Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:42 (GMT +7)

Đấu giá để đưa tác phẩm nghệ thuật về giá trị thực

VNTN - Ngày 28/5/2016, “Phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam” diễn ra ở Hà Nội, do công ty Đấu giá Lạc Việt chủ trì đã thành công và gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật. Phiên đấu giá đã kết thúc bất ngờ với mức giá 6.050.000.000 đồng cho cặp chóe Tứ linh do nghệ nhân Phạm Anh Đạo của làng gốm Bát Tràng chế tạo. Ba tác phẩm tranh vẽ của các họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, Quách Đông Phương, Đào Hải Phong đều bán được với giá lần lượt là 65 triệu đồng, 95 triệu đồng và 150 triệu đồng, và được biết, các tác phẩm đều được giá cao hơn so với dự kiến.

Một cái title được giật: “Cuộc đấu giá nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam: Chuyên nghiệp vì không có từ thiện” trên một trang mạng nghệ thuật, tuy không gây sốc, nhưng cũng khiến một câu hỏi được đặt ra: Từ đây, tính chuyên nghiệp được nâng cao, thì các phiên đấu giá từ thiện có còn khi mang tiếng không chuyên?

Đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo

 Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - cũ người, mới ta

Theo nhà báo Hữu Việt (báo Nhân dân): “Chuyện này không mới ở nước ngoài, nhưng lại khá mới trong đời sống mỹ thuật nước nhà… Có thể nói các hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật với sự tham dự của các tác giả, chủ sở hữu thời gian vừa qua đã góp phần kích hoạt thị trường mỹ thuật nội địa vốn trầm lắng nhiều năm nay”.

Cũng theo nhà báo Hữu Việt: Trên thực tế, tranh của các họa sĩ Việt Nam được mua khá nhiều, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có một thị trường mỹ thuật nội địa theo đúng nghĩa vì khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Ngoài tình trạng mua bán tác phẩm mỹ thuật rất phập phù, không theo một chuẩn mực nào, còn có sự “quấy nhiễu” của tranh nhái, tranh giả làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Giới sưu tầm và những nghệ sĩ chân chính cần có một thị trường nghệ thuật lành mạnh, minh bạch, ổn định và đó mới chính là động lực thúc đẩy mỹ thuật trong nước phát triển.

Nhà báo Hoàng Minh (báo Đại Đoàn Kết) nhận xét: Sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa, kinh tế độc đáo ở các quốc gia phát triển. Các phiên đấu giá được diễn ra rất quy chuẩn, được vận hành chặt chẽ bởi một hệ thống trải rộng khắp thế giới. Theo các chuyên gia trong giới sưu tầm, tại các nước có thị trường đấu giá phát triển, mỗi năm, nguồn thuế thu được từ hoạt động này lên tới hàng triệu đô la và giúp lan tỏa giá trị của tác phẩm tới đông đảo công chúng.

Việc thực hiện đấu giá tác phẩm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ hạn chế việc thất thoát thuế Nhà nước mà còn góp phần phát triển hoạt động sáng tác và khẳng định giá trị văn hóa đất nước, thế nhưng suốt nhiều năm liền, hoạt động này vẫn còn khá xa lạ trong nước.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Bán đấu giá tranh với sự tham gia trực tiếp của các họa sĩ chính là nét đáng chú ý trên thị trường mỹ thuật trong nước thời gian gần đây. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, hình ảnh, “lý lịch” tác giả, tác phẩm kèm giá cả rõ ràng được đưa ra để người mua rộng đường lựa chọn.

Cũng quan điểm trên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông hoan nghênh nỗ lực của các họa sĩ thời gian qua, thế nhưng về lâu dài công việc này cần có những tổ chức chuyên nghiệp thực hiện. Trực tiếp bán tranh có thể giải quyết chớp nhoáng việc mưu sinh, nhưng tập trung đầu tư cho sáng tạo tác phẩm mới là công việc chính của người họa sĩ để góp phần làm nên nền mỹ thuật nước nhà.

Ông Trần Quốc Khánh - đại diện đơn vị tổ chức cho rằng, việc mở một phiên đấu giá theo phong cách chuyên nghiệp và theo xu hướng thế giới là mong muốn đóng góp cho ngành đấu giá nước nhà một sự khởi đầu mới, khắc phục những lỗ hổng, hạn chế bấy lâu nay trong lĩnh vực này.

Còn ý kiến của nhà quản lý Nguyễn Quân, thì điều này xuất phát từ việc Nhà nước và xã hội chưa coi đây là một kênh đầu tư, mà đơn thuần chỉ là giao lưu nghệ thuật, tức là không mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đang lệch hướng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quốc tế với nhu cầu giao lưu, trao đổi trên mọi lĩnh vực ngày càng gia tăng.

Luật đấu giá tài sản đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện

Bấy lâu, các hoạt động đấu giá ở ta thường với mục đích từ thiện, nên không ít những “sự cố” xảy ra sau phiên đấu giá như: Người mua từ chối trả tiền cho tác phẩm mà họ mua, sau khi họ đã “có danh”, hoặc chỉ chi trả một phần nhỏ, hoặc chuyển nhượng ngay lập tức. Tuy nhiên, ngay cả ở phiên đấu giá phi từ thiện, hướng tới chuyên nghiệp này, thì sự ràng buộc về pháp lý có được đảm bảo?

Khi thông tin về cuộc đấu giá vẫn còn nóng trên báo chí và mạng xã hội, thì người ta lại được phen sững sờ khi biết cặp chóe Tứ linh, tác phẩm được bán với giá cao nhất (6 tỷ 50 triệu) tại phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam thuộc về Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngay sau đó đã bị đổi chủ. Đó là thông tin được Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt chính thức thông báo. Sự từ chối thẳng thừng này được gửi đến Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt không chút đắn đo, thậm chí họ còn cho biết sẵn sàng chấp nhận chịu mất khoản tiền cọc theo Luật định. Như vậy, dư luận không chỉ sốc một lần về giá khủng của cặp chóe, giờ lại sốc về sự bất tín của ông chủ Tập đoàn khá nổi tiếng nói trên. Bất tín ở chỗ, đây là cuộc đấu giá có quy mô và những người tham gia trả giá đôi chóe không chỉ thể hiện sự trân trọng nghệ thuật, tài năng của người đã tạo nên cặp chóe mà còn khẳng định uy tín của họ trên thương trường.

Vậy là, không chỉ ở các cuộc đấu giá không chuyên (do “phải đeo gông từ thiện”) mà không có chế tài xử phạt hay ràng buộc, bởi các cuộc đấu giá đó là tự phát và hoàn toàn chưa được điều chỉnh bởi những quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá như Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Nghị định 17/2010 về đấu giá tài sản và Thông tư hướng dẫn số 23/2010, thì việc lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật này, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật nói riêng sẽ là những gợi ý pháp lý rất thiết thực cho những người xây dựng pháp luật, nhất là khi dự thảo Luật đấu giá tài sản đang được Bộ Tư pháp gấp rút hoàn thiện, chỉnh lý.

Đấu giá phi từ thiện là đưa tác phẩm về giá trị thật?

Thực tế đã từ lâu các chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật vẫn diễn ra ở ta, nhưng mục đích của các cuộc đấu giá này là làm từ thiện, nên giá của tác phẩm có thể không phản ánh đúng nhu cầu thưởng thức. Giá của tác phẩm lúc ấy hoặc mang thêm tính từ thiện, hoặc để đánh bóng tên tuổi của người mua.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế; định lượng công khai giá trị các tác phẩm nghệ thuật. Nhà nước thu được ngân sách qua các giao dịch việc mua bán và giảm dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cuối cùng là giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sĩ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế...

Bà Nguyễn Hồng Phượng, giám đốc khu vực miền Bắc công ty Cổ phần Đấu giá Lạc Việt cho rằng: Trước đây vẫn tồn tại hình thức đấu giá từ thiện. Hình thức này không phản ánh được giá trị đích thực của tác phẩm bởi đơn vị đấu giá phải vận động người tham gia đấu giá, và những người tham gia đấu giá vì mục đích từ thiện của cá nhân hay tổ chức của chính họ, chứ không phải giá trị đích thực của tác phẩm.

Bức tranh “Tiên nữ vùng cao” của họa sĩ Quách Đông Phương

Không thể phủ nhận sức mạnh của đấu giá với mục đích từ thiện

“Phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam” là cái title khiến nhiều người sửng sốt. Đó không phải là title báo chí giật để câu khách, mà là pano của phiên đấu giá. Vậy những phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật trước đây ở Việt Nam gọi là gì?

Tất nhiên, vẫn gọi là đấu giá tác phẩm nghệ thuật, nhưng không được liệt vào “lần đầu tiên” vì thiếu chuyên nghiệp. “Lần đầu tiên” ở đây chỉ sự chuyên nghiệp của hình thức mua bán tác phẩm nghệ thuật này. Và nguyên nhân của sự không chuyên này là do các phiên đấu giá được tổ chức với mục đích từ thiện. Vì mục đích từ thiện, nên dù các tác phẩm nghệ thuật không phản ánh giá trị thực của nó, mà phản ánh “tấm lòng” của người mua nó. Tuy vậy, các chương trình đấu giá từ thiện vẫn làm được những điều đáng nể. Ví dụ, gần đây một nhóm họa sĩ đã tổ chức triển lãm và bán đấu giá tranh, tượng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để gây quỹ phục dựng nhà Lang bị cháy rụi trong Bảo tàng không gian văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình). 17 trong số 61 tác phẩm đã được người tham gia đấu giá mua, tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Hay như một nhóm họa sĩ khác đã tổ chức một cuộc đấu giá từ thiện, thu được hơn 800 triệu đồng ủng hộ họa sĩ Lê Thông, khi họa sĩ bị tai nạn. Còn nhiều cuộc đấu giá từ thiện trước nay đem lại nhiều nguồn kinh phí giúp các tổ chức thiện nguyện hoạt động có hiệu quả. Nói cách khác, đấu giá tác phẩm nghệ thuật vì mục đích từ thiện luôn là việc nên làm và người ta không thể phủ nhận vai trò của nó.

Thế nhưng, từ đây, tức là cuộc đấu giá chuyên nghiệp đầu tiên đã diễn ra, một “đẳng cấp” đã được xác lập, và một sự so sánh sẽ bắt đầu, một sự cạnh tranh về “giá trị thực” sẽ thúc đẩy các nghệ sĩ sáng tạo, thì liệu rằng họ có còn hào hứng đưa tác phẩm của mình đi đấu giá với mục đích từ thiện hay không?

“Nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” luôn là sự cân nhắc lựa chọn của người nghệ sĩ. Giá trị thực của tác phẩm được đo bằng… tiền hay bằng lòng tốt đều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao tác phẩm nghệ thuật ấy không bị… đo nhầm. Đó mới là cái đích cuối cùng mà một tác phẩm nghệ thuật muốn hướng tới.

Song Ngư

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy