Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:16 (GMT +7)

Để có những “vùng xanh”

VNTN - Vào khoảng cuối tháng Tám, tôi phải vào trông người nhà nằm ở Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Việc không thể đừng nên tôi mới đi, chứ thực lòng rất băn khoăn lo lắng khi phải vào viện trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước.

Điểm khai báo y tế tại cổng vào của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Ảnh: Cao Hồng.

Tôi dừng xe máy trước cổng bệnh viện.

Trạm gác đầu tiên, anh bảo vệ ngăn lại đưa vé xe, nhân viên y tế nhanh chóng đưa chiếc cặp nhiệt độ qua khe hở của mũ bảo hiểm: “Nhiệt độ bình thường, không sốt, anh vào gửi xe rồi ra khai báo y tế ạ”.

Gửi xe, ra đến cửa nhà xe, anh bảo vệ đứng bên cửa ngăn không cho những người vừa gửi xe xong đi vào cửa chính bệnh viện mà chỉ tay sang dãy nhà trước mặt nơi có tấm biển: “Khai báo y tế”. Vậy là hai trạm đầu tiên thông thoáng nhanh gọn.

Tôi bước sang bên dãy nhà có các nhân viên mặc áo Blu trắng để khai báo y tế: “Anh đi đâu ạ?”. “Tôi vào thăm bệnh nhân”. “Bệnh viện đang tạm dừng việc thăm bệnh nhân anh ạ”. “À không, tôi nói nhầm, tôi vào trông bệnh nhân”. “Trông bệnh nhân thì anh phải test nhanh, mời anh sang phòng bên ạ”. Tôi bước sang phòng bên, ngoài cửa có ba bốn người đang ngồi cách xa nhau chờ kết quả test, vào trong phòng khai báo y tế, đóng tiền một trăm sáu mươi nghìn, lấy hóa đơn và vào ghế ngồi cho cô y tá ngoáy sâu vào trong mũi lấy dịch làm test.

- Xong rồi ạ, anh ra ngoài ghế chờ kết quả.

- Có lâu không cô?

- Khoảng mười năm hai mươi phút thôi ạ. Lấy kết quả xong anh nhớ ra bàn kia đóng dấu xanh vào tay nhé.

Vậy là ba trạm, trạm này lâu nhất.

Hai mươi phút sau tôi cầm giấy test ra bàn ngoài, cô nhân viên y tế xem kỹ phiếu xét nghiệm và đóng con dấu xanh lét vào mu bàn tay trái với lời dặn: “Kết quả xét nghiệm này có giá trị thời gian lâu nếu anh cứ ở trong viện, còn anh đi lại nhiều thì chỉ được ba ngày là phải làm test mới”.

Tôi bước về phía cửa lớn bệnh viện, nhân viên bảo vệ trực trước cửa chìa tay đón tờ giấy và nhìn con dấu xanh trên tay tôi: “Anh vào khoa nào?”. “Khoa nội tim mạch, tầng 4”. Anh bảo vệ chỉ tay vào phía trong: “Anh vào gặp cô nhân viên áo hồng để cô bấm thang máy lên tầng 4”.

Cô nhân viên trẻ xinh xắn áo blu màu hồng dẫn tôi cùng mấy người vào trong thang máy, hỏi xem những ai lên tầng nào rồi quét thẻ bấm số tầng. Như vậy có thể coi đây là trạm kiểm soát thứ 5 của bệnh viện, vì chỉ có thẻ của nhân viên y tế trong bệnh viện mới quét được hết các tầng, còn thẻ của bệnh nhân ở tầng nào thì chỉ sử dụng cho tầng đó để hạn chế tối đa việc đi lại giữa các tầng.

Thang máy dừng ở tầng 4. Tôi bước ra đi dọc theo dãy hành lang sạch bóng yên tĩnh, tìm số phòng 40x đẩy nhẹ cửa bước vào. Ấn tượng đầu tiên gọn gàng, sạch sẽ thoáng mát. Hai dãy giường bệnh mỗi bên năm chiếc kê khá xa nhau, tôi bước đến cạnh giường đứa em gái đang nằm truyền nước vì căn bệnh “rối loạn thần kinh thực vật” rồi đưa mắt nhìn về giữa phòng, nơi có một bệnh nhân nữ tầm khoảng gần 70 tuổi ngồi trên xe lăn, đằng sau xe lăn một bệnh nhân nữ cũng tầm tuổi đó giơ chiếc điện thoại trước mặt, họ đang hát bài: “Tình ca Tây Bắc”, những bệnh nhân trong phòng đang hướng mắt nhìn về phía họ, có rất nhiều bệnh nhân đang truyền nước.

Một phòng điều trị của bệnh nhân tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Ảnh: Cao Hồng.

Tôi giật mình ngỡ ngàng bởi giọng hát giả thanh cao vút của hai bệnh nhân lớn tuổi, chất giọng đẹp, chuẩn cao độ đến từng nốt luyến láy, nhịp phách lơi lả mà chắc chắn

- Bà ơi, bà hát hay quá, hai bà hát đều rất hay ạ!

Tôi nói khi hai bà vừa ngân dứt câu kết của bài hát.

- Ấy là bà vừa truyền nước xong nên giọng còn đang bị hụt đấy.

Bà quay sang tôi cười rất tươi và nói.

“Bà hát chầu văn đi bà ơi!”, một bệnh nhân trong góc phòng yêu cầu. Ca sĩ bệnh nhân 70 tuổi cười rất tươi: “Chầu văn nhé, để bà hát bài Cô đôi Thượng ngàn nhỉ”.

Những ánh mắt từ các giường bệnh sáng lên sự hưởng ứng vui thích. Nhạc chầu văn Cô đôi Thượng Ngàn hòa cùng giọng hát của hai bà quyện vào nhau lả lướt tình tứ đưa người nghe vào cõi đại ngàn mênh mang huyền ảo...nb

Em gái tôi chỉ tay vào góc giường phía cuối: “Ở đây toàn những bệnh em nghe lạ lắm, chị kia bị bệnh viêm tụy đấy, nằm cả tuần ở đây rồi, còn bà kia bị phát hiện u tuyến giáp...

Có ánh mắt he hé nhìn tôi từ giường bệnh bên cạnh qua cánh tay che mắt nửa chừng. Một bệnh nhân nữ khoảng ngoài ba mươi nước da trắng xanh, khuôn mặt ưa nhìn lên tiếng hỏi tôi: “Anh vào đây họ có bắt test nhanh Covid không?”. “Có chứ, bắt đầu bước vào cổng bệnh viện là một vòng kiểm soát khép kín rồi, những người có mặt trong tòa nhà này đều phải xét nghiệm hết”.

“Bạn anh bị bệnh gì vậy?”. Chị ấy bị rối loạn nhịp tim, đau tức ngực khó thở, mất ngủ...” . “Mất ngủ thì giống em rồi, hôm nay là năm ngày đêm em không ngủ rồi, nên phải vào đây truyền nước, thuốc đấy”. Cô hướng ánh mắt lên chai nước truyền trên đầu giường: “Thuốc riêng của em đấy, bệnh em nặng lắm, bác sĩ bảo bệnh em là do rối loạn thần kinh hỗn hợp... Em bị trầm cảm sau khi sinh...”.

Cô kể một cách hồn nhiên, giọng cô nhanh và phấn khích, ánh mắt thỉnh thoảng loé lên những tia sáng hơi lạ, chắc do ảnh hưởng của đợt mất ngủ dài ngày và tác dụng của thuốc, tôi nghĩ chắc cũng đã rất lâu rồi bệnh nhân này chìm trong im lặng u uất nay với tác dụng của thuốc chống trầm cảm cô mới tuôn hết ra vào lúc này, tôi lặng im nghe. Cô kể về lần sinh con thứ nhất cô chìm trong ám ảnh có người muốn bắt cóc con, muốn giết con cô, cô kể về lần sinh con thứ hai thì lại ở trong trạng thái chê con, căm thù sự ra đời của con, sợ hãi muốn vứt bỏ con, khiến cô luôn luôn ở trong trạng thái cuồng loạn và đã vài lần tự tử để thoát khỏi ám ảnh kinh hoàng nhưng không thành...

Tôi cúi xuống nói nhỏ vào tai đứa em gái đang đang truyền nước: “Em tập trung nghe hai bà đang hát đi, đừng nghe câu chuyện của bạn này nhé, nó không tốt cho tâm trạng của em...”.

Bài Chầu văn đang vào cao trào kết, trống phách rộn ràng lời ca cao vút hối thúc gấp gáp, đại ngàn tốt tươi hoa lá cỏ cây, sông suối róc rách hoà tiếng chim muông đang hiện ra sôi động hừng hực qua tiếng hát của hai bệnh nhân lớn tuổi, hư thực đan xen lẫn lộn... Tôi bất chợt thở dài khi nghĩ về sự vô thường của kiếp người...

Tiếng vỗ tay lác đác cùng những lời trầm trồ tán thưởng từ các giường bệnh phát ra lúc bài hát kết thúc cắt ngang dòng suy tưởng của tôi. Giường bên cạnh, cô gái bị bệnh trầm cảm đã qua cơn phấn khích khi kể ra căn bệnh của mình đang rơi vào trạng thái ngủ thuốc, khoé mắt còn đang ngấn ướt dòng nước mắt...

Tôi nhìn sang những giường bệnh xung quanh, nhìn gương mặt xanh xao mệt mỏi của những người bệnh, nhìn những ưu tư lo lắng của những người trông bệnh nhân, những người mà trong thời điểm này sức đề kháng đang ở mức thấp nhất, và thầm nói lời cảm ơn: Nếu như bệnh viện không làm tốt việc kiểm soát và thực hiện tốt 5K để mầm bệnh lọt vào bệnh viện thì chắc hậu quả sẽ khôn lường...

Tiêm vacxin Covid-19 tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Ảnh: Cao Hồng

Ít ngày sau đó người nhà tôi đã đỡ bệnh và xin ra viện. Ngày mùng 2/9, nhân dịp nghỉ lễ tôi đưa người nhà đến khu vực Nam Hồ Núi Cốc ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành. 9h tôi dừng xe trước cổng khu nghỉ mát Phương Nam. Một cậu bảo vệ đang loay hoay buộc chặt thanh ngáng cổng: “Có lệnh đóng cổng khu nghỉ mát trong đợt nghỉ lễ này. Anh thông cảm...”.

Nhìn ra xung quanh tôi thấy gần chục chiếc xe ô tô và nhiều xe máy khác đang lưỡng lự quay đầu, họ là những người ở khá xa nơi này nhân ngày nghỉ đến đây để đổi gió. Cũng như tôi, họ tiếc đoạn đường dài vừa đi và tiếc lịch đã sắp xếp cho một ngày thư giãn. Tất cả kéo nhau đi qua con đập sang phía đầu ngoài hồ. Nơi đây vô tình tập trung rất đông toàn bộ khách không được vào khu nghỉ mát Phương Nam. Xe máy, ô tô xếp một hàng dài trên bờ hồ, có những tốp người đã tháo đồ câu xuống sát mép hồ để câu cá, một số người đã dựng những chiếc ô lên làm chỗ nghỉ chân...

Tôi bắt đầu thấy sự “nguy hiểm” vì từ hai đầu đường đến chỗ đập nước Nam Hồ Núi Cốc vẫn đang có những tốp xe máy và ô tô tiến đến khiến nơi đây trở thành một đám đông ồn ào náo nhiệt... Và đúng lúc này tôi cũng nhìn thấy từ phía xa có mấy chiếc xe đang tiến đến với những bộ đồng phục dân quân tự vệ và đồng phục cảnh sát: “Yêu cầu mọi người giải tán khỏi khu vực này... Yêu cầu mọi người không tập trung đông người tại khu vực này...”.

Đám đông lục tục thu đồ, lên xe, trông nét mặt mọi người cũng nhẹ nhõm thoải mái, vài người còn quay lại trò chuyện vui vẻ với lực lượng chức năng...

Tôi cũng lên xe cùng đoàn người tiến về hướng thành phố, trả lại êm ả cho những vạt chè trải dài non mướt, trả lại tĩnh lặng cho mênh mang mặt hồ trong vắt in bóng mây trời dìu dịu một sáng mùa thu. Tôi vui vì mình đã góp thêm một việc nhỏ giúp tỉnh nhà giữ vững “vùng xanh”.

                                                                              Thái Nguyên, 3/9/2021

Trần Giáp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước