Dạy vẽ và truyền cảm hứng
VNTN - Không bó buộc vào những quy tắc chuyên môn, sự sáng tạo luôn cần trạng thái thoải mái và hứng thú để phá bỏ giới hạn. Học vẽ chính là cách để trải nghiệm, nhận biết vô số những điều thú vị từ cuộc sống.
Đó là quan điểm mà kiến trúc sư Trần Xuân Tùng, chủ cơ sở Học và vẽ kiến trúc BNA - Bắc Nam Art (ở 160 đường Cách mạng tháng Tám, TP. Thái Nguyên) thu hút học viên đến với mình. Từng có 5 năm là vận động viên bắn súng chuyên nghiệp, sau đó đi học ngành kiến trúc, điều đặc biệt ở Tùng chính là cách anh biết kiếm tìm năng lượng cho những thay đổi của cuộc sống. Tùng tin rằng cảm xúc là cần thiết để có được sự thông thái và lí trí là quan trọng vì nó giúp đỡ cho sự cân bằng của tổng thể. Những đứa trẻ dù có hay không vốn năng khiếu và niềm đam mê mỹ thuật, thì đến với lớp dạy vẽ BNA sẽ luôn được Tùng truyền cảm hứng.
Buổi học đầu tiên (1 - 2 buổi) tại BNA luôn là miễn phí để Tùng có thể khảo sát và kiểm tra năng lực của học viên. Anh chia sẻ rằng, bản thân muốn tạo ra một môi trường nghệ thuật mà thông qua việc học vẽ để học về tư duy phương pháp. Chính vì lẽ đó, Tùng quan tâm đến cách dạy trẻ biết thắc mắc, tò mò. Có những buổi học các em hoàn toàn không tiếp xúc với giấy, màu và cọ, mà chỉ nghe “thầy giáo Tùng” kể chuyện. Từ các mẩu truyện ngụ ngôn với những bài học đúc rút đơn giản, dễ hiểu, tới vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú qua nhiều thước phim được sưu tầm và trình chiếu. Anh còn thiết kế, tạo slide bắt mắt về cuộc sống quanh ta như đại dương, động vật, cây cối…, cho các em nhỏ xem. Vừa xem/nghe vừa liên tục hỏi để kích thích khả năng tiếp nhận và phản ứng. Kể chuyện về các nhân vật nổi tiếng với nỗ lực vươn lên, nhiều người trong số họ từng bị chê là kém tài, dốt nát, thậm chí là thiểu năng... như Edison, Albert Einstein… Anh đặt câu hỏi vì sao họ làm được, giúp học sinh nhận diện và nhen lên khát khao noi gương.
Trần Xuân Tùng vừa hướng dẫn vừa khích lệ, giúp học viên tự tin hơn
Không khắt khe chọn lọc hay yêu cầu gì nhiều với đối tượng học vẽ, Tùng đơn giản với ý nghĩ, học sinh dù ở mức độ nào cũng sẽ có phương pháp phù hợp để rèn giũa. Có những đứa trẻ có tố chất tới lớp học vẽ theo mong muốn của cha mẹ, nhưng cũng có nhiều em không có năng khiếu… Làm thế nào để gieo vào lòng chúng sự hứng thú và đam mê là điều khiến Tùng suy nghĩ. Anh trò chuyện để hiểu về tính cách của từng học sinh. Bằng những câu thoại như kiểu “bạn bè”, sự gần gũi giúp các em mạnh dạn nêu ý kiến, truyền tải ý tưởng sáng tạo của bản thân. Trẻ lầm lì ít nói thì trò chuyện là cách để cởi mở; nhưng với trẻ hiếu động thì phương pháp lại khác, uốn nắn chúng sẽ bằng những phần thưởng khi làm tốt và chịu phạt khi phạm lỗi. Anh tạo ra một môi trường để bọn trẻ thể hiện sự độc lập, tự tin và thoải mái tưởng tượng.
Có dịp tham gia một buổi học dưới sự hướng dẫn của Trần Xuân Tùng, thấy không khí trong lớp sôi nổi, thậm chí là ồn ào. Khác xa vẻ chín chắn tuổi 32, Tùng khi là thầy giáo khá “loi choi” và lắm lời. Vừa vẽ mẫu vừa hướng dẫn và khích lệ, trẻ cười đùa vừa vẽ vừa chơi. Em Lê Thị Thùy Dương (8 tuổi, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) tự tin khoe: Ở nhà con hay vẽ hoa lá, cây cối, các mẫu quần áo… bằng bút chì. Đi học được vẽ màu nước con rất thích, thầy Tùng kể nhiều chuyện vui lắm. Mong ước của con là trở thành nhà thiết kế thời trang, thầy bảo con phải vẽ thật giỏi.
Bản thân là một kiến trúc sư, Tùng là tuyp người trách nhiệm và luôn không ngừng sáng tạo. Bản vẽ ngày hôm nay có thể sẽ có nhiều khác biệt so với ngày hôm qua. Có những khi đã thống nhất với khách hàng về mẫu thiết kế, song qua một đêm, Tùng lại trao đổi và thuyết phục họ với bản vẽ có thêm những điểm khác mới, ưu việt và hoàn hảo hơn. Nhiều người sau khi thuê anh thiết kế nhà, thích phong cách làm việc của anh nên đã gửi con đến lớp học vẽ. Cứ thế người nọ giới thiệu người kia, sự tiến bộ của một đứa trẻ sẽ lôi cuốn thêm những đứa trẻ khác. Tùng cười bảo: ngoài khách hàng giới thiệu cho nhau ra thì tôi cũng “marketing facebook” nữa. Có trường hợp cha mẹ khi đưa con đến lớp tâm trạng khá chán nản vì con quá nghịch ngợm và lười biếng. Nhưng sau khoảng thời gian học vẽ tại BNA với phương pháp thưởng - phạt phân minh, cậu bé đã ngoan hơn, nhẫn nại và có những bức vẽ ấn tượng. Lại có em rất mê vẽ nhưng bị khiếm thính, việc truyền đạt rất khó. Tôi hiểu rằng em không nghe được những gì mình nói nhưng sẽ có thể làm theo những gì mình làm. Vì thế tôi quan tâm đến việc thể hiện ý tưởng bằng ngôn ngữ hình thể, thị phạm, biểu đạt trên giấy nhiều hơn. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ có thể giúp những đứa trẻ khiếm khuyết, trẻ tự kỷ hòa nhập và thể hiện tài năng, nhưng giờ thì điều đó là trong tầm tay.
Bước rẽ sang ngành kiến trúc với Trần Xuân Tùng là điều không định trước, bởi sau khi tốt nghiệp cấp III, anh được Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên tuyển dụng là vận động viên bắn súng, được đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (2004 - 2009). Song tuổi trẻ với những hoài bão được khám phá khả năng bản thân, giữa năm 2009 Tùng chọn khoa Kiến trúc trường Đại học Nguyễn Trãi để khởi đầu lại vì thấy môi trường và công việc của một vận động viên không còn phù hợp nữa. Từ nhỏ Tùng đã sớm bộc lộ năng khiếu mỹ thuật và khả năng sáng tạo. Học lớp 5 đã tự mày mò làm đàn bầu bằng tre, thiết kế những con tàu bằng xốp. Lên cấp ba thì làm kính thiên văn bằng kính lúp. Khi là vận động viên, Tùng hay tỉ mẩn vẽ những thứ liên quan đến thiết bị tập luyện. Như một mối duyên đã định sẵn, năng khiếu cứ tự nhiên dẫn dắt, Tùng tìm đến trung tâm học vẽ để cân bằng cảm xúc sau ngày luyện tập căng thẳng. Vào đại học với vốn liếng về mỹ thuật kha khá, năm đầu tiên anh đã cùng bạn bè học Đại học Kiến trúc thuê nhà mở lớp dạy vẽ. Vừa là mưu sinh, vừa rèn luyện tay nghề. Có thời điểm các lớp vẽ của anh lên đến gần trăm học sinh. Tốt nghiệp (2014), Tùng có thời gian ngắn thực tập tại Viện Kiến trúc Quốc gia, rồi đi giám sát công trình xây dựng. Quyết định về Thái Nguyên đầu quân tại Công ty Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên, Tùng lại rục rịch gây dựng lớp dạy vẽ. Đối tượng học được chia theo lứa tuổi và trình độ khác nhau: trẻ em mới học vẽ; học vẽ vì đam mê (cấp 2); học sinh luyện thi đại học… Thấm thoát cũng đã gần 4 năm, từ chỗ chỉ có 3 - 5 học sinh/lớp, nay trung bình mỗi lớp 25 học sinh, duy trì khá ổn định.
Các em nhỏ tràn đầy sự vui vẻ và hứng thú
Dạy vẽ không đơn thuần là dạy về tư duy tạo hình. Giá trị mà Tùng kiến tạo không chỉ là những tác phẩm mà còn là sự sáng tạo, khai phá những tiềm năng ẩn sâu trong mỗi đứa trẻ. Tư duy phương pháp của Tùng còn thể hiện vượt trội ở cách anh gieo vào tâm thức của chúng về sự dẫn đầu: muốn vẽ giỏi thì hãy là người vẽ giỏi nhất. Tương tự nếu các em muốn làm việc gì đó, hoặc áp dụng vào học tập các môn văn hóa, thể thao…, thì cũng sẽ sẵn sàng cạnh tranh, tự nỗ lực và hoàn thiện.
Anh Nguyễn Ngọc Hiền (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) có thời gian mở lớp dạy vẽ, do bận bịu với việc kinh doanh thiết kế nội thất nên từng chuyển học sinh cho Tùng dạy, chia sẻ: Tùng học kiến trúc nên chuyên môn vững, có tố chất và đam mê. Dù không có nghiệp vụ sư phạm bài bản, song với sự trẻ trung và ham học hỏi, Tùng biết đặt mình vào vị trí của đứa trẻ nhưng áp dụng tư duy người lớn; kiến thức chuyên môn chỉ cần chiếm khoảng 60%, còn lại Tùng coi trọng và hoàn thiện các kỹ năng khác như: cách trò chuyện với học sinh, sự diễn giải logic, tâm lý học sinh ở từng lứa tuổi…
Mỹ thuật vốn yêu cầu khắt khe về năng khiếu, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, song Tùng đặt tất cả những yếu tố ấy phía sau niềm hứng thú. Anh tự nhận mình là người tham vọng nhiều khi hóa tham lam trong ý nghĩ muốn tạo dựng/ truyền đi cảm hứng thay đổi tư duy tới những đứa trẻ. Đó là thách thức, là việc anh tự làm khó mình. Nhưng nhìn anh và các học trò tràn đầy năng lượng, vui vẻ khi dạy - học vẽ, chúng tôi tin rằng sự tham lam của Tùng đáng quý!.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...