Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:21 (GMT +7)

Đi về phía mặt trời

Ghi chép. Cao Lan

VNTN - Đứng dưới chân Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới, đảo Lý Sơn lúc 12 giờ trưa, phóng tầm mắt ra xa, biển cả mênh mông tung bọt trắng xóa, sóng vỗ ầm ầm vào vách đá, trời xanh thẳm như trong thơ Chế Lan Viên: “Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc”, lòng bỗng rưng rưng nghẹn ngào xúc động.

Lý Sơn!

Đó là một huyện đảo anh hùng  của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi vẫn ước ao có một lần được đặt chân lên - hòn đảo tiền tiêu này - của Tổ quốc. Đã đọc bao nhiêu tư liệu về hòn đảo  này - nên trong tôi Lý Sơn luôn thân thương và gần gũi dù cách xa vạn dặm. Nhưng không phải nói đi là đi luôn được. Cho đến gần đây nhất, dịp 30 tháng 4, tôi đã đến Lý Sơn. Chuyến ra đảo này đã cho tôi vô vàn cảm xúc không giống bất cứ nơi nào tôi đã đi qua.

Từ sân bay Chu Lai (đến thành phố Quảng Ngãi) đi theo quốc lộ 24B về cảng (Sa Kỳ), lúc 5giờ sáng tới nơi, tôi ngồi dưới bóng cây bông gòn ngắm cảng. Cảng biển Sa Kỳ đã được xây dựng hiện đại, nhà chờ rộng rãi khang trang và sạch đẹp.  Ngồi trong sảnh chờ đợi mua vé xuống tàu, cảm giác hồi hộp lạ thường. Phải đi sớm vì tàu ra đảo chỉ có vài chuyến trong ngày. Mỗi du khách được mua 2 vé, phải xuất trình chứng minh thư cẩn thận như ra sân bay. Chỉ tiếc mỗi điều, cảng đẹp như vậy nhưng ở nhà vệ sinh lại có cái thùng thu tiền và do một má già ngoài bảy mươi tập tễnh chân coi giữ. Nghĩ thấy ái ngại.

Cổng Tò Vò - nơi khách du lịch không thể không ghé thăm khi đến đảo Lý Sơn

Cuối cùng cũng đến lúc lên tàu, bạn sẽ không thể quên được cảm giác khi nghe tiếng còi tầu lúc rời bến, sao mà tha thiết đến thế.

Không chịu ngồi trong khoang. Tôi lên boong, ra phía mũi tàu ngồi, biển cả xanh thẫm, sóng to như ập xuống. Cậu thủy thủ bảo, nay sóng lừng cô ạ, tàu con hoán cải không phải tàu du lịch nên sẽ say đó cô. Nắng và gió. Rát bỏng tay, bảo sao người Quảng Ngãi da đen cháy và ăn sóng nói gió. Nhỏ nhẹ sao nổi khi đứng trước thiên nhiên dữ dội này.

Cậu thủy thủ hay chuyện, kể cho tôi về hòn đảo xinh đẹp trước mắt. Gọi Lý Sơn là tên chữ đó cô, trước gọi - Cù lao Ré không à. Sao gọi vậy: do có nhiều cây Ré mà cô. Đảo của con là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý cô à, đi chừng 2 tiếng tới nơi nếu trời yên, có bão thì chậm hơn. Cô đi Lý Sơn nhớ coi Cổng Tò Vò, chùa Hang, Mộ Gió, đình làng An Hải... nha cô. Đi chứ. Cô sẽ đi hết hòn đảo này. Con yên tâm.

Được chừng nửa tiếng, tàu nhảy sóng dữ quá, mọi người xuống khoang tránh nắng cả. Tôi vẫn ngồi trên mũi, tàu đang đi về phía mặt trời.

Cuối cùng, Lý Sơn cũng hiện ra. Tàu cập bến. Cảng Lý Sơn đông cứng người. Mùi cá, mùi biển tanh nồng. Hotel Centre Ly Son ngay trước mắt. Ban công nhìn ra biển. Vị trí đẹp tuyệt. Nhưng không còn phòng, dịp 30/4 này ít nhất có 8 ngàn người đến Lý Sơn.

Tôi được cô học trò đặt qua mạng cho một phòng ở nhà khách Ban Chỉ huy quân sự Huyện đảo. Khá xa cảng, taxi đi chừng 10 phút tới nơi, chủ nhà khách là một phụ nữ trung niên, ân cần, con chó Gáo chạy theo chị tung tăng vẫy đuôi đón khách. Cảm giác như là về quê nhà mình vậy.

Bỏ ba lô xuống, thay đồ cho mát, rồi lang thang ra trước nhà khách. Cánh đồng hành trải dài trước mặt, những ngôi mộ xây giữa đồng, thỉnh thoảng một bóng dừa mỏng mảnh vút lên trời xanh. Thanh bình quá!

 Quay về thuê xe máy đi chơi thôi. Thăm thú cảnh và người. Lý Sơn nhỏ, bán kính khoảng 9,97 km² gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, hoặc gọi Cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải (đảo lớn) và An Bình (đảo Bé). Đảo nhỏ nhưng đông dân, hơn 20.460 người sinh sống trên đảo. Quây quần thành xóm ở gần cảng và rải rác phía Nam.

Là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm, vào cuối kỷ Neogen (là một kỷ địa chất của đại Tân Sinh) đầu đệ tứ, cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Núi Thới Lới với 5 ngọn là chứng tích của núi lửa đã phun trào và nguồn của các mạch nước ngọt nuôi sống hòn đảo này. Dấu tích của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo: cổng Tò Vò, các vách đá đen dựng đứng ven biển, những rạng đá ngầm đứng trên đỉnh núi nhìn xuống như một lớp thành lũy che chắn cho đảo. Đất đỏ đất bazan màu mỡ khiến cho đảo bời bời màu xanh.

Lý Sơn có một loại tỏi rất độc đáo. Tỏi cô đơn. Chỉ có một nhánh, hương vị đặc biệt do chất đất nơi đây chăng? Giá của tỏi cô đơn không hề rẻ, trên dưới triệu đồng 1kg, xuất đi khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm Lý Sơn chỉ có 2 mùa tỏi, khó trồng hơn hành nên xen giữa các vụ, dân nơi đây trồng tỏi thường và hành tím, hai loại này cũng có vị rất riêng. Bác Đông, một nông dân trên đảo, người mấy đời trồng tỏi, có mấy công ruộng trước cửa nhà khách, nói  rằng để trồng tỏi, phải lấy cát và đất trên núi Thới Lới, đất lót dưới, cát phủ trên giữ ẩm thì tỏi, hành mới sống nổi trên hòn đảo đầy nắng ít mưa này. Người dân Lý Sơn đã thiết kế cho các ruộng hành, tỏi của mình một hệ thống tưới nước tự động, họ khoan giếng rồi đặt máy bơm, lắp ống theo ruộng, sáng chiều bơm nước, tạo nên một cảnh quan thú vị cho du khách dừng chân.

 Sáng hôm sau, tôi đi xe máy tiếp tục thăm (đình làng) An Hải, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa. Nghe cô hướng dẫn viên nói giọng Quảng kể về cha ông thủa trước vượt biển ra đảo, thuyền nhỏ sóng lớn vẫn vững tay chèo, giữ đảo tiền tiêu cho Tổ Quốc bỗng thấy rưng rưng nước mắt.  Rời di tích, tôi kính cẩn cúi đầu trước Âm linh tự nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa - biết bao anh hùng vô danh và có danh đã ngã xuống nơi này. Tới Chùa Hang, ngắm tượng Quan Âm Bồ Tát đang trầm ngâm nhìn ra biển, không biết ngài nghĩ ngợi gì?

Người Lý Sơn trọng nghĩa tình, người sống luôn ngưỡng vọng người đã khuất, đảo bé và nghèo nhưng rất nhiều am, chùa và những nghĩa trang luôn được xây cất đàng hoàng, trông coi cẩn thận. Huyền thoại về những ngôi Mộ Gió Âm Binh của Lý Sơn để tưởng nhớ vong linh những hùng binh trên Hải đội Trường Sa được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những ngôi Mộ Gió đắp bằng cát, không có cốt, phía đầu hướng vào núi được đánh dấu bằng một tảng đá đen là nơi trú ngụ của vong hồn bao nhiêu tử sĩ đã vì nước mà hy sinh, thân xác họ vùi sâu trong biển cả như thơ V. Hugo “Thân dưới nước, tên chìm trong ký ức”, nhưng anh linh của họ vẫn lưởng vưởng quanh hòn đảo, phù hộ cho cư dân nơi đây cuộc sống thanh bình yên ấm.

Một góc Lý Sơn

Đàn bà trên đảo Lý Sơn vất vả. Họ trồng tỏi, hành và phơi cá, vá lưới, đập ốc, mò rong... không có việc gì họ không làm, thu nhập bấp bênh. Cả đời nhẫn nại và có lẽ chưa bao giờ họ nhận được lời chúc hay bó hoa nhân ngày 8/3 hoặc 20/10. Trên đường lên cổng Tò Vò, có rất nhiều đám phụ nữ cúi đầu cặm cụi đập ốc cừ, họ im lặng và chỉ ngẩng đầu lên khi có người hỏi, mặt bịt kín hở ra hai con mắt bạc mầu sương gió. Biết bao giờ hết khổ cho các chị em!.

Đến Lý Sơn, người ta thích mua quà dân dã, bánh ít lá gai, bánh tráng thịt heo, bánh hỏi, chè đậu ván... những món quà quê ấy sao người Lý Sơn chưa biết nâng tầm lên như Huế hay Đà Nẵng, chỉ vài quán thật ngon thôi cho du khách quên lối về khách sạn. Món nhum, ốc cừ xào me, các loại cá nướng được coi là đặc sản độc đáo của Lý Sơn nhưng cũng chưa làm cho du khách mềm lòng đến độ đi là nhớ không nỡ rời xa. Có mấy lều chợ trên đảo thì mùi cá tanh nồng, đồ ăn ít ỏi, không có quà du lịch đặc trưng của đảo, lèo tèo vài cành san hô cong queo, chủ yếu chỉ tỏi và tỏi...

Lý Sơn hôm nay đã có điện, khách du lịch sẽ đến Lý Sơn nhiều hơn nhưng dường như hòn đảo xinh đẹp này vẫn đang say giấc ngủ. Muốn phát triển bền vững, Lý Sơn phải bảo toàn nguồn nước ngọt, giữ gìn môi trường, xây dựng du lịch thân thiện chứ không thể phát triển như Phú Quốc. Nếu không giữ gìn, Lý Sơn một ngày không xa sẽ ngập trong rác, cạn sạch nguồn nước ngọt vô giá do hàng ngàn giếng ngầm khoan khắp nơi trên đảo? Người Lý Sơn sẽ đi đâu?

Rời Lý Sơn trên tàu cao tốc, tôi đứng phía đuôi tàu nhìn về phía đảo, cờ Tổ quốc trên núi Thới Lới tung bay phần phật rồi nhỏ dần, mất hút. Phía dưới, nước rẽ thành luồng tung bọt trắng xóa, nắng trên đầu và gió biển mặn mòi trên má trên môi. Tôi thầm đọc mấy câu thơ của nhà thơ họ Chế:

“Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt.

Như mẹ cha ta 

                   như vợ như chồng.

Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết.

Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi 

                             dòng sông”.

Lý Sơn - đảo tiền tiêu trong trái tim tôi luôn ở phía mặt trời.

Lý Sơn 1/5/2015

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước