Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Dạy trẻ em vẽ: dễ mà khó

Nếu bạn từng nhìn thấy những bức tranh sơn dầu khổ lớn với những mảng màu sinh động trải rộng của danh hoạ người Mỹ Mark Rothko (1903 - 1970), rất có thể bạn sẽ nảy sinh hồ nghi: “Có lẽ bọn trẻ cũng vẽ được những bức tranh như thế này?” Khi tự hỏi câu đó, nghĩa là bạn đã làm cho Mark Rothko vui lắm đấy. Ông từng là một nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, người rất ngưỡng mộ tranh vẽ của trẻ em, đặc biệt là sự tươi mát, tính độc đáo và giàu cảm xúc trong các sáng tạo của chúng.

Mark Rothko, “Vô đề (Lũ trẻ ngồi quanh bàn)”, 1937.

Với hơn 20 năm dạy vẽ tại Trung tâm Do thái Brooklyn ở New York, Rothko cũng là người có kiến thức sâu rộng về tranh thiếu nhi. Học trò của ông rất đa dạng, từ những cô, cậu bé trong lứa tuổi mẫu giáo cho đến các học sinh sắp vào phổ thông trung học. Đối với các thế hệ học trò từng được ông dạy dỗ, Rothko chẳng phải là một nghệ sĩ vĩ đại, một nhà cách tân nghệ thuật, mà chỉ đơn giản là thầy “Rothkie” - một thầy giáo có cái tên gọi thân thương. Ông cao to, lực lưỡng, đẹp lão, và đặc biệt rất thân thiện, cũng là thầy giáo tận tình nhất của Trung tâm Brooklyn.

Trong lịch sử nghệ thuật Mỹ, Mark Rothko được xem là nhà lãnh đạo tư tưởng trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi. Ông đã viết rất nhiều bài báo và cả sách về đề tài này, trong đó có nói đến phương pháp sư phạm của ông đúc kết từ những năm tháng dạy vẽ cho trẻ.

Milton Avery, “Phong cảnh thôn quê”, 1945.

Dạy cho trẻ em biết mỹ thuật là một hình thức biểu đạt phổ quát

Theo Rothko, ai cũng có thể làm nghệ thuật - ngay cả với những người không có năng khiếu bẩm sinh hoặc không được đào tạo chuyên nghiệp. Nghệ thuật là một phần thiết yếu trong kinh nghiệm của con người. Trẻ em có thể nhanh chóng học thuộc lòng các câu chuyện hoặc bài hát, và cũng thế, chúng có thể dễ dàng biến quan sát và tưởng tượng thành tranh vẽ. Những đứa trẻ ít được tiếp xúc thường xuyên với hội họa rất có thể sẽ bị giảm sút năng lực tiếp thu ngôn ngữ và văn chương. Hội họa là biểu hiện - biến đổi cảm xúc của một cá nhân thành những trải nghiệm thị giác để mọi người có thể hiểu được. Trẻ em làm điều này một cách hoàn tự nhiên, bản năng. “Những đứa trẻ hay có ý tưởng thường là những đứa trẻ thông minh, thú vị, và bằng cách vẽ tranh, chúng thể hiện được tính cách bản thân cũng rất sống động và thú vị. Qua tranh vẽ của chúng, chúng ta cảm nhận được những cảm xúc của chúng. Tranh vẽ của trẻ em là kết quả của những nỗ lực thể hiện các phẩm chất độc đáo của mỗi đứa trẻ.” Rothko chia sẻ.

Cẩn thận, đừng làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ

Mark Rothko từng rút ra nhận xét: “Các nét biểu cảm trong tranh thiếu nhi rất mong manh”. Vì thế, nếu giáo viên giao bài tập vẽ với các thông số nghiêm ngặt cho trẻ em, chúng sẽ bị hạn chế tính sáng tạo tự nhiên, và rất có thể nhanh chóng tìm cách sao chép theo ý thầy. Để tránh tình trạng này, thay vì bắt đầu dạy dạy vẽ bằng các bài mẫu hàn lâm, thì hãy đổi thành các bài tập về màu sắc. Để học trò được tự do sáng tạo, phương pháp giảng dạy của Rothko rất đơn giản. Khi lũ trẻ đến lớp vẽ của ông, tất cả các họa phẩm và đồ dùng để vẽ - từ bút vẽ đến đất nặn - đều đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chúng tha hồ lựa chọn và sử dụng. Ông để chúng mặc sức vẽ, tha hồ sáng tạo, không áp đặt các bài tập bắt buộc nào cả.

Mark Rothko, “Vô đề (Người đàn ông và hai phụ nữ trên cánh đồng)”, 1940.

“Bằng trực giác, lũ trẻ không hề bận tâm tới bất kỳ trở ngại nào mà người lớn thường hay vướng bận. Chúng vẽ rất nhanh, rất thoải mái!” Rothko kể lại. “Chỉ trong chốc lát, các ý tưởng thông minh của lũ trẻ đã hiện ra trên mặt tranh dưới những nét bút linh hoạt.” Với cách dạy vẽ tự do đó, học trò của ông đã phát triển được nhiều phong cách nghệ thuật độc đáo, từ lối vẽ biểu cảm hoang dã cho đến xu hướng mô tả chi tiết, tỉ mẩn. Đối với Rothko, khả năng thể hiện thế giới nội tâm của mỗi đứa trẻ quan trọng hơn nhiều so với việc làm chủ kỹ thuật hội họa, và do đó, “bức tranh vô cảm thì không thể là bức tranh hay”.

Thường xuyên triển lãm tranh cho trẻ em để chúng thêm tự tin

Đối với Rothko, nhiệm vụ hàng đầu của một giáo viên nghệ thuật là truyền cho trẻ em sự tự tin. Để làm điều này, ông đã thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm tranh của học trò tại những nơi công cộng ở rất nhiều nơi trong thành phố New York, trong số đó có cả một triển lãm rất hoành tráng tại Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn vào năm 1934 với hơn 150 tác phẩm của các học trò nhí. Trước đó, năm 1933, khi ông tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật Portland, ông đã treo rất nhiều tranh của học trò bên cạnh các tác phẩm của mình.

Những triển lãm như thế đã mang lại cho các học trò của Rothko sự hứng khởi và niềm tự hào, dù ít hay nhiều, và hơn nữa, cũng góp phần bồi dưỡng cho công chúng kiến thức và sự hiểu biết về tiềm năng nghệ thuật của thiếu nhi. Theo Rothko kể lại, đã có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến xem triển lãm tranh của các học trò nhí của ông tại Bảo tàng Brooklyn, và họ đã rất bất ngờ và thích thú.

Mạnh dạn giới thiệu nghệ thuật hiện đại cho thiếu nhi

Khi dạy học trò về lịch sử nghệ thuật, các thầy giáo vẫn hay bắt đầu từ Nghệ thuật Phục hưng, cổ điển. Riêng với Rothko, câu trả lời dứt khoát là: Chủ nghĩa Hiện đại.

Thông qua các bài giảng về lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20, các học trò nhí của ông có thể học hỏi được nhiều điều từ các hoạ sĩ hiện đại như Henri Matisse, Milton Avery, hoặc Pablo Picasso. Những nghệ sỹ tiên phong này đã tìm tòi những hình thức biểu đạt mới rất trực quan, thuần túy, tự do, hoàn toàn không bị các tiêu chí kỹ thuật cũ ràng buộc. “Khác với những bậc thầy thời Phục hưng, hoạ sĩ thời hiện đại không bị các phong cách và truyền thống cũ trói buộc,” Rothko giải thích, “thật hữu ích nếu các giáo viên có thể đóng vai thông dịch viên, giúp các em thiết lập được mối liên hệ với các trào lưu nghệ thuật.”

Trong khi cho trẻ em sớm tiếp xúc với nghệ thuật hiện đại, để chúng tự tin hơn và có thể phát huy sự sáng tạo, các thầy giáo cũng không nên ngăn cản các em nếu như chúng phát triển một phong cách độc đáo riêng. Rothko khuyến khích học trò của mình tập vẽ theo các tác phẩm hội họa hiện đại trong bảo tàng cũng như phương pháp vẽ hiện đại của thầy, nhưng ông cảnh báo: “Rất nhiều tác phẩm của trẻ em trông cứ như là phiên bản của thầy giáo. Nhìn bề ngoài, các bức vẽ có vẻ ngây thơ, có vẻ là tranh thiếu nhi, nhưng sự thực chúng không có bất kỳ nét sáng tạo nào của đứa trẻ.”

Dạy trẻ em vẽ là dạy chúng biết tư duy sáng tạo chứ không chỉ thạo kỹ thuật vẽ

Ngoài việc giúp cho trẻ em phát triển bản năng sáng tạo, các giáo viên giỏi có thể giúp học trò biết tự ý thức, biết cảm thông cảm và hợp tác hơn, và nhờ thế, những đứa trẻ sau này sẽ trở thành những công dân tốt. Tại các lớp học vẽ thiếu nhi ở Trung tâm Do thái Brooklyn, Rothko hầu như không băn khoăn tới việc về sau các học trò của mình có trở thành những họa sĩ chuyên nghiệp hay không, mà thay vào đó, ông tập trung rèn luyện cho chúng khả năng nhận thức và hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật.

Một triển lãm tranh của Mark Rothko trong bảo tàng.

“Hầu hết những đứa trẻ này sẽ không còn đầu óc tưởng tượng và sự hồn nhiên khi đến tuổi trưởng thành”, ông viết. “nhưng dù sao vẫn có một số ít giữ được những phẩm chất đáng quý đó. Và hy vọng rằng với những em như thế, sau khi học vẽ với tôi trong nhiều năm, những trải nghiệm về hội họa sẽ không bị lãng quên, và chúng tiếp tục tìm tòi và sáng tạo nên những cái đẹp cho cuộc sống. Còn với những em khác, tôi cũng hy vọng rằng, một lúc nào đó, các em tìm lại được niềm vui nghệ thuật khi thưởng thức các tác phẩm của người khác.”

Tính sáng tạo của cá nhân ông cũng luôn hồi sinh trong những lối biểu hiện tươi mới - không hề thua kém các học trò nhỏ của mình. Khi ông bắt đầu dạy vẽ, các tác phẩm của ông vẫn còn mang nặng tính biểu tượng, tả thực với những khung cảnh đường phố, phong cảnh, chân dung, và nội thất được vẽ khá gò bó. Tuy nhiên, sau 20 năm, phong cách của ông đã thay đổi, trở thành hoàn toàn trừu tượng, với các “trường màu” sinh động mà ông hy vọng sẽ trực tiếp đi thẳng vào trái tim của mỗi người xem, dù đó là người lớn hay nhi đồng.

Mark Rothko (1903 - 1970): hoạ sĩ Mỹ gốc Nga, nhà sư phạm nghệ thuật, một nhân vật hàng đầu của Trường phái New York, một trong những cha để của trào lưu hội hoạ “Trường Màu” (Color Field Painting). Trong những năm 1930-1940 ông vẽ theo lối Biểu hiện trừu tượng và siêu thực, song từ cuối thập niên 1940 ông đã nhanh chóng phát triển một phong cách riêng rất đặc trưng với những mảng màu loang hình chữ nhật lớn, thường là sự chồng lấp của nhiều lớp màu mỏng khác nhau, tràn đầy rung động và gợi cảm.

 

Vân Anh (Theo Artsy và tư liệu nước ngoài)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy