Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
14:23 (GMT +7)

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm: người lao động điêu đứng

VNTN - Không ít người lao động đến lúc gặp ốm đau, tai nạn lao động hay đến kỳ thai sản, nghỉ hưu... cần giải quyết chế độ bảo hiểm mới tá hỏa, hóa ra lâu nay chủ doanh nghiệp (DN) không đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho mình. Đó là thực tế đáng báo động ở nhiều DN trong tỉnh hiện nay, khiến không ít người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Một năm trước, Văn nghệ Thái Nguyên đã đề cập đến vấn đề DN nợ BHXH của người lao động. Những tưởng trong thời gian qua, quyền lợi hợp pháp của người lao động sẽ được các ông chủ quan tâm, nào ngờ…


Kỳ 1. Nghịch lý  “quýt làm, cam chịu”

 

Nói "quýt làm, cam chịu" quả không sai bởi mặc dù lỗi (để nợ bảo hiểm) xuất phát từ phía các DN, nhưng hứng chịu hậu quả lại chính là người lao động. Cuộc sống của họ trở nên bấp bênh, trắc trở là do sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của chính người sử dụng lao động.

Người lao động “khóc dở, mếu dở”

Theo số liệu do Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cung cấp, Công ty TNHH Banpo Việt Nam (Phú Lương) đang là DN có số nợ BHXH lớn nhất trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng. Kể từ tháng 10 năm 2013 đến nay, DN này đã không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm (gồm cả BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động. Điều này đã khiến cho quyền lợi chính đáng của hàng nghìn công nhân làm việc tại Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Th., trú tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), hiện là công nhân của Công ty TNHH Banpo không ít lần ngậm ngùi rơi lệ. Chị vào làm việc tại Công ty từ tháng 4/2012. Dù hàng tháng, Công ty đều trừ tiền đóng BHXH, BHYT vào lương của chị, nhưng đến tháng 4/2015 khi chị nghỉ sinh con lại không được hưởng chế độ thai sản từ BHXH. Chị chia sẻ: Khi mang việc này thắc mắc với BHXH huyện Phú Lương thì tôi mới giật mình, do Công ty nợ tiền BHXH, BHYT nên tôi không được hưởng chế độ theo quy định. Sau đó, phía Công ty hứa sẽ đảm bảo chế độ cho tôi nhưng đến nay đã hơn 5 tháng trôi qua mà vẫn chưa được giải quyết.

Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hiên, trú tại xã Phấn Mễ (Phú Lương). Anh Hiên vào làm việc tại Công ty TNHH Banpo tại Phú Lương từ tháng 11/2012, hàng tháng, Công ty đều trừ tiền đóng BHXH vào lương của anh. Tuy nhiên, khi nghỉ việc vào tháng 7/2015, anh mới biết Công ty chỉ đóng bảo hiểm cho anh đến tháng 10/2013. Hiện nay, mặc dù anh chuyển đến làm việc tại một công ty khác trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, nhưng do đơn vị anh làm trước đó vẫn nợ tiền bảo hiểm nên anh không thể chốt sổ để chuyển bảo hiểm đến công ty mới. Anh Hiên bức xúc: Việc Công ty “quỵt” tiền bảo hiểm đã làm tôi thiệt thòi lắm rồi, nay tôi chỉ muốn được chốt sổ bảo hiểm để ổn định công việc mới mà cũng không được. Mong các cơ quan có trách nhiệm sớm đòi lại quyền lợi chính đáng cho tôi và hàng nghìn lao động khác.

Một trường hợp khác, chị Lâm Thị Thông, xóm Kha Vàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương vào làm việc tại Công ty TNHH Banpo Việt Nam từ tháng 1/2012. Sau một tháng thử việc, chị được Công ty ký hợp đồng chính thức và được tham gia đóng BHXH. Tháng 4 và tháng 5/2014, việc sản xuất của Công ty gặp khó khăn nên toàn bộ công nhân của đơn vị phải nghỉ không lương. Cuối tháng 5/2014, Công ty hoạt động trở lại và chị Thông cũng xin phép đi làm nhưng Công ty không chấp nhận với lý do chị đang mang thai và yêu cầu chị viết đơn thôi việc, trong khi hợp đồng lao động của chị vẫn còn hiệu lực đến tháng 1/2015. Mặc dù được ký hợp đồng lao động từ tháng 2/2012 đến tháng 5/2014 (27 tháng), nhưng khi nghỉ chế độ thai sản chị Thông không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Được biết, gia đình chị Thông thuộc diện hộ nghèo, hiện gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi bị buộc thôi việc đến nay chị Thông vẫn thất nghiệp ở nhà.

Công ty TNHH Banpo Việt Nam (Phú Lương) đang là DN có số nợ BHXH lớn nhất 

trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng

Đáng thương nhất phải kể đến trường hợp của bà Triệu Thị Xuân (sinh năm 1960), trú tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Bà Xuân tham gia BHXH từ tháng 3/1988 tại Lâm Trường huyện Định Hóa. Đến tháng 11/2007, bà chuyển công tác và tiếp tục tham gia đóng BHXH tại Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ, có trụ sở tại thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ). Tuy nhiên, đến đầu năm 2014 do làm ăn thua lỗ, Công ty phá sản, toàn bộ công nhân trong đó có bà Xuân phải nghỉ việc. Sau đó bà Xuân đến BHXH huyện Đồng Hỷ để làm thủ tục hưởng lương hưu theo quy định thì mới “ngã ngửa”: Công ty chỉ đóng BHXH cho bà đến tháng 10/2010. Theo hồ sơ lưu trữ tại BHXH huyện Đồng Hỷ, do Công ty này nợ tiền BHXH từ tháng 10/2010 nên thời gian tham gia BHXH của bà Xuân mới chỉ được 19 năm 4 tháng chưa đủ thời gian để được hưởng chế độ lương hưu theo quy định. Nếu Công ty không nợ tiền bảo hiểm thì đến tháng 4/2012, bà Xuân đã đủ thời gian để được hưởng lương hưu theo Luật BHXH. Hiện nay, do sức khỏe yếu nên bà Xuân chỉ quanh quẩn ở nhà. Hoàn cảnh của bà Xuân rất khó khăn, bà phải một mình nuôi người con trai 27 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động. Bà Xuân rưng rưng: “Công ty giờ đã phá sản, giám đốc thì bỏ trốn nên những ngày tháng sắp tới mẹ con tôi không biết phải sống ra sao”.

Qua khảo sát thực tế, còn rất nhiều trường hợp người lao động phải chịu cảnh thiệt thòi tương tự như vậy. Dường như có một nghịch lý đang diễn ra ở đây là, mặc dù lỗi xuất phát từ phía các DN nhưng hứng chịu hậu quả không ai khác lại chính là người lao động đang ngày đêm làm lợi cho DN.

 

Chủ DN tìm cách “lách luật”

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thực tế thì có không ít DN “lách luật” bằng cách không tiến hành ký hợp đồng lao động hoặc chỉ ký dưới 3 tháng với người lao động để không phải đóng BHXH. Ngoài ra, chủ DN còn áp dụng "chiêu trò" trả lương cơ bản thấp, nhưng chi cho các khoản phụ cấp cao lên nhằm mục đích giảm mức tiền đóng bảo hiểm. Một số DN mặc dù hàng tháng vẫn thu BHXH qua lương của người lao động nhưng lại không nộp cho cơ quan bảo hiểm mà đem sử dụng vào mục đích khác có lợi cho DN hoặc cá nhân chủ DN. Do DN nợ tiền BHXH nên khi bị phá sản hoặc giải thể thì người lao động sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi, khi người lao động nghỉ việc sẽ không được thanh toán các chế độ theo quy định, không được chốt sổ bảo hiểm để thuận cho việc chuyển đến nơi làm việc mới. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 DN không còn hoạt động nhưng vẫn có tên trong danh sách nợ bảo hiểm. Cụ thể như trường hợp của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ bất động sản Thái Nguyên, Công ty CP Phú An Phát... Theo bà Vũ Thị Nga, Phó trưởng Phòng thu (BHXH tỉnh) thì cơ quan Bảo hiểm đã dừng tính số phải thu với những trường hợp này, nhưng vẫn theo dõi số nợ. DN không hoạt động và không trả nợ tiền BHXH đồng nghĩa với việc người lao động bất đắc dĩ bị phá hợp đồng. Và như thế, toàn bộ khoản tiền đóng BHXH của người lao động trước đây gần như bị hủy bỏ.

Theo cơ quan BHXH tỉnh, điển hình trong việc “lách luật” để trốn đóng BHXH có thể kể ra ở đây là Công ty cổ phần Nam Việt (T.P Sông Công). Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù DN này sử dụng 213 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 59 lao động. Khi bị nhắc nhở, Công ty này lấp liếm: “Do người lao động tự nguyện không tham gia BHXH”. Tuy nhiên, Luật BHXH quy định rất rõ: “DN bắt buộc phải nộp BHXH cho người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên”. Trường hợp tiếp theo là của Công ty May xuất khẩu Phú Lương. DN này đang sử dụng 376 lao động, nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 334 người, còn 42 lao động không cho tham gia với lý do “số lao động này chưa chuyển sổ BHXH từ đơn vị trước đến”. Tuy nhiên, theo quy định, không cần sổ BHXH vẫn có thể thu, nộp BHXH như bình thường.

Người ta tính được rằng, trung bình mỗi lao động trong DN đóng BHXH trên 2 triệu đồng/năm và khi DN nào trốn đóng BHXH thì sẽ có "cơ hội" bỏ ra một khoản tiền không nhỏ mỗi năm, tùy theo số lượng lao động hiện có và số lượng lao động không khai báo đóng BHXH...

 

 Tính đến tháng 9-2015, trên địa bàn tỉnh có trên 690 DN nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Số nợ bảo hiểm đang chiếm tỷ lệ gần 7% so với số phải thu. Một số DN có số nợ bảo hiểm lớn gồm: Công ty TNHH Banpo Việt Nam (Phú Lương) nợ bảo hiểm 22 tháng với tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng; HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công nợ 17 tháng, số tiền trên 3,5 tỷ đồng; Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, nợ 22 tháng, số tiền trên 2,4 tỷ đồng; Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, nợ 7 tháng, số tiền hơn 2 tỷ đồng…

Kì 2

Minh Quân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước