Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
04:01 (GMT +7)

Đôi điều về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia


VNTN - Cơn bão được đặt tên là Sơn Tinh đang đổ bộ vào đất liền. Nhưng nghĩ về một cơn bão khác mới thấy nó hoành hành ghê gớm như thế nào? Bão từ đâu sinh ra?


1. Xin bắt đầu từ tên gọi của kì thi. Kì thi được gọi tên là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Thế nhưng tính chất “quốc gia” của nó chỉ thể hiện ở việc sử dụng chung Đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ra đề và lấy kết quả của kì thi để tổ chức xét tuyển chung cho các trường Đại học. Còn lại, việc coi thi, chấm thi là do các địa phương tổ chức dưới sự giám sát của các trường đại học do Bộ ủy quyền.

Đối với đề thi có hai vấn đề mà dư luận đã đặt ra khá quyết liệt song chưa được giải đáp thỏa đáng.

Trước hết, đó là việc dùng một đề thi chung cho cả hai mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Đã trải qua 4 kì thi chung (các năm 2015, 2016, 2017, 2018) song đề thi vẫn không hoàn thành được hai nhiệm vụ song hành nhưng lại không cùng tính chất với nhau. Năm 2017 thì “mưa” điểm 10 ở các môn trắc nghiệm. Sau khi chỉ đạo ma trận đề thi tăng lên ở phần vận dụng nâng cao thì năm 2018 lại “hạn hán” điểm 10. Phần vận dụng nâng cao dùng để phân loại thí sinh với mục đích tuyển sinh đại học ở đề trắc nghiệm thì thí sinh cứ việc khoanh bừa. Việc đúng hay sai, trúng hay trượt không phản ánh được năng lực, trình độ giỏi hay dốt của thí sinh. (Có những điểm 10 môn Toán ở kì thi này là kết quả của việc khoanh bừa 5,6 câu cuối mà lại đúng). Đối với đề thi môn tự luận thì do yêu cầu nâng cao để phân loại nên đề thi bộc lộ sự lắp ghép thiếu logic.

Thứ hai là việc sử dụng đề thi trắc nghiệm đã lộ ra nhiều hạn chế, nhược điểm đối với một xã hội mà nhân tố con người còn nhiều vấn đề đáng bàn. Trong đó, nói riêng về việc coi thi thì chỉ cần “cho” thí sinh khoảng 5 phút tự do là thí sinh đã có thể chép xong 50 câu trắc nghiệm. Việc này ai dám khẳng định các hội đồng coi thi ở tất cả các tỉnh thành đều làm việc đúng quy chế? Còn việc chấm thi trắc nghiệm thì mục đích là để máy móc thay con người chấm cho khách quan, công bằng nhưng thực tế người sử dụng máy chấm lại chỉ cần lợi dụng thanh tra giám sát vắng mặt là 6 giây đã chữa xong một bài. (Việc chấm thi với hình thức thi tự luận cũng không phải đã hoàn toàn xóa bỏ được tiêu cực nhưng so với chấm thi với hình thức trắc nghiệm thì tình trạng tiêu cực diễn ra ít và khó hơn nhiều).

Đối với việc xét tuyển của các trường Đại học, đề thi chung với đa số các môn thi trắc nghiệm và điểm thi của kì thi chung không hoàn toàn thỏa mãn mục đích, yêu cầu của mỗi nhà trường. Việc quyết định sử dụng hình thức thi trắc nghiệm cũng là một quyết định chưa có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, khoa học. Điều đó biểu hiện rõ nhất ở việc các giáo viên phổ thông trung học - người trực tiếp giảng dạy và quyết định điểm số của thí sinh lại chưa được tham gia ý kiến hay bỏ phiếu bày tỏ quan điểm, ý kiến.

Về vấn đề coi thi, tính chất địa phương cục bộ ngày càng trở nên lộ liễu và rõ nét khi kết quả được sử dụng để xét tuyển đại học. Biểu hiện của tính chất này có thể thấy rõ qua việc Quy chế thi cấp Quốc gia không được thực hiện nghiêm túc. Minh chứng rõ nhất ở kì thi 2018 là: thí sinh tự do được tổ chức thi riêng ở một phòng; khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát không đảm bảo,… Không ai có thể khẳng định thực tế có xảy ra tình trạng giải đề, đọc đề cho thí sinh hoặc cho thí sinh quay cóp hay không? Mặc dù đánh giá về kì thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: kì thi thành công tốt đẹp, nhưng rõ ràng lớp sóng ngầm giờ mới nổi lên đã phản bác lại đánh giá đó.

Về vấn đề chấm thi - một công việc quan trọng nhất của bất cứ kì thi nào, việc giao kì thi chung cấp Quốc gia cho các địa phương chấm dẫn đến tình trạng cục bộ địa phương. Lí do không còn nằm ở vấn đề “bệnh thành tích” của kì thi tốt nghiệp mà nằm ở vấn đề điểm số cần chót vót để thí sinh của địa phương mình trúng tuyển các trường đại học tốp đầu. Vì thế, mới có tình trạng điểm môn Văn, môn Toán, Lí, Hóa tăng đột biến ở một số tỉnh không có bề dày thành tích trong thi cử. Quá trình thanh tra trong mấy ngày vừa qua mới phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng như thí sinh trượt tốt nghiệp được chấm trở thành thí sinh có điểm trong tốp cao của “Quốc gia”,... Sau Hà Giang là Sơn La, Lạng Sơn và còn những tỉnh thành nào nữa chưa bị “lộ”? Câu chuyện này cho phép người dân đặt câu hỏi nghi ngờ về “cơn mưa” điểm 10 năm ngoái biết đâu đã bị phù phép hơn nửa.

2. Tiếp theo xin được nói đến sự thay đổi về việc cấp Bằng Tốt nghiệp THPT. Bắt đầu từ kì thi THPT Quốc gia năm 2015, Bằng Tốt nghiệp THPT không ghi điểm, không xếp loại, không ghi hình thức đào tạo. Việc “thả nổi” xếp loại và điểm số trong Bằng Tốt nghiệp THPT dẫn đến hiện tượng học sinh chỉ cần qua điểm liệt mà không có ý thức học tập nhằm đảm bảo đạt kiến thức cơ bản. Từ kì thi năm 2015 cho đến kì thi năm 2018, hệ quả xấu thấy rõ ở hai môn Hóa học và Lịch sử. Điểm của hai môn này có tỉ lệ thấp tệ hại.

Tuy nhiên, hệ lụy của nó không phải chỉ ở vấn đề học sinh bỏ bễ việc học mà còn ở chỗ tình trạng dạy học, chấm điểm hàng ngày không còn đồng bộ, tương xứng với điểm thi ở kì thi Quốc gia. Theo quy chế xét tốt nghiệp: điểm trung bình các môn lớp 12 được sử dụng để cộng với điểm thi rồi chia trung bình. Vì thế để điểm trung bình các môn lớp 12 trở thành cứu cánh cho học sinh tốt nghiệp, điểm trung bình của các môn thi trong năm học lớp 12 vẫn rất cao cho dù kết quả cuối cùng điểm thi chỉ 1 với 2. Nghiễm nhiên tình trạng gian dối được tồn tại công khai trong vỏ bọc tạo điều kiện cho học sinh tập trung vào những môn xét tuyển đại học. Rõ ràng, mọi quy định, quyết định đều có những tác động rất lớn đến xã hội.

3. Từ những hệ lụy trên, xin đề xuất một số giải pháp, với mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ, khoa học những chủ trương đổi mới gần đây:

a. Giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kì thi Tốt nghiệp THPT và cấp Bằng Tốt nghiệp THPT hoặc cấp Giấy công nhận hoàn thành chương trình văn hóa lớp 12.

b. Giao cho các Trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng, trường Nghề tự chủ tuyển sinh thông qua việc xét tuyển học bạ, xét tuyển dựa vào điểm tốt nghiệp hoặc thi tuyển với các quy định chặt chẽ về điều kiện dự thi.

c. Ghi điểm thi và xếp loại tốt nghiệp vào Bằng Tốt nghiệp THPT.

d. Lấy ý kiến sâu rộng trong hệ thống giáo dục đại học và phổ thông về hình thức thi trắc nghiệm các môn.

e. Bỏ quy chế xét tốt nghiệp lấy điểm trung bình các môn lớp 12.

Hoàng Tố Nga

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy