Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:39 (GMT +7)

Dịch vụ hành chính công và cái nhìn thực chất

VNTN - Chúng ta vẫn xem “một cửa” và “một cửa liên thông” là hình thức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tối ưu nhất, nhưng để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả cần phải được tổ chức một cách khoa học, tập trung ở một đầu mối. Sự ra đời của các Trung tâm dịch vụ hành chính công các cấp chính là lời giải cho bài toán đó. Thực tế cho thấy, trên địa bàn cả nước đã có 16 tỉnh thành làm được việc này và bước đầu phát huy rất hiệu quả thiết thực. Với Thái Nguyên, một tỉnh được xem là trung tâm vùng, có sức thu hút đầu tư đứng thứ 3 cả nước… thì việc ra đời dịch vụ hành chính công là rất cần thiết.

Hiện nay tỉnh ta đang áp dụng 1.489 TTHC trên cả 3 cấp, trong đó cấp tỉnh chiếm phần lớn với 1.164 TTHC. Số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông là 170 ở các lĩnh vực như đất đai, đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xác nhận lý lịch tư pháp, đầu tư, chính sách xã hội, đăng ký kinh doanh...  Tuy nhiên, do thực hiện cơ chế một cửa liên thông còn hình thức, thiếu tập trung ở một đầu mối nên vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn còn thấp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, nhất là các giao dịch điện tử, liên thông điện tử chưa nhiều.

Hiện nay việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai đang quá tải đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Trong ảnh, kiểm tra hồ sơ đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đồng Hỷ

Theo ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ, do thiếu đầu mối tập trung nên đâu đó vẫn còn tình trạng tiếp nhận và giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân ngay tại phòng làm việc của cán bộ, nhất là ở cấp huyện. Việc làm đó không đúng với quy định của Chính phủ, không đảm bảo tính minh bạch, thiếu sự kiểm tra, giám sát, dễ nảy sinh tiêu cực, sách nhiễu. Ngoài ra, có một thực tế là còn địa phương vẫn áp dụng các quy định đã hết hiệu lực để giải quyết TTHC. Sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn hạn chế, còn hiện tượng chồng chéo, không rõ phạm vi quyền hạn, trách nhiệm dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền, dẫn đến tình trạng hồ sơ quá hạn...

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, việc thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông dù đã triển khai ở tất cả các cơ quan, đơn vị, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tình trạng chậm trễ, quá thời hạn giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, tư pháp còn diễn ra phổ biến.

Trước thực tế trên, thời gian gần đây tỉnh đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh bạn, trên cơ sở đó xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện. Đề án đang được tỉnh lấy ý kiến rộng rãi trước khi chính thức thông qua và triển khai thực hiện vào cuối năm 2017 này. Theo các chuyên gia thì việc tỉnh cho thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công là rất cần thiết hiện nay, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Trước tiên, nó thể hiện được quyết tâm chính trị trong đổi mới, cải cách hành chính của tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công. Ngoài ra, còn tạo lập được đầu mối chung quản lý, vận hành thống nhất, thông suốt, thuận tiện, văn minh và hiện đại, giúp giải quyết nhanh, có hiệu quả hồ sơ TTHC của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được cải tiến công việc theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, tách hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức và công dân. Cùng với đó còn giúp cải thiện cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính; phát huy tối đa sự giám sát của nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính...

Được biết, Thái Nguyên sẽ thành lập 1 Trung tâm Dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và 9 Trung tâm cấp huyện. Trung tâm cấp tỉnh được xây dựng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, được thành lập trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện nay đang thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Dự kiến, trụ sở Trung tâm đặt tại Sở Nội vụ hiện nay. Trung tâm là đầu mối duy nhất của tỉnh trong hướng dẫn, tư vấn, tiếp nhận hồ sơ về TTHC cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các TTHC; luân chuyển hồ sơ đến các bộ phận chuyên môn thuộc các sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm xử lý, giải quyết theo quy định; theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ để đôn đốc và trả lời, cung cấp thông tin cho tổ chức, công dân liên quan khi được yêu cầu; tiếp nhận kết quả giải quyết từ các sở, ngành và trả kết quả theo quy định. Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi tổ chức khảo sát ý kiến của khách hàng đối với các dịch vụ hành chính đã được cung cấp; tiếp nhận và phối hợp giải đáp các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến chất lượng giải quyết dịch vụ hành chính công của các sở, ngành; phục vụ các dịch vụ hỗ trợ quá trình giao dịch TTHC và cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành... Các Trung tâm cấp huyện cũng có chức năng, nhiệm vụ tương tự và trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.

Như vậy có thể nói, việc ra đời Trung tâm Dịch vụ hành chính công đối với Thái Nguyên dù được xem là hơi muộn, nhưng rất cần thiết, nhất là khi chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đang đứng ở gần cuối bảng xếp hạng trong cả nước. Bởi vậy, gấp rút hoàn thành các thủ tục cần thiết, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tổ chức, con người, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm lúc này.

Trường Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy