Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
02:58 (GMT +7)

Độc đáo trà Tân Cương ướp sen Tây Hồ

Đã đành là Tết không thể thiếu trà, đã đành Thái Nguyên là đệ nhất danh trà, nhưng trà Thái Nguyên ướp sen Tây Hồ lại góp vào tiết Xuân một hương vị vô cùng độc đáo.

Nghiện trà Thái dăm chục năm có lẻ, mùa Xuân hai năm trước được mời thưởng thức trà sen Tây Hồ, ông Khanh, cán bộ hưu trí ở Thái Nguyên nghi ngờ: chắc món này thử cho biết chứ đã là dân nghiện thì chỉ có trà mộc, trà sen sao "đã".

Vậy mà chỉ sau một lần "trót dại", giờ đi du lịch châu Âu cả chục ngày, ông Khanh vẫn tìm cách mang theo thức uống đã khiến ông nghi ngờ ấy, để tận hưởng hương vị độc đáo mà chỉ có sự kết hợp của trà Tân Cương và sen Hồ Tây mới có thể đưa lại.

Nhưng, ông Khanh cũng không phải ngoại lệ. Sự độc đáo của trà sen đã "đánh gục" không ít "bức tường thành" quan niệm rằng, đã nghiện trà thì chỉ uống trà sen chơi chơi đôi lần cho biết. Và người ghiền món đồ uống này đã "lây lan" từ Bắc vô Nam.

 

Ấy là bởi sự độc đáo, như đã nói là chỉ có sự kết hợp của trà Thái Nguyên và sen Hồ Tây mới có thể đem đến mà thôi.

Với người Thái Nguyên, trà Tân Cương gây nghiện ra sao thì không cần bàn tới nữa. Còn với người Hà Nội, những đầm sen Hồ Tây chính hiệu - nơi giống sen Bách Diệp (trăm cánh) không chỉ khiến người ta mê mẩn vì sắc mà còn đắm đuối bởi hương thơm trời cho. Thứ hương đặc biệt khiến cả căn nhà thơm nức chỉ bởi bình hoa nhỏ cắm trên bàn thờ, đặc biệt hơn là chỉ có mùi hương ngọt ngào này mới có thể tạo ra sản phẩm trà sen nổi tiếng đất Hà Thành gần thế kỷ nay.

Thế nhưng, những năm trước, các nghệ nhân của làng trà sen ven Hồ Tây lại không sử dụng trà Tân Cương, hay rộng hơn là trà Thái Nguyên để ướp sen. Bởi nhiều người quan niệm, trà chỉ là chất dẫn hương nên thường chọn loại cánh to và nhạt vị ở miền Tây Bắc hoặc Phú Thọ. Một số nhà còn mua trà trước mùa sen nở độ nửa năm, để trong bao dứa cho trà phai bớt hương rồi mới đem ướp sen. Trước khi ướp còn "phơi" trà ra không khí một đêm, chỉ ủ nhẹ một vài lớp cánh hoa sen bên trên cho cánh trà mềm mại dễ thấm hương hơn.

Vì thế, chén trà thành phẩm tuy rất rõ hương sen nhưng nước lại có màu nâu và thiếu đi vị ngọt hậu riêng có của trà.

Dăm năm trước, một người phụ nữ quê gốc Quảng An (vùng đất ven Hồ Tây, nơi có nghề làm trà sen nổi tiếng) nhưng theo cha mẹ lên Thái Nguyên sinh sống gần 40 năm, trở về quê lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu từng công đoạn làm trà sen rồi tỉ mỉ thưởng thức đủ các loại trà ướp sen từ Hà Nội - Hà Nam - Huế - Đồng Tháp... chị quyết định kết hợp trà Tân Cương (Thái Nguyên) với sen Bách Diệp Hồ Tây.

Loại trà được chọn là trà nõn (một tôm một lá chứ không phải một tôm hai lá như thường thấy) hoặc là trà đinh (chỉ một nõn non nhất của búp chè) để ít tanin và chát nhẹ, nhưng lại ngọt sâu.

Công đoạn chọn sen thì cầu kỳ hơn rất nhiều. Bởi đây là thị trường vô cùng đặc biệt với dăm người bán, vạn người mua. Bắt đầu nở từ cuối tháng Năm, tháng Sáu rộ, tháng Bảy vãn, sen Hồ Tây chỉ có một mùa rất ngắn gói gọn chưa đầy ba tháng. Chưa kể nếu cầu kỳ chờ sen đủ nắng, cho sản phẩm trà sen thơm nhất thì chỉ có tầm khoảng 20 ngày cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy để cấp tập làm nghề. Có lẽ cũng vì thế mà hoa sen được săn đón mọi lúc, mọi nơi. Người ta không chỉ chen nhau chụp ảnh còn mà còn xếp hàng như mua gạo thời tem phiếu để có được chục hoa về thắp hương ngày rằm, mùng một. Rồi tự tay ướp trà cho mình, cho họ hàng, cho bạn bè, biếu sếp, tri ân khách hàng...

Dân làm trà sen chuyên nghiệp thì vất vả hơn nhiều. Nếu ướp trà trong bông sen tươi thì phải lên Hồ thật sớm, đón thuyền (hái hoa) về khi mặt trời mới lấp ló. Nhẹ nhàng cho trà khô vào giữa bông hoa mới hé, gói chặt lớp cánh trên đầu để ngăn không khí lọt vào khi trà thẩm hương, dùng lá sen bánh tẻ gói kín bên ngoài, sau đó cắm ngập nước khoảng hai phần ba cuống hoa trong độ 24 giờ. Nửa đêm về sáng là lúc những bông sen bừng nở thơm nhất, hương hoa sẽ ngấm dần, ngấm dần vào những cánh trà khô lúc này đã giãn mềm, đến sáng hoặc trưa hôm sau thì bông sen trà sẽ được sấy lạnh (cấp đông) để dùng dần cả năm sau đó.

Chén trà sen thành phẩm khi ấy sẽ xanh mơ màng, hương trà quyện hương sen, vị trà được vị sen làm cho đậm đà hơn, thấm sâu và lan tỏa đến giọt cuối cùng, chỉ có thể dùng hai từ "quyến rũ" để miêu tả mà thôi.

Sau khi "làm quen" với công thức mới: trà Tân Cương + sen Tây Hồ, khỏi phải nói người nghiện trà thích thú đến thế nào khi vị trà vẫn còn nguyên mà hương trà lại lâng lâng bởi mùi thơm tinh túy của Quốc hoa. Một số người làm trà sen chuyên nghiệp cũng chuyển dần sang sử dụng trà Thái Nguyên làm nguyên liệu cho cả trà sen tươi và trà sen khô.

Sen, xưa nay được coi là tượng trưng cho sự thanh khiết, may mắn, nên nhiều vật dụng trên bàn thờ thường có họa tiết sen.

Trà, xưa nay vẫn là thú ẩm thực tao nhã, rất rất hợp với tiết Xuân mưa phùn lành lạnh, càng hợp hơn để xua đi cái cảm giác ngấy ngán từ bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành ngày Tết.

Thế nên trà sen là sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho không khí gia đình sum họp ngày Xuân, cho một năm mới may lành.

Hà Lê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy