Định cư nhưng chưa an cư
Được triển khai từ năm 2018, khu tái định cư (TĐC) Tân Tiến, xã Tân Quang, TP. Sông Công nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho hàng trăm hộ dân thuộc diện phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Sông Công 2. Theo thiết kế, khu TĐC có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng với mục tiêu là đảm bảo để người dân có cuộc sống tốt hơn, nơi ở mới khang trang hơn. Thế nhưng, tại đây đang tồn tại những vướng mắc khiến người dân bất an và bức xúc.
Khổ vì hạ tầng chưa hoàn thiện
Đã 4 năm kể từ ngày về nơi ở mới tại khu TĐC Tân Tiến, xã Tân Quang, TP. Sông Công, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn đang mỏi mòn mơ về một ngày hạ tầng thiết yếu của khu TĐC được hoàn thiện. Bà Lê Thị Lanh, tay cầm cái roi nhỏ xíu giơ lên nạt mấy đứa cháu đi vào nhà không được lội nước nữa, miệng vừa lầm bầm, tức giận: “Có ai khổ như chúng tôi ở đây không? Thử hỏi nhà các vị bị như thế này thì có chịu nổi không?”.
Chả là toàn bộ đoạn đường chạy qua trước cửa nhà bà và nhiều hộ khác nữa đã bị đắp chặn một đầu để tạo thành một con mương dẫn nước về cánh đồng gần đó. Sáng nay bà Lanh đi chợ, nhưng gần trưa bỗng nóng ruột vì chỉ có mấy đứa cháu nhỏ ở nhà nên vội vàng gửi hàng để về xem sao. Đến nơi, thấy mấy đứa nhỏ đang chơi trò thả dép làm thuyền, bì bõm lội ướt như “chuột lội” ngay con đường nhựa trước cửa nhà nhưng hôm nay đã trở thành dòng mương bất đắc dĩ. Bọn trẻ mới lên năm lên ba cứ thấy nước là hò hét, chơi đùa mà chưa hiểu được nỗi niềm của người lớn.
Mặt phừng phừng tức giận, bà Lanh cho biết: Đây không phải lần đầu tiên người ta chặn đường trước cửa nhà chúng tôi làm mương thế này. Năm nào cũng phải vài đận, mỗi đận kéo dài từ vài đến chục ngày. Bước chân ra khỏi cửa là bì bõm nước. Muốn đi đôi giày, đôi dép tử tế cũng không được.
Vừa lúc đi làm về tới, anh Hà Văn Diệm cũng không giấu nổi sự bức xúc: Chúng tôi cũng không trách gì bà con có đất canh tác ở đây. Vì nếu không đắp đường dẫn nước về thì ruộng đồng không thể gieo cấy. Chúng tôi trách là trách những cơ quan, ban ngành thực hiện khu TĐC này, sao nỡ để cuộc sống của người dân chúng tôi khổ thế. Con tôi học lớp 4, đã 2 lần ngã xe đạp khi cố đi qua chỗ bờ đắp để đi học, vợ tôi cũng một lần ngã xe máy. May là cũng mới chỉ xây xát nhẹ, bẩn quần áo, hỏng xe, đi học, đi làm muộn. Nhưng ai dám chắc không xảy ra các sự cố nguy hiểm khác khi tình trạng này vẫn tiếp tục?
Là một trong những cư dân cũ, có đất canh tác ở cánh đồng sát khu TĐC Tân Tiến, ông Bùi Thành Vân phân trần: Chúng tôi cũng áy náy mỗi khi phải đắp đường dẫn nước lắm nhưng không còn cách nào khác. Dẫn nước gieo mạ, rồi đến dẫn nước cấy, nước dưỡng cho lúa. Nếu không có nước thì không thể cấy hái gì được. Thế nên mỗi lần phải đắp nước tôi đều trực ở đây để ruộng đủ nước là dọn đường ngay.
Nhà ở giữa đoạn đường bị ngập nước chị Nguyễn Thị Mỵ ngao ngán: Khu TĐC này thực sự quá bất ổn! Ngay cả khi người dân không đắp nước thì nước vẫn rỉ ra đường, một nửa đoạn đường hầu như lúc nào cũng ướt. Theo tay chị Mỵ chỉ, đoạn không bị đắp lại thì vẫn có nước đọng thành rêu rất bẩn thỉu.
Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là bởi khi xây dựng mặt bằng khu TĐC Tân Tiến, đơn vị thi công đã san lấp mương dẫn nước về cánh đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn trả. Thế nên, cứ khi mùa vụ tới, người dân có đất canh tác buộc phải chặn đường làm mương dẫn nước.
Càng đáng nói hơn khi đường biến thành mương không phải là vấn đề duy nhất ở khu TĐC Tân Tiến. Ngoại trừ một vài đoạn đường trong khu TĐC được thảm nhựa như đoạn thường xuyên trở thành mương, thì hầu hết các con đường dẫn vào và đường trong khu TĐC chưa được hoàn thiện. Thậm chí nhiều đoạn không thể phân biệt được lòng đường với vỉa hè, cứ mưa là lầy, nắng thì bụi bặm bẩn thỉu. Khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều chỗ lởm chởm vật liệu xây dựng, trụ bê tông, nhiều cống thoát nước không thấy nắp đậy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người dân, nhất là trẻ nhỏ.
Anh Chu Hải Hưng và nhiều người dân ở đây cho chúng tôi biết thêm: Khu này cũng chưa có bể chứa nước thải, mỗi lần mưa, nước thải từ dưới cống trào lên đường hôi thối không thể chịu được. Nguy hại hơn là lượng nước thải này không có nơi chứa nên hễ đầy là trào lên rồi lại ngấm ngược trở lại lòng đất khiến người dân bất an về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, hệ thống đèn điện chiếu sáng công cộng dù đã được đầu tư, lắp đặt, song từ khi người dân về khu TĐC sinh sống thì đèn đường chưa một lần được bật sáng khiến người dân vô cùng bức xúc.
Dù không phải chịu cảnh vài thàng một lần đường trước cửa nhà biến thành mương nước như bà Lanh, anh Diệm, chị Mỵ… nhưng với gia đình chị Vũ Thị Hải lại có nỗi khổ khác. Chị Hải chuyển từ xóm Tân Mỹ 2 ra khu TĐC Tân Tiến làm nhà ở từ tháng 6/2021, thế nhưng ngoài diện tích làm nhà, các hạ tầng thiết yếu khác tại vị trí chị được nhận đất TĐC gần như không có. Chỉ vào đường dây diện ngoằn ngoèo được kéo từ đâu đó rất mất thẩm mỹ, chị Hải cho biết: Điện sinh hoạt gia đình tôi phải tự kéo chứ không hề có hệ thống công tơ điện tổng chờ. Dự án cũng không làm đường đi đến lô đất của gia đình tôi mà chúng tôi vẫn phải đi theo đường đất bẩn thỉu, phải kê tạm mấy viên đá để lót đường vào nhà cho đỡ bẩn. Cống thoát nước thì đến tận bây giờ mới rục rịch xây nhưng lại chưa thông. Hễ cứ có mưa lớn là nhà tôi nước ngập đục ngầu như nước ao, vô cùng khổ sở.
Nỗi niềm của chị Hải, bà Lanh cũng là tâm tư của nhiều người dân ở khu TĐC Tân Tiến hiện nay, bà Lanh bảo: Hơn 3.000 m2 đất, chưa kể đất ruộng chúng tôi đã bàn giao cho Nhà nước để làm khu công nghiệp. Về ở khu TĐC với bao nhiêu hy vọng về những điều kiện sống tốt đẹp hơn như các cán bộ khi tuyên truyền đã nói. Thế mà đã hơn 4 năm, tốt đâu chưa thấy, chỉ thấy mình như bị người ta “đem con bỏ chợ”, kêu chẳng ai thấu!...
Bao giờ dân mới được an cư?
Triển khai từ năm 2018, dự án khu TĐC Tân Tiến được hình thành để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho các hộ dân thuộc diện phải di dời phục vụ giải phóng mặt bằng Khu Công nghiệp Sông Công II. Theo thiết kế, nơi đây có 336 lô đất TĐC, do Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 320 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ xây dựng khu công nghiệp, các hộ dân đã nhận đất, xây nhà tại khu TĐC khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, vì cả những lý do khách quan và chủ quan mà khoảng 2 năm nay, dự án gần như “bất động” và nhiều hạng mục vẫn dang dở như đã nói ở trên cho đến tận hôm nay.
Trao đổi với đại diện chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Ban cho hay: Việc tiến độ dự án bị chậm dẫn đến những bất cập mà người dân phản ánh là hoàn toàn đúng trên thực tế. Bởi, trong quá trình triển khai, dự án phải tạm dừng để phục vụ công tác thanh tra. Tiếp đó các chính sách về sử dụng nguồn vốn để thực hiện dự án cũng phải thay đổi, dẫn đến khó khăn và chậm trong quá trình bố trí vốn thực hiện dự án. Quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian khá dài (khoảng 2 năm). Mãi đến cuối năm 2022, một phần nguồn vốn đầu tư cho dự án khu TĐC Tân Tiến mới được bố trí thì tại một số điểm, người dân lại không đồng thuận bàn giao mặt bằng nên nhà thầu chưa thể thi công.
Theo đại diện Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh, Ban đã nhiều lần tổ chức họp với TP. Sông Công để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cũng như văn bản đề nghị Trung tâm phát triển Quỹ đất của thành phố và các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Không phủ nhận những vướng mắc trên, làm việc với chúng tôi, ông Lưu Trí Vượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Sông Công thông tin: Đúng là thời điểm trước đây việc bàn giao mặt bằng còn gặp một số vướng mắc do một vài hộ gia đình chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Nhưng vấn đề này đến nay cơ bản đã được giải quyết. Một hộ dân cuối cùng chưa đồng thuận, thành phố cũng đã có phương án thực hiện các bước cưỡng chế đúng theo quy định của pháp luật trong tháng 7 này.
Tuy nhiên, đại diện chính quyền TP. Sông Công cũng cho rằng, chủ đầu tư vẫn có thể tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục khác như đường bê tông, lát vỉa hè bởi những vị trí đó thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư từ trước.
Cho chúng tôi xem sơ đồ dự án khu TĐC Tân Tiến, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Sông Công cho biết thêm: Sở dĩ vị trí xây dựng trạm xử lý nước thải của khu TĐC chậm bàn giao mặt bằng là còn có nguyên nhân khác. Theo ông Kiên, phương án thiết kế, lập quy hoạch ngay từ đầu có thể đã không tính hết, dẫn đến việc hiện nay nếu thực hiện thu hồi diện tích làm trạm xử lý nước thải theo kế hoạch thì một số hộ dân sẽ không có đường vào nhà. Đó cũng là lý do người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Bởi vậy, TP. Sông Công đề nghị chủ đầu tư phải có phương án hoàn trả đường cho người dân khi thu hồi diện tích này.
Tương tự, mương thuỷ lợi dẫn nước từ kênh Hồ Núi Cốc về cánh đồng Tân Tiến trước đây đã bị san lấp trong quá trình giải phóng mặt bằng khu TĐC. Trong khi đó, bản đồ quy hoạch khu TĐC giai đoạn hiện tại lại không có phương án hoàn trả mương cho người dân. Đó cũng là lý do khiến người dân dù nhiều lần phản ánh, kiến nghị chính quyền địa phương từ cấp xã đến thành phố giải quyết tình trạng đắp đường làm mương dẫn nước qua cửa nhà mà chưa được xử lý.
Một phương án đã được TP. Sông Công và Ban Quản lý Các Khu công nghiệp từng bàn thảo đó là đấu nối hệ thống dẫn nước thuỷ lợi vào mương thoát nước mặt của khu TĐC. Dĩ nhiên đó vẫn mới chỉ là phương án được đưa ra trên bàn nghị sự.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc lý do gì khiến hệ thống chiếu sáng đường của khi TĐC dù đã được lắp đặt đầy đủ song không đóng điện phục vụ người dân, đại diện TP. Sông Công cho biết, thành phố cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân về việc để không dẫn đến lãng phí hệ thống điện chiếu sáng suốt mấy năm qua, trong khi người dân khu TĐC lại không được thụ hưởng. Tuy nhiên, thành phố cũng chỉ có thể đôn đốc các cơ quan liên quan vì hạng mục này thành phố chưa được nhận bàn giao.
Đại diện chính quyền TP. Sông Công cũng bày tỏ mong muốn chủ đầu tư là Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh nhanh chóng thực hiện các hạng mục còn dang dở, sớm hoàn thiện hạ tầng khu TĐC và bàn giao cho địa phương quản lý.
Có thể thấy, vướng mắc, chậm chễ trong hoàn thiện hạ tầng khu TĐC không riêng từ phía nào, nhưng có một điều chắc chắn là người dân ở khu TĐC Tân Tiến đang phải chịu những thiệt thòi mà họ không đáng phải chịu. Những người di dời ra khu TĐC đầu tiên đã và đang làm nhà, sinh sống tại đây là những người gương mẫu và đi đầu trong việc ủng hộ chủ trương của tỉnh, họ đã nhường lại đất đai, nhà cửa để xây dựng khu công nghiệp Sông Công II vì sự phát triển chung của tỉnh.
Thiết nghĩ, sự vất vả của người dân khu TĐC Tân Tiến thời gian qua là chuyện đã rồi nhưng để những vất vả ấy của người dân không phải kéo dài thêm thì rất cần sự vào cuộc trách nhiệm hơn từ chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư dự án. Có như vậy mới có thể giúp người dân an cư tại nơi ở mới của mình.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...