Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:03 (GMT +7)

Đêm Giao thừa

Henry Archibald Hertzberg Lawson (1867 – 1922) là một nhà văn và nhà thơ bụi rậm (1) người Úc. Cùng với Banjo Paterson đương thời, Lawson là một trong những nhà thơ và nhà văn viết tiểu thuyết nổi tiếng nhất Úc thời kỳ thuộc địa và thường được gọi là “nhà văn truyện ngắn vĩ đại nhất” của Úc.

 

Trời tối như mực ở Đèo Người Chết - một màn đêm tối như hũ nút, ấm áp và gần gũi; xa xa tiếng rút quân dường như bất ngờ im bặt đi cách đó độ một trăm mét thay vì yếu dần từng chút một, và rồi tắt luôn, để rồi có vẻ như cứ cách vài phút lại vang lên bên tai một hai lần nữa, với sắc thái đặc biệt đến giật mình trước khi hoàn toàn biến mất phía xa như trong những đêm băng giá trời quang mây. Vậy là cùng với tiếng vó ngựa gõ nhịp loạng choạng trên mặt đường gồ ghề xuyên qua con đường yên ngựa còn có tiếng những viên đá kẹt trong móng ngựa kêu lóc cóc, tiếng sỏi lạo xạo dưới con “đường tàu tránh” khuất lấp, rồi tiếng nói đàn ông mơ hồ vang lên từng chặp một, sau đó lại nghe đầy sợ hãi như thể họ đang mang một cái xác vậy.

Đêm Giao thừa

Với người đã quen mắt với màn đêm tối như mực đó, và ở chỗ gần nhất, những cái bóng mờ ngang qua đó hẳn đã gợi lên hai người cưỡi loại ngựa thuê bờm rậm dắt theo con thứ ba không ai cưỡi khoác trên lưng một chiếc yên dành cho phụ nữ hoặc còn gọi là “yên ngồi nghiêng”, nếu có thể nhận ra cái sừng2. Có thể họ đã mở một con đường dễ đi, hoặc đi vòng ngọn đồi ngang phía trên cao kia. Nhưng trước khi họ có thời gian đến được hay đi vòng quanh chân núi thì những bóng dáng lờ mờ, tiếng thì thầm, tiếng vó ngựa, tiếng vòng buộc dây cương leng keng, và tiếng bàn đạp ngựa bằng sắt thỉnh thoảng va vào nhau dường như tắt ngấm đột ngột như thể một cánh cửa cách âm khổng lồ đã sập lại sau lưng họ vậy.

Trời tối mò dưới cái thung lũng lòng chảo hiu quạnh hay còn gọi là “cái hốc” này, giữa hai mũi núi, chỗ đầu một rãnh nước cụt phía sau núi Buckaroo. Nơi này có một khoảnh đất nhỏ bụi bặm mà ngay cả vào ban ngày cũng chỉ có thể nhận thấy được lờ mờ bởi một dãy hàng rào cột chống chạc ba khẳng khiu ở ba phía, và một cái hàng rào 2 thanh chạy trước mặt tiền nhà, với cột và thanh ngang hầu hết đều làm từ thân cây non chẻ đôi. Ở khoảng giữa mảnh đất có một cái lều nhỏ xây bằng gỗ phiến, nấp dưới bóng một cái nhà kho lớn làm bằng cây khuynh diệp. Người ta nói rằng đó là nông trại của Johnny Mears.

“Tối đen như… như than đá”, Johnny Mears nói. Ông chưa thấy than đá bao giờ, một con người cẩn trọng và suy nghĩ khá chậm chạp. Ông cúi lom khom gần hàng rào, bàn tay đặt trên đầu gối, ngước nhìn cái bóng to lù lù của gian nhà kho của mình. Ông đã đi xem lũ bê con bị nhốt lại ra sao rồi và thấy là toàn bộ thanh chặn hàng rào đều đã bị nhấc lên rồi đóng xuống lại. Lí do là bởi lời của ông Johnny Mears, nhất là khi được nói ra nhanh kiểu the thé với giọng như bị mếch lòng thì không nên tin trong những chuyện như thế này.

“Trời nóng tới mức làm mặt đàn tan chảy luôn rồi đấy”, Johnny Mears nói với vợ mình lúc đó đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu ba chân bên cạnh chiếc bàn xù xì ở góc phòng quét vôi trắng, đặt một tấm vải đầy những mụn vá lên cái quần chẽn bằng vải nhung môletskin. Ông châm tẩu thuốc, nhấc một cái ghế đẩu tới bên cái lò sưởi khổng lồ trống rỗng trông có vẻ mát hơn - có thể mát hơn là do một cơn gió lùa nào đó có khi luồn vào qua đường ống khói, thế nên ông cảm thấy mát hơn thật. Ông lấy cây đàn vi-ô-lông từ một cái giá gần đó, cẩn thận và chậm rãi lật nó qua lại trong khi tay vẫn cầm tẩu (và miệng thì ngậm) hướng lên trên qua một bên, như thể cây đàn là một đứa trẻ tò mò và hiếu động vậy. Ông chơi bài “Những giọt rượu brandy nhỏ” ba lần theo kiểu chân phương, không biến tấu gì hết, vừa chơi vừa chớp mắt nghiêm nghị. Rồi ông cẩn thận bỏ cây đàn lại vào hộp và bắt đầu xắt thuốc lá nhét đầy một tẩu nữa. “Đáng ra ông nên đi Johnny à”, người phụ nữ nhỏ thó hốc hác nói.

“Đổ đầy cỏ vào máng ngựa vào một đêm như thế này”, Johnny vặn lại, “rồi mai bắt đầu cày à. Chả bõ công! Cứ để họ tới gặp tôi nếu muốn. Đi khiêu vũ vào một đêm như thế này kia đấy! Họ sẽ nhảy trong…”.

“Nhưng ông hứa rồi mà. Sẽ chả có hại gì đâu Johnny”.

“Sẽ chả có hại gì cho tôi hết”.

Người phụ nữ nhỏ bé tiếp tục may.

“Trời nóng kinh hồn”, Johnny càm ràm vẻ sốt ruột. “Không biết là tôi nên ngủ trong hay ngoài nhà kho tối nay đây. Ngủ trong nhà nóng chết đi được”.

Bà cúi đầu thấp xuống nữa trên tấm vá. Người thì hút thuốc còn người kia may đồ trong yên lặng được độ hai mươi phút, trong thời gian đó hẳn là Johnny đang bần thần nghĩ cho ra xem mình nên ngủ ngoài trời hay vào trong. Nhưng phá tan sự im lặng bằng cách đập một phát lên con muỗi trên gáy mình và thốt ra một từ thô tục.

“Tôi ước gì ông không chửi thề nhiều đến vậy, Johnny” bà nói vẻ chán nản - “ít ra thì không phải tối nay”.

Ông ngây ra nhìn bà.

“Sao… sao lại là tối nay? Tối nay bà bị sao vậy Mary? Tối nay thì có hơn gì những tối khác đối với bà nào? Tôi chả thấy hại gì hết… người ta không được chửi thề khi bị muỗi cắn à?”.

“Tôi… tôi chỉ đang nghĩ tới lũ trẻ thôi Johnny”.

“Lũ trẻ! Cả hai đứa đều đang nằm trong đống cỏ trong nhà kho thôi”. Ông lại nhìn bà chằm chằm, bứt rứt đổi tư thế bằng cách đổi chân này gác lên chân kia chặt cứng, cau mặt, nháy mắt và nhoài người lấy diêm. “Trông bà hơi nhợt nhạt đấy Mary. Trời nóng quá nhiều khi khiến chúng ta hơi gắt gỏng. Tốt hơn là mình nên bỏ qua và ăn một bữa cháo yến mạch đầy ứ rồi ngủ là vừa”.

“Nóng thế này mà đi ngủ. Tôi không ngủ được. Tôi ổn. Chỉ là… tôi cần phải làm cho xong cái này. Chỉ cần rót cho tôi ít nước thôi… cái ca nhỏ trên bếp kia kìa, gần ủng của ông ấy”.

Ông gãi đầu gãi tai và đi lấy nước. Lúc lại ngồi xuống rồi, điều kì lạ là ông lại cảm thấy bất an. “Như con gà không biết chỗ nào mà đẻ ấy”, ông nói. Ông không tài nào mà yên lòng hay ngồi yên được, và có vẻ như chả thích cái tẩu của mình mấy. Ông lại vò đầu.

“Sắp có bão đấy”, ông nói.

“Đúng rồi; đến càng sớm thì càng tốt”.

Ông đi ra cửa sau và nhìn vào màn đêm phía đông, và không còn nghi ngờ gì nữa, chớp đang nháy lên đằng đó.

“Chắc chắn là nó sắp tới; cứ từ từ rồi độ một giờ nữa bà sẽ thấy khác thôi”.

Ông lại ngồi xuống trên cái ghế đẩu ba chân, vòng tay lại với khuỷu tay gác trên đầu gối, hít một hơi thở dài rồi chớp mắt nhìn sàn nhà đất sét một lúc lâu; rồi ông quay cái ghế trên một chân tới khi đối diện cái đồng hồ gỗ cũ kĩ có chóp nhọn (cái đĩa đồng của con lắc chuyển động như ma qua cảnh biển Margate ở Anh đầy sứt sẹo và vết cào xước bên trên mặt kính che phủ phần dưới) đứng một mình trên giá gỗ phía trên lò sưởi. Kim đồng hồ chỉ hai rưỡi sáng, và Johnny, sau khi đã nghiên cứu cái đồng hồ và có thể “dùng nó chỉ gần đúng giờ” sau khi cau mày và chớp mắt nhìn mặt đồng đúng một phút liền, quyết định “rằng hẳn là sắp tới chín giờ rồi”.

Chắc là do trời nóng. Johnny đứng lên, cào cào tóc, quay ra cửa rồi trở lại, và rồi sau khi phác một cử chỉ nôn nóng, ông cầm cây đàn đưa lên vai. Lúc này có một chuyện kì quái xảy ra. Trong hoàn cảnh thuận lợi cho sự tự tin đầy xúc cảm đến vậy, ông nói rằng một bàn tay lạnh lẽo dường như nắm lấy cây vĩ thông qua tay ông, và dù sao thì trước khi ông biết được mình sắp làm gì thì ông đã chơi những nhịp đầu tiên của bài “Khi tôi gặp Peggy ngọt ngào lần đầu” rồi. Một giai điệu mà hai mươi năm trước ông thường chơi, vào cái thời còn đi tán gái, và từ đó tới giờ thì chưa chơi lần nào nữa. Ông cứ đứng mà kéo thẳng vào bài luôn (bàn tay lạnh lẽo rời đi sau một hai nhịp); sau đó ông vẫn đứng với đàn và cây vĩ run run trong tay, với cái cảm giác lạ lẫm vẫn còn trong mình, và với một luồng suy nghĩ xưa cũ hiện lên trong tâm trí, thứ mà sau đó ông loại bỏ được nhờ tác động của cái nóng. Ông vừa vội vàng cất đàn đi, vừa nguyền rủa cái cầu ngựa trên thân đàn bằng giọng rõ to nhưng khá nôn nóng, mục đích là để giấu đi sự kì cục mà hẳn là bà vợ đã để ý thấy trong hành động của ông. “Chắc là do đi nắng nhiều quá rồi” ông lẩm bẩm. Ông ngồi xuống, lóng ngóng cầm dao, tẩu thuốc và thuốc lá, rồi ngay lúc đó lén liếc nhìn vợ mình qua vai. Người phụ nữ nhỏ bé phờ phạc vẫn đang may, nhưng mà chẳng để tâm gì hết, bởi vì những giọt nước mắt nặng trịch đang lăn xuống đôi gò má xác xơ của bà.

Johnny, lúc này đang phờ phạc vì nóng, đứng gần bên, một tay đặt lên vai bà còn tay kia siết chặt cái bàn; cả hai tay đều run lẩy bẩy như nhau.

“Trời ơi! Có chuyện gì vậy Mary? Bà ốm rồi!” (Hồi giờ hầu như họ chưa khi nào bị bệnh hết). “Nói đi Mary, nhanh lên! Mấy thằng nhóc gặp phải chuyện gì hả?”.

“Không, Johnny. Không phải thế”.

“Thế thì cái gì? Trông bà bệnh lắm! Bà đã làm gì với mình thế? Có khi là sốt rồi. Chờ chút. Bà ngồi yên chờ ở đây để tôi ra kêu mấy thằng nhỏ đi gọi bác sĩ với ai đó…”.

“Không! Không! Tôi không bệnh hoạn gì hết John. Chỉ là một cơn xúc động thôi. Tôi sẽ khỏe lại ngay ấy mà”.

Ông đưa tay chạm vào bà nhưng bà hất xuống và buông một tiếng thở dài não nề.

“Sao nữa!” Johnny la lên, “Đừng có ngất xỉu đấy Mary! Làm thế sẽ khiến tụi nhỏ buồn đấy; hãy nghĩ cho chúng nó chứ! Trời nóng thôi chứ làm gì mà kì quái vậy”.

“Không phải như vậy; đáng ra ông phải hiểu tôi hơn chứ. Là do… tôi… Johnny à, tôi chỉ nghĩ là… mình đã cưới nhau được 20 năm rồi, mà tối nay… là Giao thừa!”.

“Tôi thì chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó!” Johnny nói (thầm). “Bộ sưu tập đã lãng quên của thánh thần sẽ làm nên một con người như thế nào. Lúc nào bà ấy cũng nghĩ về chuyện đó, và chờ cho tới khi mình tự nhận ra. Trời ạ! Mình đã đồng ý đi chơi vũ hội ở trường Đất Sét Cũ rồi mà - ngay tối hôm đó - và để bà ấy ở nhà vì bà ấy không đòi đi cùng; mà mình cũng chả bao giờ nghĩ tới việc rủ bà ấy đi hết - bà ấy ở nhà một mình trong cái hố đó. Và mình chỉ ghé qua nhà vì chán trong khi biết rằng mọi người muốn mình có mặt ở trường biết chừng nào”.

Họ ngồi cạnh nhau trên chiếc băng ghế dài bên bàn, mới đầu khá ngượng ngập và lúng túng. Rồi bà níu lấy ông lúc sấm nổ lên, họ giật mình rời nhau ra vẻ hối lỗi khi những giọt mưa nặng hạt đầu tiên vang lên như tiếng bước chân trên lớp sỏi bên ngoài y như điều đã làm vào một đêm nọ ngày trước - vào 20 năm trước.

Lúc này trời vẫn tối thui. Phần rìa của đám mây bão khổng lồ lao tới và ẩn dưới màn đêm như giọt nước lớn nhất quét qua đủ loại “đèn” rẻ tiền khác nhau, làm nó biến thành màu xám. Trận mưa lớn chỉ kéo dài 15 phút, nhưng nó làm sạch màn đêm và làm việc của mình. Bọn trẻ nói, trước đó cũng có mưa đá to bằng trứng đà điểu ê-mu phủ dày cả ba tấc trong mấy căn nhà hang cũ ở Pipeclay đến tận mấy ngày sau đó, có người còn nói là mấy tuần luôn.

Hai kẻ yêu nhau 20 năm trước và đêm nay nhìn cơn bão tan đi và thấy núi Buckaroo đứng sừng sững trước mắt. Họ đi ra cửa sau hướng ra mặt sau của nhà kho và nhìn thấy vòm trời phía đông đầy sao màu xanh thép lộng lẫy với những ngọn núi xa xa màu xanh lam hiện lên rõ ràng bên dưới những ngôi sao xa xôi trên nền không gian sâu thăm thẳm. Họ nấn ná choàng tay qua eo nhau một lúc nữa, rồi bà gọi lũ trẻ y như điều họ đã làm vào giờ này cái đêm 20 năm trước, sau khi bà của lũ trẻ gọi bà.

“Được rồi mẹ!” lũ trẻ trả lời oang oang với vẻ độc lập kiểu thanh niên Úc không phù hợp chút nào. “Bọn con ổn cả! Bọn con vào ngay đấy!”.

Chúng vào nhà và lại ngồi xuống. Sự ngượng ngùng dần biến mất.

“Mình sẽ thoát ra khỏi chuyện này thôi Mary” Johnny nói. “Tôi sẽ chấp nhận lời đề nghị mua gia súc của Mason và những thứ khác nữa, và nhận việc ở nhà Dawson, làm công hay không cũng vậy thôi” - (vận rủi của Johnny là do hồi xưa ông không thể “sống hòa thuận” với bất kì ông chủ nào trong một khoảng thời gian nào dù là ngắn nhất” - “Tôi cũng có thể dẫn theo lũ nhỏ nữa. Ở đây chúng nó chả được tích sự gì, mà lại còn đang lớn nữa chứ. Làm vậy thì không công bằng với chúng. Thêm nữa sống kiểu này thì như đang làm bà chết dần chết mòn ấy. Xong rồi nhé! Tôi thật là mù quáng mà. Bỏ qua đi! Nó làm tôi biến thành một con bò thiến mắt lác ấy Mary… một nùi giẻ rách nát của một con bò thiến mắt lác như con Dâu Tây già của Jimmy Nowlett. Và bà sẽ sống trong thị trấn như một phu nhân”.

“Có người tới!” lũ trẻ gào lên.

Có tiếng cánh cổng hạ xuống lách cách hối hả, rồi tiếng vó ngựa nữa.

“Trong đó đấy! Ông đấy phải không Johnny?”.

“Tôi đây!”. “Tôi biết là họ sẽ đến tìm ông mà” bà Mears nói với Johnny.

“Ông phải đến đấy Johnny. Không từ chối được đâu. Jim Mason cũng đi với tôi này, và chúng tôi được lệnh là nếu ông có chống cự thì phải đánh cho bất tỉnh rồi vác đi. Tay đánh đàn đáng nguyền rủa từ Mudgee không đến. Dave Regan làm hư cây đàn công-xec-ti-na của hắn rồi, giờ đang sửa”.

“Nhưng tôi không thể để vợ ở nhà một mình được”.

“Không sao. Bọn tôi có đem theo ngựa và bộ yên ngồi nghiêng của cô giáo rồi. Cô ta nói chắc là ông phải xấu hổ dữ lắm đấy Johnny Mears, vì không dẫn vợ theo vào đêm Giao thừa. Vậy nên ông phải dẫn đi thôi!”.

Trông Johnny không có vẻ gì là xấu hổ hết, vì lí do gì thì họ không thể nào hiểu nổi.

“Lũ trẻ không tìm ra ngựa” bà Mears chen vào. “Johnny lại đang định xuống rãnh nước đấy”.

Ông nhìn bà vẻ biết ơn và cảm thấy một cơn chấn động mới mẻ, kì lạ vì ngưỡng mộ vợ mình.

“Và… có một chai rượu ngon nhất dành ra cho ông đấy Johnny,” Pat McDurmer thêm vào vì tưởng Johnny im lặng là còn lưỡng lự. “Bọn tôi sẽ trả ông 30 đồng shi-linh!” (Đầu óc Johnny dần dần sáng rõ trở lại sau khi mọi chuyện vừa đến quá nhanh.) “Hoặc… hai pao! Nhé!”.

“Tôi không muốn hai pao hay một pao gì hết, tôi sẽ dẫn vợ đi khiêu vũ vào đêm Giao thừa!” Johnny Mears. “Đi mặc bộ đồ đẹp nhất của bà vào đi Mary”.

Và bà vội vàng đi mặc đồ, lòng nôn nóng và phấn khích, miệng thì cười thầm như còn con gái như bà đã làm vào những dịp như thế này trong cái buổi tối trước đêm Giao thừa rực rỡ 20 năm trước vậy.

 

-----------

1.Phong cách thơ ca dân gian miêu tả cuộc sống, nhân vật và phong cảnh đầy bụi cây ở nước Úc.

2.Loại yên ngồi nghiêng dành cho phụ nữ có một bộ phận nhô lên để người ngồi nắm vào cho vững.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 3 tuần trước

Bertha

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Chùm truyện ngắn của Shizuka Ijuin

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Cuộc sống hào hoa

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Bánh quy gừng

Xem tin nổi bật 3 tháng trước