Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:32 (GMT +7)

Đổi mới đồng bộ dạy – học mỹ thuật trong trường phổ thông

VNTN - Từ thực tiễn cuộc sống cùng với mục tiêu - nhiệm vụ của bộ môn Mỹ thuật trong chương trình phổ thông tổng thể, hiện nay, việc thực hiện đổi mới dạy - học mỹ thuật trong trường phổ thông ngày càng đồng bộ.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã làm sáng rõ mục tiêu của giáo dục mỹ thuật trong nhà trường: …“Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đào tạo…”.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng: phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập”.

Trong bài viết này, xin nêu một số suy nghĩ về đổi mới đồng bộ tổ chức hoạt động mỹ thuật và đánh giá học sinh trong dạy học mỹ thuật ở tiểu học theo định hướng hình thành, phát triển năng lực phẩm chất học sinh.

Tổ chức hoạt động mỹ thuật hiện nay

Mục tiêu của bộ môn Mỹ thuật là bồi dưỡng, phát triển cho học sinh năng lực thẩm mỹ, sáng tạo với các năng lực đặc thù như: quan sát, cảm thụ nghệ thuật; khám phá, thể hiện nghệ thuật; phân tích, đánh giá nghệ thuật; kế thừa, phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc phù hợp với sự phát triển và biến đổi của thời đại. Với trẻ mẫu giáo hoạt động tạo hình ngoài ý nghĩa trên, việc học mỹ thuật lại góp phần cả về phát triển thể lực - kỹ năng vận động và ngôn ngữ cho trẻ.

 

Họa sĩ - thày giáo Chu Hải Anh (Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) cùng học sinh trong giờ thực hành.

Chương trình mỹ thuật mới đã kết hợp cấu trúc tuyến tính và cấu trúc đồng tâm; mở rộng mạch kiến thức, kỹ năng thông qua nhiều hình thức (Tạo hình - Thủ công - Thiết kế - Bình luận mỹ thuật); đặc biệt tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và vận dụng mỹ thuật vào đời sống thực tế; giúp học sinh kết nối mỹ thuật với các môn học và hoạt động giáo dục khác, nhận thức sự đa dạng của mỹ thuật và mối liên hệ giữa mỹ thuật với văn hóa, với cuộc sống; tạo cơ sở cho học sinh định hướng được nghề nghiệp tương lai, cũng như chủ động tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật và hội nhập vào đời sống xã hội.

Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập, thì việc dạy - học mỹ thuật ở tiểu học cần vận dụng đa dạng các hình thức tổ chức và các phương pháp dạy - học; chú trọng thực hành, ứng dụng, gắn kết kiến thức mỹ thuật đã học với thực tế cuộc sống hàng ngày của các em.

Trong giảng dạy, giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu từng chủ đề, mức độ yêu cầu cần đạt, xác định kiến thức cốt lõi trong sách giáo khoa để thiết kế thành các hoạt động học tập theo hệ thống, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tổ chức cho học sinh học mỹ thuật cần chú ý phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hình thành kiến thức, khiến học sinh có thêm hứng thú và có niềm tin trong giờ học.

Giáo viên cần phải thực hiện đánh giá trong quá trình học, điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực học sinh như: quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện… Nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện là góp phần hình thành và phát triển dần một số năng lực: hợp tác, tự học, giải quyết vấn đề,… hay những phẩm chất: trung thực, kỷ luật, trách nhiệm, đoàn kết, yêu thương.

Như vậy, quá trình tổ chức cho học sinh hoạt động học mỹ thuật bao gồm cả hoạt động đánh giá (giáo viên đánh giá, học sinh tự nhận xét sản phẩm học tập của mình, nhận xét sản phẩm học tập của bạn) và việc đánh giá được thực hiện trong từng giờ học mỹ thuật ở tiểu học.

Nâng cao năng lực thiết kế các hoạt động dạy - học Mỹ thuật

Để các giờ học không bị nhàm chán giáo viên cần phải có năng lực thiết kế các hoạt động, cụ thể là:

Thiết kế từ nội dung chủ đề và tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Với hoạt động đánh giá học sinh, thì nên để học sinh tự nhận xét sản phẩm học tập của mình và nhận xét sản phẩm học tập của bạn. Thiết kế các hoạt động học mỹ thuật cho học sinh sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, mang lại hiệu quả. Khi thiết kế hoạt động khởi động cần nhẹ nhàng, mang tính chất vui chơi, thoải mái, nội dung hoạt động có liên quan đến học mỹ thuật.

Trong từng giờ học, với từng nội dung hay nhiệm vụ học tập, giáo viên có thể đánh giá học sinh theo các mức độ tăng dần: học sinh nhận biết được, thể hiện được và vận dụng được… là đạt yêu cầu.

Quy trình thiết kế hoạt động học mỹ thuật cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực - phẩm chất được thực hiện như việc soạn bài hàng ngày của giáo viên. Giáo viên cần xác định mục tiêu, nội dung trọng tâm của chủ đề; thiết kế mỗi nội dung học tập thành các hoạt động để học sinh có thể thực hiện được (theo cá nhân, cặp đôi, nhóm hay cả lớp), qua đó học sinh tự chiếm lĩnh nội dung kiến thức, rèn kỹ năng cần thiết. Việc thiết kế hoạt động học cần đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của giáo viên và vai trò tự giác, tích cực, độc lập của học sinh.

 

Cô giáo Đào Thị Hiếu (Trường Tiểu học Yên Lãng, huyện Đại Từ) hướng dẫn học sinh trong giờ Mỹ thuật.

Trong quá trình giáo viên thiết kế và tổ chức hoạt động học mỹ thuật cho học sinh trong từng giờ học, cần dự kiến các tình huống sư phạm nhất là trong hoạt động thực hành, chuẩn bị các phương án hướng dẫn, gợi ý với đối tượng học sinh yếu, học sinh khá. Cần làm rõ hoạt động đánh giá, để học sinh có thể tự nhận xét sản phẩm học tập của mình hay được nhận xét sản phẩm học tập của bạn và các hoạt động “học vui”.

Trong từng chủ đề, giáo viên có thể thiết kế mỗi nội dung học tập thành các hoạt động để học sinh thực hiện như: Quan sát tìm hiểu đối tượng tạo hình; Tạo sản phẩm, đặt tên cho sản phẩm; Giới thiệu sản phẩm (Nói với bạn về sản phẩm, cách làm; trả lời câu hỏi của bạn; chia sẻ kết quả với bạn; nhận xét sản phẩm của bạn,…); Báo cáo giáo viên kết quả làm việc của cá nhân, nhóm… vận dụng được gì vào cuộc sống hằng ngày.

Để góp phần giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức mỹ thuật vào thực tế cuộc sống hàng ngày, tạo hứng thú và niềm tin trong học tập, giáo viên cần chú trọng việc nêu vấn đề có liên quan đến mỹ thuật cần giải quyết trong cuộc sống hàng ngày (ăn, mặc, ở, sắp xếp góc học tập...) và giúp các em tìm tòi tự giải quyết được vấn đề, qua đó học sinh chú ý đến giờ học Mỹ thuật hơn. Việc giúp một số học sinh phát huy hết khả năng về mỹ thuật hay giúp một số học sinh khắc phục hạn chế trong học mỹ thuật, giáo viên cần chú trọng việc tích hợp với các môn học khác. Ví dụ môn toán chẳng hạn với chủ đề có liên quan đến việc nhận biết hình (hình vuông, hình tròn, hình tam giác) ở lớp 1, trùng với thời gian học sinh lớp 1 học mỹ thuật chủ đề “sáng tạo cùng hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật , hình tam giác” có thể có một số dạng bài tập như: Viết tên mỗi hình vào chỗ chấm; Tô màu vào hình/xếp, ghép hình; Nối các điểm để được hình; Chỉ ra một số các vật thật có dạng hình (tam giác/ hình vuông); Dùng tăm tre, que kem xếp hình vuông/hình chữ nhật, hình tam giác ở trên thành hình ngôi nhà; vẽ hình và tô màu vào ngôi nhà (hình 1).

Trong quá trình tổ chức hoạt động mỹ thuật và đánh giá học sinh trong giờ học mỹ thuật, để thực hiện yêu cầu “vì sự tiến bộ của học sinh”, giáo viên phải được chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong toàn bộ giờ học nói riêng và quá trình giảng dạy nói chung. Với trách nhiệm của mình, cùng với năng lực sẵn có và sự tâm huyết nghề nghiệp, yêu thương học sinh, việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và đánh giá học sinh trong tổ chức hoạt động mỹ thuật ở tiểu học sẽ giúp học sinh tiến bộ trong nhận thức thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học toàn diện.

NGUYỄN GIA BẢY

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy