Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:33 (GMT +7)

Đời mình, mình sống

Hơn ba năm trước, một tối đầu đông mưa lất phất, Ngọc bế con sang phòng tôi, hai mắt đỏ au, giọng nghèn nghẹn:

- Chị quen biết rộng, hỏi giùm em xem có chỗ nào cần người làm không, làm gì cũng được, em phải kiếm tiền thôi. Chứ không người ta coi em là gánh nặng.

- Sao phải nặng nhẹ chuyện ai đó nói gì mình, em ở nhà chăm con còn vất vả hơn đi làm ấy chứ.

- “Người ta” ấy, là chồng em, chị ạ!

Khanh đã lỡ dở hạnh phúc một lần, khi đến với Ngọc cũng chỉ có một công việc đủ nuôi sống mình. Còn Ngọc, vừa tốt nghiệp đại học và chạy thị trường bán thuốc thú y. Tình yêu thôi thúc cô tiến bước “góp gạo thổi cơm chung” cùng Khanh. Rồi Ngọc mang thai, cuộc hôn nhân ùa đến nhanh hơn dự định bởi sợi dây ràng buộc là đứa con đã tạc rõ hình hài.

Mang thai ốm nghén “hành” Ngọc phờ phạc. Khanh kêu cô nghỉ làm, mọi việc để... anh lo. Công việc lái xe tuyến đưa đón công nhân cho một công ty lớn buộc anh phải xa nhà thường xuyên, sau còn nhận chạy tăng cường các tuyến khác nữa, mỗi tuần về nhà được mấy tiếng lại đi. Không phải nghĩ chuyện tiền bạc, song nhiều khi Ngọc tủi thân cùng cực. Cô phải tự chăm sóc bản thân, đi khám thai một mình, thích ăn gì thì tự nấu, mua gì chuẩn bị cho con thì tự lo… Vì sinh mổ, đặt dịch vụ theo yêu cầu nên Ngọc chủ động khăn gói bắt taxi vào viện. Khanh phải chạy tuyến xa, làm việc cho doanh nghiệp tư nhân với những điều khoản hà khắc, quyền lợi không đảm bảo, nên tận 3 ngày sau anh mới nhìn thấy mặt con. Ngọc lòng buồn vô hạn, nhưng cũng hiểu chồng một mình vất vả gồng gánh kinh tế, nhìn anh đen sạm và gầy rộc, cô không nỡ buông lời trách cứ. 

Từ khi có con, những chuyến đi của Khanh ngày càng dài ra. Ngọc loay hoay với con, bù đầu với những vất vả như bao bà mẹ bỉm sữa khác. Nhưng rồi chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” bắt đầu nảy sinh, chồng cô lái xe trong tình trạng không tỉnh táo, va quệt, đền bù cả mấy chục triệu. Vợ chồng bắt đầu không vừa ý nhau từ những điều rất nhỏ. Khanh cáu gắt khi thấy nhà tắm bừa bộn, con khóc quấy không cho anh nghỉ ngơi, càm ràm khi thấy chậu quần áo chưa kịp giặt…

- Con được 6 tháng, em nhận được tin nhắn từ một tài khoản zalo lạ, gửi đến những hình ảnh gần gũi, những tin nhắn tình cảm của chồng và người đó. Em sốc mà cơ thể cứ run bắn lên.

- Ôi, cô ta công khai khiêu khích em vậy luôn?

- Chị ta là công nhân, thường xuyên đi tuyến xe cố định của chồng em, lại ở gần trạm lưu trú xe của công ty. Chỉ là thường hay giặt hộ anh bộ quần áo khi anh mệt, mua hộ anh con dao cạo râu không lấy tiền, nấu cho anh những bữa ăn gọi là “cùng ăn cho vui”... Đàn ông xa vợ, nhận sự quan tâm ân cần chả như cánh đồng khô hạn gặp được mưa rào hả chị, sao không ngã lòng cho được.

- Giờ em tính giải quyết thế nào? – tôi hỏi.

- Đã có lúc chênh chao quá, em tính ôm con mà biệt xứ. Nhưng… làm sao em hành động bản năng thế được. Đời mình, mình phải sống chị ạ.

- Ừ, giờ bé cũng lớn nhiều rồi, đã có thể chạy nhảy, ăn uống dễ dàng, đến lúc em phải thả con ra và kiếm tiền để tìm lại “quyền năng” của mình - tôi động viên Ngọc.

Nhờ mối quen biết, tôi giới thiệu cho Ngọc công việc dọn nhà cho những người nước ngoài đang tạm trú để công tác tại thành phố. Nhận việc ở 2 nhà, mỗi ngày làm việc khoảng 7 - 8 tiếng, là lau dọn nhà cửa, giặt giũ, lương tháng gần sáu triệu đồng. Khoản thu nhập chẳng cao so với nhiều người, nhưng đã dần giúp Ngọc thoát kiếp “ăn bám” chồng. Cô có thể mua cho mình đôi giày, cái áo mới, hay một thỏi son môi,… những thứ mà suốt mấy năm qua Ngọc không bao giờ nghĩ tới.

Được ít lâu, Ngọc khoe đang bắt đầu thử nghiệm chế biến các mặt hàng từ thực phẩm sạch như ruốc tôm, cá, thịt, các sản phẩm chế biến từ củ, quả… Cô có duyên bán hàng, cái duyên của sự thật thà lẫn nhanh nhảu khiến những lời mời gọi trên trang facebook rất thu hút. Khách hàng dần đông, công cuộc kinh doanh ngày càng rộng mở, Ngọc mạnh dạn thuê mặt bằng sản xuất, bày bán trực tiếp. Hơn 3 năm tất bật, bằng sự nhanh nhạy, sắc bén vốn có, Ngọc trở thành bà chủ nhỏ của những sản phẩm xanh, sạch rất được lòng khách hàng.

Kiếm được tiền, Ngọc yên tâm gửi con ở môi trường tốt, chuyên tâm sắp xếp công việc của bản thân. Cô tranh thủ đến phòng tập yoga, tìm lại vóc dáng hòm hòm xưa cũ, khoác lên mình những chiếc váy điệu đàng. Khi chủ động kinh tế, Ngọc không còn nơm nớp lo sợ về những lúc con ốm, không còn cảm giác lúc nào cũng phải gồng mình lên để khỏe mạnh. Bây giờ cô có thể nghỉ ngơi, đưa con đi chơi cả tuần mà không cần phải chi li tính toán nhiều như trước…

Cuối tuần Ngọc ghé thăm tôi, xinh đẹp và rạng rỡ. Đôi mắt lóng lánh ánh cười, em hóm hỉnh bảo:

- Phụ nữ chúng ta nói chung, dù chỉ kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng cũng đủ động lực mà “nghênh chiến” với mọi hoàn cảnh rồi, chị nhỉ?

Tôi mừng cho em vì những nỗ lực để bản thân trở nên đáng giá. Người ta vẫn thường nói, phụ nữ tỏa sáng nhất khi họ là chính mình. Ngọc là minh chứng cho việc, khi tự quyết định số phận của mình, phụ nữ có thể phát huy hết khả năng tiềm tàng và được sống như mình mơ ước.

Minh Hưng

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước