Đôi điều về tranh tuấn mã
Với những ưu điểm như đẹp, khôn, khỏe và dẻo dai, ngựa đã được nhiều họa gia Đông Tây kim cổ đưa lên tranh với tất cả sự hào hứng, riêng trong hội họa Trung Quốc đã có những danh gia kiệt xuất vẽ ngựa như Tào Bá và Hàn Cán đời Đường, Lý Long Miên đời Tống, Triệu Mệnh Phủ đời Nguyên. Họ đã lột tả được cả tính tướng, thần và những nét đẹp của loài ngựa.
Tưởng như tranh ngựa không còn thêm được điều gì khác hơn nữa, nhưng một tài năng trẻ sinh vào cuối đời Thanh là Từ Bi Hồng bỗng nổi lên, gần như vượt trội so với các bậc tiền bối nhờ đã đưa cái mới vào tranh ngựa, đó là thế và dáng rất hùng dũng, sống động, điều mà trước kia chưa được xét tới. Ngựa của Từ Bi Hồng dồn vó phi như bay làm cho không gian và mặt đất rung chuyển, dường như không có gì cản phá được. Cái đẹp - hùng của ngựa chủ yếu ở sự mềm mại, của đuôi và của bờm ngựa chứ không phải ở bộ vó ngựa cứng chắc như ta tưởng. Quả thật đến nay chưa có thêm họa gia nào vượt được Từ Bi Hồng về tài năng vẽ ngựa.
Tranh về ngựa đã xuất hiện trong nhiều nền văn hóa của thế giới từ hàng ngàn năm về trước, và cho đến nay chúng vẫn rất được ưa chuộng. Đặc biệt ở các nước châu Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng, mỗi dịp Tết đến xuân về người ta thường tặng nhau bức tranh ngựa - với ý nghĩa để cầu may mắn, tài vận, thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Ngoài ra, những sự kiện khác trong năm như khai trương cửa hàng, cửa hiệu, khánh thành công ty, tân gia, chúc mừng thăng quan tiến chức v.v… thì tranh ngựa cũng là món quà luôn được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất.
Tranh quần mã của Từ Bi Hồng
Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, các thương gia đã nhập về vô số những tranh và phù điêu ngựa. Với các chất liệu khác nhau từ gỗ, sơn mài, kim loại, đất nung, sơn dầu, đặc biệt là tranh thêu chữ thập đã được bày bán la liệt trên thị trường. Những tranh này đa phần được in hoặc là do các thợ vẽ sao chép, biến tấu, thêm bớt cho lạ mắt, nên thường không có tác giả đứng tên. Ngắm kỹ các tranh ngựa này thì đa số chỉ thấy xác ngựa chứ không thấy có dáng - thế. Một số tranh thêu hay tranh ghép bằng “đá quý” còn tệ hơn: với hình ảnh ngựa què quặt, sai giải phẫu, đầu nhấp nhô không biết gắn vào thân nào. Có tranh thì vẽ cả bầy ngựa chạy nháo nhác như kẻ bại trận, không giống tranh “mã đáo thành công” một chút nào.
Mỗi tranh ngựa đều có ý nghĩa riêng, dĩ nhiên không phải cứ tranh Mã đều gọi là “Mã đáo thành công”. Mã đáo có nghĩa là may mắn đi về, vậy tranh mã đáo phải vẽ đàn ngựa hướng quay trở về, tức là nhìn vào tranh hướng đi của đàn ngựa từ phải sang trái. Trong ngôi nhà, tranh "Mã đáo thành công" treo ở cung phía Nam (Cung Danh tiếng) hay cung phía Bắc (cung Quan Lộc) đều được. Tốt nhất "Mã đáo thành công" nên treo sao cho hình tượng ngựa quay vào nhà. Vì vậy, trong trường hợp này nên treo tranh ở cung phía Bắc sẽ tốt hơn cả hai phương diện là quan lộc và thành công trong phong thủy.
Những tranh “Mã đáo thành công” thường có tám con ngựa, vì người xưa quan niệm “bát” (con số 8) được dùng khá nhiều trong dân gian và phong thủy như bát tiên (tám vị tiên trong truyền thuyết), bát quái (theo kinh dịch là tám trạng thái khác nhau, tổ hợp chập ba của âm/dương trong quá trình hình thành vũ trụ và vạn vật), bát chính đạo (theo phật học là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi khổ; là chân lư cuối cùng, cao cả, gốc cơ bản của phật giáo)… như đã nói ở trên, số 8 “Bát” (chữ Hán là 八) đọc theo Hán ngữ thì gần âm với chữ Phát, có nghĩa là phát đạt, giàu có. Tranh này thường chỉ dành tặng những người mới bắt đầu làm ăn buôn bán, mới khai trương hoặc những người đang trên đường lập công danh. Theo dị đoan, những người này một khi đã thành công thì không được đem tặng, làm mất hay hư hủy bức tranh này. Người có quyền chức hoặc đại gia thì không nên nhận tranh “Mã đáo thành công” vì nó sẽ có nghĩa ngược lại (mã truy phong) đem phong ba tới sẽ gây trắc trở. Những người này thường dùng những vật dụng trong phong thủy để bảo vệ và làm bền vững những gì họ đang có.
