Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:35 (GMT +7)

Để người dân được phục vụ tốt hơn từ cơ sở dữ liệu dân cư

VNTN- Sáng 20-10, tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên , Tập đoàn Dữ liệu tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục chuyển đổi số Quôc gia, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên tổ chức “Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023”.

“Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023” tại Thái Nguyên
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023

Với chủ đề:  “Phát triển và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng một số Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành tiêu biểu trong việc xây dựng và phát triển Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn bảo mật.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Hội thảo. Dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên vinh dự được bình chọn là một trong số 17 “Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu 2023”.

“Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023” tại Thái Nguyên
Đồng chí Đỗ Xuân Hoà (đứng thứ ba từ phải sang) nhận Giấy chứng nhận vinh danh tại chương trình

Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công, thực hiện Đề án 06, cho đến nay 15 bộ, 63 địa phương hoàn thành kết nối giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu Quốc gia VDC. Trong đó: 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử; 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, xác thực; 536 triệu trường hợp đồng bộ thông tin công dân; 12.597 cơ sở khám chữa bệnh thay thế Thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm và Dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế như: Một số dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, chưa thuận lợi Việc tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến ở một số cơ quan còn chưa thực chất: còn tình trạng làm thay, làm hộ người dân… Việc xử lý hồ sơ trực tuyến của một số cơ quan, đơn vị còn chậm trễ; việc phối hợp trong xử lý giữa các cơ quan, đơn vị còn yếu; chưa có quy định cụ thể, rõ ràng; vướng mắc chưa kịp thời được tháo gỡ…

Đối với tỉnh Thái Nguyên, sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Năm 2021, 2022 tỉnh Thái Nguyên liên tiếp đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số DTI.

Hiện nay Thái Nguyên được ghi nhận là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà trong xã hội, chính trị, trong các hệ sinh thái môi trường Ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử (đạt 87% số đảng viên cài đặt, đăng ký), ứng dụng Công dân số C-ThaiNguyen (đạt 320.068 lượt tải và 106.246 tài khoản đăng ký), ứng dụng Thái Nguyên ID (đạt 76.108 lượt cài đặt). Các ứng dụng đã tăng cường thêm các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với các dịch vụ xã hội, góp phần tích cực trong công tác chuyển đổi số.

Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên triển khai Sổ tay đảng viên điện tử và là một trong các tỉnh tiên phong thử nghiệm dịch vụ 5G.

“Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023” tại Thái Nguyên
Chuyển đổi số là "chìa khoá" quan trọng góp phần giúp Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua

Trong triển khai thực hiện Đề án 06, Thái Nguyên được Trung ương chọn làm điểm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đến nay tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó hoạt động cập nhật, làm sạch và số hóa dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành sớm hơn 47 ngày so với Kế hoạch... Những kết quả đã đạt được là vô cùng quan trọng, song cũng như các địa phương khác, Thái Nguyên cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Có thể thấy, việc triển khai thành công Đề án 06 giúp thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia không chỉ là bài toán quan trọng của các cấp Trung ương, mà còn đòi hỏi sự cởi mở, sáng tạo và linh hoạt của chính quyền các địa phương trong chính sách quản lý dữ liệu.

Để đạt được điều đó, các địa phương cần hợp tác, chia sẻ và sử dụng dữ liệu số một cách thông minh và hiệu quả, từ đó nhanh chóng tạo ra những mô hình quản trị mới và phát triển dịch vụ mới.

“Hội thảo quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số năm 2023” tại Thái Nguyên
Triển lãm mô hình chuyển đổi số tiện ích ứng dụng VNEID tại Hội thảo

Đó cũng là mục tiêu mà Hội thảo Quốc tế về Dữ liệu dân cư và Chính phủ số 2023 hướng tới. Dưới hình thức tổ chức tập trung, các tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào một số chủ đề như:

Phát triển dịch vụ công trực tuyến - những nỗ lực cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Công tác hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; Khai thác dữ liệu hiệu quả trong quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia; Kinh nghiệm xây dựng mô hình quản trị và vận hành dữ liệu quốc gia; Đảm bảo an toàn thông tin hệ thống đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu trọng yếu của quốc gia; Kinh nghiệm quản trị dữ liệu số dựa trên nền tảng khoa học – kỹ thuật hiện đại Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong các phần mềm phân tích dữ liệu, lập báo cáo và hỗ trợ ra quyết định - kiến trúc và thực tiễn; Bảo vệ dữ liệu số trước các nguy cơ đến từ nội bộ tổ chức; Quản lý an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu trên nền tảng số.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo còn diễn ra một số hoạt động phụ trợ khác.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy