Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:42 (GMT +7)

Dạy và học mỹ thuật – thêm những băn khoăn mới

VNTN - Năm 2006, Dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học” (SAEPS) đã triển khai lần đầu tại tỉnh Thái Nguyên, gần 10 năm thử nghiệm nay đã được nhân rộng ra cả nước. Năm học 2016 - 2017 SAEPS tiếp tục dạy - học theo phương pháp mới, trong khi chương trình cũ vẫn hiện hành. Việc hướng dẫn thực hiện chương trình - sách mới không rõ ràng và kịp thời khiến giáo viên mỹ thuật băn khoăn, lúng túng.


Sách mỹ thuật mới và những băn khoăn mới 

Bộ sách “Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực”, vừa được phát hành tháng 4 năm 2016. Nội dung đã hướng dẫn thực hiện các quy trình mỹ thuật theo phương pháp dạy học mới của Dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học”, không theo trình tự từng bài học như chương trình hiện hành, mà theo từng chủ đề, ở từng khối lớp. Trong mỗi chủ đề, các em được tiếp cận với kiến thức mỹ thuật thông qua hoạt động tương tác với giáo viên và các bạn với hình thức: trải nghiệm, thực hành, sáng tạo. Mỗi lớp có từ 12 đến 14 chủ đề, mỗi chủ đề có thể học 2 tiết, 3 tiết, mỗi tiết khoảng 35 đến 40 phút.

Mục tiêu dạy - học được cụ thể hóa qua các chủ đề. Chẳng hạn việc rèn luyện kỹ năng thực hành mỹ thuật qua việc quan sát, nhớ lại, tưởng tượng, qua hình thức thực hành như chương trình hiện hành (vẽ theo mẫu, vẽ tranh, vẽ trang trí, tập nặn tạo dáng, thường thức mỹ thuật). Sáng tạo linh hoạt trong cách thể hiện khác nhau theo các chủ đề, tùy vào điều kiện hoàn cảnh của học sinh. Giờ học tạo hình học sinh được tiếp xúc, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau: màu vẽ, giấy màu, đất nặn, một số vật liệu sẵn có dễ tìm ở địa phương như lá cây, sỏi đá, cành cây khô, dây thép, vỏ hộp cũ… Qua hoạt động tạo hình giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, khả năng thuyết trình, nhận xét và đánh giá tác phẩm mỹ thuật.

Học sinh tiểu học đang thực hành thí điểm theo phương pháp mới

Điểm nổi bật của phương pháp dạy học mới là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy như: Vẽ theo nhạc, vẽ biểu cảm, vẽ cùng nhau, xây dựng cốt truyện, hoạt động tạo hình con rối và hoạt cảnh, hoạt động liên kết học sinh với tác phẩm mỹ thuật v.v… Những hoạt động dạy học này luôn tạo ra tính chủ động sáng tạo và khuyến khích học sinh đưa ra ý tưởng rồi tìm cách thể hiện ý tưởng trên các chất liệu, hình thức và phương pháp khác nhau. Quá trình sáng tạo mỹ thuật là sự vận động đan xen các hoạt động: vẽ theo trí nhớ, vẽ qua tưởng tượng hay quan sát. Các yếu tố này có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời trong sáng tạo mỹ thuật. Do vậy khi xây dựng kế hoạch giáo viên cần dựa vào đó để làm khởi đầu cho mỗi hoạt động mỹ thuật.

 So với phương pháp truyền thống, phương pháp mới phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, tiết học thoải mái, sinh động hơn. Học sinh vừa học, vừa chơi, nên hứng thú, mong chờ đến tiết học mỹ thuật. Ưu điểm của phương pháp này là học sinh được tự do sáng tạo, trong mỗi tiết học, học sinh khám phá ra những điều mới mẻ hơn, phát triển khả năng bản thân, giao tiếp, kỹ năng trình bày sản phẩm của mình trước đám đông; không bị áp lực nhiều về mặt thời gian hoặc sợ mình không làm được. Tính ưu việt, sự lôi cuốn của hình thức tạo hình được thể hiện rõ ở quá trình làm việc theo nhóm. Đối với học sinh có năng khiếu thì được bộc lộ rõ khả năng của mình, qua đó tinh thần hợp tác nhóm trong môn mỹ thuật và các môn học khác được nâng cao. Đồng thời dạy học theo phương pháp mới còn mang lại niềm vui cho các thầy cô giáo - những người hằng ngày chứng kiến các em say mê trong từng sản phẩm.

Theo công văn số 2070/BGDĐT - GDTH, ngày 12/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc: “Triển khai dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới ở Tiểu học và Trung học cơ sở”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 619/SGDĐT- GDTH, ngày 31/5/2016, chỉ đạo đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong địa bàn tỉnh thực hiện.

Mặc dù đã triển khai thực hiện ngay khi bắt đầu năm học mới, song các giáo viên mỹ thuật và cả phụ huynh học sinh còn nhiều băn khoăn, lúng túng khi tiếp cận bộ sách “Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực” này. Trên thực tế thì chương trình cũ vẫn giữ nguyên (Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), khiến các thầy cô không biết phải thực hiện thế nào. Một số trường đã mua sách cũ, bây giờ xử lý thế nào khi có thêm bộ sách mới? Trước ngày khai giảng, nhiều giáo viên dạy mỹ thuật “hoang mang”, không biết phải dạy thế nào khi chưa biết “mặt” cuốn sách mới ra sao!

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quá trình xây dựng lại chương trình - kế hoạch dạy học, giáo viên mỹ thuật trực tiếp làm. Nhưng vì thời gian quá gấp gáp, nhiều nơi triển khai công văn hướng dẫn chậm nên giáo viên rất lúng túng. Việc dạy bài nào bỏ bài nào, bắt đầu từ chủ đề gì… cũng khiến các thầy cô thêm một phen đau đầu…

Cái khó sẽ ló cái khôn!

Có thêm sách mới, việc dạy và học xảy ra hai tình huống: một là học sinh dùng sách mới - chương trình cũ; hai là vẫn dùng sách cũ - chương trình cũ. Nếu học sinh đã có sách cũ mà yêu cầu mua thêm sách mới thì rất lãng phí và tốn kém. Cần phải thực hiện thế nào là một bài toán khó cho các cơ sở giáo dục.

Thiết nghĩ, việc đầu tiên các nhà trường cần làm là chủ động bám sát vào công văn chỉ đạo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, động viên, tạo điều kiện về thời gian cũng như vật chất để giáo viên mỹ thuật ở các cụm trường cùng sinh hoạt chuyên môn, xây dựng chương trình, kế hoạch dạy - học phù hợp căn cứ vào thực tế đối tượng học sinh ở địa phương. Cần xác định rõ sách mới hay sách cũ cũng chỉ là tài liệu tham khảo chứ không máy móc làm theo bất kỳ cuốn sách nào. Mặt khác, khi xây dựng cần phải linh hoạt, có các quy trình cụ thể, chủ động đưa chủ đề nào học trước, chủ đề nào học sau; thời gian cho các chủ đề; mục tiêu của các chủ đề là phát triển được năng lực - phẩm chất gì cho học sinh…

Chương trình, kế hoạch dạy học khi xây dựng lại phải dựa vào nội dung các bài học theo quy định, đảm bảo tốt các mục tiêu, yêu cầu của môn mỹ thuật ở các cấp học. Mỗi lớp chỉ xây dựng từ 10 đến 14 chủ đề. Chọn các bài học trong chương trình hiện hành phù hợp, tích hợp theo chủ đề, mỗi chủ đề thực hiện từ 2-3 tiết. Tên chủ đề, mục tiêu và nội dung bài học có thể dựa vào cấu trúc sách mới “Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực”. Sau mỗi chuyên đề giáo viên có thể trao đổi rút kinh nghiệm, có điều kiện thì mời các chuyên gia về môn học cùng trao đổi theo cụm trường. Nếu làm được như vậy, sẽ tạo cơ hội cho giáo viên mỹ thuật học hỏi lẫn nhau, nhất là những vùng miền núi các trường cách xa nhau, đi lại khó khăn. Việc lên thời khóa biểu cũng là một vấn đề cần lưu tâm, ưu tiên cho việc dạy học mỹ thuật thí điểm khi chưa có chương trình mới, giúp môn học diễn ra hài hòa với các giờ học khác, đáp ứng nhiệm vụ năm học và tinh thần giáo dục theo sách mới.

Tài liệu dự án saeps làm tại Thái Nguyên

Tuy bước đầu tổ chức dạy học theo phương pháp mới, sách mới còn gặp nhiều khó khăn về cả kỹ năng và cơ sở vật chất. Nhưng tin rằng với sự linh hoạt, lòng nhiệt huyết yêu nghề, không ngại khó khi tiếp cận với phương pháp mới của giáo viên sẽ giúp học sinh có những tiết học mỹ thuật bổ ích và đầy tính sáng tạo.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy