Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
19:35 (GMT +7)

Doanh nghiệp và gánh nặng chi phí không chính thức

VNTN - Chi phí không chính thức là cụm từ không còn mới đối với nền hành chính nước ta hiện nay, nhất là từ khi xuất hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để đánh giá năng lực điều hành của chính quyền. Chi phí không chính thức đang được xem là một trong những gánh nặng và rào cản của không ít doanh nghiệp (DN). Đối với tỉnh ta, điều đó có hay không?


Mặc dù đến nay ở tỉnh ta chưa có bất cứ đánh giá nào về việc DN phải chi phí những khoản không chính thức ngoại trừ các trường hợp tham ô, tham nhũng bị phát hiện và xử lý, nhưng đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp tương tự. Theo khảo sát của chúng tôi thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các diễn đàn DN và các cuộc trao đổi hẹp giữa các DN, nhóm doanh nhân, thì thực trạng DN phải chi phí các khoản không chính thức vẫn tồn tại.

Trong một cuộc tiếp xúc của Thường trực HĐND tỉnh với các cử tri là DN, năm 2016, đã có doanh nhân thẳng thắn cho rằng, từng bị cán bộ cấp cơ sở “gợi ý” chi phí thêm khi làm các thủ tục hành chính. Có trường hợp bị gây khó khăn, yêu cầu làm đi làm lại thủ tục để vòi vĩnh. Có DN còn chia sẻ, khi bị cán bộ cơ sở trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính “hành”, đã không chịu nổi phải báo lãnh đạo cấp trên của đơn vị này can thiệp mới xong việc.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

và người dân ở cấp xã của thị xã Phổ Yên luôn đông đúc

Cụ thể hơn là trường hợp của Công ty CP Hải Đăng, đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. DN này thường ứng vốn để thi công các công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn, tuy nhiên trong một lần làm các thủ tục thanh toán vốn đã ứng trước, DN này bị cán bộ của một đơn vị có thẩm quyền “ém” hồ sơ. Sau nhiều lần ý kiến và chờ đợi không nhận được phản hồi tích cực, DN đã có đơn gửi trực tiếp lãnh đạo tỉnh xem xét, nhờ đó hồ sơ của DN mới được giải quyết.

Ở một khía cạnh khác, có một số DN trong tỉnh phàn nàn về việc phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong một năm. Đặc biệt, có sự chồng chéo trong nội dung thanh, kiểm tra của các cơ quan đơn vị khác nhau làm mất thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong một diễn đàn DN của tỉnh cách đây không lâu, đại diện Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã đưa ra một thông tin đáng quan tâm: Trong 3 năm vừa qua, đơn vị đã phải tiếp trên 40 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó chủ yếu liên quan đến tài nguyên, môi trường, lao động, tài chính, thuế. Theo số liệu điều tra PCI năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), số lần thanh, kiểm tra hàng năm đối với DN tư nhân là 1 lần, thời gian trung bình mỗi cuộc thanh, kiểm tra của ngành thuế là 8 giờ, tăng so với giai đoạn trước. Trong quá trình thanh, kiểm tra đã xuất hiện nhiều hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Có một số doanh nhân cho rằng, các thủ tục hành chính chưa bao giờ thôi là gánh nặng của DN trên suốt chặng đường hoạt động.

Mở rộng ra cả nước, thực trạng chi phí không chính thức là gánh nặng của DN đang khá phổ biến. Theo số liệu tổng hợp chung về PCI cả nước được công bố đầu năm 2017 vừa qua cho thấy, nhiều con số đáng quan tâm. Năm 2016 trung bình có khoảng 66% DN các tỉnh cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức. 9% đến 11% DN tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 khẳng định các khoản chi cho mục này chiếm tới 10% tổng doanh thu của họ. Liên tục trong 3 năm liền (2014 - 2016) tại các tỉnh, thành trong cả nước, cứ 3 DN thì có 1 DN (tương ứng khoảng 35%) phải dành tới 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện các thủ tục hành chính. Các DN cũng kêu ca về số lần và số giờ thanh, kiểm tra hàng năm quá nhiều. Đấy là đối với các DN trong nước, còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), họ cũng có những phản ánh tương tự. Năm 2016, thống kê của VCCI và USAID cho thấy, có 72% DN cho biết họ mất 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng thời mất đi lượng thời gian tương ứng đáng lẽ được dùng để quản lý và phát triển DN. Một thông số cũng đáng lưu tâm được VCCI công bố, rằng có khoảng 25% DN vốn FDI thừa nhận họ đã trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư và 13,6% chi “hoa hồng” khi cạnh tranh để có được các hợp đồng kinh tế; 49% DN đã dành các khoản chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan…

Trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 đã chỉ rõ: Tình hình tham nhũng vẫn xảy ra trên địa bàn dù không nhiều, không đặc biệt nghiêm trọng như ở một số địa phương. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và thiếu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị chủ quản để hoạt động phạm tội. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà trong giải quyết các thủ tục hành chính…

Trường Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy