Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:54 (GMT +7)

Để phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt sơ cấp cứu

VNTN - Tính đến nay, Hội Chữ thập đỏ TP. Thái Nguyên có 27 trạm/ điểm sơ cấp cứu. Việc mở rộng mạng lưới này ở cơ sở đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu cứu người bị nạn trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện phần lớn các trạm, chốt còn thiếu trang thiết bị, lực lượng tình nguyện viên không ổn định... khiến hoạt động này ít nhiều chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.


Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) thành lập điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại địa phương

 “Bác sĩ áo đỏ” là tên gọi thân thương mà nhiều người đặt cho các tình nguyện viên ở các trạm, chốt sơ, cấp cứu.

Từng may mắn được “bác sĩ áo đỏ” cứu giúp khi bị tai nạn đầu tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Văn Minh (xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên) nhớ lại: Hôm đó, khi đang tham gia giao thông, bất ngờ gặp một chú chó chạy ngang đường, không kịp xử lý nên cả người lẫn xe ngã bổ nhào. Chỉ vài phút sau khi nhận được thông tin, tình nguyện viên của chốt sơ cấp cứu Linh Sơn đã nhanh chóng có mặt, tiến hành sơ cứu cho tôi. Sau đó giúp chuyển tôi tới Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để điều trị. Nhờ được sơ cứu kịp thời nên vết thương của tôi mới không bị trầm trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, chốt trưởng chốt sơ, cấp cứu tại xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn: Chốt sơ, cấp cứu tại xóm Hùng Vương đã hình thành từ năm 2012, với 5 tình nguyện viên trực tại điểm. Mỗi năm, chốt đã thực hiện hơn 10 ca sơ cấp cứu cho người bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc trẻ em sốt cao… Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của chốt đã phần nào bị hạn chế bởi chốt đặt trong khu dân cư, lại chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động, không có biển hiệu ghi số điện thoại nên chưa nhiều người biết đến. Các tình nguyện viên của chốt phải phát huy tối đa mối liên hệ với các tổ chức đoàn thể để nhận thông tin về các vụ tai nạn hoặc các trường hợp cần giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Thái Nguyên thông tin thêm: trong 6 tháng cuối năm 2021, 27 trạm, chốt sơ cấp cứu trên địa bàn thành phố đã thực hiện gần 100 ca sơ, cấp cứu, trong đó chuyển gần 40 ca tuyến trên. Hoạt động của các chốt, trạm bước đầu đáp ứng nhu cầu sơ, cấp cứu người bị nạn, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Khó khăn mà chốt sơ, cấp cứu xóm Hùng Vương đang gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều trạm, chốt khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, số lượng tình nguyện viên thường xuyên biến động do không có chế độ phụ cấp, chỉ làm kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của các chốt, trạm.

Bên cạnh đó, các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chưa được thường xuyên đều đặn cũng dẫn tới thiếu sự chuyên nghiệp, bài bản trong thực hiện các kỹ thuật, khâu tổ chức sơ cấp cứu. Một số tình nguyện viên chưa cập nhật kịp thời những kiến thức của y học hiện đại nên không phát huy được hiệu quả của việc sơ, cấp cứu kịp thời.

Trước thực trạng đó, điều khiến cán bộ Hội băn khoăn, trăn trở là tìm giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho phần lớn các trạm sơ, cấp cứu trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, giữ vững nhân lực, ổn định lực lượng tình nguyện viên.

Để tháo gỡ vấn đề và phát huy hiệu quả hoạt động sơ, cấp cứu trên địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trước mắt Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tích cực triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 06/KH-CTĐTNg ngày 01/3/2022 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2022, trong đó có mục tổ chức tập huấn và phát triển các mô hình sơ cấp cứu cộng đồng; bổ sung thiết bị y tế tại các trạm, chốt sơ, cấp cứu như nẹp, thiết bị y tế để tình nguyện viên sử dụng hoặc tích cực thực hành; đồng thời tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá, bổ sung kỹ năng của tình nguyện viên, bảo đảm các tiêu chuẩn để trạm, chốt sơ, cấp cứu được cấp phép hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Về lâu dài, Hội có kế hoạch tích cực triển khai các lớp tập huấn sơ cấp cứu đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, trường học,... để bổ sung lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ trạm, chốt sơ cấp cứu từ cộng đồng. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao không những góp phần tăng hiệu quả hoạt động sơ, cấp cứu mà còn từng bước gây dựng niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng đối với hoạt động này.

Lê Lý (Hội Chữ thập đỏ tỉnh)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy