kiến được giải quyết xong và thông tin đến cử tri. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được thực hiện theo quy định; việc phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong thực hiện giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri đã chặt chẽ hơn, qua đó góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm, những vướng mắc, bất cập liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực thi pháp luật và thực hiện nghị quyết của Quốc hội, của HĐND tỉnh, đồng thời được cử tri trong tỉnh đồng tình, đánh giá cao.

Tiếp xúc cử tri là dịp để các đại biểu dân cử “nói cho dân nghe” và “nghe dân nói” nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó ban hành những quyết sách nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho đất nước và địa phương. Bởi vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri cũng chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử và trách nhiệm mỗi đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân.

Trần Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy