Để gia đình người có công không lo chuyện nghèo
VNTN - Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hàng năm, tỉnh ta đã tổ chức rất nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trên 130 nghìn người có công với cách mạng trên địa bàn. Cuộc sống của người có công từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, qua rà soát, toàn tỉnh vẫn còn trên 500 hộ người có công là hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là người có công, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực.
Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Đã 75 tuổi nhưng có lẽ với bà Dương Thị Phẩm ở xóm Thuần Pháp xã Điềm Thụy huyện Phú Bình, Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 là Tết ý nghĩa và vui nhất trong cuộc đời bà. Bởi đây là lần đầu tiên bà được đón Tết trong căn nhà mới từ sự giúp đỡ của các cấp ủy chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm. Cầm chổi lau đi lau lại hiên nhà, bà Phẩm phấn khởi chia sẻ: Ngôi nhà cũ của tôi xây dựng từ năm 1975, xập xệ và dột tứ phía. Bản thân thì đã già yếu nên tôi không dám nghĩ đến việc sửa sang hay xây mới. Được sự giúp đỡ của Đảng, nhà nước hỗ trợ người có công nên tôi vay mượn thêm để xây dựng lại ngôi nhà cho chắc chắn.
Bà Phẩm bên ngôi nhà mới được xây dựng từ sự chung tay giúp đỡ của cấp ủy chính quyền các cấp.
Bà Phẩm là vợ liệt sĩ, hiện đang thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Liễn. Chồng bà, liệt sĩ Dương Văn Hậu tham gia chiến đấu tại mặt trận Đông Nam Bộ, đã anh dũng hi sinh năm 1971. Bà có 2 người con gái nhưng một người đã mất. Người con gái còn lại lấy chồng ở Bắc Ninh nên cũng ít về. Bà sống một mình trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, tường nứt, mái nhà dột... Trước hoàn cảnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Điềm Thụy đã huy động hàng trăm công lao động từ các đoàn thể, xóm Thuần Pháp đến tháo dỡ giúp công trình và huy động các nguồn tài trợ để xây dựng nhà cho bà Phẩm. Sau một thời gian thi công, ngôi nhà 3 gian, rộng 70m2, mái lợp tôn lạnh, trần thạch cao, nền lát gạch men, cửa nhôm kính đã được hoàn thành. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 140 triệu đồng. Trong đó, phòng Lao động thương binh xã hội huyện ủng hộ 15 triệu đồng, xã Điềm Thuỵ ủng hộ 10 triệu đồng; công ty TNHH Kim loại mầu Việt Bắc hỗ trợ 5 triệu đồng; công ty TNHH gạch Tuynel Điềm Thụy ủng hộ 5.000 viên gạch…
Có chung niềm vui như bà Phẩm, xuân này, ông Dương Minh Thăng, ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ cũng rất phấn khởi bên ngôi nhà mới. Từ năm 1963 đến năm 1973 ông Thăng đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông cùng vợ tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình để chăm lo cho các con. Bản thân ông và các thành viên trong gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với những công lao trong kháng chiến, những phấn đấu của bản thân, ông Thăng đã được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Ông Thăng chia sẻ: Do ngôi nhà cũ xây dựng đã lâu nên tôi có nguyện vọng xây dựng căn nhà khang trang để an dưỡng lúc về già, đúng dịp được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công nên gia đình tôi quyết định gom góp tiền để xây dựng một căn nhà khang trang hơn.
Bà Phẩm và ông Thăng là 2 trong số 289 hộ người có công trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ trong năm 2019 để vượt qua khó khăn ban đầu vươn lên trong cuộc sống. Tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng đối tượng mà các địa phương có cách thức hỗ trợ khác nhau. Mục đích cuối cùng là để hộ người có công đảm bảo được có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Phấn đấu xóa nghèo hộ người có công trong năm 2020
Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo người có công, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các gia đình vươn lên trong cuộc sống. Là địa phương có số hộ nghèo người có công cao nhất tỉnh, với 300 hộ, đến nay, bằng nhiều giải pháp thiết thực, huyện Đại Từ đã giảm được 90 hộ nghèo là người có công, còn 210 hộ nghèo có thành viên là người có công. Cụ thể, trong năm 2019, từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vận động tài trợ, huyện đã hỗ trợ cho 12 hộ nghèo có thành viên là người có công sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 240 triệu đồng. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ đột xuất đối với 15 nạn nhân chất độc da cam bị ốm đau dài ngày và mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 15 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi cho 80 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam để phát triển kinh tế.
Còn tại huyện Phú Bình, với trên 11 nghìn người có công với cách mạng, năm 2019, huyện đã tổ chức các đoàn thăm, tặng các gia đình chính sách với trên 10 nghìn suất quà, trị giá trên 2 tỷ đồng. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai các hoạt động cụ thể giúp đỡ gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách; tặng nhà tình nghĩa; tu bổ, sửa chữa, dọn dẹp nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ đảm bảo khang trang, sạch, đẹp. Bà Ngô Thị Hương, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Phú Bình triển khai rà soát các hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Trước 2019, toàn huyện còn 64 hộ nghèo có thành viên là người có công. Đến nay, toàn huyện đã giảm được 17 hộ nghèo người có công, còn 47 hộ nghèo có thành viên là người có công. Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong năm 2020, chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các hộ nghèo người có công phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nhằm giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Đa số các hộ người có công thuộc diện nghèo còn lại là những hộ có ít nhân lực tham gia lao động; tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh tật, di chứng của chiến tranh, nguồn thu nhập chủ yếu là khoản trợ cấp ưu đãi của Nhà nước... Do đó, để hỗ trợ các hộ nghèo người có công, tỉnh ưu tiên chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ chính sách cho hộ nghèo người có công với cách mạng, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành, nhà hảo tâm để hỗ trợ, chăm lo người có công và gia đình người có công. Đồng thời, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với mục tiêu không để người có công và gia đình người có công nằm trong diện hộ nghèo.
Là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện xóa nghèo cho người có công trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã hướng dẫn các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, chỉ đạo chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng các đối tượng người có công đầy đủ, kịp thời, tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho hộ nghèo người có công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh cho biết: Qua kết quả rà soát hộ nghèo của tỉnh, để thực hiện chính sách giảm nghèo năm 2020, toàn tỉnh còn 523 hộ nghèo có thành viên người có công với cách mạng đang sinh sống, (giảm 289 hộ so với năm 2019). Trong đó, đối tượng thân nhân liệt sĩ là 25 hộ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh là 10 hộ, bệnh binh là 2 hộ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 22 hộ, đối tượng bị địch bắt tù đày là 8 hộ, đối tượng được tặng thưởng huân huy chương là 440 hộ, và 8 hộ thuộc đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng… Tỉnh phấn đấu trong năm 2020 sẽ hoàn thành xóa nghèo đối với số hộ nghèo người có công.
Những việc làm thiết thực như trên đã trở thành động lực để các gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, gương mẫu, giáo dục con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Thông qua hoạt động này đã góp phần giúp các hộ gia đình người có công với cách mạng từng bước ổn định cuộc sống và yên tâm phát triển kinh tế, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...