Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:01 (GMT +7)

Để nông dân có nhiều tiền lãi

VNTN - Ngày nào cũng thế, từ lúc trời chưa rõ mặt người, ngã tư Đồng Quang, ngã tư Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) đã có từng nhóm người cụm lại. Trong lúc chờ đợi, họ nói với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối về công việc đồng áng ở thôn dã.

Họ là những nông dân đến từ các làng quê của huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ… Họ cần cù, chịu thương chịu khó, chẳng nề nan việc gì. Nhưng ruộng đồng ở quê nhà lợi nhuận chẳng là bao, đành ra phố làm thuê.

Chứng kiến cảnh tranh giành việc làm, tôi nhớ hồi đầu tháng 9 năm 2013, tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho rằng: Bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung vào những lĩnh vực sản xuất mang lại cho người nông dân có nhiều tiền lãi nhất... Bài phát biểu của Bộ trưởng làm hàng triệu nông dân Việt Nam, trong đó có nông dân Thái Nguyên phấn chấn, tin tưởng vào sự cải biến của ngành nông nghiệp.

Cánh đồng 1 giống của nông dân xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đạt năng suất 7 tấn/ha vụ xuân; 6,5 tấn/ha vụ mùa.

Nhân đó, nhìn lại chặng đường phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh ở chặng đường 5 năm đã đi qua (2011-2015), chúng tôi thấy từng lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã có sự khởi sắc, nhưng chưa thật đáng mừng. Bởi các sản phẩm thế mạnh là cây lương thực, cây chè, sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm tiềm năng như: Rau an toàn, nấm, hoa, cây cảnh, cây ăn quả; lâm sản, cây dược liệu; thủy sản được duy trì ở quy mô nhỏ, năng suất thấp, chưa có cánh đồng mẫu lớn, giá trị sản phẩm nông nghiệp không cao, đời sống người nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Biết ở xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) có cánh đồng 1 giống, chúng tôi tìm về, khi đó đang độ tháng mười, cả đồng làng lúa vàng rộm, bông như xếp lên nhau. Bà Nguyễn Thị Thanh Phong, Chi hội trưởng nông dân cho biết: Nhờ làm 1 giống, việc gieo cấy, chăm sóc được thuận lợi hơn, năng suất lúa đạt được cao, 6,5 tấn/ha vụ mùa, 7 tấn/ha vụ xuân.

Biết tham gia cánh đồng 1 giống sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn về kinh tế, nhưng hầu hết nông dân chưa muốn vào cuộc, dù hằng năm, cán bộ chuyên môn của tỉnh, huyện đã về tới từng xã để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Song không ít nông dân đến chỉ để nghe, họ tin tưởng hơn vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Nhiều nông dân còn tự tìm hạt giống trôi nổi trên thị trường về gieo cấy, không theo chỉ đạo chung của ngành chức năng, dẫn đến kết quả đồng ruộng như chiếc áo vá, rất khó khăn trong công tác phòng trừ dịch hại.

Trong gia đình nông dân, mọi chi tiêu đều trông cậy vào nguồn thu từ cây rau màu, chăn nuôi và sản phẩm phụ từ rừng. Chuyện làm ăn, ông Lý Văn Nùng, người dân tộc Mông ở xóm Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai) kéo tôi ra sau nhà. Ông chỉ cho tôi xem đàn gà chừng trăm con được chăn nuôi theo cách thả hoang. Ông Nùng nói: Người buôn bán vào nhà chơi, thấy gà nhà tôi nuôi đều bảo: Gà đặc sản, trả giá cao gấp đôi so với gà bán ngoài chợ. Nhưng tôi không phát triển rộng, mà vận động con trai mình dồn tiền vốn xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn. Từ 3 năm nay, trang trại mang lại cho gia đình tôi một khoản lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Từ 400 trụ thanh long, gia đình ông Phạm Đắc Suất, xóm Gò Chè,

xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) thu hoạch được hơn 100 triệu đồng/năm.

Cùng thời gian, những mô hình chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ không còn phù hợp. Vì khi xuất bán sản phẩm, trừ chi phí đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh… người nông dân không có tiền lãi. Nhưng với các hộ có quy mô chăn nuôi trang trại, trong trường hợp không gặp rủi do về dịch bệnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, họ nhanh chóng trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Toàn tỉnh hiện có hơn 548 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có 253 trang trại chăn nuôi lợn, 295 trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn 70 nghìn con trâu; hơn 40 nghìn con bò; 596 nghìn con lợn; 10,8 triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi đạt 103 nghìn tấn/năm.

Về thực tế tại các huyện: Đại Từ, Phú Bình, T.P Sông Công… chúng tôi được cán bộ khuyến nông đưa đi thăm một số mô hình chăn nuôi thủy sản, trong đó có một số mô hình “nuôi con đặc sản”: cá sấu, ếch, ba ba, cá tầm... Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng lớn, với tổng diện tích gần 7 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ổn định; 12 nghìn ha mặt nước sông, suối có khả năng nuôi lồng, eo ngách. Mỗi năm, ngành thuỷ sản Thái Nguyên cung cấp cho thị trường hơn 7,6 nghìn tấn cá các loại. Nghe thì lớn, nhưng đem chia bình quân cho gần 1,4 triệu dân Thái Nguyên, chưa kể hàng vạn lao động đang làm việc tại 6 khu công nghiệp và hàng vạn học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, thật chẳng thấm vào đâu.

Rời những khu chăn nuôi trang trại của nông dân, chúng tôi ngược đường lên huyện vùng cao Võ Nhai, đến xã Cúc Đường, leo đoạn dốc thúc gối vào ngực đến nhà anh La Văn Día, người đi đầu phong trào trồng rừng ở bản người Mông Mỏ Chì. Anh cho biết: Mình có 1 ha rừng gần 10 năm tuổi, rao bán được với giá 30 triệu đồng. Giá bán cây không cao, vì người mua phải mở đường vận xuất mới mang đươc cây ra ngoài.

Thay vì phá rừng như trước đây, đồng bào các dân tộc vùng cao, niền núi Thái Nguyên đã biết trồng rừng, làm kinh tế từ rừng. Được biết: Đến năm 2002, cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện giao xong đất rừng cho gần 38 nghìn hộ, với tổng diện tích hơn 100 nghìn ha. Rừng hồi sinh, đời sống của nông dân nơi cửa rừng cũng được cải thiện, nâng cao. Hằng ngày, bà con vào rừng thu lượm lâm sản phụ, gùi trên lưng mang xuống chợ phiên bán. Những cây, cành tận thu, bà con xếp thành từng loại to, nhỏ bán cho nông dân vùng chè làm chất đốt.

Bên bếp lò hồng than lửa, tôi nghe trong lò quay có tiếng chè lao xao lên hương, tiếng mọi người hối nhau kiểm nhiệt. Hôm đó, chúng tôi đến thăm khu nhà xưởng của gia đình anh Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề chè Vô Tranh (Phú Lương). Anh Đức bảo: Có hợp tác xã rồi, chè bán được giá hơn so với trước đây, nhưng nhiều bà con vẫn đứng ngoài nhìn vào. Nhớ hôm trước lên thăm Hợp tác xã chè an toàn La Bằng (Đại Từ), chúng tôi gặp các xã viên đang cùng nhau lên hương sản phẩm, chuẩn bị xuất bán về thị trường Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Ngọc, xã viên Hợp tác xã cho biết: Nếu đứng ngoài làm lẻ, sản phẩm chè không có thương hiệu, người tiêu dùng quay lưng, nông dân được mùa cũng mất giá. Còn ở Hợp tác xã Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm Hợp tác xã tâm sự: Người dân vùng chè thấu hiểu rằng, dù sản phẩm mình làm ra có chất lượng cao, nhưng không có thương hiệu, người tiêu dùng sẽ mở ví lấy tiền mua chè của người khác.

Nhắc đến Thái Nguyên, người Việt Nam, dù ở đâu cũng nghĩ ngay tới sản phẩm trà. Hiện toàn tỉnh có hơn 21 nghìn ha chè, trong đó có hơn 17 nghìn ha chè kinh doanh, với năng suất đạt gần 112 tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng đạt hơn 194 nghìn tấn. Điều kiện thổ nhưỡng và đôi bàn tay khéo léo của người nông dân đã làm nên sản phẩm chè có hương vị đặc biệt, và trở thành cây kinh tế chủ lực của tỉnh. Với giả định trung bình 1 kg chè khô được bán với giá 200 nghìn đồng, thì mỗi năm, cây chè mang lại cho nông dân Thái Nguyên gần 80 nghìn tỷ đồng.

Ngồi trà nước đợi đào nở gọi xuân sang, một nông dân thở dài, bảo với tôi: Là các bác ngồi bàn giấy, tính toán tổng thu, chứ đã trừ chi phí đầu tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công đâu. Còn như nông dân vùng chè chúng tôi, cuối năm ngồi cộng lại, trừ đi, lờ lãi vừa đủ chi phí cho tiêu dùng hằng ngày.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi thiếu đồng bộ; nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu; chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, giá thành thấp; giữa 4 nhà: “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp” chưa có sự liên kết chặt chẽ… Đồng đất màu mỡ nhưng “không đủ thóc” cho nông dân làm giàu. Nhiều gia đình vợ theo chồng, cha dắt con rời làng, nhường ruộng lên phố mưu sinh bằng cách bán sức lao động.

Xã viên Hợp tác xã Chè an toàn La Bằng (Đại Từ)

phân loại sản phẩm trước khi xuất bán.

Để nông dân gắn bó hơn với đồng đất quê mình, cuối năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020” trình UBND tỉnh. Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở: Đây là lời giải của bài toán phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp Thái Nguyên. Lời giải bám sát quan điểm bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; gắn phát triển nông nghiệp với yêu cầu phát triển của công nghiệp, đô thị, văn hoá và du lịch, trong đó Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế. Tập trung vào việc hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghiệp và phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống khu vực nông thôn.

Quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khâu đột phá là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, thông qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tạo sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước tạo thành những xâu chuỗi sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phảm, nâng cao giá trị của từng sản phẩm. Đáp ứng được mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Dù mới bắt đầu bước vào một chặng đường mới, nhưng chúng tôi tin ngành nông nghiệp Thái Nguyên sẽ thật sự khởi sắc về cả chất và lượng. Sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản “sẽ” cho người nông dân nhiều tiền lãi hơn. Và mỗi ngày, ngã tư Đồng Quang; ngã tư Minh Cầu không còn cảnh nông dân đợi người đến mua sức lao động.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Dấu ấn lãnh đạo ở Quân Chu

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Đi tìm tiên nữ Soọng cô

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Ơi con sông quê hương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tôi viết về đề tài lịch sử

Xem tin nổi bật 2 tháng trước