Đẹp, lạ ảnh chân dung dưới nước
VNTN - Kể từ năm 1899, thế giới đã biết tới ảnh chân dung dưới nước nhờ một bức ảnh của nhà nhiếp ảnh tiên phong, cũng là thợ lặn kỳ khôi người Pháp Louis Marie Auguste Boutan. Sau khi phát minh ra chiếc máy ảnh dưới nước đầu tiên năm 1893 và cái đèn flash dưới nước năm 1899, ông đã lặn xuống độ sâu 50 mét của biển Banyuls-sur- Mer, miền Nam nước Pháp, và thực hiện được bức ảnh, người mẫu là nhà sinh vật và đại dương học người Romania Emil Racovitza, bấy giờ đang lấy một mẫu vật dưới biển.
Mặc dù đã hơn 100 năm song ảnh chân dung dưới nước, và nói chung là ảnh con người với các hoạt động dưới nước, xem chừng vẫn là một thể loại ảnh mới và khó nhất hiện nay, do người chụp phải lặn xuống nước, thiếu các điều kiện về dưỡng khí - ánh sáng - thiết bị cũng như phải chịu rét mướt, sự bồng bềnh và rất có thể bị các loài vật tấn công nếu chụp ở hồ ao, sông biển có nhiều rong rêu dày đặc và cá tôm dữ. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều nghệ sỹ thành danh về ảnh chân dung dưới nước. Bằng sự can đảm, tài trí sáng tạo, họ đã đem lại cho độc giả một thế giới dưới nước vô cùng tráng lệ và bí ẩn. Một trong các tác giả thành công nhất về ảnh chân dung dưới nước, phải kể tới nhiếp ảnh gia người Mỹ của thành phố Chicago- Howard Schatz (1940). Ông vốn là một bác sỹ nhãn khoa song vì yêu ảnh nên đã chuyển sang nghề ảnh, trong đó có ảnh chân dung dưới nước, chụp ở các hồ bơi từ năm 1992, và rồi nổi tiếng quốc tế. Ông có tới 18 cuốn sách ảnh đặc sắc, khắc họa chân dung và hình thể con người, mà đặc biệt là hai cuốn sách “Điệu múa dưới nước” và “ánh sáng hồ bơi” ra đời vào năm 1995, cho thấy vẻ đẹp thơ mộng, huyền bí của các vũ công, vũ nữ balett dưới nước. Trong môi trường vô trọng, từng cử động bay lên- hạ xuống của họ nhẹ nhàng như một chiếc lông chim. Hơn thế, nhờ mặt nước khúc xạ ánh sáng, nhiều chi tiết được nhòe đi như ảo ảnh, cho cảm giác như mơ. Bằng cách để người mẫu thỏa sức nhảy múa trong nước, ông đã xóa đi ranh giới giữa cái thực và hư, cùng những rào cản về môi trường sống trên cạn - dưới nước, cho người mẫu như đang biểu diễn trước mắt. Sáng tác của ông xuất hiện trên rất nhiều tờ báo, tạp chí, truyền hình và gallery uy tín như Time, Stern, Life, Vogue, Sports Illustrated, The New Yorker, GQ Italia, American Photo, Photo France, Today Show, Fox Sport Network, Discovery Channel…
Henrik Sorensen (1967), người Copenhagen - Đan Mạch cũng là một nhiếp ảnh gia, đạo diễn lừng danh về loại ảnh này. Anh đã làm ảnh từ cách đây 20 năm, chủ yếu với ảnh tài liệu và bắt đầu quan tâm đến ảnh chân dung dưới nước từ 10 năm trước. Với bức ảnh đầu tay là một nhạc sỹ chơi vĩ cầm dưới hồ. Và những bức ảnh sau này về cầu thủ, vận động viên, người mẫu, vũ nữ vận áo hoặc khỏa thân hấp dẫn. Qua những cử chỉ của họ, xen lẫn sự phản chiếu và những con sóng, nghệ sỹ vẽ ra một vũ trụ mênh mông - trừu tượng, song hành với thế giới của ta như là một thế giới trong gương. Ở đó, mọi thứ cũng rất tươi vui, dí dỏm, thậm chí không tuổi tác và luôn trôi nổi vô định. Mỗi bức ảnh đều trong sáng, khắc họa vẻ đẹp thanh xuân, tươi trẻ của người. Để có ảnh đẹp, sắc nét, không bị đổ bóng, anh thường lặn sâu xuống hồ mà không dùng bình oxi để giảm bọt khí cùng những xao động của nước và đưa mỹ thuật cùng sức tưởng tượng phi thường vào ảnh thương mại, tạo nên một phong cách vô cùng độc đáo.
Zena Holloway (1973), người Bahrain, hiện sống tại London- Anh lại là một nữ nghệ sỹ nổi tiếng về ảnh dưới biển. Chị rất giỏi bơi lặn, vì vậy trở thành một huấn luyện viên tài ba. Năm 18 tuổi, chị đã được mẹ tặng một chiếc máy ảnh, và qua những lần chụp thử dưới nước, bỗng mê nhiếp ảnh, rồi tự học trở thành một tác giả nữ đi đầu về ảnh chân dung dưới nước. Ảnh của chị rất giàu màu sắc và chất phiêu lưu lẫn thẩm mỹ. Do chị quan niệm biển là một bức tranh rực rỡ, với tấm toan là dòng nước còn ánh sáng là màu vẽ, làm sao có thể phản ánh được sinh động nhất mọi vật. Chị cũng thích vui đùa cùng các loại cá đuối, cá heo, cá mập và tìm kiếm các con tàu bị đắm. Nghệ sỹ thường dùng cảnh biển để làm nền cho các câu chuyện thời trang và điện ảnh của mình, lột tả những xúc cảm đời thường của mỗi người, nhất là khi ở sâu dưới nước như yêu, ghét, lạc lõng, thân mật trong đó người mẫu được đóng những vai khác nhau từ hiện đại lẫn cổ điển, chuyện thường ngày lẫn thần thoại, nguy hiểm và lãng mạn, trẻ thơ và người lớn. Nhờ sáng tạo vào năm 1996, chị đã có tên trong danh sách các tác giả lớn nhất của làng nhiếp ảnh thời trang, với nhiều tác phẩm trên báo chí và giải thưởng điện ảnh quốc tế.
Mallory Morrison (1984) cũng là một nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ dẫn đầu về ảnh chân dung và thời trang dưới nước. Chị lớn lên ở San Francisco và sống tại Los Angeles- Mỹ. Do khởi nghề là một thợ ảnh vũ thuật nên chị đã đưa vào ảnh chân dung dưới nước vẻ đẹp uyển chuyển của nghệ thuật múa, dùng sự vô trọng- phản chiếu- sóng sánh để đặc tả những động tác mềm dẻo, tinh tế cùng những nét biểu cảm trên khuôn mặt và độ sâu tâm trí con người. Các nhân vật ở đây có thể là người thường, cũng có thể là sinh vật thần thoại song như trên cạn, họ cũng có sự vui buồn, cô đơn, bối rối, lo lắng… và phải tranh đấu để sinh tồn. Ảnh khai thác cả sinh hoạt thường nhật, vui chơi, thể thao, điện ảnh lẫn thời trang, đưa người xem tới một thế giới hết sức phong phú của trí tưởng tượng. Nghệ sỹ bắt đầu chụp ảnh dưới nước cách đây 10 năm sau một lần chụp thử một điệu múa tại hồ bơi của viện nhiếp ảnh Brooks Santa Barbara. Thấy được hiệu ứng tuyệt vời của ánh sáng dưới nước, mang lại cảm giác phiêu linh, chị đã chuyển hẳn sang chụp ảnh dưới nước. Chị thường không dùng thiết bị lặn mà trực tiếp nhịn thở dưới nước, sau mỗi lần đếm 1,2,3 là ngụp xuống hồ bơi để chụp, dùng các phút giây hiếm hoi để ghi lại những hình ảnh quý giá.
Elena Kalis của Nga, cũng là một nữ họa sỹ vẽ tranh trước khi trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về chân dung và cảnh biển. Cách đây 11 năm, chị đã du lịch từ Moscow đến Bahamas, thấy trời nước trong xanh - thơ mộng nên đã dừng chân tại đây và từ vẽ tranh chuyển sang chụp ảnh trong hồ lẫn ngoài biển. Song những hình ảnh của chị vẫn đậm chất mỹ thuật và được xây dựng từ các câu chuyện thần tiên mà chị đã yêu thích từ nhỏ. Hồi bé, chị rất mê chuyện cổ Grim và thường vẽ tranh miêu tả thế giới cổ tích; khi sáng tác ảnh, chị cũng tiếp tục cảm hứng này và cho ra nhiều chủ đề thần thoại hoặc viễn tưởng như “Alice ở xứ sở thần kỳ”, “Thủy thủ sao Hỏa”, “Những câu chuyện thần tiên”, “Vùng đất chưa ai đặt chân tới”, “Bài hát của biển” bên cạnh các sáng tác thường nhật như sinh vật biển, vùng nước tối, cô gái Bahamas… ảnh của chị rất giàu ý niệm, kể về mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa người và vật nhờ vậy mà cuộc sống thanh bình, vui vẻ. Con người có thể đùa với cá đuối - sứa độc, cưỡi cá heo - bò biển… và hóa thân thành các nàng tiên rong chơi. Đặc biệt trong trí tưởng tượng của trẻ, tuy ở dưới biển các em vẫn có thể uống trà, ăn kem, nhảy dây, cưỡi ngựa, múa ba lê, thả bóng bay… như thường. Tất cả là một thế giới siêu thực sống động, càng đi sâu vào đó người xem càng tò mò muốn tìm hiểu nó như cô bé Alice ở xứ sở thần kỳ. Để có hiệu quả như vậy, một yếu tố thành công trong ảnh của chị là những màu sắc tươi sáng- nhờ chị thường chụp ảnh sát mặt nước, dùng ánh sáng tự nhiên làm cảnh biển rực rỡ và sáng hơn.
Khác với các nghệ sỹ trên, Alix Martinez của Mỹ, một nữ tác giả về ảnh thời trang ở New York - Mỹ, thường tập trung vào ảnh chân dung trẻ em dưới nước. Chị đã biết ảnh từ khi 10 tuổi, và đến giữa đại học thì bắt đầu chụp ảnh dưới nước. Ảnh của chị đặc tả những khoảng khắc vui nhộn, hồn nhiên của tuổi thơ dưới nước với rất nhiều trò chơi thú vị như đuổi bắt, đánh đu, nhảy múa, đá bóng, đánh golf- cầu lông- tennis, trượt tuyết, lướt ván, đạp xe… cùng các sinh hoạt thiết yếu như ăn ngủ chẳng hạn. Do tuổi nhỏ năng động, thông minh, dễ sáng tạo nên các em biểu diễn rất giỏi và cho ra nhiều tư thế đẹp. Nữ nghệ sỹ lại có biệt tài về khắc họa các làn sóng và giữ được những gam màu xanh lam rất đặc trưng của nước, nên thoạt nhìn người xem đã có cảm nhận về nước, với các rung động của sóng, làm cho các hoạt động dưới nước thêm chân thực. Cho đến nay, vẫn chưa có ai thực hiện thành công về ảnh trẻ em như chị bởi vì chụp ảnh dưới nước với người lớn đã khó, với trẻ nhỏ còn khó hơn do các em nhịn thở yếu, và chị phải tận dụng từng giây để ghi lại những hình ảnh vui khỏe của trẻ. Bản thân chị cũng nhịn thở khá yếu. Khi mới thử, chị chỉ nhịn thở được 25 giây và đến nay thì được hai phút.
Về kiểu ảnh cưới, thời trang dưới nước đứng đầu châu Á là Kenvin Pinardy của Indonesia. Anh là một chuyên gia ảnh cưới và chân dung dưới nước ở Jakarta, tuy rằng còn khá trẻ (hơn 40 tuổi). Giữa các năm 1990 khi còn là sinh viên kế toán, anh bỗng yêu ảnh và tự học để trở thành một nghệ sỹ. Tuy nhiên, ra trường anh lại vào làm ở một công ty hóa chất, và rồi trở lại chụp ảnh chuyên nghiệp từ năm 2004. Ảnh của anh mang phong cách cổ điển, đặc tả những vẻ đẹp xưa cũ, hơi tối và buồn. Song cũng vì thế đậm chất lãng mạn và cho thấy sự bền lâu, vĩnh cửu, thơ mộng của tuổi trẻ và tình yêu. Trong ảnh luôn thấy một đại dương mênh mông và sâu thẳm ở đằng sau nhân vật như một yếu tố hậu thuẫn cho sự sống và phía trước là các loài cá bơi lội hoặc cổ vật mang lại một cảm giác vui vẻ, ấm cúng. Chúng như quấn quýt, hòa quyện với người, đưa họ trở thành một thực thể của biển. Ảnh không chỉ chú trọng đến người mà còn bao quát vạn sự, dường như mỗi chi tiết đều có một câu chuyện hay ý nghĩa riêng. Ngoài chụp thông thường, anh còn áp dụng photoshop vào ảnh tạo nên nội dung ấn tượng.
Vừa là một nữ nghệ sỹ nổi tiếng châu Á vừa là người tiên phong trong ảnh trị liệu bệnh ung thư dưới nước là Erena Shimoda của Nhật. Chị sinh tại Tokyo - Nhật Bản và hiện sống ở San Francisco - Mỹ. Từ nhỏ, chị đã thích lặn và thường mơ thấy mình là một nàng tiên cá dưới biển. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nghề ảnh dưới nước sau này của chị. Song một tác động lớn nhất đối với nữ nghệ sỹ lại là cú sốc sau khi chị bị tai nạn xe cộ và mất đi người cha thân yêu. Trước đau đớn này, chị đã quyết định dùng môn bơi lặn như một liệu pháp để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư chữa trị và lấy lại niềm tin vào bản thân qua những bức ảnh xinh đẹp, tự nhiên, sống động dưới nước. Chị bắt đầu công việc cách đây 12 năm, và đã cho ra hàng nghìn bức ảnh đẹp, thật huyền diệu chúng cũng cứu sống được hàng trăm người khỏi căn bệnh quái ác. Ảnh của chị khá nhẹ nhàng, song hấp dẫn vì cũng có nội dung về các điệu múa, võ thuật hoặc thời trang đặc sắc.
Nói về những hoạt động vui chơi trên sóng và dưới những làn sóng, tiêu biểu nhất là những sáng tác của Sean Davey của Australia. Anh cũng là một nhà tiên phong song về ảnh bờ biển và lướt sóng nhìn từ dưới nước. Anh đã sáng tác ảnh được 30 năm và có tác phẩm trên 140 đầu báo lớn. Ảnh của anh gợi một cảm giác mạnh, phiêu lưu về trò chơi lướt sóng, cho thấy những thanh niên gò mình đu ván trên những con sóng dữ dội. Mỗi người một kiểu, lúc nằm, lúc ngồi, lúc đứng và xoay sở để khỏi bị sóng đánh bật. Ở họ toát lên một tinh thần thể thao rất mạnh và một thân thể cường tráng khỏe khoắn. Mọi thứ đều được chụp từ dưới lên, do vậy ngoài ảnh người còn thấy các hàng dừa, bãi cát, ánh nắng chiếu lung linh, các con vật như rùa biển, cá heo, tôm, cua giữa những lớp sóng. Tuy cư trú ở Hawaii - Mỹ, song anh luôn di chuyển đến những vùng biển đẹp có trò chơi lướt sóng của Thái Bình Dương.
Nguồn: tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh. Ảnh: Zena Holloway
Chu Mạnh Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...