Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
04:25 (GMT +7)

Đặt lợi ích quốc gia cao hơn hết thảy

Có một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, đã sống cùng lịch sử gần 10 thế kỷ qua, đã đi vào văn chương, nghệ thuật. Câu chuyện ấy là biểu hiện sinh động nhất của tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc cao hơn hết thảy…


1. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục kể lại câu chuyện Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn tắm chung: "Có một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay tắm gội. Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải rồi nói:

- Hôm nay tôi được tắm cho thượng tướng.

Quang Khải cũng nói:

- Hôm nay tôi được quốc công tắm rửa cho.

Từ bấy giờ, hai người chơi với nhau thân mật lắm".

Khi mời Trần Quang Khải xuống thuyền tắm cho ông, Trần Hưng Đạo đang là Quốc công tiết chế, nắm quyền chỉ huy toàn quân của nước Đại Việt. Trần Quang Khải khi ấy đang nắm giữ cương vị Thượng tướng, Thái sư của triều đình, tức như đang nắm quyền tể tướng. Nói nôm na, một người thay mặt vua điều khiển việc hành chính, một người thay mặt vua nắm quyền điều binh, khiển tướng. Một chỉ huy quân đội toàn quốc mời một Thái sư nắm quyền triều chính xuống thuyền tắm cho thì quả là chuyện kỳ quặc khó hiểu. Thế nhưng câu chuyện đó hoàn toàn không khó hiểu chút nào khi chúng ta hiểu về nguyên ủy câu chuyện cảm động này.

Hình minh họa Hưng Đạo đại vương, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn (trái) và Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (phải). Nguồn: internet

Câu chuyện bắt đầu từ những người con của Trần Lý. Trần Lý chính là ông nội của vị vua mở đầu nhà Trần là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Trần Lý sinh ra 3 người con, trong đó có Trần Thừa, Trần Tự Khánh (con trai) và Trần Thị Dung (con gái). Trong số 6 người con của Trần Thừa có 2 người con trai - chính là nguyên nhân khởi nguồn của câu chuyện này - đó là Trần Liễu và Trần Cảnh. Em gái Trần Thừa là Trần Thị Dung lấy Thái tử Sảm của nhà Lý, người sau này lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông - nên Trần Thị Dung trở thành hoàng hậu của nhà Lý. Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung không có con trai chỉ sinh được 2 người con gái là Thuận Thiên và Chiêu Thánh (tức hoàng đế Lý Chiêu Hoàng - vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý). Lớn lên, Thuận Thiên được gả cho Trần Liễu, Chiêu Hoàng được sắp xếp lấy Trần Cảnh. Như vậy có nghĩa là hai anh em ruột con của người anh ruột - Trần Thừa - lấy 2 chị em ruột con của người em ruột - Trần Thị Dung.

2. Dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, năm 1224, Lý Chiêu Hoàng khi ấy mới mới 7 tuổi ta (sinh năm 1218) đã được vua cha là Lý Huệ Tông nhường ngôi cho. Cũng dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, năm 1225, Lý Chiêu Hoàng cưới chồng là Trần Cảnh (tức anh nhà bác ruột, cùng tuổi với Lý Chiêu Hoàng). Và cùng năm, lại dưới bàn tay “đạo diễn” của ông chú họ là Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng chính thức nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh khi ấy mới 8 tuổi (tuổi ta). Trần Cảnh lên ngôi vua mở đầu triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam 1225 - 1400.

Sau khi con gái lên ngôi, Lý Huệ Tông lui về tu ở chùa Chân Giáo và sau đó thắt cổ tự tử. Sau khi Lý Huệ Tông tự tử, vợ ông - thái hậu nhà Lý Trần Thị Dung - đã lấy em họ mình là Trần Thủ Độ.

Năm 1237, tức 13 năm sau ngày cưới nhưng Lý Chiêu Hoàng chưa có con trai để nối ngôi, Thái sư Trần Thủ Độ đã bắt chị ruột của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên khi ấy đang là vợ của Trần Liễu - anh ruột Trần Cảnh và đang mang thai 3 tháng đem gả cho Trần Cảnh. Thai nhi ấy sau này chính là Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang. Đó là lý do vì sao sử sách vẫn chép Trần Quốc Khang là con trai trưởng của vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh. Thế nhưng năm 1258, Trần Thái Tông lên làm Thái thượng hoàng đã không nhường ngôi cho Trần Quốc Khang (con trưởng) mà nhường cho con thứ là thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông, bởi Trần Quốc Khang không phải con ruột của Trần Thái Tông mà là con trai Trần Liễu.

Về lý và cả về tình, vua Lý Huệ Tông nhà Lý nhường ngôi thì cho dù nhường cho con gái, ngài cũng phải nhường ngôi cho con gái trưởng, tức công chúa Thuận Thiên. Thế nhưng khi ấy Thuận Thiên đã lớn và đã được gả làm vợ Trần Liễu. Có lẽ các bậc tể tướng xưa của triều đình thường muốn chọn vua nhỏ tuổi để dễ bề nắm trọn quyền hành chăng mà Lý Huệ Tông đã bắt buộc phải nhường ngôi cho người con gái nhỏ của mình là Lý Chiêu Hoàng. Nếu Chiêu Thánh được nhường ngôi, dù ngôi vua có chuyển sang họ Trần thì Trần Liễu sẽ được nhường ngôi và lên làm vua. Trần Liễu đã không được may mắn ấy và cuối cùng đến một người vợ yêu của mình ông cũng không giữ nổi vì bị Thái Sư Trần Thủ Độ bắt làm vợ của Trần Cảnh, vị hoàng đế em ruột ông. Cũng bởi liên tiếp chịu những bức bách này mà Trần Liễu sau đó làm phản. Trần Cảnh cũng không đồng tình với các quyết định của Thái sư Trần Thủ Độ, vậy nên khi Trần Liễu làm phản và bị Trần Thủ Độ chuẩn bị chém đầu thì chính Trần Cảnh đã quỳ xuống xin tha cho anh trai mình. Sau đó, Trần Liễu được phong tước An Sinh Vương và ban cho thái ấp. Bởi mối thâm thù này nên sau này lấy vợ, Trần Liễu đã tìm các thày giỏi về dạy cho con trai mình chỉ với một mục đích là sau này sẽ phục thù cho cha, giành lại ngôi vua từ tay dòng thứ. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Trần Liễu đã nắm tay Trần Hưng Đạo trăng trối rằng nếu con không cướp được ngôi vua về cho nhà ta thì dưới suối vàng cha không thể nào nhắm mắt được.

Hình minh họa mối quan hệ của các nhân vật trong bài viết

3. Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Nam Tống của Trung Quốc và chiếm được một vùng đất bao la, thiết lập nhà Nguyên, đế quốc Nguyên bắt đầu xâm lược, chinh phục nhiều nơi trên thế giới. Nhà Nguyên không quên mối thù bị thất bại trước quân dân Đại Việt năm 1258, và vì vậy đội quân này lên kế hoạch tấn công xâm lược Đại Việt. Khi ấy, trước thử thách mất còn của đất nước, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã chủ động dàn hòa với Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải để anh em đoàn kết, cấu kết lòng dân đánh giặc giữ nước.

Sử sách chép rằng, có lần, để thử lòng các con, Trần Quốc Tuấn đem lời dặn dò trăn trối của cha hỏi hai thuộc hạ thân tín là Yết Kiêu và Dã Tượng, cả 2 người đã can Trần Quốc Tuấn không nên làm như thế: “Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu". Trước tấm lòng trung quân ái quốc của hai vị tướng tâm phúc, Trần Quốc Tuấn đã cảm phục nghẹn ngào và không ngớt khen ngợi hai người. Cũng vậy, có lần ông đem chuyện này hỏi con trai mình là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Trần Quốc Nghiễn đã thưa với cha rằng dẫu khác họ cũng không ai làm vậy huống gì anh em cùng một họ. Lại một hôm, ông đem chuyện này hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Quốc Tảng khuyên cha hãy nhân cơ hội này giành lại ngôi vua. Quá tức giận, ông rút gươm kể tội con trai và cho rằng Quốc Tảng là loạn thần tặc tử. Trần Quốc Nghiễn đã dập đầu xin cha tha tội cho em, ông đồng ý tha cho nhưng truyền lệnh sau khi ông mất, khi nắp quan tài đã đóng mới cho Quốc Tảng vào viếng.

Tượng đài Đức Ông Trần Quốc Tảng tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Nguồn: internet

Khi giặc Nguyên vào cướp nước ta, Trần Quốc Tảng được giao trấn giữ Hải Ninh - An Bang và có công lao lớn, vì vậy năm 1289, ông được phong làm Tiết độ sứ. Tương truyền, địa danh Cửa Ông ở Quảng Ninh hiện nay chính là tên người dân gọi ông một cách tôn kính. Tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh hiện nay có đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và nhiều vị tướng thời Trần. Cũng ở ngôi đền này hiện còn lăng mộ ông (xung quanh nơi mất của ông hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau).

Hành động vô cùng cao thượng, gạt bỏ thù riêng vì lợi ích của quốc gia dân tộc của Đức Hưng Đạo Đại Vương chính là chất kết dính để vua tôi, cha con, anh em, toàn dân triệu người như một kết thành khối đoàn kết vĩ đại chiến thắng kẻ thù hung bạo. Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu 1285, sau khi đuổi quân Thoát Hoan, giải phóng kinh thành Thăng Long, Trần Quang Khải phò giá hai vua Trần về lại kinh đô và đã cảm tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”: Đoạt sáo Chương Dương độ,/ Cầm Hồ Hàm Tử quan./ Thái bình tu nỗ lực,/ Vạn cổ thử giang san. (Bản dịch của Trần Trọng Kim: Chương Dương cướp giáo giặc,/ Hàm Tử bắt quân thù./ Thái bình nên gắng sức,/ Non nước ấy nghìn thu). Tổng kết 3 lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi, Hưng Đạo Đại Vương đã đúc kết nguyên nhân làm nên những chiến thắng vĩ đại này là do “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”. Tuy là 2 bậc lương đống của triều đình, là 2 danh tướng, anh hùng nổi tiếng chống giặc ngoại xâm, nhưng cả Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, cả Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã không hề tung hô triều đại của mình, không hề tung hô bản thân mình mà luôn xem công lao ấy là sự nghiệp của toàn dân. Chiến thắng kẻ thù vang dội, song vẫn luôn đau đáu về sự trường tồn của đất nước, của dân tộc. Cha ông ta thật vĩ đại!

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy