Đôi điều về Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh “Đảng, Bác Hồ với Thái Nguyên”
VNTN - 333 tác phẩm nhiếp ảnh và 17 tác phẩm mỹ thuật - những con số đó đã phần nào phản ánh sự không cân bằng giữa mỹ thuật và nhiếp ảnh ở lần Triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh “Đảng, Bác Hồ với Thái Nguyên” khai mạc ngày 23/11 vừa qua.
Nhiếp ảnh - nhiều khởi sắc
Nhìn vào số lượng tác phẩm nhiếp ảnh dự treo tại triển lãm có phần áp đảo nhiều người nói nhiếp ảnh lần này được mùa, “gặt hái” nhiều giải thưởng. Nhận xét như vậy không hẳn đúng, nhưng đánh giá khách quan thì tại Triển lãm lần này nhiếp ảnh Thái Nguyên đã có những bước bứt phá đáng kể. Điều này Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Hỏa Tiễn - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định tại Triển lãm: Nhiếp ảnh Thái Nguyên những năm gần đây so với nhiếp ảnh các tỉnh trong khu vực có những bước chững lại, thậm chí thụt lùi. Tuy nhiên, qua xem những tác phẩm tại triển lãm lần này thấy có nhiều những thay đổi, đặc biệt là xuất hiện những tác phẩm của những tay máy mới. Có tác phẩm chất lượng cao với tư duy, ý tưởng nghệ thuật mạch lạc, phong cách mới.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, 72 tác phẩm được chọn treo tại Triển lãm khá phong phú về đề tài cũng như phương pháp thể hiện. Qua các tác phẩm, có thể thấy diện mạo của một Thái Nguyên đổi mới và hội nhập. Cùng với đó, các tác giả cũng thể hiện lòng yêu kính, gắn bó của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đối với Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghệ thuật là không giới hạn và cũng tùy vào cảm nhận của mỗi người. Việc “mổ bò” về chất lượng, chuyên môn vẫn là đề tài muôn thủa trong các cuộc thi nhất là thi ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, ở Triển lãm lần này dường như ít ý kiến trái chiều, “bàn ra tán vào” so với những cuộc trước. Thành công mà ai cũng thấy của cuộc chấm ảnh lần này chính là nỗ lực đổi mới cách thức tổ chức và thay đổi tư duy có phần cũ kỹ, lối mòn trong sáng tác nhiếp ảnh. Những tác phẩm đạt giải đều xứng đáng, rất ngẫu nhiên 3 giải Nhì (không có giải Nhất) đều thuộc về 3 tác giả trẻ, trong đó có tác giả mới tham gia sân chơi ảnh nghệ thuật, điều đó phản ánh sự công bằng, sòng phẳng để hướng tới và kiếm tìm những giá trị nghệ thuật đỉnh cao.
Ba tác phẩm giành giải Nhì của Cuộc thi là “Rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc” - Bùi Hào Hiệp; “Kể chuyện về Bác” - Trần Thanh Huyền; “Lễ hội xuống đồng” - Phương Đông. “Kể chuyện về Bác” chụp từ một cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ của thiếu niên. Tác giả Trần Thanh Huyền chụp chân dung một cháu gái đang kể chuyện về Bác, khuôn mặt rất xúc động; ánh sáng sân khấu lung linh chiếu rọi làm sáng lên đôi mắt long lanh đang ngăn dòng lệ trực trào ra. Bằng góc chụp hơi chéo tác giả đã khéo léo gắn chân dung cháu bé với bối cảnh phía sau phông nền là hình ảnh Bác đang quàng khăn đỏ cho cháu thiếu niên, vì vậy người xem có thể đọc được ngay tình cảm thơ ngây trong sáng của cháu bé với Bác. “Rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc”, chụp người chiến sĩ tại hội thao TDTT Quốc phòng Quân khu I, đã chinh phục người xem bằng hình ảnh chân dung người chiến sĩ cầm súng đang chạy trên cầu thăng bằng, nét mặt biểu lộ một sự quyết tâm và cố gắng cao độ để hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn. Tác giả Bùi Hiệp để ảnh đơn sắc đen trắng khiến hình ảnh người chiến sĩ càng nổi bật và ấn tượng hơn trên nền trời trắng phía sau. Bức ảnh đã dùng góc chụp chéo hất từ dưới lên vừa thể hiện được sự khó khăn, gian khổ; đồng thời cũng như muốn nâng tầm công việc nhiệm vụ của người chiến sĩ đầy vất vả hiểm nguy.
Rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc
Một sự thay đổi nữa tại Triển lãm lần này là công tác tổ chức. Để có những tác phẩm đẹp trưng bày tại Triển lãm thì khâu chấm chọn là hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nghiêm túc, công bằng, khách quan. Đây là lần thứ nhất Thái Nguyên áp dụng cách chấm ảnh bằng files kỹ thuật số. Cách làm này giúp tác giả tiết kiệm thời gian, chi phí và tiếp cận tích cực hơn với công nghệ thông tin trong hoạt động sáng tạo của nhiếp ảnh. Đồng thời, việc chấm files kỹ thuật số cũng giúp các thành viên BGK đỡ căng thẳng và xem xét tác phẩm kỹ lưỡng hơn. Việc chấm ảnh bằng file qua màn hình cũng dễ dàng phát hiện và loại được những bức ảnh dùng phần mềm chắp ghép làm sai lệch hiện thực. Các giám khảo cho điểm độc lập, điểm số được các thư ký ghi lại công khai, chính xác. Các tác phẩm tham dự Triển lãm được tuyển chọn kĩ lưỡng qua nhiều vòng thi. Vì vậy chất lượng các tác phẩm Triển lãm được đảm bảo.
Mỹ thuật - còn lúng túng về đề tài
Nếu như số lượng ảnh chọn treo tại Triển lãm tới 72 bức thì số lượng tranh lại rất hạn chế. Điều đáng tiếc Cuộc thi lần này có rất nhiều giải thưởng giành cho mỹ thuật mà số lượng người tham gia lại ít. Ban đầu Ban Tổ chức (BTC) dự kiến có 11 giải thưởng về Mỹ thuật nhưng khi BGK chấm chọn chỉ được 9 giải.
Bác Hồ với Thái Nguyên
Nhìn vào bộ giải thưởng của Mỹ thuật đã phần nào nói lên chất lượng của những tác phẩm mỹ thuật trong cuộc Triển lãm lần này. Ngoài tác phẩm đạt giải Nhì là có sự bứt phá còn hầu hết các tác phẩm đi vào lối mòn. “Ánh dương Khuôn Tát” được Nguyễn Gia Bẩy thể hiện bằng chất liệu sơn dầu. Vẫn là vẽ Bác nhưng tác giả đã rất khéo léo và sáng tạo trong việc thể hiện. Bằng gam màu xanh chủ đạo, tác giả vẽ về Bác, về tình cảm của Bác với ATK. Bác Hồ với các cháu thiếu nhi các miền thì đã nhiều người vẽ rồi nhưng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng ATK thì chưa. Trong tranh, Bác Hồ mặc áo nâu giản dị, cầm tay các cháu thiếu nhi vùng dân tộc đang múa hát dưới bóng của cây đa Khuôn Tát. Người Bác cao, Bác đã chùng chân xuống để ngang tầm với các cháu. Nhìn bức tranh, người xem thấy Bác gần gũi như một Ông Ké miền núi thân thương với trẻ em chứ không phải là một vị lãnh tụ. Gần gũi, giản dị, với trẻ em, đấy là điều làm nên một nhân cách vĩ đại trong con người Hồ Chủ tịch. Và Người là ánh dương chiếu hơi ấm và ánh sáng cho người dân vùng ATK chính là điều tác giả muốn thể hiện.
Kể chuyện về Bác
Về chất lượng và số lượng các tác phẩm tại Triển lãm Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã đánh giá: “Tôi nghĩ lần này phải có được từ 40 đến 50 tác phẩm chứ không phải là 17 tác phẩm. Số lượng 17 tác phẩm là một hạn chế của Cuộc thi. Khi chấm tôi không quan tâm tác phẩm đó là của ai, nhưng trong những tác phẩm ấy thì tính chuyên nghiệp không nhiều. BGK đã quyết định, những tác phẩm đạt giải thì phải xét những tác phẩm nào xứng đáng đạt giải chứ không phải có bao nhiêu giải thưởng là chia hết. Tất nhiên việc xét trao giải ở đây là xét mặt bằng tương quan của tỉnh mà thôi, và một phần cũng là động viên cho các tác giả”.
Cũng theo Họa sĩ Trần Khánh Chương thì nguyên nhân có những hạn chế trên bởi có thể do công tác truyền thông phát động Cuộc thi chưa được chú trọng đúng mức, việc vận động anh chị em trong giới tham gia còn hạn chế. Đặc biệt, việc anh em họa sĩ còn lúng túng trong việc tìm đề tài. Điều này thấy rõ qua các tác phẩm tham dự. Vẽ về Bác có thể vẽ về tấm gương, phong cách, đạo đức của Bác, điều này rất gần gũi trong cuộc sống, người nghệ sĩ phải phát hiện và xây dựng hình tượng; chứ không nhất thiết là phải vẽ Bác Hồ, chân dung Bác… rồi lại lôi những tác phẩm cũ ra “khai thác”… Sự lúng túng trong đề tài về Bác cũng là tình trạng chung hiện nay anh em họa sĩ các tỉnh gặp phải. Và thật sự đây cũng là một đề tài khó, một đề tài đòi hỏi sự đầu tư công phu sáng tạo hình tượng Lãnh tụ phải vượt lên lối phản ánh quen thuộc. Đấy là chưa kể, đề tài này về góc độ cơ chế, thị trường thì rất khó bán tranh, triển lãm xong có thể bị bỏ phí.
Xét các góc độ thì đều có những lý do. Tuy nhiên, Thái Nguyên không phải là tỉnh yếu về mỹ thuật. Số lượng là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam ở Thái Nguyên có tới gần chục người; số lượng hội viên Chi hội Mỹ thuật của tỉnh cũng vài chục người; chưa kể hàng trăm người được đào tạo ở các trường mỹ thuật về công tác, giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ quan; hy vọng ở các cuộc thi sau mỹ thuật Thái Nguyên có sự thay đổi và bứt phá hơn.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...