Đinh Văn Đệ – nhà tình báo có công lớn trong công cuộc thống nhất đất nước
VNTN - Nhân sĩ yêu nước Đinh Văn Đệ, Đạo trưởng Thiên Vương Tinh từ trần vào lúc 8h30 ngày 24/5/2020. Đinh Văn Đệ là một tình báo viên chiến lược đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng góp phần cho công cuộc thống nhất đất nước. Tất nhiên, là một nhà tình báo, cũng như nhiều nhà tình báo khác, những việc Đinh Văn Đệ đã làm, những đóng góp của ông thường diễn ra trong thầm lặng.
Chân dung nhà tình báo chiến lược Đinh Văn Đệ
Những tài liệu về Đinh Văn Đệ hiện không nhiều, duy chỉ có phần viết về ông của tác giả Trương Võ Anh Giang trong cuốn sách “Máu chảy về tim, Thanh Nga và những câu chuyện khác” (Nxb Trẻ, 2016) là khá đầy đủ. Theo đó, Đinh Văn Đệ sinh năm 1924 nhưng khai sinh ghi là năm 1928 tại Hồng Ngự, Đồng Tháp. Mồ côi cha lúc 14 tuổi, ông đã được bà con giúp đỡ trong việc học và sau đó trở thành giáo viên dạy thế (giáo viên dự trữ). Năm 1945, Đinh Văn Đệ gia nhập Thanh niên Tiền phong tại Đồng Tháp. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, Đinh Văn Đệ đã hai lần bị nhà cầm quyền Pháp bắt, rồi được trả tự do. Sau đó, Đinh Văn Đệ cùng mẹ và các em lên Sài Gòn mở quán bán sách và dạy Pháp văn. Cũng thời gian này, em ruột của ông là Đinh Văn Huệ thoát ly theo kháng chiến, sau ở Tiểu đoàn 307 và trở thành Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1951, Đinh Văn Đệ, do có bằng Cao đẳng tiểu học đã bị động viên vào Quân đội Quốc gia Việt Nam và theo học lớp sĩ quan. Dưới thời Quốc gia Việt Nam, Đinh Văn Đệ là Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Lê Văn Tỵ. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1957, Đinh Văn Đệ được thăng trung tá. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm, Đinh Văn Đệ được Dương Văn Minh cử làm Thị trưởng Đà Lạt, sau kiêm thêm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng hiện nay). Năm 1964, ông được Nguyễn Khánh đổi đi làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận. Năm 1967, phía quân cách mạng thông qua chú họ ông tìm cách bắt liên lạc với ông. Sau đó, Đinh Văn Đệ từ chức tỉnh trưởng Bình Thuận để ứng cử vào Hạ viện Sài Gòn và đắc cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Di ảnh ông Đinh Văn Đệ (trái) và phần mộ được an táng tại nghĩa trang gia tộc, trong Từ đường tộc họ Đinh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (phải).
Cũng trong thời gian là dân biểu chế độ Sài Gòn, Đinh Văn Đệ được bầu làm Phó Chủ tịch Hạ viện Sài Gòn nhưng sau đó, theo chỉ thị từ phía Quân giải phóng, ông phải tìm cách tự hạ chức của mình xuống Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ nghị viện Sài Gòn. Sau năm 1975, Đinh Văn Đệ không phải đi học tập cải tạo và được ông Võ Văn Kiệt phân công thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật Thành phố Hồ Chí Minh và chức vụ sau cùng của ông trước khi nghỉ hưu là Chánh Văn phòng Nhóm Nghiên cứu Kế hoạch của ông Võ Văn Kiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, Đinh Văn Đệ đi tu theo đạo Cao Đài với thánh danh là Thiên Vương Tinh.
Nhà tình báo chiến lược với những thông tin giúp xoay chuyển tình thế
Đang là Phó Chủ tịch Hạ viện chế độ Sài Gòn, theo yêu cầu của phía quân giải phóng, Đinh Văn Đệ phải đi thuyết phục để mình được “xuống chức”, ứng cử làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện chế độ Sài Gòn. Nguyên do vì các thông tin mật chỉ được cung cấp cho cấp trưởng, vì vậy với chức vụ là Phó Chủ tịch Hạ viện, Đinh Văn Đệ không có điều kiện để tiếp cận các thông tin tình báo mật này. Chiều ngày 31/10/2006, ông Võ Văn Kiệt khi ấy được Chính phủ phân công là Chủ tịch Hội đồng chủ biên công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” đã có buổi làm việc với nhiều nhân chứng, trong đó có Đinh Văn Đệ. Tại buổi họp này (báo cáo số: 142/BT), Đinh Văn Đệ cho biết ngày 8/1/1975, khi Quân giải phóng tiến hành giải phóng Phước Long, ông Phạm Hùng đã thông qua bộ phận tình báo hỏi Đinh Văn Đệ là liệu địch có trở lại chiếm Phước Long hay không để phía Quân giải phóng biết trước mà đối phó. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện chế độ Sài Gòn, Đinh Văn Đệ đã khéo léo lấy được các thông tin và khẳng định với ông Phạm Hùng “lấy sinh mạng bảo đảm” rằng quân đội Sài Gòn sẽ không tái chiếm Phước Long. Vì chắc chắn quân Sài Gòn không tái chiếm Phước Long nên Quân giải phóng đã đưa quân lên tấn công Buôn Mê Thuột. Việc thứ hai, đó là ông báo cáo về phía Quân giải phóng về việc quân đội sài Gòn biết rõ các điểm đóng chân và di chuyển của Trung ương Cục miền Nam để phía Quân giải phóng biết và đề phòng di chuyển tránh bị tấn công…
Đi xin viện trợ nhưng khéo léo để Mỹ cắt viện trợ
Sau khi thất thủ Tây Nguyên phải bỏ Pleiku, Đà Nẵng nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn không chịu từ chức vì còn đang trông chờ viện trợ từ phía Hoa Kỳ để cứu vãn tình thế. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết: từ ngày 13/3/1975 đến 6/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử hẳn một phái đoàn gồm nhiều dân biểu quốc hội Sài Gòn trực tiếp qua Mỹ để vận động tăng viện trợ hòng cứu nguy cho chế độ Sài Gòn. Trong phái đoàn có Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Sài Gòn là cơ sở tình báo Miền. Sách này cũng cho biết những năm 1967 - 1970, Đinh Văn Đệ là dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn, Phó Trưởng khối đối lập, Phó Chủ tịch Hạ viện, nhưng để thi hành chỉ thị (của cách mạng) phải nắm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Sài Gòn nên ông phải “từ bỏ phe đối lập, quay lại thân chính quyền, chống cộng”.
Đinh Văn Đệ đã tìm cách mô tả tình hình nguy ngập của chế độ Sài Gòn cho các nghị sĩ Mỹ, với dụng ý “dù có đem cả núi tiền qua tiếp viện” cũng vô phương cứu chữa. Từ bản tường trình của Đinh Văn Đệ, Quốc hội Mỹ càng xác định thái độ chống duyệt chi thêm cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu (Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, tr. 932 - 933).
Trong báo cáo tại buổi làm việc với ông Võ Văn Kiệt nêu trên, Đinh Văn Đệ cho biết: đoàn chế độ Sài Gòn chia làm hai nhóm đi hai phía. Đinh Văn Đệ được phân đi thăm phía quân sự, quốc phòng, ngoại giao, tài chánh. Bằng sự khéo léo của một nhà tình báo, Đinh Văn Đệ đã thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Rudolph Ford để cuối cùng Tổng thống Ford, không muốn làm mất lòng các đại biểu của “nước đồng minh” nên kết luận: “Thôi các anh cứ về, tôi sẽ cử một tướng qua thị sát rồi sẽ quyết định sau”. Ngay sau bắt tay chào Tổng thống Ford, Đinh Văn Đệ đã chắc chắn và bắn tin “về nhà” rằng Mỹ sẽ không viện trợ, không đưa quân trở lại miền Nam. Cuối cùng, dự báo này của Đinh Văn Đệ đã trở thành hiện thực và ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã lên truyền hình chửi rủa phía Hoa Kỳ và tuyên bố từ chức.
Thay mặt Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến viếng ông Đinh Văn Đệ, ghi sổ tang, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thành kính viết: “Nhân sĩ Đinh Văn Đệ là một cán bộ trung kiên, không ngại hiểm nguy, anh dũng hy sinh, thầm lặng vượt qua nỗi đau của cá nhân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tổ chức giao phó, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Ông luôn quan tâm, đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một tấm gương sáng chân tu, giàu lòng yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”. Đó là một đánh giá công bình, đúng với những công lao đóng góp của ông Đinh Văn Đệ đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
VŨ TRUNG KIÊN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...