Dấu ấn từ sự đồng hành
VNTN - Nếu như trước đây, việc thực hiện chính sách thuế cũng như vay vốn ngân hàng (NH) được cho là 2 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp (DN), thì nay, đã có rất nhiều thay đổi. Bởi cả NH và cơ quan thuế giờ đều xác định DN là bạn đồng hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cũng nhờ thế, hiệu quả hoạt động của các bên ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Điểm nhấn từ kết quả vượt thu
Năm 2017 đã khép lại, tiếp tục đánh dấu là năm có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thái Nguyên. Trong số các chỉ tiêu mà tỉnh đạt được năm qua, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến thu ngân sách, với số thu lên tới 12.581 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa do ngành Thuế thực hiện là 9.863 tỷ đồng; còn lại 2.718 tỷ đồng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Với kết quả này đã đưa tỉnh ta vươn lên đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa; đứng thứ 16 về số thu ngân sách và là năm đầu tiên vượt ngưỡng thu 10 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, trong số này, chiếm tới trên 75% là từ hơn 5.000 DN, còn lại là tiền sử dụng đất, các cá nhân kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, có nhiều nguyên nhân để đạt được kết quả này, trong đó không nhắc tới đó là sự đồng hành của cơ quan Thuế đối với DN trong việc tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời các chính sách để các DN nghiêm túc, tự giác, nâng cao ý thức tuân thủ.
Trong năm, ngành thuế đã tổ chức được 14 hội nghị tập huấn, với trên 4,5 nghìn lượt người tham gia. Trong các buổi tập huấn, cơ quan Thuế luôn dành thời gian để đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh từ DN về những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ. Những nội dung có thể giải đáp trực tiếp, đều được lãnh đạo ngành trả lời ngay tại hội nghị; nội dung nào cần phải kiểm tra lại thông tin, sẽ được trả lời bằng văn bản đến người hỏi, cũng như gửi đến các hội, hiệp hội DN và đăng tải trên website của Cục Thuế, để các DN cùng nắm được khi gặp phải vướng mắc tương tự.
Cùng với tập huấn, đối thoại, các hình thức hỗ trợ khác cũng được ngành Thuế tỉnh chú trọng thực hiện, như: Giải đáp trực tiếp tại cơ quan thuế; trả lời qua điện thoại/bằng văn bản, với số lượng giải đáp lên tới vài nghìn lượt mỗi năm. Ngoài ra, ngành thuế còn niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuế tại nơi tiếp nhận và trả kết quả ở cơ quan thuế các cấp; công khai các chính sách thuế mới ban hành, các thủ tục hành chính thuế trên trang website của ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và DN dễ dàng tìm hiểu và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Đặc biệt, trong năm 2017, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, cũng như thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc triển khai chương trình “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp”, Cục Thuế tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ đối với các DN mới thành lập. Theo đó, các nội dung được ngành tập trung triển khai, đó là: Quy trình mở tài khoản tại NH cho DN; đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế về hồ sơ, nộp thuế, hoàn thuế; đăng ký mã số thuế cá nhân; đăng ký sử dụng hóa đơn; thông báo áp dụng phương pháp khấu hao tài sản cố định…
Chị Bùi Thùy Hương, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Plus Partners Vina - chuyên tư vấn về lĩnh vực quản lý, Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), cho biết: Công ty chúng tôi được thành lập và đi vào hoạt động từ 30/6/2017. Khi đó, do chưa tuyển được kế toán nên mọi thủ tục liên quan đến thuế của Công ty đều do tôi đảm nhận. Lúc đầu, khi đến làm việc tại Cục Thuế, tôi cảm thấy khá ái ngại vì bản thân không có chuyên môn về kế toán nhưng được cán bộ bộ phận một cửa đã tận tình hướng dẫn nên tôi thấy rất yên tâm. Với sự giúp đỡ vô tư, trách nhiệm, tôi đã thực hiện các bước thủ tục theo quy định một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Qua thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, việc hỗ trợ từ phía cơ quan thuế đối với DN mang ý nghĩa rất lớn, tạo môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi; giúp DN hoạt động đúng luật, không lo bị xử phạt hay mất thời gian để khắc phục các lỗi sai, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bởi thế, theo ông Nguyễn Văn Hà, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ DN. Tuyệt đối không để bất cứ DN nào mới ra kinh doanh phải gặp khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế.
Cán bộ Một cửa Cục thuế tỉnh hỗ trợ chính sách thuế cho kế toán các doanh nghiệp
Chia sẻ, tháo gỡ để đồng hành
Với sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực nên những năm qua, Thái Nguyên không chỉ là điểm đến của các DN, mà còn là sự lựa chọn của nhiều NH trong và ngoài nước. Hiện, toàn tỉnh có 26 tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 23 chi nhánh NH, 2 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô. Tính đến cuối tháng 12, tổng nguồn vốn cho vay của các TCTD đạt trên 45 nghìn tỷ đồng, tăng trên 14% so với cuối năm 2016. Trong đó, có tới hơn 83% được “đổ” vào sản xuất - kinh doanh, mà chiếm tỷ lệ lớn là của khối DN. Điều này đã tác động rất tích cực đến việc phát triển của mỗi DN, cũng như tạo ra của cải, vật chất cho toàn xã hội.
Ở một khía cạnh khác, với sự xuất hiện ngày càng nhiều TCTD, đã buộc mỗi NH phải tự nâng cao hơn trong quá trình hoạt động, đồng thời đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất để thu hút khách hàng, trong đó DN luôn được xem là đối tượng “VIP”. Chính điều này đã giúp thay đổi ngôi vị “thượng đế” từ NH sang DN, bởi hiện các NH đều đang phải “đốt đuốc” tìm khách hàng. Tất nhiên đó phải là những DN được xếp hạng tín nhiệm cao. Còn với DN hoạt động kém hiệu quả thì việc tiếp cận nguồn vốn vay thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trước, bởi các quy định được đưa ra ngày càng siết chặt hơn để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn, giảm thiểu tối đa tỷ lệ nợ xấu.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên - NH có dư nợ cho vay DN lớn nhất trên địa bàn tỉnh cho biết: Những năm qua, BIDV liên tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất cho DN. Có những gói kỳ ngắn hạn chỉ ở mức lãi suất từ 6,5%/năm; trung dài hạn chỉ từ 8%/năm - nghĩa là chỉ chênh lệch khoảng 1% so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn. Sở dĩ BIDV luôn đưa ra các chính sách hỗ trợ DN là bởi DN có “khỏe” thì NH mới khỏe theo. Hiện, trong tổng dư nợ cho vay trên 8.600 tỷ đồng của BIDV Thái Nguyên, tỷ trọng cho vay DN chiếm tới 81%.
Không có dư nợ cho vay lớn như BIDV Thái Nguyên, nhưng NHTMCP Ngoại thương (VCB) Chi nhánh Thái Nguyên cũng là NH có tỷ lệ cho vay DN thuộc tốp đầu của tỉnh. Tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay DN của Chi nhánh đạt gần 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 86% tổng dư nợ. Theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc VCB Thái Nguyên: Để thu hút, cũng là cách đồng hành cùng DN, bên cạnh các chương trình ưu đãi về lãi suất, VCB còn ưu đãi cả phí dịch vụ, tỷ giá mua - bán ngoại tệ đối với khách hàng thường xuyên…
Ông Nguyễn Xuân Tươi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên) đã không giấu được sự cảm kích khi nói về sự đồng hành của NH. Ông bảo: Nếu không có sự đồng hành ấy, DN sẽ khó có thể tồn tại, chứ nói gì đến việc phát triển, mở rộng quy mô. Trong số các NH hiện nay mà Công ty đang có quan hệ tín dụng, tôi đơn cử với BIDV Thái Nguyên. Nếu như trước đây, hạn mức tín dụng mà Công ty được Chi nhánh NH này cấp là hơn 300 tỷ đồng, thì sau khi có Hội nghị kết nối NH với DN theo chỉ đạo của NH Nhà nước và UBND tỉnh hồi cuối năm 2014, chúng tôi đã được nâng hạn mức lên 570 tỷ đồng (năm 2016) và hiện là 790 tỷ đồng. Với hạn mức mới này, chúng tôi đã có điều kiện mở rộng thêm một số mặt hàng kinh doanh. Đồng thời cũng tự tin hơn trong việc nhận các lô hàng có giá trị lớn. Điều này góp phần quan trọng giúp hiệu quả hoạt động của DN ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu của Công ty đã đạt tới 2.500 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng; đảm bảo thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động, với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng…
Còn theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Cùng với những ưu đãi mà từng TCTD đưa ra thì một điều quan trọng khác mà hệ thống NH đã thực hiện tốt theo chỉ đạo của Chính phủ đó là, giữ ổn định lãi suất ở mức hợp lý. Theo đó, khoảng 5 năm trở lại đây, lãi suất được áp dụng phổ biến từ 7-9%/năm đối với kỳ ngắn hạn; 9,3-11%/năm kỳ trung và dài hạn. Còn với lĩnh vực ưu tiên hoặc với DN được xếp hạng tốt thì lãi suất sẽ thấp hơn từ 0,5-1%/năm. Điều này đã và đang góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển.
Có thể nói, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành thuế và NH trong những năm qua đã và đang tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH của tỉnh, đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng của cả nước. Điều này phần nào được thể hiện qua hầu hết các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh những năm qua luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 12,75%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 68 triệu đồng (xấp xỉ 3.000USD); số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm đạt 21,4 nghìn người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9%…
Nguyễn Chi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...