Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
10:56 (GMT +7)

Dấu ấn sân khấu Chèo Thái Nguyên

 

 Từ xa xưa con người ta đã sáng tạo ra nghệ thuật, đã biết đến sức mạnh kỳ diệu của nghệ thuật. Sân khấu là loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Đây được coi là loại hình nghệ thuật thứ 6 của loài người. Trong nền văn hoá của dân tộc Việt Nam, sân khấu là loại hình nghệ thuật đã được hình thành và phát triển từ rất sớm. Từ những loại hình nghệ thuật sân khấu đầu tiên như: Chèo, Tuồng, Cải lương, hát Bội, dân ca Quan họ tới các loại hình sân khấu du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam như Kịch nói. Ngày nay nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.

Nói tới tinh hoa của văn hoá dân tộc không thể không nói tới nghệ thuật sân khấu Chèo. Nghệ thuật sân khấu Chèo Việt Nam ra đời trong những chiếc nôi Chèo đầu tiên của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu như: chiếng Chèo Nam (Nam Định - Thái Bình), chiếng Chèo Đoài (Hà Tây), chiếng Chèo Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang), chiếng Chèo Đông (Hải Dương - Hưng Yên).

Ngày nay sân khấu Chèo đã phát triển trong cả nước trở thành một loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tiêu biểu cho vẻ đẹp tinh thần của người dân Việt Nam. Đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về văn hoá dân gian với các đề tài nghiên cứu khác nhau, tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu Chèo. Đó là những công trình nghiên cứu to lớn và có ý nghĩa góp tiếng nói chung trong công cuộc tìm hiểu những nét đẹp của nền văn hoá dân tộc. 

Tại Thái Nguyên đoàn Chèo Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1959. Là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân thuộc sở văn hoá thông tin tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn có chức năng tổ chức biểu diễn, khai thác, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Xây dựng chương trình kịch mục loại hình nghệ thuật Chèo phục vụ biểu diễn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho diễn viên, nhạc công và các đội văn nghệ không chuyên ở Thái Nguyên.

Mở rộng mối quan hệ giao lưu, học tập với các đoàn nghệ thuật khác, tuyển chọn, đào tạo nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển của đoàn, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do tỉnh giao.

Ngay từ những ngày đầu các nghệ sĩ sân khấu Chèo đã trình làng những vở diễn ấn tượng như: Tấm Cám, Hương Thiên Lý, Đôi Mắt, Cô Son, v.v.. với các nghệ sĩ tài năng và tâm huyết như: Hoàng Thiều, Cải Tâm, Văn Đán, Hồng Sợi, Dương Thị Lựu... đã làm nức lòng khán giả trong và ngoài tỉnh, các trận địa pháo cao xạ, các đơn vị bộ đội trên đường hành quân ra tiền tuyến.

Năm 1972 NS Chèo Dương Thị Lựu và NS Nguyễn Thị Mai của đoàn ca múa đã anh dũng hy sinh khi đang biểu diễn phục vụ bộ đội trên chiến trường 59 Trường Sơn. Tấm gương hy sinh của các chị là niềm tự hào to lớn của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu sau này.

Trong những năm cuối của thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, khi mà đất nước đang chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, sân khấu Chèo cũng phải tìm hướng phát triển, cách tiếp cận khán giả đa chiều sao cho phù hợp thị hiếu của khán giả, từ đó sân khấu Chèo Thái Nguyên lại cho ra mắt khán giả một số vở Chèo cách tân, Chèo hiện đại với nội dung ca ngợi bản chất anh hùng cách mạng của chiến sĩ cộng sản sau giải phóng nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, cửa quyền của chế độ tư bản như vở Cánh chim vượt gió, và sau đó là hàng loạt những vở diễn làm nức lòng khán giả như: Nàng Xita, Hoàng hậu Ba tư, Chiếc bóng oan khiên… cùng các nghệ sĩ như Thuý Hinh, Xuân Giao, Việt Dũng, Tiến Dũng, Hồng Khoát, Quang Tịch, Bích Thỏa. Sự thăng hoa của các nghệ sĩ trong các vở Chèo hiện đại đã tạo ra những cơn địa chấn thu hút khán giả Thái Nguyên bằng những cơn sốt vé trong liên tục trên 30 đêm khi đoàn công diễn tại rạp Quyết Tiến, trung tâm thành phố Thái Nguyên lúc bấy giờ.

Dấu ấn sân khấu Chèo Thái Nguyên

Năm 1995 bằng quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo đoàn, cùng sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ trẻ, lần đầu tiên Chèo Thái Nguyên tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vở Chèo Duyên nợ ba sinh, tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ. Bằng cách thể hiện Chèo truyền thống, sân khấu sân đình. Vở diễn đã tạo tiếng vang tại hội diễn với điểm cao nhất của hội đồng giám khảo, kết quả vở diễn đã đạt Huy chương Vàng, với ba Huy chương Vàng, ba Huy chương Bạc cá nhân, ba Bằng khen và một giải Tài năng trẻ do Tạp chí Sân sấu Việt Nam trao tặng cho các nghệ sĩ của đoàn. Lần đầu tiên Chèo Thái Nguyên tạo được một nốt son trong làng Chèo cả nước.

Những dấu ấn tiếp theo là Huy chương Vàng cho vở Nàng chúa ong tại Liên hoan Sân khấu, Ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh trung du miền núi. Giải Đặc biệt cho vở Đêm trăng huyền thoại - đây là vở Chèo đầu tiên trong cả nước, đoàn Chèo Thái Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, xây dựng đề tài đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu Chèo, vở diễn ca ngợi tình cảm cao đẹp của vị cha già dân tộc đối với đồng bào Việt Bắc, mà đặc biệt là tình cảm đùm bọc che chở của đồng bào các dân tộc ở ATK Định Hoá - Thái Nguyên trong những năm Bác sống và làm việc tại Việt Bắc.

Sân khấu Chèo Thái Nguyên không chỉ thành công bằng các vở Chèo truyền thống, hay vở Chèo dân gian, huyền thoại như Chuyện tình sông và núi ngợi ca mối tình đằm thắm thuỷ chung của nàng Công với chàng Cốc, giữa tình yêu của con người hoà quyện với thiên nhiên kỳ thú. Các vở Chèo với đề tài lịch sử như: Phò mã áo chàm mô tả hình tượng, thân thế sự nghiệp người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh có công trấn ải phía bắc, được hai lần vua Lý gả công chúa phong phò mã. Hay vở Cờ thiêng trên núi võ ca ngợi vị nhân sĩ tài ba Lưu Nhân Chú với địa danh núi văn núi võ, đã chiêu hiền võ sĩ Hội thề Lũng Nhai tôn Lê Lợi làm Bình Định Vương đánh tan quân xâm lược giữ yên bờ cõi.

Ngày nay, các nghệ sĩ trẻ của sân khấu Chèo Thái Nguyên như NSƯT Minh Thắng, NSƯT Hà Bắc, NSƯT Văn Tình, NS Tuấn Hưng, NS Công Khanh, Thuý Mị, NS trẻ tài năng Dương Út Lan, còn thể hiện táo bạo với các vở Chèo hiện đại mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, nhằm tuyên truyền các chủ trương chính sách đổi mới của Đảng tới nhân dân, phê phán các tệ nan xã hội như ma tuý và các thói hư khác thông qua vở Ngày thường không bình yên tham gia Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân do Bộ Công an tổ chức năm 2010. Vở Đường đua trong bóng tối tham gia Cuộc thi Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Hải Phòng, đây là vở diễn gai góc, dám thẳng thắn phê phán góc khuất của cuộc sống, một bộ phận cán bộ Đảng viên thoái hoá, biến chất trong việc chạy chức buôn quyền. Ca ngợi những con người dám đối đầu với cái ác, để bảo vệ nhân phẩm của cuộc sống, vở diễn đã được hội đồng giám khảo và cả hội diễn đánh giá cao về ý nghĩa chính trị và chất lượng nghệ thuật, được khán giả và nhân dân hào hứng ủng hộ.

Năm 2019 vở Chèo “Huyền thoại sông và núi” thông qua ngôn ngữ nghệ thuật Chèo, qua đó nhằm giới thiệu đất và con người Thái Nguyên, sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc, quảng bá du lịch Thái Nguyên thông qua câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Công Hoa với chàng Sơn Cốc, được người dân huyền thoại hoá thành núi Cốc và dòng sông Công. Vở Chèo Huyền thoại sông và núi” đã đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019. Được VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam ghi hình và phát sóng trong và ngoài nước. 

 Phải kể đến sự thành công mới của Chèo Thái Nguyên trong đề tài chiến tranh cách mạng như vở Chèo Lưu Xá một thời hoa lửa”, đã tái hiện cuộc sống, chiến đấu gian khổ của 60 anh hùng liệt sĩ Đại đội TNXP 915 Lưu Xá anh hùng, giữa những năm tháng chiến tranh trống Mỹ ác liệt. Ga đường sắt Lưu Xá Thái Nguyên được coi là một căn cứ, một “cảng cạn” Chiến Lược quan trọng, nơi bốc dỡ trung chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quốc tế cho Việt Nam. Cũng tại đây lực lượng TNXP Đại đội 915 cùng với bộ đội tham gia bốc dỡ vũ khí đạn dược qua các đoàn tàu tiếp viện cho chiến trường miền nam đánh Mỹ.

Vở Chèo “Lưu Xá một thời hoa lửa” là khúc tráng ca bất tử, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của 60 anh hùng liệt sĩ thuộc Đại đội 915 anh hùng. Vở diễn ra đời đúng thời điểm Kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh anh dũng của các anh, các chị đêm Nô-en ngày 24/12/1972 - 24/12/2022. Vở Chèo “Lưu Xá một thời hoa lửa” đã xuất sắc đạt huy chương Bạc tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022.

Trải qua 65 năm hiện diện và phát triển tại Thái Nguyên, sân khấu Chèo đã biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, biết phát huy mạnh mẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sân khấu Chèo Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1995 và nhiều Bằng khen của Bộ Văn hoá Thể thao & Du Lịch tỉnh Thái Nguyên trao tặng. Có 07 nghệ sĩ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

***

Hiện nay mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ sân khấu Chèo nói riêng và các nghệ sĩ của tỉnh Thái Nguyên nói chung, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng sáng tạo đưa nghệ thuật Thái Nguyên phát triển lớn mạnh, xứng đáng là một trung tâm vùng phía bắc giáp với thủ đô Hà Nội.

Đề nghị các đồng chí lãnh đạo Sở VHTT&DL, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ghi nhận những thành tích mà các nghệ sĩ sân khấu Chèo Thái Nguyên đã đạt được, và tiếp tục quan tâm tao điều kiện hoạt động, quan tâm tới đời sống, tâm tư, tình cảm để các nghệ sĩ yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến vì sự phát trển của sự nghiệp sân khấu, vì sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của khu vực Việt Bắc.

 

Đỗ Minh Chuyên

(Hội VHNT tỉnh Thái nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy