Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
14:38 (GMT +7)

Dành thiện cảm nhiều hơn cho họ

VNTN - Gần hai tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Những ngày này, công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại thể hiện cao nhất quyền dân chủ của các công dân Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi nổi trên mọi miền đất nước.

Một trong những việc được dư luận đặc biệt quan tâm là số người tự ứng cử tăng nhiều so với những kỳ trước.

Theo thống kê mới nhất, tính đến hết ngày 17/3, tổng cộng 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ có tới 100 hồ sơ tự ứng cử. Tỉnh Thái Nguyên cũng có 2 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Phần lớn người tự ứng cử là nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ và doanh nhân.

Tuy rằng nhân sự kiện bầu cử các cơ quan quyền lực của nhân dân, có những tổ chức, những phần tử xấu trà trộn vào đám đông, lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng dân chủ để phá đám, hoặc tiếp tay cho lực lượng đối lập với chế độ thực hiện các hành vi đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước. Với những tổ chức, cá nhân này, chính quyền các cấp đã và sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời. Và trong số những người tự ứng cử không phải không có những người coi việc tự ứng cử là cơ hội để thể hiện bản thân, quảng cáo tên tuổi, doanh nghiệp của mình. Những việc làm ấy không vì cộng đồng mà vị sự vụ lợi cá nhân, và đáng bị chê trách.

Nhưng đó không phải là tất cả.

Chúng ta không thể không ghi nhận sự tích cực, dũng cảm, mong muốn được cống hiến xây dựng đất nước của đại đa số những người tự ứng cử.

Trong điều kiện nhận thức của cả xã hội còn chưa đồng đều, không ít người dân còn nhìn họ với con mắt khó chịu vì lối nghĩ “công tác cán bộ là của đảng, đảng viên mà đảng không cử thì thôi, tự ứng cử làm gì”; “làm việc gì có lợi cho dân thì làm, cứ gì phải là đại biểu quốc hội hay HĐND” như một số người bình phẩm trên mạng, thì vượt qua lối nghĩ cũ mòn ấy cũng đã là một sự dũng cảm.

Trong điều kiện các đơn vị tiến hành công tác bầu cử đều khẳng định sự bình đẳng, dân chủ với những người tự ứng cử, không hề có rào cản nào, nhưng trên thực tế, ứng viên tự do thường ít có cơ hội vượt qua các vòng hiệp thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hoặc ít nhận được sự ủng hộ của cử tri, thì việc họ chia sẻ lý do tự ứng cử và nỗ lực để làm việc đó cũng đã khiến chúng ta nể trọng.

Hãy nghe nhà báo Trần Đăng Tuấn, người sáng lập Quỹ “Cơm có thịt” giúp đỡ hàng vạn trẻ em vùng cao, một người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng, chia sẻ: “Đúng là không cần vị trí nào vẫn có thể làm điều hữu ích. Nhưng nếu là đại biểu Quốc hội, sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn… Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn. Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiện thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ”.

Nhà báo trẻ Doãn Trung (Báo Đời sống & Pháp luật) thì quyết định ứng cử với mục tiêu “luôn gần dân, sát dân, sâu sát để hiểu được thực tế xã hội, hiểu được mong muốn, ý chí nguyện vọng của nhân dân, và phản ánh sẽ trung thực, thắng thắn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.

Điều đáng mừng nhìn từ cộng đồng mạng (trong đó hầu hết là người trẻ) là họ đón nhận việc nhiều người tham gia tự ứng cử vào các cơ quan quyền lực của đất nước và địa phương như một biểu hiện tích cực của việc đề cao tinh thần dân chủ trong xã hội. Họ vui mừng và bày tỏ sự ủng hộ các nhân sĩ, trí thức có uy tín đã chủ động tham gia vì muốn cống hiến cho đất nước. Hành động của họ tạo nên những làn sóng tích cực trên mạng xã hội .

Hy vọng cộng đồng xã hội có được cái nhìn thiện cảm, tích cực trong nhìn nhận đánh giá những người tự ứng cử, để không khí Tổng tuyển cử vốn đã hết sức dân chủ và văn minh từ bảy mươi năm trước, nay tiếp tục được phát huy, góp phần vào tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy