Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:21 (GMT +7)

Để Văn học nghệ thuật Thái Nguyên hội nhập bản lĩnh và có dấu ấn riêng

VNTN- Ngày 11/4, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên tổ chức buổi Toạ đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW”. Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

 

Đoàn Chủ tịch chủ trì buổi Toạ đàm
Đoàn Chủ tịch chủ trì buổi Toạ đàm

Tham dự buổi Toạ đàm có gần 40 đại biểu là lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc, Trường Chính trị tỉnh, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cùng văn nghệ sĩ đại diện các chuyên ngành của Hội VHNT tỉnh.

Buổi toạ đàm nhằm giúp đông đảo cán bộ, văn nghệ sĩ nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, toàn diện về quá trình thực hiện Đề cương Văn hóa mà cụ thể là 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 23).

Các văn nghệ sĩ tham gia buổi Toạ đàm
Các văn nghệ sĩ tham gia buổi Toạ đàm

Đã có 13 tham luận chính thức gửi tới buổi toạ đàm. Đó là 13 ý kiến ở 13 góc nhìn, lĩnh vực khác nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của Hội VHNT tỉnh nhà trong 15 năm qua cũng như trong thời gian tới.

Các ý kiến tham luận đã nhìn nhận đánh giá một cách công tâm, khách quan và toàn diện quá trình hoạt động, lao động sáng tạo của VHNT tỉnh, của văn nghệ sĩ Thái Nguyên sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Sự nhìn nhận này bao quát cả hoạt động của Hội VHNT tỉnh và Hội VHNT các địa phương. Đồng thời cũng đã chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục đổi mới để hoạt động VHNT hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thành tựu trên hành trình sáng tạo

Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh phát biểu tham luận
Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh phát biểu tham luận

Tham luận của Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đã điểm lại một số dấu mốc đáng tự hào hành trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Hội.

Với quan điểm sáng tạo, tổ chức hoạt động, phát triển VHNT phải gắn với phát triển tâm hồn con người, gắn với nhu cầu lành mạnh và chính đáng của công chúng, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của tỉnh Thái Nguyên, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều sự kiện văn học nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước.

Từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc đưa nhiệm vụ phát triển báo Văn nghệ Thái Nguyên vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Quy hoạch báo chí - xuất bản tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, Hội VHNT tỉnh đã nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức, từng bước đưa báo Văn nghệ Thái Nguyên phát triển mạnh, trở thành một trong 3 tuần báo văn nghệ địa phương của cả nước, có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ.

Các ý kiến tham luận được các đại biểu chăm chú lắng nghe
Các ý kiến tham luận được các đại biểu chăm chú lắng nghe

Từ tháng 2/2021, Báo Văn nghệ Thái Nguyên chuyển đổi thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, đồng thời thiết lập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử trên cơ sở nâng cấp từ trang thông tin điện tử của Báo trước đây, đã góp phần lan tỏa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo người dân trong nước và nước ngoài.

Xây dựng và phát triển tổ chức Hội cũng là một điểm khá mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết 23. Trong 15 năm, Hội VHNT tỉnh đã tham mưu, chủ động đề xuất và giúp đỡ các cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập được 8/9 Hội cấp huyện, thành, thị. Từ năm 2008 đến 2022 Hội đã tăng thêm 1 chi hội chuyên ngành (Điện ảnh và Phát thanh truyền hình), kết nạp được gần 150 hội viên mới. Các chi hội thuộc Hội VHNT tỉnh thường xuyên được củng cố và phát triển.

Ngoài ra, Hội VHNT Thái Nguyên được giới văn nghệ sĩ cả nước ghi nhận là Hội đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức các hoạt động VHNT.

Trong điều kiện không mấy thuận lợi về cơ chế chính sách, nhất là chính sách tài chính, nhưng sau hơn mười năm bền bỉ, Hội VHNT tỉnh đã đồng hành với sự trưởng thành của nhiều cây bút trẻ.

Nhà Văn Hồ Thuỷ Giang phát biểu tham luận
Nhà Văn Hồ Thuỷ Giang phát biểu tham luận

Làm rõ và dày thêm những thành tựu trong hành trình sáng tạo 15 năm qua của văn, nghệ sĩ Thái Nguyên, Nhà văn Hồ Thủy Giang nhìn nhận: Nghị quyết 23 như một kim chỉ nam cho văn học trong thời kì hiện đại hóa, thời kì hòa nhập mạnh mẽ với toàn cầu.

Sau sự ra đời của Nghị quyết 23, nhiều cây bút Thái Nguyên dường như đã có thay đổi về chất. Các tác giả thơ đã có nhiều đổi mới trong nội dung cũng như hình thức. Nhiều nhà thơ tự dứt bỏ các đề tài thuộc tâm trạng cá nhân vụn vặt, đã cho ra đời những bài thơ, những tập thơ mang tinh thần trách nhiệm xã hội sâu sắc.

Về văn xuôi, cũng bắt đầu từ thời gian này, người viết Thái Nguyên không chỉ dừng lại ở sáng tác truyện ngắn mà nhiều tác giả đã chuyển sang tiểu thuyết, một thể loại văn chương có tính bao quát thời cuộc.

Trong mảng lý luận phê bình văn học, nhiều công trình nghiên cứ đã đánh giá bao quát về văn học Thái Nguyên nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số cả nước nói chung.

Đồng chí Chủ tịch Hội VHNT tỉnh điều hành phần tham luận
Đồng chí Chủ tịch Hội VHNT tỉnh điều hành phần tham luận

Khoảng 15 năm qua, các tác giả văn học ở Thái Nguyên đã xuất bản hàng trăm cuốn sách được phát hành toàn quốc, đoạt vài chục giải thưởng văn học ở trung ương. Đối với một vùng dân cư hơn một triệu người điều này tuy chưa phải là một con số quá lớn lao nhưng hoàn toàn có thể trở thành một mốc son đánh dấu một thời kì sôi nổi và đầy hứa hẹn.

Những vấn đề đặt ra

Cùng với nhiều thành tựu đáng được ghi nhận khác, hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh 15 năm qua cũng đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này.

TS. Hứa Thị Kiều Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham luận tại buổi Toạ đàm
TS. Hứa Thị Kiều Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham luận tại buổi Toạ đàm

Tham luận của TS. Hứa Thị Kiều Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điểm lại: Thực hiện Nghị quyết 23, đến nay Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành gần 50 văn bản để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp VHNT có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển.

Hàng năm, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên được cấp kinh phí từ nguồn đầu tư sáng tạo VHNT của Chính phủ từ 250 - 550 triệu. Hội đã sử dụng hợp lý, có hiệu quả trong việc hỗ trợ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt.

Ngoài kênh đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua các hội chuyên ngành, lực lượng quân đội, công an cũng có những chương trình đầu tư theo mô hình đặt hàng, xét duyệt tác phẩm theo chủ đề.

NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc nêu ý kiến trong phần thảo luận
NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc nêu ý kiến trong phần thảo luận

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh 5 năm/1 lần và nhiều giải thưởng, hoạt động khác nhằm hỗ trợ cho các tổ chức hội, chi hội văn học nghệ thuật trên địa bàn.

Tuy nhiên tham luận cũng chỉ rõ, việc đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh thực tế chưa thật sự bao quát, rộng khắp được đến mọi lĩnh vực, đối tượng. Ngoài ra, vì ngân sách đầu tư có hạn nên sự hỗ trợ, tài trợ mới chủ yếu mang tính động viên.

Do đó, việc huy động các nguồn lực góp phần giúp VHNT phát triển và phát huy vai trò trong xã hội đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới, cần sự định hướng, giải pháp phù hợp.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận

Một điểm tồn tại khác, tham luận đến từ đại diện Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch đã có cái nhìn khách quan khi cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT đến với công chúng thời gian qua, còn những hạn chế cần khắc phục như: chất lượng tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao chưa nhiều, tác phẩm đạt giải còn ít, còn thiếu những tác phẩm có chiều sâu, có giá trị, tác phẩm về đề tài lịch sử, dân tộc còn hạn chế để giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Đồng thời đề xuất một số giải pháp để có các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, kịp thời quảng bá giới thiệu tới công chúng…

Các tham luận khác cùng với các ý kiến thảo luận tại buổi toạ đàm đều tập trung vào các nội dung như:

Trong thời gian tới, cần phải phấn đấu để có những tác phẩm VHNT có chất lượng nghệ thuật cao, xứng tầm với vai trò, vị trí, tiềm năng về VHNT của tỉnh Thái Nguyên, trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật.

PGS. TS. Cao Thị Hồng tham góp nhiều ý kiến xác đáng
PGS. TS. Cao Thị Hồng tham góp nhiều ý kiến xác đáng

Muốn làm được điều đó, phải xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về VHNT theo đường lối lãnh đạo của Đảng từ năm 2023 – 2030. Trong đó yêu cầu văn, nghệ sĩ phải đổi mới thực sự về thi pháp sáng tác, tư duy nghệ thuật. Đồng thời chú trọng công tác trẻ hoá đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua việc đào tạo bồi dưỡng các cây bút trẻ, đảm bảo sự tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất cách thức khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển VHNT. Đặc biệt là vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá, gợi mở nhiều chính sách văn hoá quan trọng của đất nước với 12 lĩnh vực cụ thể, để văn hoá thực sự trở thành một trong ba trụ cột và được xác định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước trong thời hội nhập.

Một vấn đề quan trọng khác đó là xây dựng cơ chế chính sách đối với lĩnh vực VHNT trên địa bàn tỉnh. Thực sự phải coi trọng VHNT, phải đầu tư chiều sâu, có những sự hỗ trợ hiệu quả cho văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác nói riêng, cho các hoạt động VHNT của tỉnh nói chung trong thời kỳ mới của đất nước.

Nghệ sĩ Trần Yên Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (người đứng) phát biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm
Nghệ sĩ Trần Yên Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu (người đứng) phát biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm

Đặc biệt, trong định hướng phát triển của VHNT trong thời gian tới của tỉnh cần đưa chương trình đào tạo, bổ sung kiến thức VHNT vào các trường Đảng để đào tạo cho các cán bộ làm công tác văn hoá. Hoạt động sáng tác VHNT cần nhấn mạnh bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trong đời sống VHNT trên các lĩnh vực nghệ thuật.

PGS. TS. Trần Thị Việt Trung thay mặt Đoàn Chủ tịch kết luận buổi Toạ đàm
PGS. TS. Trần Thị Việt Trung thay mặt Đoàn Chủ tịch kết luận buổi Toạ đàm

Cùng với đó là viết về đề tài lịch sử của Thái Nguyên, viết về quá trình hiện đại hoá, hội nhập quốc tế mạnh mẽ của tỉnh nhà. Từ đó, từng bước hội nhập với đời sống văn học nghệ thuật của cả nước một cách sâu sắc, bản lĩnh và có dấu ấn riêng.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy