Đảo của những linh hồn bất tử
VNTN - Trong Đại Nam nhất thống chí, Côn Đảo “nguy nga đứng trấn giữa Biển Đông” là quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam. Trong khoảng 113 năm, từ khi thực dân Pháp chính thức xây nhà tù để giam giữ những người yêu nước đến năm 1975 - Côn Đảo được giải phóng, nơi đây là địa ngục trần gian, cũng là trường học cách mạng tôi luyện những khí tiết cộng sản và tỏa sáng nhân cách con người Việt Nam như “vàng trong lửa”. Hôm nay, Côn Đảo đã trở thành một địa chỉ đỏ - quần thể bảo tàng lưu giữ chứng tích tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hơn 100 năm đọa đầy, bức tử những người Việt Nam yêu nước, là dải đất thiêng - nơi an nghỉ của những linh hồn bất tử, nơi các thế hệ sau kính cẩn nghiêng mình tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước tự do - độc lập - thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Một ngày đầu tháng tư. Chúng tôi đến Côn Đảo thực hiện một dự án Phim tài liệu. Sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) đón chúng tôi trong nắng gió của ngàn trùng khơi thổi lại. Cảm nhận đầu tiên về Côn Đảo là những con người ở đây: da nâu mắt sáng, nụ cười thân thiện, kiệm lời và chu đáo đối với khách đường xa. Đường từ sân bay Cỏ Ống vào trung tâm Côn Đảo bạt ngàn hoa giấy và hoa mai anh đào. Trong ráng chiều đỏ thắm, đứng trên đỉnh dốc ông Tướng nhìn ra xa, biển khơi xanh thăm thẳm, ngàn lớp sóng xô vào bờ đá, dội lên núi thành tiếng vọng thiết tha ngân dài. Không biết mấy chục năm về trước, khi mở con đường này, bao nhiêu người tù đã vùi thân xác xuống đây, máu đào của các anh hùng liệt sĩ phải chăng đã hóa thân vào màu hoa đỏ giữa bất tận xanh của rừng của biển để đến tận hôm nay vẫn ngời lên rực rỡ.
Qua hết mấy con đèo con dốc bám theo vách núi ven biển, trung tâm Côn Đảo hiện ra trước mắt. Đó là một thị trấn tuyệt đẹp nằm trong thung lũng hình bán nguyệt giữa ba dãy núi, phía Đông Nam là Vịnh Côn Sơn, bình yên, vắng lặng và đẹp đến nao lòng. Trong chiều muộn, những ngôi nhà kiểu Pháp cổ với mái ngói rêu phong, những con đường rợp bóng cây, những giàn hoa giấy đủ màu, những du khách thong thả tản bộ, phố chợ nhỏ với dăm quán hàng, vài ba tiệm tạp hóa, dăm quán cafe .... gợi cho ta không gian thanh bình của một đô thị cổ châu Âu giữa biển khơi, chẳng ai nghĩ rằng, nơi này xưa là Hòn đảo ngục tù gắn liền tội ác kinh hoàng của kẻ thù xâm lược.
Không đến khách sạn, chúng tôi nghỉ lại tại nhà của một người bạn làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Côn Đảo. Đó là một người yêu Côn Đảo như máu thịt, gắn bó với hòn đảo này mấy chục năm, dấu chân của anh đã in dọc ngang hòn đảo và bao câu chuyện về đất và người nơi đây được anh kể lại bằng cả một tình yêu sâu nặng. Đó là những huyền thoại gắn với lịch sử đau thương của hòn đảo, những tên cũ của từng con phố, những bờ tường đá còn giữ nguyên năm xây dựng, những ngôi nhà cổ, hệ thống nhà tù trên đảo, những ngọn núi, bến tàu, miếu thờ cổ kính linh thiêng và mong chúng tôi trong những ngày ở đảo hãy cố gắng đi thăm từng địa chỉ, gặp những con người tâm huyết với việc xây dựng, bảo tồn quần thể di tích để yêu thêm phần máu thịt xa xôi của đất nước này.
Ngày thứ hai, chúng tôi đón bình minh Côn Đảo trên Cầu tàu 914, trước dinh thự Chúa Đảo cũ, chính giữa Vịnh Côn Sơn. Bắt đầu khởi công từ năm 1873 đến tận những năm ba mươi của thế kỷ trước mới tạm xong, tên gọi “Cầu tàu 914” gắn với cái chết của những người tù trong quá trình lấy đá từ chân núi Chúa đưa về xây dựng cầu tàu và kè chắn sóng. Những tảng đá xanh xám bình yên hôm nay đã từng thấm máu xương thịt da của hàng ngàn người tù gần trăm năm trước bởi con số 914 này chỉ là ước lệ để tưởng nhớ những người đã chết trong lúc lao động khổ sai vác đá xây cầu. Đứng trên cầu tàu nhìn ra biển cả mênh mông lúc bình minh rực sáng, trong trí sực nhớ đến câu ca những người tù để lại: “Nơi đây có chiếc cầu tàu. Mỗi viên đá xếp một đầu người rơi”; “Còn đây đá lắp cầu tàu. Đá bao nhiêu khối máu đào bấy nhiêu”. Cầu tàu lịch sử 914 còn là nơi đã chứng kiến 2 sự kiện lịch sử trọng đại của Côn Đảo. Tháng 9 năm 1945, Côn Đảo về tay chính quyền cách mạng, hơn 2000 tù chính trị Côn Đảo được tự do và trở về đất liền. Ba mươi năm sau, nơi đây lại rợp bóng cờ bay, tiễn chân hơn 4000 tù chính trị trở về đoàn tụ với gia đình, anh em, đồng chí, đồng bào. Có đau thương mất mát và có cả nụ cười hân hoan hạnh phúc ở nơi này.
Chúng tôi gặp Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo, anh Lê Minh Nhựt - một người vóc dáng thư sinh nhưng có đôi bàn tay mạnh mẽ ấm nóng, sôi nổi và nhiệt huyết. Chỉ vài câu chuyện, anh đã giúp chúng tôi rút ngắn những thủ tục hành chính và kết nối cho chúng tôi những nơi cần đến nhanh nhất. Từ Ủy ban huyện, chúng tôi đến Ban quản lý di tích Côn Đảo, em Thúy, em Quang... những người chưa một lần gặp gỡ nhưng khi gặp tưởng như đã từng thân thiết gắn bó từ rất lâu. Các em giới thiệu cho chúng tôi địa chỉ đầu tiên - Sở Cò thời Pháp và trụ sở Quân cảnh thời Mỹ ngụy. Ngôi nhà kiểu Pháp cổ nằm dưới bóng rợp của giàn hoa giấy, những tán cây xoài, bồ kết, lê ki ma... đã được xây dựng từ năm 1929, để phục vụ cho bộ máy cai trị tù nhân trên đảo. Đặc biệt, Sở Cò là nơi lưu lại những giờ phút cuối cùng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, người nữ tử tù chính trị đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo thời thực dân Pháp trước khi ra pháp trường. Hơn 60 năm trước, trong một đêm tháng Giêng, tiếng hát của người con gái Đất Đỏ anh hùng đã bay lên từ phòng giam chật hẹp, vượt qua ngục tù, xiềng xích lay động trái tim của hàng ngàn bạn tù, khiến kẻ thù khiếp sợ mãi về sau.
Nghĩa trang Hàng Dương - nơi an nghỉ của những người chiến sỹ yêu nước và cách mạng, trên mộ liệt sĩ là những đóa hoa bất tử. Vào Ngày giỗ chung các anh hùng liệt sĩ trên đảo, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân đến đây cùng thắp nến tri ân tưởng nhớ công lao và ôn lại quá khứ bi thương và anh hùng trên hòn đảo này. Đặc biệt, vị anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu- trong trái tim nhân dân đã trở thành một huyền thoại bất tử, linh thiêng của Côn Đảo. Ngôi mộ của Cô Sáu luôn ngát hương và ngập tràn hoa trắng. Những mái đầu cúi thấp, những gương mặt kính cẩn trong khói nhang thơm trước mộ các vị anh hùng liệt sĩ hữu danh và vô danh, những bóng áo xanh dọn cỏ, cắm hoa, xếp lại gạch đá... nhẹ nhàng và lặng lẽ, tất cả như đang tỏ bày tấm lòng của mình trước các vị tiền nhân đã nằm lại nơi đây.
Tại Nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi đã gặp một đoàn khách đặc biệt: các cựu tù nhân Côn đảo của tỉnh Tiền Giang - những người đã từng bị kết án tử hình và đi đày chung thân ở đây đến thăm lại Côn Đảo. Chúng tôi theo chân các bác về Banh 1, Banh 2, Banh 3, Chuồng cọp... để nghe kể về những ngày tháng bị tra tấn, giam cầm, đánh đập dã man. Đứng trong sân của Banh 1- trại Phú Hải, dưới tán cây bàng trăm năm tuổi, nhìn đôi chim sẻ nâu nhảy nhót trong bóng nắng, tự hỏi lòng mình, trong khoảng sân này, có bao nhiêu ngày tù nhân phải sắp hàng đợi lệnh, có bao nhiêu người đi luôn không trở lại, có bao người trong các phòng giam chật cứng như nêm nhìn bạn tù đi mà lòng đau như xé...; có bao người thối thịt thối da, bại liệt và vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng khi ra khỏi phòng giam...?
Nghĩa trang Hàng Dương Nguồn: Internet
Nơi chúng tôi dừng lại lâu nhất là khu biệt lập chuồng cọp - đó là chốn “địa ngục” kinh hoàng do thực dân Pháp xây dựng năm 1940, bao gồm 120 phòng biệt giam chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng. Mỗi khu đều có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát và hành hạ người tù. Trên hành lang đó luôn có những thùng vôi, thùng nước, nếu như tù nhân la hét và chống đối thì sẽ bị bọn lính canh ném vôi mù mịt và dội nước để tra tấn.
Chuồng cọp Pháp còn có 60 phòng không có mái che được gọi là Phòng tắm nắng, chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn.
Năm 1971, khi Chuồng cọp Pháp bị phát hiện, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa xây dựng tiếp Trại Phú Bình còn gọi Chuồng cọp Mỹ hay trại 7, gồm 384 phòng biệt giam được chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, đi vệ sinh vào thùng. Mỗi khi có đấu tranh, bọn cai ngục không cho đổ thùng, người tù ngập thân trong nước tiểu, phân, máu và nước mắt... đau đớn, suy kiệt thể xác đến tận cùng... Rồi những Sở Rẫy, Sở Đá, Muối, Sở Củi - Chuồng bò; Sở Lò vôi... những địa danh kinh hoàng trong ký ức tù nhân hôm nay vẫn đó, từng viên gạch, mái ngói rêu phong vẫn đứng im trong bóng ngày đổ xuống như gợi nhắc hơn một trăm năm đau thương không thể nào quên. Nhưng cũng chính nơi đây đã sáng lên những nhân cách đẹp đẽ. Sống trong xiềng xích đọa đày và cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, những người tù yêu nước, những chiến sĩ cộng sản, những người lính Cụ Hồ đã chiến đấu và bằng tất cả sức mạnh tinh thần của mình, chiến thắng kẻ thù, lập nên những kỳ tích trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.
Rời quần thể nhà tù, chúng tôi lên đường đi khám phá Côn Đảo. Con đường đến Bến Đầm men theo bờ biển, dưới kia là những bãi cát trắng hoang sơ không một bóng người. Đứng trên Mũi Cá mập nhìn xuống biển xanh sâu thẳm, từng đợt sóng tung bờ trắng xóa hay qua Eo gió thổi bạt người, nơi nào cũng cảm thấy “Những hồn Trần Phú vô danh. Sóng xanh biển cả cây xanh núi ngàn” (Tố Hữu) bất tử đang vẫn còn lưởng vưởng đâu đây.
\
Dừng chân bên ngôi miếu Ngũ Hành nương nương, chắp tay bái lạy năm vị nữ phúc thần được dân đảo tôn thờ trợ dân trồng trọt, cấy hái, đánh cá... Rồi trở ra lên Vân Sơn tự bái Phật, xuống An Sơn Miếu viếng Bà Hoàng Phi Yến và Hoàng Tử Cải, ra làng Cỏ Ống thăm Miếu Bà, Miếu Cậu, đi ngắm cảnh tàu về bến đầy ắp cá với những ngư dân da dẻ đỏ au nồng nàn mùi biển, tiếng nói ào ào bạt sóng. Cảm nhận trong tôi là một gương mặt khác của Côn Đảo hôm nay - một Côn Đảo khác - bình yên và mang hơi thở, sức sống của cuộc đời trần thế - thanh bình, con người khoan hòa, chân thành, trung thực. Ở đảo không có trộm cắp, xe máy bỏ ngoài sân không cần cất khóa, không có những quán karaoke hay bia ôm đèn mờ, không có những bar thâu đêm mở nhạc và dập dìu cảnh ăn chơi phù phiếm.
Trong mấy đêm ở đảo, chúng tôi đã ngồi ở Cafe Côn Sơn, nghe nhạc Trịnh buồn da diết sâu lắng hòa trong tiếng gió, tiếng sóng dạt dào xô kè đá. Bữa khác ngồi ở Lacasa với cô chủ quán tên Thi dịu dàng uống sinh tố xoài ngọt mát lạnh và nghe một bản nhạc jazz không biết tên. Trong đêm thanh tĩnh, tiếng saxophone hòa tiếng trống tạo nên một cảm xúc vô cùng khó tả, có lẽ chẳng bao giờ lặp lại trong đời...
Năm 2011, Tạp chí Du lịch lừng danh Travel And Leisure công bố danh sách 20 hòn đảo chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất thế giới, trong đó có Côn Đảo. Tạp chí này miêu tả Côn Đảo vốn là một quần thể nhà tù thực dân đế quốc khét tiếng tàn bạo vô nhân đạo ở Việt Nam nay đã chuyển thành một thiên đường du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn, phong phú. Nhưng với tôi, Côn Đảo mãi là một thế giới của những linh hồn bất tử. Họ vẫn đang sống với hòn đảo này bằng những huyền thoại và tình cảm của những con người hôm nay.
Và tôi mong một ngày tháng Tư nào đó trong tương lai sẽ được quay lại nơi đây. Để đi hết những nơi chưa đi, để cảm nhận những gì còn chưa thấu hết.
Nhớ thương ngay từ khi chưa rời Côn Đảo.
Cao Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...