Để có những thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”
VNTN - Điều 35 của Hiến pháp 1992 ghi: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đến Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 được sửa thành: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”… cho thấy tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục với quốc gia, dân tộc. Ở từng giai đoạn khác nhau, giáo dục có những mục tiêu được điều chỉnh khác nhau. Và, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc “dạy chữ”, yêu cầu về “dạy người” trở nên cấp thiết hơn khi nào hết.
Nỗ lực trong bối cảnh khó khăn chung
Có lẽ chưa khi nào ngành Giáo dục tỉnh nhà lại có nhiều tờ trình về nhiều nội dung như ở Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua. Kỳ họp cũng đã thông qua 5 nghị quyết về lĩnh vực Giáo dục và đào tạo và đó đều là những nội dung mang tính dài hơi thực hiện trong cả giai đoạn. Trong đó có Chương trình phát triển Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.
Trong khi câu chuyện về đổi mới nội dung sách giáo khoa, những phương pháp giảng dạy đối với học sinh tiểu học trong mấy năm trở lại đây đến nay vẫn chưa hết “nóng”; nạn bạo lực học đường nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn nhức nhối, thì năm học 2020 - 2021 vừa qua, dịch COVID-19 lại tiếp tục thử thách ngành Giáo dục khi buộc phải thích ứng với việc dạy và học online.
Trong bối cảnh chung đó, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, để tiếp tục hướng mục tiêu tới nâng cao chất lượng giáo dục, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Toàn tỉnh đã xóa bỏ hoàn toàn các phòng học tạm, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục. Toàn tỉnh có 586/686 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 85,42%), đảm bảo 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc. Trước ảnh hưởng của nhiều đợt dịch COVID-19, toàn Ngành đã kịp thời trang bị các kiến thức, kỹ năng để hơn 23 nghìn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 320 nghìn học sinh trong tỉnh đều an toàn trước dịch bệnh, đồng thời đã chủ động chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Kết quả, 100% các cơ sở giáo dục của tỉnh đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình và năm học được kết thúc đúng kế hoạch, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn Ngành… Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực đáng ghi nhận của Ngành, còn là sự quan tâm xứng tầm của tỉnh đối với sự ngiệp “trồng người”. Chi cho sự nghiệp Giáo dục đào tạo và dạy nghề của tỉnh hiện đạt 42% tổng chi thường xuyên, trong khi mức chi bình quân trong toàn quốc là 39% phần nào cho thấy sự quan tâm ấy.
Chương trình phát triển Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 mới được HĐND tỉnh thông qua có mục tiêu bao trùm là: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, phát triển mạng lưới, quy mô trường lớp một cách hợp lý gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn Quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục quan tâm giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện được những nhiệm vụ này cần một lộ trình dài và đặt ra cho Ngành những yêu cầu mới ở từng giai đoạn cụ thể.
Với sự chủ động dựa trên nhu cầu thực tế, ngành Giáo dục đã kịp thời tham mưu và từng bước triển khai thực hiện mục tiêu lớn này. Trong 8 tháng năm 2021, mục tiêu về mạng lưới trường lớp học đã được thực hiện đúng kế hoạch, đã có 2 trường Mầm non mới được thành lập. Dự án xây dựng mới Trường THPT Tức Tranh; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường THPT Đội Cấn và Trường THPT Lý Nam Đế đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Công tác tuyển sinh năm học 2021 - 2022 đạt đúng các mục tiêu đề ra. Mục tiêu về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được thực hiện theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với sự tham gia tích cực và tạo điều kiện của Đại học Thái Nguyên. Số trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mới trong năm 2021 là 12 trường, nâng tỉ lệ số trường đạt chuẩn lên 85,42%. Dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2021 sẽ có thêm 5 trường được công nhận đạt chuẩn...
Bên cạnh đó, Giáo dục Thái Nguyên cũng đang phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình. Con số 5.370 giáo viên còn thiếu so với định mức quy định và 1.962 nhân viên nấu ăn các trường mầm non là bài toán khó và ngày càng khó khi Giáo dục cũng không thể nằm ngoài chủ trương giảm biên chung của cả nước hiện nay và lộ trình các năm tiếp theo. Năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí trên 348 tỷ đồng để thực hiện thuê khoán số giáo viên và nhân viên còn thiếu so với định mức. Tuy nhiên, do mức thuê khoán chưa thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhiều người nên việc tìm người làm của các trường gặp nhiều khó khăn. Điều đó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các thầy cô giáo và kết quả dạy, học ở nhiều nơi.
Một trong những giải pháp được đưa ra để vừa đảm bảo quy mô, mạng lưới trường lớp vừa giảm tải được gánh nặng về nhu cầu biên chế: bên cạnh tiếp tục đề nghị trung ương xem xét không tiếp tục giảm biên chế theo lộ trình, ngành Giáo dục tỉnh sẽ thực hiện rà soát để tiếp tục sắp xếp, thu gọn lại các điểm trường lẻ, nhất là các điểm trường cách điểm trường chính dưới 2km và không bị chia cắt đường giao thông. Toàn tỉnh hiện còn 338 điểm trường lẻ, phần lớn là thuộc cấp học mầm non và tiểu học. (Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập được 52 trường, điểm trường và các đơn vị).
Yêu cầu đặt ra cho ngành Giáo dục trong giai đoạn hiện nay
Mới đây nhất (ngày 16/9), đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về Chương trình phát triển Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Phần lớn nội dung được bàn thảo, đó là chú trọng và nâng cao công tác giáo dục lối sống cho học sinh bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo.
“Chúng ta cần có những đột phá trong giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh của mình”.(Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh). |
Nêu vấn đề gần gũi nhưng sâu sắc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: “Học sinh của chúng ta nhiều em rất giỏi, đạt được rất nhiều giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế, nhưng liệu có bao nhiêu em biết chăm sóc người thân? Liệu khi bố mẹ ốm, các học sinh lớp lớn có biết nấu cho bố mẹ bát cháo, pha cho bố mẹ cốc nước chanh?!”. Tất nhiên, đây là vấn đề cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực từ 3 phía gia đình, nhà trường và xã hội nhưng ngành Giáo dục của tỉnh cần phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình. Muốn vậy, việc “dạy người” cần được chú trọng và quan tâm đúng mức bên cạnh việc “dạy chữ” và đỏi hỏi sự chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của từng cá nhân thầy, cô giáo.
Đứng trước thực tiễn hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tổ chức thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và chủ trương của Bộ Giáo dục: “Nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử của cán bộ, nhà giáo, nhân viên, học sinh; phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hình thành nét văn hóa đặc sắc của học sinh tỉnh nhà”. Để cụ thể hóa tinh thần chung đó, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã lựa chọn điểm nhấn trong xây dựng nét phong cách nổi bật của học sinh trên địa bàn tỉnh bao gồm: “Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Việt Đức: Hiện nay, các đơn vị trường học đang xây dựng kế hoạch cụ thể để giáo dục hình thành từng phẩm chất đó. Dự kiến trong tháng 9/2021 sẽ giới thiệu mô hình, phương pháp hay của một số đơn vị trên hệ thống truyền thông của tỉnh nhằm lan tỏa và tạo phong trào thi đua trong toàn ngành và toàn xã hội.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc cũng còn nhiều ý kiến cho rằng, đối với lứa tuổi học sinh, các khái niệm đưa ra cần đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu từ đó dễ làm theo. Không nên dùng những từ “đao to búa lớn” để hô hào vì dễ xa rời thực tiễn. Bên cạnh đó, chỉ nên chọn một, hai đức tính cốt lõi trong giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh. Vì như vậy sẽ dễ “thấm” hơn, đồng thời đó sẽ là nền tảng vững chắc để mỗi học sinh hình thành những đức tính tốt đẹp khác. Đây cũng là điều ngành Giáo dục của tỉnh cần cân nhắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, với mong muốn tạo ra những thế hệ học sinh Thái Nguyên bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội, yêu cầu đặt ra đó là phải nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong các Nhà trường. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Thường trực Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu này bằng những cơ chế, chính sách riêng có của tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây cũng là một nội dung sẽ được trình xin ý kiến HĐND tỉnh vào Kỳ họp dự kiến được tổ chức tháng 10 năm nay. Và, để có thể thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án này, cần khắc phục các khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt cần nâng cao năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn…
Có thể thấy, nhiệm vụ của ngành đặt ra còn khá nặng nề, nhất là hiện nay dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp và thường trực nguy cơ có thể bùng phát bất cứ khi nào. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch đòi hỏi ngành Giáo dục cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển bền vững. Trong đó, tạo nên những thế hệ học sinh giỏi vững về kiến thức, giàu lòng nhân ái, có đạo đức và lối sống lành mạnh, tự tin, tự trọng.
Linh Trà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...