Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
08:46 (GMT +7)

Đôi điều về nhiếp ảnh Khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Khi nói: “Nhiếp ảnh Khu vực Đồng bằng Sông Hồng” thì người ta chợt liên tưởng đến một cái đòn gánh với đôi quang lệch: Bên này là một thực thể mới mẻ, trẻ trung - bên đối diện là phù sa trầm lắng, là dòng chảy những con sông kéo lụt thời gian ngập ngút cả tầm trí nhớ. “Nhiếp ảnh” quả như một mầm cây du nhập bồng bột và non tơ, còn “Đồng bằng Sông Hồng” thì cổ lỗ, êm dịu lại thâm sâu như những đầm lầy ở thuở đang lập địa.

“Nụ Hôn của Gió” của Trần Thế Long. Ảnh: Tư liệu

Thật khéo, khi lớp tiền nhiệm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã ghép những tỉnh có nét chung với nhau, để những con người dễ kết thành bầu bạn. Hoặc khi “tối lửa tắt đèn” mà được dựa dẫm vào nhau. Có ai hay đâu rằng dân đồng chiêm trũng chỉ có quả nem thính nằm lọt lòng bàn tay, hay mớ cá mài mại nấu chua mà đã í ới tìm nhau cùng bù khú “chén chú, chén anh” rồi… Thực ra từ trước đó, cái thời mà toàn dân dốc sức người, sức của để thống nhất non sông, thì bên Quân đội đã tách “Quân khu” cho các vùng miền. Người ta gọi vùng Châu thổ Đồng bằng Sông Hồng là “Khu Ba” và dịch vào phía trong là “Khu Bốn”... Đặc tính khác biệt của hai vùng liền kề không phải ở chỗ người Khu Ba thường nói ngọng và người Khu Bốn nói “trọ trẹ dễ nghe”. Người Khu Bốn trong máu hình như chứa sẵn từ tính, nên luôn có hướng co cụm, đoàn kết. Đặc tính của người Khu Ba thì lại như đều trội ở mệnh thủy, cứ tuễnh toãng tựa nước tràn đồng khi vỡ đê Sông Hồng - với họ nếu đã thích, thì dù có xa mấy cũng sẽ vẫn tìm đến. Còn khi không thích, thì liền sát nhà nhau cũng chẳng sang. Người Khu Ba có tính độc lập như anh thợ đúc đồng người Nam Định, có hơi hướng ngông nghênh như của cậu trai mới lớn đất Hải Phòng. Phụ nữ Khu Ba khi yêu cứ lạnh sắc như lưỡi lam - nếu đã trao phận là vội ôm ngay lấy cái sứ mệnh toan tính cho tổ ấm của mình. Bởi thế đàn ông cứ một đời mà nhàn tản. Được vợ chiều, nên sắm súng săn (và giờ là máy ảnh) lùng sục ở bên ngoài…

Có thể nói: Khu vực Đồng bằng Sông Hồng là cái vựa của cảnh quan thiên nhiên, nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Có kỳ quan thế giới là vịnh Hạ Long; có Ninh Bình, Hà Nam trùng điệp cảnh non nước hữu tình. Có những khu tâm linh (nhà thờ, chùa chiền và cả những lăng tẩm…) cổ nhất nước Việt. Những làng nghề thủ công nghiệp xuất sứ từ thuở lập nước. Cả một dải bờ biển trù phú dài hàng trăm ki - lô - mét. Con người thì tháo vát, chân chất, chăm chỉ và yêu đời. Và đó cũng là cái nôi của những điệu chèo, giọng ca quan họ. Vẻ bình lặng đầy quyến rũ của làng quê với cây đa, bến nước, con đò. Nơi có những đứa trẻ tồng ngồng tắm trên những ao hồ và sông to sông nhỏ. Nơi có các cụ bà tươi tắn với hàm răng đen nhưng nhức, đầu vấn khăn mỏ quạ; vận váy thô thắt ruột tượng và miệng thì bỏm bẻm nhai trầu. Những cụ ông gần như nhất bộ với quần nâu, áo cũng nâu. Cứ sau bữa tối là các cụ tụ họp quanh chiếu tổ tôm, đàm luận chuyện xa, chuyện gần - thứ gì hình như cũng thông tỏ…

Một khi được sinh ra ở vùng châu thổ, số phận lại đặt cái máy ảnh vào tay, thong dong “chớp” cảnh đẹp trên chính miền quê Đồng bằng Sông Hồng, thì đã được như “chuột sa chĩnh gạo”. Chẳng thế mà ở những năm 80 của thế kỷ trước, Quảng Ninh đã nổi tiếng với các cuộc triển lãm cấp tỉnh. Những tay máy ở xa khi ấy, đành chỉ có thầm ao ước, là được làm thành viên của một Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nào đó của vùng than! Rồi những cuộc Liên hoan ảnh khu vực nối tiếp nhau, các tỉnh khi thấy có hoạt động mới, hấp dẫn, còn có ý tranh giành nhau suất đăng cai. Cái không khí của “liên hoan” thuở ban đầu thoáng đãng, như những bữa ăn tập thể của thời mới thành lập Hợp tác xã: nó vui vẻ, trong vắt và không tư lợi. Thành quả của Liên hoan ảnh Khu vực Đồng bằng Sông Hồng ngay từ những năm đầu được đánh dấu bởi những tác phẩm thật sự xuất sắc, hẳn mọi người yêu nhiếp ảnh trong vùng và cả nước còn nhớ, đó là: “Bạn của mẹ” của Đoàn Đức (Quảng Ninh) - tác phẩm ảnh đen trắng ca ngợi tình bạn, tình người sâu lắng và da diết…; rồi “Nụ hôn của gió” của Trần Thế Long (Nam Định), một tác phẩm kinh điển đầy tính sáng tạo, nó gợi mở ra một hướng sáng tác mới cho nhiếp ảnh nghệ thuật; hay “Đồ Sơn thời mở cửa” của Phú Hùng (Hải Phòng) - bức ảnh khi đó được đánh giá là đã đi sát nhu cầu cuộc sống, nó dự báo một cao trào cho Ngành Du lịch bùng nổ và phát triển…

Lực lượng tham gia nhiếp ảnh trong khu vực ngày một đông hơn, phong trào nhiếp ảnh đã như nước mùa lũ, loang đều khắp cả vùng. Ai cũng nghĩ, rằng các tác phẩm lớn của những nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực này, rồi sẽ nhiều như lúa gạo họ sản xuất ra. Trách người đã đặt cho nhiếp ảnh một khái niệm: “Tác phẩm đỉnh cao”, nhưng lại không định nổi được kích thước cho ba chiều sâu, rộng… Để bây giờ nhìn ngược lại suốt dọc mấy chục năm của những Liên hoan khu vực trên toàn quốc, với bao nhiêu cố gắng, tốn không biết bao nhiêu công của, vậy mà chúng ta có được mấy tác phẩm định vị trong lòng người xem ảnh như “Bạn của mẹ” hay “Nụ hôn của gió”(?)

Tác phẩm "Bạn của mẹ" của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Đức

Thời gian trải dài lặp thành điệp khúc. Các nhà nhiếp ảnh trong khu vực tự bao giờ đã nhiễm chung một lỗi căn cơ, là sớm thỏa mãn với thành quả của mình. Họ làm triển lãm hoặc hội tụ để Liên hoan ảnh, mà chỉ như một hoạt động có tính thời vụ. Trạng thái đơn điệu và như còn mơ ngủ, vô tình đã kéo hoạt động nhiếp ảnh của một nghệ sĩ, hay cả đội ngũ trong một vùng rộng lớn thành nghiệp dư theo đúng nghĩa đen của từ này.

Chắc chỉ còn nước là quy tội cho những tác phẩm nhiếp ảnh dập dìu cánh cò trắng tựa mây vờn triền núi của đội ngũ nhiếp ảnh Ninh Bình, hoặc con thuyền nâu căng gió ẩn hiện bên non nước của các tay máy đất Quảng Ninh và tà áo Quan họ mớ ba, mớ bảy của các nghệ sĩ vùng Kinh Bắc… đã mê hoặc con mắt các nhà nhiếp ảnh khắp mọi miền, nó gián tiếp như lời rủ rê các tay thiện xạ khắp nơi về quần tụ. Và rồi khi nhìn một bức ảnh chụp về đền Thái Vi hay Làng chài Cái Bèo của Cát Bà… người ta không còn nhận ra dấu ấn riêng của tác giả nữa. Các tác phẩm nghệ thuật làm ra cứ giống nhau như vịt non mới nở, hơn thua lại do người có trách nhiệm “thả phiếu”. Chỉ hiềm một nỗi, thứ “sáng tạo” sau lại ăn giải cao, người khai phá tìm tòi thì bị loại...

Năm tháng trôi đi, mới đó mà đã mấy thế hệ kế cận tiếp bước. Giờ các tay máy thuở gây dựng phong trào trong Khu vực gặp nhau đã thấy đầu bạc cả… Nhiều nghệ sĩ cảm nhận rằng vốn “thành quả nghệ thuật” gom nhặt được trước ngày lên lão sao cứ gầy tong teo (?) Buồn ư? Bất mãn ư? Đã qua rồi và cũng muộn rồi! Lặng thầm như hạt phù sa, họ lắng tụ lại để cùng cười và cụng với nhau chén rượu tự chưng cất. Thôi thì: “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ lâu có câu nói nổi tiếng, rằng Việt Nam là “một quốc gia không chịu phát triển”. Tương tự, nếu quan sát đội ngũ cầm máy ở Khu vực Đồng bằng Sông Hồng thì cũng có thể bảo rằng, họ tuy đông, nhưng cũng chẳng chịu phát triển. Thật lạ, không hiểu họ có cảm nhận thế nào? Khi cả một vùng rộng lớn, bao gồm chín tỉnh có đa sắc thái văn hóa và rõ ràng chẳng bao giờ thiếu nhân tài hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh? Và chẳng biết đến nay họ đã nhận ra hoặc thấm rõ điều này để rồi quyết tìm ra cho mình những đường hướng mới?

Năm nay Khu vực Đồng bằng Sông Hồng vẫn duy trì được mạch cho “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 23 năm 2021” tại Quảng Ninh. Chỉ biết chúc các nhà nhiếp ảnh trong vùng có được một kỳ Liên hoan ảnh thành công, để mở đầu cho một giai đoạn hoạt động mới khởi sắc và bứt phá.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy