Điêu đứng với “cô – vít”
(KỲ 2)
VNTN - Doanh nghiệp gồng mình cầm cự...
Theo báo cáo tình hình hoạt động của ngành Công thương tỉnh, trong tháng 2/2020, một số ngành kinh tế tiêu biểu của tỉnh đều có xu hướng giảm: giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 44.168,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với tháng trước, giá trị xuất khẩu ước đạt 1.609,3 triệu USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ...
Còn theo thông tin của Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khách sạn, nhà hàng, lữ hành, khu, điểm du lịch trên địa bàn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trong tháng 2, doanh thu tại các khách sạn, nhà hàng giảm từ 70 - 90%. Riêng các khu, điểm du lịch gần như giảm 100%. Các khu du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên, điển hình như Hồ Núi Cốc giờ đìu hiu, vắng tanh; thậm chí Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải phải đóng cửa từ Tết cho đến nay. Các công ty lữ hành nội địa và quốc tế từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại không bán được tour, hoặc bán rồi lại phải hủy tour vì dịch bệnh.
Tại Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan, hàng loạt xe phải tạm dừng hoạt động do nhu cầu sử dụng của khách hàng trong mùa dịch giảm mạnh chỉ biết nằm trong gara bảo dưỡng hoặc bãi đỗ xe
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - Khách sạn Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, ăn uống hiện nay đều rơi vào tình trạng lao đao vô cùng. Hầu hết đều làm ăn thua lỗ, gồng mình lên chống chọi với dịch bệnh, cố gắng duy trì hoạt động để cầm chừng”.
Công ty Dạ Hương gồm các hoạt động về du lịch (cho thuê phương tiện, bán vé máy bay, tổ chức các tour du lịch trọn gói trong nước và quốc tế), lưu trú (Khách sạn Dạ Hương, Làng Sinh viên) và các nhà hàng ăn uống… thì nay đều rơi vào tình trạng doanh thu ì ạch. “So với cùng kỳ năm ngoái, lưu trú doanh thu khoảng 400 triệu thì nay chỉ còn gần 100 triệu; du lịch mang về 1,5 - 2 tỉ thì nay “không được xu nào”, mảng ăn uống cũng coi như hỏng hẳn, doanh thu chỉ còn được 10%”, ông Hiệp buồn rầu cho biết.
DN du lịch đã vậy, DN vận tải cũng khốn đốn đủ đường. Việc hạn chế đi lại, tạm ngừng các hoạt động lễ hội... ảnh hưởng lớn đến các hoạt động vận chuyển hành khách. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan không giấu được sự lo lắng: “Để phục vụ cho dịp Tết và du xuân, Công ty đã đầu tư 30 xe mới với số tiền hơn 30 tỉ nhưng giờ thì “mắc kẹt”, không có khách để phục vụ. Từ đêm 6/3, có thông tin về bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam, bản thân tôi mấy đêm liền không ngủ, suy sụp hẳn, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa khi nghĩ đến phải đảm bảo việc làm cho 500 người lao động cũng như 300 phương tiện luôn phải lăn bánh để duy trì sự sống còn, ổn định và phát triển của DN”.
Được đánh giá là một trong những DN mạnh nhất về lĩnh vực vận tải trong tỉnh, Hà Lan có khoảng 300 xe, với 140 xe bus (chiếm 80% dịch vụ xe bus công cộng của tỉnh), 110 xe hợp đồng, xe du lịch và 50 xe taxi, xe trung chuyển... thì đến nay lưu lượng xe bus giảm 55%, xe hợp đồng giảm 50%, còn doanh thu xe du lịch mất 100%. Từ ngày 2/2, Công ty đã phải tạm dừng hoạt động 70 xe và có lẽ sẽ thêm nhiều xe nữa phải dừng hoạt động trước tình hình dịch đang diễn biến ngày một phức tạp hơn.
Các hãng taxi cũng lâm vào cảnh lao đao, vắng khách. Hiện nay, thành phố Thái Nguyên có khoảng 1.300 đầu xe taxi. Trước đây, vào dịp đầu xuân hay lúc trời mưa gió thì tình trạng “cháy xe” thường xuyên diễn ra, nhưng giờ thay vào đó là hình ảnh những xe taxi không khách buồn bã xếp hàng dài la liệt.
Anh Thanh, tài xế một hãng taxi trên địa bàn thành phố ngậm ngùi: Trước khi có Covid - 19, tầm thời gian này là lúc chúng tôi thu nhập khá cao. Chạy liên tục mà không hết khách. Giờ chỉ lác đác vài khách, khách đi đường dài càng ít nên chỉ mong chạy đủ lệnh để nộp về công ty đã may lắm rồi. Trừ tiền xăng và 50% nộp về công ty thì nhiều hôm bị âm cả vào tiền túi. Anh em taxi bảo nhau “Mùa dịch, đi trông xe cho công ty chứ chả phải đi kiếm tiền!”.
Quá nửa các tài xế taxi là chạy xe hợp tác với hãng. Phần lớn số họ không có nhiều điều kiện, phải chạy vạy mua xe trả góp, chiếc xe là nguồn sống của cả gia đình. Nay không có thu nhập, áp lực kinh tế phải chi trả cho ngân hàng, cho hãng quá lớn nên nhiều người phải bỏ nghề, hủy hoặc tạm dừng hợp đồng với hãng. Theo ghi nhận của phóng viên, các hãng taxi đều bị giảm doanh thu và rơi vào tình trạng thiếu hụt tài xế.
Các DN sản xuất của ta đa phần phụ thuộc rất lớn vào nguyên vật liệu, phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Nhật Bản... Bởi vậy, một khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hầu hết các DN sẽ lâm vào tình cảnh hết nguyên vật liệu, phụ liệu, linh kiện; hoạt động sản xuất lập tức bị tê liệt. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sử dụng tới 70% nguyện liệu đầu vào từ Trung Quốc. Dù Công ty đã chủ động nhập nguyên liệu từ trước Tết, đủ sản xuất trong 2 tháng nhưng đến nay đã gần hết nguyên liệu. Cuối tháng 3 này, nếu nguyên liệu không kịp về thì hoạt động sản xuất sẽ phải ngừng lại, thiệt hại là vô cùng lớn.
... Và nỗ lực ứng phó với đại dịch
Chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề song hầu hết các DN đều cố gắng chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho người lao động, khách hàng, cũng như nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm ổn định, duy trì hoạt động.
Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), và Việt Nam đã ghi nhận những ca mắc đầu tiên, ngày 2/2/2020, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chi gần 250 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch, gồm: đầu tư 3 máy phun thuốc khử trùng các khu vực bến xe, văn phòng, nhà xưởng, cây xăng dầu và hơn 300 phương tiện xe của Công ty; phát khẩu trang cho toàn thể người lao động và những hành khách đi xe hợp đồng, hay khách đến văn phòng Công ty giao dịch; đầu tư 500 chai nước rửa tay khô trang bị cho tất cả các văn phòng và phương tiện xe của Công ty. Riêng Bộ phận Thanh tra của Công ty thường xuyên thanh tra, kiểm soát các phương tiện về khẩu trang, nước rửa tay, quy trình vệ sinh xe và xịt khuẩn hành khách. Kể từ ngày 8/3, sau khi có thông tin về bệnh nhân số 17 của Việt Nam, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 của Công ty đặt ra nhiệm vụ quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch. Công ty yêu cầu toàn bộ tổng đài xe bus, xe hợp đồng, xe du lịch khi nhận khách phải nhắc hành khách đeo khẩu trang khi đi xe Hà Lan, nếu không sẽ từ chối phục vụ. Đối với nhân viên lái xe và nhân viên văn phòng phục vụ khách nếu không thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch của Công ty như đeo khẩu trang, xịt khuẩn khách đến văn phòng, trước khi lên xe và vệ sinh xe thì sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng/lần vi phạm.
Cũng quyết liệt như Hà Lan, Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương bên cạnh việc tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên nắm đầy đủ các thông tin về tình hình dịch bệnh; trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho nhân viên, sát khuẩn đối với khách; thực hiện phun thuốc phòng dịch toàn bộ hệ thống khách sạn, nhà hàng... một tuần một lần; dừng các tour tuyến đi, đến vùng có dịch..., thì công tác khai báo tạm trú, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ tùy thân của khách khi làm thủ tục check in được Công ty đặc biệt chú trọng. Thông qua hộ chiếu nếu phát hiện đi từ hoặc đi qua vùng dịch Công ty sẽ yêu cầu khách phải khai báo với cơ quan y tế; trường hợp cần cách ly sẽ thực hiện theo quy định.
Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương thực hiện phun thuốc phòng dịch toàn bộ hệ thống khách sạn, nhà hàng... một tuần một lần.
Hầu hết các DN đều chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động và khách hàng. Ý thức sâu sắc hậu quả nếu không làm tốt công tác phòng dịch, các DN đều quyết liệt: “Tất cả các Trưởng bộ phận các văn phòng đều phải kiểm tra, kiểm soát, quản lý nhân viên thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch. BCĐ phòng chống dịch cũng phải đi kiểm tra thực tế, tránh nguy cơ một người của Hà Lan bị là cả Hà Lan sẽ phá sản.” (Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan); Và: “Công ty có 2 nhà máy với gần 2.000 lao động. Lo lắng nhất của Công ty là nếu không phòng dịch tốt mà chỉ một người nhiễm thì cả nhà máy phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất. Một người ảnh hưởng tới cả nghìn người!” (Ông Chu Thuyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT). Song song với công tác phòng, chống dịch, nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình hình khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh được các DN nỗ lực thực hiện.
Với tiêu chí “Không bao giờ được để xe nằm bãi”, trước sự thiếu hụt lái xe mà thời điểm hiện tại không tuyển dụng được, Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Thái Nguyên chủ trương “Lãnh đạo, cán bộ văn phòng cũng ra đường chạy xe”.
Còn Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan thì triển khai 2 phương án về nhân công: đối với nhân viên một số bộ phận như xe bus thực hiện hình thức luân phiên đi làm, Công ty trả lương theo công (trước 26 công/tháng nay chỉ còn 17-18 công); đối với những lao động xác định nghỉ đến khi Công ty gọi đi làm trở lại sẽ nhận lương cơ bản 3,9 triệu/tháng. Song ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho hay: “Ban đầu, Công ty xác định chỉ bù lỗ trong khoảng tháng rưỡi thôi. Nhưng nay dịch lại quay trở lại và rộng hơn, nếu 10 ngày tới, diễn biến dịch phức tạp, Công ty sẽ phải mời người lao động đến họp để chia sẻ khó khăn và tìm phương án hữu hiệu hơn”.
Với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT, thay vì trước đây xuất khẩu 100% những đơn hàng lớn thì nay phải thay đổi kế hoạch sản xuất, nhận cả những đơn hàng nội địa nhỏ (chỉ khoảng 2-3 nghìn hàng) hay những đơn hàng chỉ thuê Công ty gia công. “Phải nhặt nhạnh như vậy để đảm bảo đủ việc cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất. Thậm chí để có nguồn nguyên liệu kịp tiến độ sản xuất, Công ty chấp nhận bỏ chi phí vận chuyển gấp ba, bốn lần cho đường hàng không thay vì đường biển như bình thường”, ông Chu Thuyên chia sẻ.
Dù đã cố gắng tìm tòi, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chủ động các giải pháp khắc phục khó khăn, song các DN đều lao đao, không biết sẽ cầm cự được bao lâu. Rất nhiều đề xuất, kiến nghị của DN được gửi đến các sở, ban, ngành, hiệp hội DN, các ngân hàng của tỉnh mong có được những chính sách như giảm thuế phí, giảm lãi, giãn nợ... giúp DN tháo gỡ khó khăn. Trước thực trạng đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN. Như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên có số dư nợ cho vay DN gần 8,6 tỉ đồng, chiếm tới 80% tổng dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh của Ngân hàng. Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: “Trên cơ sở rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với từng DN, cũng như việc đáp ứng các điều kiện tín dụng, Ngân hàng đã, đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, như: điều chỉnh kì hạn nợ và gia hạn nợ, giảm lãi suất vay... Ngoài ra, những khách hàng có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, hay thay đổi các phương án kinh doanh, Ngân hàng cũng sẵn sàng đánh giá và hỗ trợ cho vay với mức lãi suất ưu đãi”.
Ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh...
Trên tinh thần của trung ương, địa phương cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, để từ đây DN sớm có được “tấm phao” hỗ trợ bước qua cơn “khủng hoảng”, là mong mỏi cũng là sự cấp thiết đối với mỗi DN lúc này.
BÍCH HỒNG - ANH THẮNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...