Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:45 (GMT +7)

Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn: Sau 10 năm có gì?

VNTN - Những tác phẩm điêu khắc tham dự triển lãm “Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần thứ 6 - 2020”, không quá đánh đố công chúng yêu nghệ thuật khi đến đây là những cảm nhận của người dự phiên khai mạc diễn ra ngày 18/9. Nghĩa là, không quá khó để hiểu những “vỉa tầng ý nghĩa” - thông điệp, của chính những tác phẩm điêu khắc do 32 nhà điêu khắc trẻ trong nước thực hiện. Vì vậy, không quá khi nói rằng, triển lãm được xem là một phần đời sống của điêu khắc đương đại Việt Nam, đồng thời trả lời cho câu hỏi: Sau 10 năm điêu khắc Việt Nam có gì?

Sự “thăng hạng” về gu thẩm mỹ

Trước phiên khai mạc triển lãm, đại diện Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) - đơn vị đứng ra tổ chức cho biết, triển lãm đánh dấu cột mốc chặng đường 10 năm hoạt động của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn. Nên nói Triển lãm chính là cuộc biểu dương lực lượng điêu khắc trẻ Việt Nam cũng không có gì là quá khi năm nay quy tụ số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo nhất kể từ trước đến nay với sự góp mặt của 32 nhà điêu khắc nổi tiếng cùng 63 tác phẩm trưng bày. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, một người đã song hành cùng nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn ngay từ những ngày đầu thành lập và tổ chức triển lãm chia sẻ, kể từ khi xuất hiện triển lãm điêu khắc “Hà Nội - Sài Gòn” đến nay, ông nhận thấy những thay đổi rất mạnh mẽ, từ ngôn ngữ thể hiện cho đến ý tưởng sáng tác. Điều này, giúp cho điêu khắc đương đại Việt Nam đi cùng nhịp với điêu khắc châu Á và khả dĩ đối với thế giới.

 

Một góc triển lãm điêu khắc Hà Nội- Sài Gòn 2020

Tất cả những nhận xét có tâm và có tầm nói trên đều xuất phát từ những thay đổi theo chiều hướng tích cực của chính các nhà điêu khắc thể hiện qua tác phẩm tham dự triển lãm. Không quá khó để nhận thấy ở mỗi một kỳ triển lãm, những tác phẩm điêu khắc dù được tạo tác theo những khuynh hướng và chất liệu khác nhau nhưng đều có điểm chung là trực tiếp hoặc gián tiếp hướng đến sự gần gũi với đời sống đương đại, mang tính phổ quát rộng hơn. Và sau 10 năm, tại triển lãm năm 2020, tính ứng dụng của các tác phẩm trong triển lãm đã được bộc lộ rõ nét hơn. Nhiều tác giả đã dũng cảm từ bỏ thói quen với những chất liệu thông dụng như gỗ, đồng... để thay vào đó nhiều khuynh hướng sáng tạo, chất liệu sử dụng đa dạng như kim loại, composite, sợi thủy tinh,… nhằm chuyển tải những xúc cảm, suy tư của nghệ sĩ trước thế giới đương đại. Nhờ đó, người xem cũng dễ dàng hơn khi tiếp nhận những thông điệp mà người nghệ sĩ - nhà điêu khắc gửi gắm phía sau mỗi tác phẩm. Đó là những câu chuyện của nhà điêu khắc Phạm Thái Bình với tác phẩm là tượng người cao gần bốn mét, đại diện cho vị thần đất, đằng sau là dải mây và đằng trước là một mẫu hình virus Corona. Thông điệp ở đây chính là các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ chu đáo từ Chính phủ đã tự tin đối diện đại dịch. Hay người xem có thể bắt gặp ký ức tuổi thơ qua tác phẩm “Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp” của nghệ sĩ Kù Kao Khải; là sự chuyển động của không gian, thời gian qua những phác thảo mang tính ước lệ về người thiếu nữ qua “Cô ấy” của nghệ sĩ Đinh Duy Tôn; hay những cung bậc tình cảm rất dễ bắt gặp của người đương thời với “Bâng khuâng”; hoặc nổi điên như tác phẩm “Điên 1”... Và dễ thấy sau một thập kỷ, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm thẩm mỹ của các nhà điêu khắc trẻ thế hệ 8x - 9x, của chính công chúng yêu nghệ thuật đã có sự “thăng hạng” về gu thẩm mỹ và độ nhạy bén trong nắm bắt chất liệu cũng như chủ đề sáng tác. Những điểm mới của triển lãm lần này chính là thứ dư vị mới, hứa hẹn sẽ làm nên những thay đổi tích cực trong đời sống điêu khắc đương đại Việt Nam.

Định hình ngôn ngữ điêu khắc Việt

Nhà nghiên cứu - phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông trong nhận xét về hoạt động của nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn đã cho rằng: “Sự phát triển trong hoạt động của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động chính là sự ghi nhận các cá nhân - những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”.

 

Tác phẩm “Mặt trăng - Mặt trời” được tạo hình bằng gỗ của tác giả Đinh Duy Tôn (Triển lãm lần thứ 5 - 2018)

Công bằng mà nói, hiện nay nhu cầu về điêu khắc trong kiến trúc, hay của các tác phẩm điêu khắc trong không gian công cộng đang trở nên bức thiết. Bằng chứng là thời gian gần đây, rất nhiều khu du lịch, không gian công cộng sử dụng tác phẩm - công trình điêu khắc như một điểm nhấn, không chỉ giúp thư giãn mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người dân. Chỉ có điều, không phải khu du lịch, không gian công cộng nào cũng có được những tác phẩm, công trình điêu khắc mang đúng giá trị: Chân - Thiện - Mỹ được cộng đồng dân cư đón nhận và ủng hộ. Còn nhiều công trình, không gian công cộng đã sử dụng điêu khắc một cách dễ dãi, thậm chí như một công cụ để gây sự chú ý của dư luận xã hội. Đơn cử như tượng 12 con giáp đặt tại khu du lịch Hòn Dấu - Hải Phòng. Sau 12 con giáp ở Hòn Dấu - Hải Phòng, thì mới đây, thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã vào cuộc tìm hiểu sự việc "ồn ào" về tượng nhân sư phản cảm được đặt tại Khu du lịch Quỷ Núi (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đang lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội thời gian qua... Chưa biết sau thanh tra, số phận tượng nhân sư nói trên sẽ thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng khi ý kiến số đông (không loại trừ các nhà phê bình mỹ thuật) đã lên tiếng thì không có lý do gì đơn vị chủ quản không tiếp nhận và đưa ra những quyết định sáng suốt...

Nhập cuộc với đời sống, nghệ thuật điêu khắc đang hòa chung dòng chảy mạnh mẽ của mỹ thuật đương đại và tạo ra những giá trị riêng không thể phủ nhận. Chính vì vậy, Nhà nước đã và đang nghiên cứu soạn thảo những quy định riêng trong quy hoạch kiến trúc đô thị, thành phố thông minh, nhấn mạnh việc dành bao nhiêu phần trăm diện tích cho điêu khắc khi xây dựng công trình công cộng, khu du lịch, giải trí... nhằm tránh tình trạng lộn xộn, phản cảm như thời gian qua. Còn họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, dưới góc độ quản lý thì cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng đối với việc đặt tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng. Cụ thể, các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phải kiểm soát việc đó. Nếu cá nhân/tổ chức làm tượng đặt trong nhà riêng thì không ai can thiệp nhưng nếu đặt ở những vị trí công cộng thì chắc chắn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm soát ở đây là kiểm soát về mặt nội dung, nghệ thuật… để đảm bảo những tác phẩm được đặt ở vị trí đó ít nhất cũng phải mang giá trị nhân văn, phải mang lại mỹ cảm cho đời sống hoặc môi trường sống của con người.

 

Tác phẩm “Bâng khuâng” tại triển lãm lần thứ 6 - 2020

Trước khi có những quy định cụ thể của Nhà nước và những chuẩn mực cho tượng điêu khắc được đặt tại các không gian công cộng, khu du lịch tâm linh và giải trí của Hội Mỹ thuật Việt Nam được đi vào đời sống thì những triển lãm điêu khắc nghệ thuật có quy mô như Hà Nội - Sài Gòn đã trở thành một gợi ý sáng suốt cho các nhà quản lý, doanh nghiệp có thể mua đứt bản quyền và đặt hàng các nhà điêu khắc những tác phẩm điêu khắc có giá trị phục vụ cho các công trình xây dựng mình quản lý. Bởi hầu hết những tác phẩm tham dự triển lãm đều đã được chọn lựa kỹ càng về mặt ý tưởng, thẩm mỹ... đúng theo tôn chỉ mục đích hoạt động của Nhóm là gây dựng và phát triển một tinh thần cộng đồng mới trong giới điêu khắc, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần hơn nữa với cộng đồng xã hội. Chính vì thế, bên cạnh việc luân phiên tổ chức triển lãm ở hai thành phố, nhóm còn hướng đến mô hình triền lãm tại các không gian rộng lớn, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công chúng trẻ, trước tiên là những người cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Từ đó hình thành nên một thị trường điêu khắc Việt, không chỉ dùng lại ở những sản phẩm lưu niệm hay công trình nghệ thuật công cộng trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới.

Xin lấy ý kiến của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thay cho lời kết: Việc trở thành nghệ sĩ của dân tộc mình, phản ánh đời sống của dân tộc mình có lẽ là quan trọng nhất… Điêu khắc đang có cơ hội mà hội họa tự làm mất đi, trước tiên vì nó chả có một cơ hội thương mại nào, một thị trường nào, sau đó vì sự kiên trì theo đuổi của các nhà điêu khắc từ trẻ đến trung niên, đôi khi theo đuổi một cách thất vọng, vô vọng, tốn kém… vừa làm và nuôi nghệ thuật cho chính mình, cốt yếu làm sao khỏi lạc hậu và thoát ra những ràng buộc truyền thống về ngôn ngữ và chất liệu... để có được một hình hài điêu khắc như hiện nay.

Tường Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy