Điều ước ngày Xuân…
(Trò chuyện với ông Đinh Quang Ấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên)
Thưa ông Đinh Quang Ấn! Được biết năm 2021 này ông đón nhận 3 dấu ấn quan trọng của cuộc đời mình: 80 năm tuổi đời; 55 năm tuổi Đảng và tròn 20 năm nghỉ hưu. Có thể sẽ có ai đó cho rằng, đã tuổi 80 thì nên “lão giả an chi” (người già chỉ nên sống yên phận, không nên để ý đến việc đời), ông đã bao giờ nghĩ như vậy chưa?
Ông Đinh Quang Ấn: Tôi đã không dưới một lần nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi cũng lại nghĩ, mình đã “giả” thật rồi, đã yếu thật rồi, đã không còn làm được nhiều việc mong muốn như trước nữa, nhưng nghĩ những điều tích cực, đóng góp những mong muốn, ý kiến làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn thì vẫn nên làm.
Vậy điều gì hiện nay vẫn khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?
Ông Đinh Quang Ấn: Vẫn là vấn đề đội ngũ cán bộ. Trong 40 năm công tác của tôi thì 25 năm là làm công tác tổ chức cán bộ. Nghỉ hưu đã 20 năm, điều mà tôi luôn để tâm quan sát và suy ngẫm cũng là vấn đề đội ngũ cán bộ.
Càng ngày tôi càng nhận rõ và thấm thía rằng: Cán bộ (kể cả cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ) có vai trò quyết định trong mọi công việc. Đường lối, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ luôn hướng đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” để đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí và đức, tài của người cán bộ thật là đúng đắn và luôn nóng hổi tính thời sự.
Những năm gần đây, trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mặt ưu điểm, tiến bộ, cũng như mặt khuyết điểm, tồn tại của đội ngũ cán bộ đã được chỉ ra một cách cụ thể và sâu sắc hơn. Từ đó đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong xây dựng đội ngũ: từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng và chính sách đãi ngộ đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Có thể nói rằng những mặt mạnh và lớp lớp cán bộ tốt đã đóng góp xứng đáng vào thành công vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước ta trong gần một thế kỷ qua. Đồng thời, những mặt yếu kém và không ít những cán bộ sai lầm, hư hỏng phải gánh trách nhiệm cho những tổn hại và thua thiệt của đất nước ta, nhân dân ta, nhất là trong thời kỳ hội nhập cùng cộng đồng thế giới.
Thưa ông, nói đến đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là nói đến bằng cấp, học hàm, học vị. Đã có biết bao câu chuyện xoay quanh chuyện bằng cấp. Ông có nghĩ bằng cấp là quan trọng trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không?
Ông Đinh Quang Ấn: Có chứ, rất quan trọng và rất quý. Nhưng phải là bằng cấp thật. Còn khi đánh giá cán bộ thì phải lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí số một.
Một xã hội văn minh, phát triển phải là một xã hội học tập. Người cán bộ có chí tiến thủ, mong muốn cống hiến phải ham học hỏi. Đạt được học vị, chức danh cao đó là niềm tự hào chính đáng. Bởi đó là chứng chỉ của kiến thức và là điều kiện để làm tốt nhiệm vụ được giao phó.
Từ bậc đại học trở lên, điều quan trọng nhất mà người học thu nhận được là phương pháp và tư tưởng. Vốn quý đó giúp cho tư duy được rộng hơn, sâu hơn, không chỉ ở một lĩnh vực chuyên môn hẹp mà còn lan tỏa ra các hoạt động khác. Nó là cơ sở cho lòng tin và nguồn của trí sáng tạo. Mục tiêu cuối cùng vẫn là kết quả của từng việc làm và mức độ hoàn thành chức trách được giao. Đó là sự kiểm nghiệm khách quan, công bằng nhất cho trí tuệ và tinh thần của người cán bộ. Chứ đừng nên chỉ nhìn vào bằng cấp.
Vậy theo ông chọn cán bộ và tìm ra nhân tài bằng cách nào là tốt nhất?
Ông Đinh Quang Ấn: Bằng cạnh tranh.
Cạnh tranh vốn là quy luật tồn tại và phát triển của muôn loài. Có cạnh tranh năng lực tiềm ẩn mới phát lộ, tài trí mới tỏa sáng.
Nhân dân ta mà Đảng và Nhà nước là đại diện rất tin yêu cán bộ tốt, rất quý trọng người tài. Người tài được phát hiện, được rèn giũa, được tạo điều kiện phát huy, cống hiến, được đãi ngộ xứng đáng sẽ trở thành người cán bộ tốt.
Làm thế nào để cạnh tranh lành mạnh, thực chất? Cần một chủ trương rõ ràng, sự chỉ đạo có trách nhiệm của người đứng đầu và nghệ thuật của công tác tổ chức.
Vì vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ; vì khát vọng đưa đất nước phát triển xứng tầm thế giới, hãy coi cạnh tranh là một trong những khâu đột phá của công tác cán bộ.
Một vấn đề người dân hết sức quan tâm là không ít cán bộ khi có chức có quyền là giàu lên trông thấy. Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Ông Đinh Quang Ấn: Cán bộ công chức, những người ăn lương Nhà nước được quyền có đời sống ổn định, khá giả nhưng không thể giàu có nếu chỉ làm công ăn lương.
Thoát nghèo bền vững, rồi ăn đủ no, mặc đủ ấm, nuôi dạy được con trẻ nên người,… đó là suy tư trăn trở ngày đêm của Đảng, Nhà nước ở trung ương và cấp ủy chính quyền ở địa phương hiện nay.
Cán bộ, công chức từ dân mà ra, sống cùng dân, làm việc cho dân. Ngân sách nhà nước do dân đóng góp. Với mức tiền lương như hiện nay, tuy so với trước đây mấy chục năm thì đã được cải thiện nhiều, nhưng thu nhập từ lương, sống bằng lương không thể đủ để giàu sang. Cũng có người được cha mẹ bù trì, con cái vun đắp, nhưng quyết không phải là phổ biến. Còn đa số phải khéo ăn khéo tiêu lắm thì mới mong thực hiện được mục tiêu “1-2-3-4”: 1 vợ (chồng), 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh, mà cũng cần có thời gian không ngắn dành dụm, tích lũy. Nói gì đến giàu sang.
Vậy, nếu cán bộ, công chức, nhất là những người làm lãnh đạo lại trở nên giàu có, nhất là giàu có nhanh chóng thì quả là không bình thường, không thể không đặt dấu hỏi. Luật pháp của ta, cung cách quản lý cán bộ của ta hiện nay nhiều khi chưa đủ hiệu lực để làm rõ và ngăn chặn những cán bộ có chức có quyền tham nhũng, vơ vét, làm giàu bất chính cho cá nhân. Nhưng người dân có trăm tai, nghìn mắt thì biết cả và trong lòng họ những người cán bộ ấy không phải của dân và vì dân nữa rồi. Thế mà không ít người vẫn ngang nhiên sống, còn dương dương tự đắc nữa. Dân bảo chẳng qua là mệnh trời chưa tới thôi. Có lẽ đúng vậy. Nhân dân có quyền phán xét và là người phán xử công bằng nhất.
Ảnh: Đồng Khắc Thọ
Xin cảm ơn ông đã bộc bạch những suy ngẫm và cũng có thể xem là những điều ước ngày xuân của một người luôn mong muốn làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt cho tỉnh, cho đất nước.
Kính chúc ông mạnh khỏe và không bao giờ là “lão giả an chi”.
Hằng Nguyễn (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...