Một tranh ngựa được vẽ chắp vá
Theo truyền thuyết, “Mã đáo thành công” có nguồn gốc từ Trung Hoa. Thời nhà Chu có vị vua thứ năm tên là Chu Mục Vương (1001 - 746 TCN) nổi tiếng sử sách vì ông sở hữu tám con ngựa đặc biệt và được dân gian gọi là "Bát tuấn". Theo một số tài liệu ghi chép, Chu Mục Vương đặt tên cho tám con ngựa lần lượt là: Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Mã, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lưu, Duyên Nhỉ. Người điều khiển xe ngựa có tên là Tạo Phụ. Tạo Phụ thường chở Chu Mục Vương đi vi hành khắp nơi trên chiếc xe ngựa đặc biệt do tám con ngựa này kéo. Tương truyền dưới thời Chu Mục Vương, dân tình có cuộc sống khá thịnh vượng. Vì thế các họa sĩ thời đó thường họa lại nhiều bức tranh với chủ đề tám con ngựa và gọi là "Bát Tuấn Đồ".
Trong các bức tranh phong thủy về ngựa thường ta thấy có một ngựa trong đàn quay đầu trở lại (ngựa thứ tư hoặc thứ năm) mang ý nghĩa khuyến khích những con ngựa còn lại chạy nhanh hơn. Còn riêng tranh “Mã đáo thành công” thì không có con ngựa nào quay đầu, vì theo dân gian quan niệm như thế là một phần tiền tài bị mất.
Trường hợp khác, tranh vẽ tám con ngựa chạy trên bãi biển được gọi là “Bát mã quần thủy”. Trong ngũ hành, ngựa thuộc hành hỏa, nước là hành thủy, tương khắc với nhau, hình ảnh ngựa phi như bay trên nước tượng trưng cho sự ý chí, cầu mong mạnh mẽ hơn, gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để tiến đến vinh quang.
Còn đối với tranh “Ngựa tung vó trên thảo nguyên” - tám con ngựa đang phi trên thảm cỏ bao la có ý nghĩa may mắn, tài lộc. Theo ngũ hành, ngựa hành hỏa, đồng cỏ tượng trưng cho cả hành thổ và hành mộc. Bức tranh là vòng kín thể hiện quy luật tương sinh giữa: Mộc - Hỏa - Thổ. Vì thế treo bức tranh này cũng cầu mong may mắn tài lộc, may mắn sẽ đến với mình.
Hiện nay có rất nhiều tranh ngựa được biến thể có số con ngựa khác nhau như “Độc mã”, “Song mã”, “Tam mã”... Người ta tránh dùng tứ mã và ngũ mã vì chữ “Tứ” gần chữ “Tử”, còn chữ “Ngũ mã” thì gợi nhớ đến "Ngũ mã phanh thây", quan niệm người xưa cho là treo tranh này trong nhà sẽ rủi ro không tốt.
Cũng có người cho rằng không nên dùng tranh “Độc mã” (một con ngựa) vì nó gần với hình ảnh của “Đơn thương độc mã”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chỉ một con duy nhất trở về chứng tỏ con ngựa đó là may mắn nhất, mạnh mẽ và thành công nhất vượt lên tất cả mọi khó khăn…, nên những người có tính khí mạnh mẽ thì vẫn thích chơi tranh độc mã. Đối với tranh “Mã đáo song hành” - tranh vẽ hai con ngựa đạp nước, không mang nhiều ý nghĩa về tài lộc, công danh. Song những bức tranh ngựa này được xem là tranh bổ trợ cho phong thủy nhà ở, văn phòng, cửa hàng rất hiệu quả vì theo phong thủy tranh ngựa có tác dụng hóa giải sát khí của sao Nhị Hắc (sao xấu thường đem lại vận sa sút và bệnh tật).
Với tranh “Tam mã”- tranh vẽ ba con ngựa đang chạy, tượng trưng cho sự thành công, thuận lợi trong mọi công việc. Tranh ngựa phong thủy tam mã mang nguyên khí của Thổ. Nó không những đem lại tài lộc, công danh mà còn có tác dụng phát huy Thổ khí. Bức tranh có hình ba con ngựa nên treo ở gần bàn làm việc và chỗ tài vị trong nhà. Mặt nên hướng ra cổng lớn hoặc cửa sổ sẽ đại cát.
Còn tranh “Lục mã” - tranh vẽ sáu ngựa đem nhiều điều tốt lành. Vì số 6 theo âm Hán Việt đọc là “Lục” - gần giống “Lộc”, có nghĩa là tiền tài. Sáu con ngựa cùng phi, như mang ý nghĩa ngựa mang của cải sinh tài vào nhà.
Mặc dù tranh ngựa mang lại điềm lành cho gia chủ về thăng tiến sự nghiệp, nhưng khi dùng cần lưu ý về hướng treo tranh. Nên bày tranh ngựa ở phía Nam hay phía Tây Bắc. Cần tránh treo tranh ngựa có hình dáng ngựa quay đầu hướng trở ra cửa hay tranh để ở bếp và nhà tắm. Tranh ngựa nên để ở phòng khách, phòng làm việc hoặc phòng ngủ sẽ mang đến vận may về danh vọng, tình yêu hôn nhân hạnh phúc lâu bền.
Quan niệm dân gian, ngựa mang đến điềm lành cho sự thịnh vượng nhưng lại khắc với những người tuổi Tý, vì ngựa thuộc hành hỏa. Do vậy tranh ngựa sẽ thích hợp nhất với gia chủ (quý ông) mang mệnh thổ.
Gia Bảy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...