Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
11:24 (GMT +7)

Định Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

VNTN- Khi đặt chân đến Định Hóa - trái tim của căn cứ địa cách mạng ATK, ta không chỉ cảm nhận được hơi thở lịch sử vang vọng qua từng nẻo đường, mà còn được chứng kiến sự đổi thay rõ nét của vùng đất miền núi.

Định Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Hệ thống trường, lớp học được đầu tư khang trang

Với hơn 73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Định Hóa vừa lưu giữ những ký ức cách mạng hào hùng, vừa hiện lên như một bức tranh giản dị nhưng tràn đầy sức sống, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện để làm nên nét đẹp riêng của vùng đất.

Chính sách hỗ trợ thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Định Hóa, không chỉ nổi tiếng với danh xưng “Thủ đô kháng chiến” trong thời kỳ chống thực dân Pháp mà còn là một địa bàn chiến lược mang tính lịch sử, văn hóa và kinh tế. Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây Bắc, Định Hóa có diện tích tự nhiên 513,77 km², trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 93,6%. Toàn huyện có 23 đơn vị hành chính với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Những năm qua, nhờ các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Định Hóa đã có những bước tiến vượt bậc. Các chính sách như Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, và các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS đã tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống người dân.

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với 100% xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế, 96,9% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 95%. Nhờ các chính sách dân tộc và hỗ trợ phát triển vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm đáng kể, chỉ còn 5,42% vào năm 2023. Các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường, và giáo dục đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với 100% xã về đích, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ.

Định Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa ngày càng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Mạnh Hùng

Ngay tại những xã từng gặp nhiều khó khăn, thì nay hệ thống giao thông nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Những con đường đất lầy lội nay đã được thay thế bằng những tuyến đường bê tông phẳng phiu, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con trở nên thuận lợi hơn.

Xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn văn hóa
Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đã giúp Định Hóa tận dụng tốt các nguồn lực sẵn có. Là huyện miền núi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Định Hóa đạt được nhiều thành tựu, phản ánh sự tăng trưởng, đồng thời khẳng định chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Xã Kim Phượng là một ví dụ điển hình cho sự “thay da đổi thịt” ở khu vực vốn khó khăn này. Xã Kim Phượng được thành lập mới năm 2020 trên cơ sở sáp nhập 2 xã là xã Kim Sơn và xã Kim Phượng. Đến nay, đường liên xã đã được trải nhựa 100%; đường trục xóm, liên xóm được bê tông hóa 95%; tỷ lệ đường ngõ xóm được bê tông hóa cũng đã đạt 75%.

Người dân trên địa bàn xã đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển các sản phẩm như gạo J02, Bao Thai, Nếp vải, làm bánh gio, trồng rau bò khai; đũa cọ, phát triển mô hình trồng quế…

Định Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Du khách thăm quan tại điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa

Chính quyền địa phương khuyến khích các HTX phát triển các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu của địa phương, tạo ra các sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng như: sản phẩm mỳ gạo, mỳ phở bao thai Định Hóa, đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao và sản phẩm hiện có mặt tại một số siêu thị, hệ thống cửa hàng trong và ngoài tỉnh, một số điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP.

Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư, có 14/14 xóm có nhà văn hóa và sân thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Các xóm đều có các câu lạc bộ sinh hoạt theo nhóm sở thích. 3/3 trường học được công nhận đạt chuẩn mức độ 1, mức độ 2.

Trong lĩnh vực giáo dục, những ngôi trường khang trang mọc lên giữa bản làng là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục vùng DTTS. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa được thành lập năm 2014, đến năm 2018 trường được tách ra hoạt động độc lập từ trường THPT Bình Yên với mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang, tiện nghi, các lớp học được lắp đặt thiết bị hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Cô giáo Ma Thị Anh, giáo viên nhà trường thông tin: sau 6 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn để phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường đã từng bước khẳng định được uy tín, vị thế so với các trường THCS trên địa bàn huyện. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên tương đối đồng đều về chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, đều có giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp; tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp đều ổn định.

Trong lĩnh vực y tế, các trạm y tế xã đã được nâng cấp, cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân. Chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được triển khai thường xuyên, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. "Trước đây, khi ốm đau, chúng tôi phải đi xa để khám bệnh, rất bất tiện. Nay trạm y tế xã đã có bác sĩ túc trực, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn," bà Hoàng Thị Thủy, dân tộc Tày chia sẻ.

Định Hóa: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Bà con  DTTS ở nhiều xã trồng chè lai năng suất, chất lượng cao thay cho giống chè hạt

Ngoài kinh tế, Định Hóa còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên, là một ví dụ điển hình. Với 85 hộ dân, chủ yếu là người Tày, nơi đây vẫn giữ được các loại hình văn hóa truyền thống như hát then, lượn cọi, và nghệ thuật múa rối. Phường rối của dòng họ Ma Quang đã tồn tại gần 300 năm, là niềm tự hào không chỉ của người dân Thẩm Rộc mà còn của cả huyện Định Hóa.

Các chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp người dân cải thiện đời sống. Huyện hiện có 228 khu dân cư với đội ngũ “Người có uy tín” đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa và thúc đẩy sự đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới.

Từ một vùng đất gắn liền với lịch sử cách mạng, huyện Định Hóa đã chuyển mình thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, và xã hội. Với những bước tiến vững chắc, Định Hóa hôm nay là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy