Để đất chè thêm hấp dẫn
Ký. Đinh Thành Trung
1. Đã bao lâu rồi không về chơi Thái Nguyên? Đó là câu hỏi luôn đeo bám lấy tâm trí tôi mỗi khi nghĩ về vùng đất tươi đẹp ấy. Xứ chè Thái Nguyên thân thương, gần gũi, dù gần dù xa cũng biết đến tiếng tăm. Thái Nguyên giờ đây không chỉ đẹp mà còn năng động và hội nhập.
Đã hai chục năm qua, hình ảnh Thái Nguyên trong mắt khách du lịch thay đổi đến bất ngờ với những ai có dịp trở lại. Sự phát triển của du lịch Thái Nguyên như một tất yếu khách quan, nhưng cũng bao hàm cả sự thay đổi của tư duy du lịch. Thứ tư duy đã dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ của cả người dân và người làm du lịch nơi đây, đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên và thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất tươi đẹp này.
So với vị thế chung của ngành du lịch trên cả nước, du lịch Thái Nguyên không quá nổi bật, nhưng vẫn đang tiến từng bước vững chắc. Kinh tế đất nước năm qua chịu tác động tiêu cực. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch, Thái Nguyên cũng bị thiệt hại lớn. Với nhiều du khách, việc được đi tham quan, khám phá cũng giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày, chỉ chờ đại dịch lui là họ lập tức lên đường. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng là điều vô cùng cần thiết.
Thời gian qua, dịch COVID-19 khiến ngành du lịch quốc gia chững lại, du lịch Việt Nam cố gắng đứng vững, xây chắc nền tảng cho nguồn thu nội địa. Trong đó Thái Nguyên cũng là một điểm đến hấp dẫn. Chẳng cần hoành tráng gì, cứ nói “chè Thái Nguyên” thì ai cũng biết, kể cả mấy ông Tây. Nhiều người kết luận: du lịch Thái Nguyên đang dần vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Thái Nguyên rõ ràng có tiềm năng du lịch cực lớn với nhiều thắng cảnh có một không hai, có đặc sản và văn hóa độc đáo. Dẫu vậy khai thác nó như thế nào lại là việc khác. Ngành công nghiệp không khói là thứ khá nhạy cảm, vì chỉ cần vài “phốt” là một điểm đến hấp dẫn cũng có nguy cơ “hoang vắng”. Mấy nơi được gọi là “vùng đất đáng để khám phá”, nhưng gần đây, nhiều du khách đã ví Thái Nguyên chính là xứ sở trong mơ ấy, cũng vì cách phát triển du lịch bền vững về nhiều mặt.
Tiềm năng vốn có của Thái Nguyên là rất lớn, nhưng quản lý, khai thác thế nào để bền vững, để mãi giữ được vẻ thanh bình mới là quan trọng. Thái Nguyên đã giải quyết được bài toán khó ấy với hạ tầng khang trang, nhân lực chất lượng và dịch vụ chuyên nghiệp.
Du lịch Thái Nguyên đã phát triển một cách chắc chắn trong mắt của du khách, và của cả người dân nơi đây. Nhờ những thương hiệu địa phương, những đặc sản có một không hai đã đem lại sự ngạc nhiên cho du khách. Tiềm năng của vùng đất này đã được đánh thức, rồi không ngừng nâng cao cả số lượng và chất lượng dịch vụ, tạo nên hình ảnh Thái Nguyên vô cùng quyến rũ và đáng đến.
2. Gần tám năm từ khi Festival Trà Thái Nguyên lần thứ hai được tổ chức, cũng là lần đầu tiên tôi biết nghĩ về hương sắc của Thái Nguyên, rồi thốt lên “có hẹn và sẽ gặp”.
Khi ấy là năm 2013. Một đoàn bạn bè rồng rắn lên xứ chè. Giờ đây, một ngày đầu xuân năm 2021, nhóm bạn lại tụ tập và nhắc về kỷ niệm xưa. Thành phố Thái Nguyên lúc đó háo hức và hừng hực khí thế. Đường đi lên khu tổ chức buổi lễ dần hẹp lại bởi dòng người đông đúc. Cảm giác thật đặc biệt và tuyệt vời, bởi khung cảnh ngỡ như chỉ có ở những thành phố lớn hay các khu du lịch khi vào mùa.
Đồi Chè Thái Nguyên (Ảnh: Thanh Lên)
Có người nhắc đến dịp được thử hết chén chè này đến ấm khác khi tham quan khu triển lãm giới thiệu sản phẩm chè. Đây là tiết mục chúng tôi thích nhất trong festival. Chè ngon và giá cả phải chăng, lại được hướng dẫn, thuyết minh về các loại sản phẩm. Có một gian hàng trình diễn luôn nghệ thuật làm chè, pha và rót chè điêu luyện. Cũng chỉ biết nói ra lời khen ngợi và thán phục, chưa biết để làm ra được sản phẩm như thế phải vất vả cả năm.
Tôi nhớ hương trà sen hôm đó uống ở Thái Nguyên. Là lạ mà đặc biệt. Khác hẳn trà sen trứ danh ở Hà Nội, thứ trà được người dân ven Hồ Tây chăm chút từng hôm. Cũng không phải là loại trà sen nổi tiếng ở Hưng Yên được các cụ già hớt từng giọt sương và nâng niu như báu vật. Trà sen Thái Nguyên gợi nhớ về một mối tình, một cuộc hẹn ngày xưa. Khi ấy, uống cốc trà sen không còn đơn thuần là thú vui tao nhã. Đó là tình thân.
Trong không khí ồn ã của hội chợ, một gian hàng nhỏ bé nép mình trong góc, bỏ lại ưu tư của kinh doanh, của áp lực đồng tiền. Cô bé dáng chừng mới tuổi sinh viên, đưa bàn tay búp măng rót từng chén chè mời khách. Chè sen thẩm thấu tinh hoa trời đất, trở thành giá trị văn hóa trong thời hiện đại này.
Tôi đã biết chè Thái Nguyên thực sự như thế nào. Không chỉ ngắm nhìn và uống thử ở cửa hàng, mà phải thấy tận mắt tình yêu con người Thái Nguyên gửi gắm vào đó, mới thấy được phần nào giá trị tinh tế trong nhịp sống xô bồ. Đến thăm những quả đồi xoe tròn với màu xanh bát ngát, ngộ ra một chân lý tưởng chừng đơn giản. Cứ lao động đi rồi sẽ được thiên nhiên trả ơn. Người dân biến đồi hoang thành nông trường, dùng sức người khẳng định chân lý lên sỏi đá. Thái Nguyên nổi danh về chè, loại nào cũng có, thứ nào cũng mê.
“Thủ phủ chè”, “thánh địa chè”, những mỹ từ du khách và cả giới chuyên môn đặt tên cho Thái Nguyên rõ ràng là có cơ sở. Không chỉ vì chất lượng và sự phong phú của các loại chè nơi đây, mà còn vì người ta thấy được giá trị của công sức và tình yêu con người bỏ vào cây chè, sản phẩm chè. Biết bao câu chuyện về chè Thái Nguyên được đem ra kể như huyền thoại. Các loại chè ngỡ như chỉ có ở trong phim ảnh hay văn học bỗng được đem ra trước mắt, giới thiệu quy trình và thưởng thức như cảm mến niềm tin của người sản xuất. Cũng chỉ có ở Thái Nguyên, văn hóa thưởng chè mới đa dạng và sâu sắc như vậy.
3. Ấm chè tinh khiết là thế, nếu có một yếu tố không tốt từ nguyên liệu như nước hay độ sạch của chè, thì sẽ dẫn đến mùi vị không được hoàn hảo. Tôi nhớ có một lần, thứ nước pha chè chúng tôi chuẩn bị lại được đun từ nguồn nào đó có mùi lạ, làm hỏng cả ấm chè ngon. Cũng giống như dịch bệnh COVID-19 khiến toàn bộ các ngành kinh tế gặp khó khăn, trong đó có du lịch - dịch vụ. Một sản phẩm nổi tiếng như chè Thái Nguyên cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Tuy thế, chè vẫn là sản phẩm trụ được trong “cơn bão”. Người dân cả nước ở nhà chống dịch, những ấm chè ngon cũng là thú vui được thưởng thức nhiều hơn. Trong khó khăn có cơ hội, những sản phẩm đến từ Thái Nguyên lại âm thầm lan tỏa trên bàn ăn, bàn tiếp khách của các gia đình Việt. Đã ba lần chúng ta chặn đứng các đợt bùng phát của dịch bệnh, tuy nhiều hoạt động văn hóa, du lịch bị ảnh hưởng nhưng người dân Thái Nguyên vẫn không nao núng. Họ cố gắng củng cố nền tảng, duy trì thương hiệu và tiếp cận các cách làm mới, phương thức công nghệ cao trong thời đại hội nhập của kinh tế đất nước. Việt Nam đang kiên định “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Muốn vậy, chính người dân đã sáng tạo và tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin, mạng xã hội, tăng cường phương thức bán hàng trực tuyến, tiếp tục phát triển trong trạng thái bình thường mới. Sản phẩm chè Thái Nguyên, vốn đã có tiếng tăm và nguồn khách hàng trung thành, nay vẫn tiếp tục đến tay người tiêu dùng trên mọi miền đất nước và bảo đảm xuất khẩu ra quốc tế.
4. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà”. Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu rõ: “Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, du lịch Thái Nguyên luôn không ngừng tự làm mới mình, để rồi giờ đây những hoạt động, các điểm đến như Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, đồi chè Tân Cương… đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và có sức lan tỏa lớn. Gắn cây chè với du lịch cũng là hướng đi đúng đắn, tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện.
Một góc hồ Núi Cốc. Ảnh: Ngọc Hải
Cùng với phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Thái Nguyên không quên xây dựng và phát triển hạ tầng xã hội để tương xứng với sự phát triển kinh tế. Trong chặng đường phát triển, Thái Nguyên chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng tầm và tạo dựng thương hiệu cho nền văn hóa của mình, mà đặc trưng là tôn lên hình ảnh cây chè như một biểu tượng gần gũi và thân thiện với mọi người.
Ở Thái Nguyên, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa thể hiện trong mỗi người dân, mỗi cán bộ của chính quyền. Lịch sử vùng đất Thái Nguyên đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, có lẽ tính cách của con người nơi đây đã hình thành một nét cần cù, bình dị theo suốt chiều dài năm tháng. Giờ đây, Thái Nguyên là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá lịch sử và văn hóa độc đáo.
Đến Thái Nguyên, điều ấn tượng không chỉ vì sự phong phú của các di sản, di tích lịch sử văn hóa, mà còn ở tinh thần giữ gìn bản sắc của tỉnh, của con người Thái Nguyên. Điều dễ dàng nhận thấy là trách nhiệm bảo tồn văn hóa đã lan tỏa trong cộng đồng, qua đó nâng tầm hình ảnh của Thái Nguyên. Các lễ hội truyền thống ngày càng được nâng cao chất lượng, kéo bộ phận thanh thiếu niên quan tâm tham gia. Đây là thành công lớn của tỉnh trong việc tiếp nối truyền thống dân gian đến thế hệ mới. Việc chú trọng giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử đã thực sự đưa Thái Nguyên trở thành điểm đến cho những người yêu thích tìm hiểu văn hóa. Tiếp xúc với nhiều khách du lịch nước ngoài, ấn tượng trong họ rất sâu sắc với những khám phá mới lạ, cùng sự thân thiện, tận tình của người dân. Có thể nói, chính nền tảng xã hội được xây dựng một cách bền vững đã làm cuộc sống Thái Nguyên không quá ồn ào, náo nhiệt mà toát lên vẻ bình lặng vốn có. Chính điều đó đã tạo nên hình ảnh tỉnh nhà thú vị và hấp dẫn.
Chè là một phần không thể thiếu của nền văn hóa nơi đây, cũng là một sản phẩm chủ lực thu hút khách du lịch. Ai lên Thái Nguyên cũng muốn mua chè về làm quà, dù chỉ là một chút nhưng tình cảm vẫn đong đầy. Chè là quà tặng hợp lý trong nhiều hoàn cảnh, từ gia đình, người thân đến bạn bè, đối tác.
Phải chăng, chính vì cung cách thưởng chè, vì giá trị của chè đã trở thành một bản sắc không thể thiếu của người Việt, đồng hành cùng đời sống tinh thần dân tộc; vậy nên Chè Thái - một thứ văn hóa tưởng chừng giản đơn, đi cùng với bữa ăn hàng ngày, nay đứng vững và tỏa sáng dù trải qua nhiều biến cố. “Thủ đô” trà Việt với những người nông dân trồng chè, các “nghệ sĩ” pha chè trở thành điểm nhấn đặc sắc cho ngành kinh tế “không khói”. Thái Nguyên cũng đâu chỉ có chè, nhưng từ chè, câu chuyện sẽ gắn kết thêm những trải nghiệm kỳ thú cho du khách muôn phương. Từ chỗ chỉ biết đến “chè Thái”, song một khi đã đặt chân đến đất Thái Nguyên, du khách sẽ biết thêm về thế giới phong phú của chè. Muôn màu, muôn vẻ và muôn sắc thái.
5. Du lịch Thái Nguyên đã có những thành công lớn, nhưng với những người trong nghề và khách du lịch sành sỏi thì họ đều công nhận rằng: cố gắng, nhưng vẫn cần cố hơn nữa. Vì sao? Rõ ràng là vì cảnh quan thiên nhiên quá đẹp nhưng chỗ vui chơi và chỗ tiêu tiền vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của “những người có tiền”. Du lịch bình dân thì hẳn là tốt rồi, nhưng cũng cần tính đến chuyện đẩy mạnh làm du lịch cao cấp, nhất là khi kinh tế và văn hóa ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Muốn vậy, phải quản lý tốt những hướng kinh doanh tự phát, quan tâm nhiều đến môi trường. Nên nhớ trong kinh doanh du lịch thì mỗi vị khách chính là một tuyên truyền viên tích cực nếu làm họ hài lòng. Du lịch Thái Nguyên đang làm tốt, nhưng cần có đột phá, nâng tầm lên đẳng cấp cao hơn. Thái Nguyên đã xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lựa chọn đó là vô cùng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như Quy hoạch của Chính phủ. Nhưng trong thời buổi cạnh tranh gay gắt thì không được ngủ quên trên chiến thắng, mà phải lấy kết quả của năm trước tạo đà cho năm sau, trên cơ sở bám sát định hướng lâu dài.
Du lịch Thái Nguyên đã tạo được một chỗ đứng vững chắc trong tỉnh và cả nước bằng sự đoàn kết của chính quyền và nhân dân, bằng sự chung tay góp sức để nâng tầm nền du lịch quê hương. Trong thời đại mới với tốc độ phát triển du lịch chóng mặt, Thái Nguyên cùng với cả nước quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, góp phần phát huy tốt truyền thống trong hội nhập quốc tế. Đạt được thành công đã khó, giữ vững thành quả còn khó hơn. Nên không được tự bằng lòng với hiện tại, không bay bổng với những lời khen có cánh, mà cần nỗ lực tiến những bước vững chắc trên con đường hội nhập không ít chông gai nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào.
Rồi sẽ nhiều lần nữa có hẹn với chè, với vùng đất và con người Thái Nguyên.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...