Dành cho các em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Một chuyến thăm sông
Nhà sông có mấy anh em? Ôi, hỏi bất ngờ thế thì không trả lời ngay được đâu. Sông đang bận quá, tất cả anh em con cháu ngày đêm đều bận trôi xuôi. Nghỉ một tí không được à? He he… nghỉ thì sông thành hồ, ao, đầm à...
Tớ muốn đến nhà sông chơi? Tốt quá, đến luôn đi, nhà tôi lúc nào cũng rộng cửa đón khách… chúng tôi sẽ đón từ đầu “ngõ”. Bên tả, bãi ngô, bãi mía xanh ngút ngàn. Bên hữu, rặng tre, hàng cơi “cây cảnh” thướt tha đẹp xinh… Và nắng gió, mát lẹm, vàng óng suốt bốn xung quanh. Bạn đi bên nào cũng có người cười tươi chào đón.
Bọn tớ đến rồi, đang đứng ở bến… sao mênh mang quá… Ô, xin chào mừng khách quí, đợi tí… đợi tí... Khách đang băn khoăn, choáng ngợp thì từ làn sương mỏng mảnh hiện ra một con thuyền. Các bạn có phải là… vâng… dạ xin mời… ta đi ngay thôi ạ. Khách - thuyền cùng phấn khởi. Nắng đã đợi sẵn, vàng tươi lên luôn. Sông vừa gặp mái chèo, tức khắc rộng ra, vảy nước đằng trước, đằng sau, hai bên ríu rít, lấp lánh.
Thuyền bắt đầu sang ngang.
Thấy tiếng gầm gào oạp oạp bên dưới, mấy con cá vót lên, lại rơi choẳm xuống. Thấy nước đuổi nhau quanh cái vòng tròn. Giữa cái vòng tròn có một cái hố sâu hoắm, cứ kêu ót ọt. Con gì mà kinh khủng thế nhỉ? Bồi băng đấy. Nó giận dỗi gì à? Không, dưới “lòng đường” mấp mô, sông phải gằn mạnh vượt qua. À, kiểu như trên đất, đoạn đường xấu thì xe phải vào số nhấn ga. Ờ, đúng đúng… thông minh quá.
Qua quãng vừa sợ vừa thích, thì tự nhiên òa ra một dòng toàn các bông hoa. Hoa trắng trắng vàng vàng như là kem trứng. Nhiều nhiều, giống y như một tiệc sinh nhật rất to, cho số khách hàng nghìn người. Khách đoán là thế vì đếm mỏi miệng, mỏi ngón tay mà món xôm xốp từ phía trước vẫn bồng bềnh tiến về. Đẹp thế nhỉ, ngon thế nhỉ… vớt cho mỗi đứa tớ một chiếc đi. Ha ha, không ăn được đâu bòn bọt đấy. Không phải, bông hoa chứ. … Ừ, gọi là bông hoa cũng được, hôm nay sông có khách nên mang hoa ra chào mừng. Khách thấy sướng quá, mình chỉ lớp 1, lớp 2 mà được đón tiếp thật long trọng. Cây hoa ở đâu nhỉ, cho xin ít cây mang về nhà trồng. Hô hô, không cho được… Thế mà bảo hiếu khách lắm, hay hoa thần hoa thánh không cho… Biết nói thế nào nhỉ… đây là hoa bòn bọt, cây của nó là cả dòng sông này, ra khỏi sông là nó chết. Nó nở như thế nào? Dòng đang đi thì bỗng nhiên khựng lại, có ai ra cản đường rồi… là mỏm đất nhô ra, là đá ngầm, có khi là một cây to bị bão du ngã xuống… Nước không thể né tránh đi đường khác, cứ vật lộn, mướt mồ hôi… thế là ra hoa bòn bọt. Hoa vốn màu trắng nhưng mùa lũ thì phù sa nhuộm vàng, đám rều rác bọ nước thấy hoa đẹp thì xúm vào nên có bông lấm tấm xam xám. Kiểu như là sông giặt quần áo ý nhỉ. Hay, bạn này nói hay! Đúng rồi còn gì, người giặt quần áo nở hoa bòn bọt xà phòng, sông tự giặt mình nên dòng mới nhiều hoa trôi.
Mê mải chuyện hoa bòn bọt, thuyền nói, khách nói rộn vang, đoàn cập bờ bên kia lúc nào không biết.
Đây rồi, bãi cát đẹp ơi là đẹp. Bàn chân vừa đặt xuống đã mát lẹm, êm ru. Không ai bảo ai, tất cả nhảy nhót, chạy ù ú u, đuổi nhau, kêu la. Nước, mây mênh mông cao rộng, dãy núi xa xa một vệt mờ mờ. Gió vi vút, vài bông lau bông sậy lay lay.
Thuyền gối đầu lên cát, nghe khách thoải mái vui sướng, thì từ nan, cạp cho đến mái chèo… tất thảy đều râm ran. Hôm nay, thuyền làm hướng dẫn viên đưa khách nhí thăm nhà. Từ bến, qua ghềnh vực ầm ào chảy xiết, ra giữa dòng “hoa trôi bòn bọt” đến bãi cát này là đã hoàn thành bài “Tôi đưa em sang sông”. Nhưng sông đâu chỉ có mỗi “sang”, còn lên xuống, thực hư… bao nhiêu chuyện thăm thẳm thần bí nữa.
Thuyền về chầm chậm êm êm. Bình thường khách sẽ giục đi nhanh vì đã hết háo hức cái mới lạ. Nhưng nhóm khách này vẫn cứ râm ran chuyện. “Tiếc quá, mình đi thăm sông muộn quá, không thì bài văn tả dòng sông sẽ xơi em 9”. “May đấy, không kiểu gì cũng… Khi mặt trời lên, mặt sông lấp lánh như sao sa. Dòng sông trong xanh như ngọc bích long lanh. Những con đò, thuyền câu xuôi ngược, dọc ngang rộn ràng. Hai bên bờ, lũy tre xanh nghiêng mình soi bóng xuống mặt sông. Gió thổi nhè nhẹ làm những bụi tre lao xao. Chim chóc đua nhau chuyền cành, ca hát để đón chào ngày mới… - một đứa ngân nga.”. “Ờ, buồn cười nhỉ… sông quê ở phố mười bài thì chín bài bị lấp lánh long lanh.”. “Thế còn khá, nghe sông của tớ này… Dòng sông quê em thật là cao, tối nào em ngước nhìn lên... Cô giáo đọc cả lớp cười rầm rầm, tớ ngại quá, muốn chui xuống đất”.
He he… hí hí… Khách cười rung cả sông. Thuyền cũng cười nhẹ vì sợ mất thăng bằng. Tràng cười gần hết thì thuyền lên tiếng:
- Chuyện tả dòng sông thật hay bịa đấy?
- Thật trăm phần trăm.
- Khổ quá nhỉ… thế mà chả ai đến hỏi tôi. Chuyện sông tôi có mà hàng triệu rổ, chả để làm gì.
- Thế bác kể đi. Phải chuyện mới lạ đấy.
- Chuyện gì nhỉ. Bồi băng, bòn bọt, bãi cát bãi ngô, bến bờ, dòng chảy… các bạn đã biết rồi. Hay là chuyện cá nhỉ…
- Đúng rồi, bác kể chuyện cá đi… có cá cứu người không?
- … Sông thì rất nhiều cá. Cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, thịt rất ngon nhưng chả có chuyện cứu ngư dân như cá heo ngoài biển đâu.
- Thế thì chán quá…
Một người kêu chán. Quên mất lịch sự, mấy người cùng xì một tiếng chán.
Thuyền chả lấy thế làm giận, mái chèo ngẫm nghĩ một lúc thì nói. - Thôi ta sẽ kể chuyện con am am.
- Am am… tên gì mà buồn cười thế?
- Thì tên nó là am am, hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai.
***
… Ấy là một buổi sáng mùa đông, trời rét căm căm, sương mù dày đặc. Lúc gà gáy, có một cô quẩy đôi thùng, rẽ làn mờ ảo xuống bến sông. Đường xuống dù đã rải trấu nhưng vẫn rất trơn, trời lại tối, cô phải dò từng bước, không nhỡ trượt một cái, là xô cả người cả thùng xuống sông.
Cô đang lờ rờ, lờ rờ thì… ô, có người. Cô nổi da gà…
Rõ một người ngồi, thấy đen sì, toàn tóc là tóc, dài xõa xuống lưng xuống đất. Ai! Sao ra đây ngồi sớm thế này - cô rất sợ nhưng cũng cố quát một tiếng. Ùm… người đen chẳng nói chẳng rằng, lao một cái xuống sông. Không biết do sợ hay gió từ cú nhảy của bóng đen mà cô gái bị trượt chân ngã theo. Đôi thùng cũng trượt trượt trượt xuống, tích tắc chìm nghỉm vào dòng nước.
Cô gái lảo đảo chạy về, kêu khóc náo động cả xóm. Hôm sau, đợi cô hoàn hồn lại, ông nội cô mới hỏi - có thật cháu gặp am am không? Cô bảo, cháu không biết nữa, vì lúc ấy sợ quá.
Con am am chỉ là con sinh ra do thần hồn nát thần tính. Người tin, người không tin nhưng cứ truyền miệng nhau, từ xóm ra làng, đời trước đến đời sau… dân ven sông ai cũng biết rõ.
- Bây giờ còn am am không?
- Hết lâu rồi, con cá cũng hiếm thì am am làm sao mà còn.
- Hay là mình nuôi am am hộ sông… để nhiều khách du lịch đến thăm.
- Hô hô… nuôi thế quái nào được, chỉ có hoang vu kỳ bí mới sinh ra ma sông chứ… - thuyền cười tròng trành.
Sông quê hay thật. Nhưng mà đi một mình thì sợ rớt linh hồn. Ờ, đi ban đêm thì chắc mình tè ra quần mất.
Thuyền nghe khách vừa thích vừa sợ câu chuyện của mình, được đà lại nói tiếp.
- Con am am không có thật nhưng con dải thì ngày xưa đầy.
- Chắc lại kiểu con ma, ai yếu bóng vía thì thấy chứ gì.
- Không. Thật mà, nhiều người xóm Minh Khai nhìn thấy… trật tự nghe này…
… Con dải giông giống như con ba ba nhưng to bằng cái nia ý. Trưa hè mấy người xóm Soi ra bóng tre bờ sông hóng mát, đang phe phẩy quạt cọ thì có tiếng ùm ùm rất to. Tất cả giật mình nhìn ra ngoài dòng… chao ôi, một quầng nước vật lộn, dựng lên, ập xuống. Chả nhẽ có con gì quẫy bên dưới, không thể là cá, cá sông không to như thế… vừa nghĩ đến thế thì một cái lưng phè phè như cái bè nổi lên, tích tắc rồi mất hút. Sông phẳng lặng rồi mà người vẫn há mồm, vẫn tròn mắt, ngơ ngác. Phút sau mới có người nói - con dải… con dải đấy…
Khách tự nhiên co rúm, ngồi xít lại nhau. Một lúc mới trầm trồ, xuýt xoa.
- Lúc ấy có ai chụp được ảnh không? Một khách hỏi.
- Thời ấy làm gì có máy ảnh, điện thoại thông minh như bây giờ. Nhưng mấy cụ già xóm Soi vẫn còn, vẫn nhớ y nguyên.
- Chả có gì làm bằng chứng. Chả tin.
- Sao lại không tin.
- Thì gọi con dải ra đây… Chắc nó nằm trong truyện cổ tích không ra được chứ gì.
Thuyền lặng đi. Nó nói như nói một mình...
- Quả thật là hai chục năm nay, sông nước đổi thay một trời một vực. Cá tôm còn tí tị, mưa lũ cứ bất ngờ lung tung, dòng chảy giận dữ đâm vào xóm, xóm phải lùi dịch nhà vào. Tại người tất cả, phá rừng để nước mưa hò la chảy một mạch thành lũ hung ác; máy hút cát vô tội vạ làm sông mất chân, đất trong bờ bị khuỵu xuống theo... rồi nổ mìn, kích điện còn hơn cả chiến tranh tàn phá. May, khúc sông này, đôi bờ không có nhà máy nên vẫn còn trong lành thơ mộng, chứ dưới xuôi, thành phố, qua sông là mùi kinh khủng, phải bịt mũi.
Người cứ tranh nhau tàn phá điên cuồng… không lâu nữa, sông chỉ còn là cái xác như ao tù đầm đọng. Lúc ấy thuyền ta cũng thành chuyện kể như con dải thôi.
- Ô cái gì cũng thành cổ tích được nhỉ. Thế mới có “Kho tàng cổ tích Việt Nam”, tớ đọc hết 5 tập rồi đấy.
- Bánh chưng bánh dày, Tấm Cám, cây khế, cây tre trăm đốt, dưa hấu… vào cổ tích thì thích. Còn con dải, các loại cá quý… ở sông này mất đi thì phải gọi là phế tích.
…
Thuyền rung lên, chắc là do lắc đầu buồn chán. Khách im thin thít, nhìn dòng nước lo lắng.
Thuyền cập bờ. Khách ríu rít đi vào xóm. Bến sông ôm lấy những vết bàn chân bé xíu.
***
Hôm sau, dưới bóng tre bờ sông, bên cái thuyền ngủ úp, có mấy ông bà, một anh thanh niên ngồi hóng mát, trò chuyện.
- Thế mấy đứa trẻ đi rồi à. - một bà hỏi.
- Vâng. Các cháu nghỉ lễ mấy hôm về thăm ông bà, chúng nó xuôi sáng qua rồi. - ông già trả lời.
- Con nhà Thanh Tình à. Gớm, cán bộ thành phố mà đẻ tận bốn đứa…
- Không phải. Nhà nó có mỗi cái Minh thôi, còn ba đứa kia là bạn cùng lớp.
- Ra thế, tôi cứ tưởng. Mà ông chiều cháu quá, đánh hẳn thuyền lớn đưa các cháu chơi sông.
- … Tôi với cái thuyền này lâu lắm chả được dọc ngang vớt củi, lưới chài gì… tưởng bỏ đi rồi, hóa ra lại được làm hướng dẫn viên du lịch. Hà hà…Cháu mình về, mình phải chiều chứ.
- Đúng là ông chiều cháu nên khổ con (anh thanh niên xen vào). Chả biết ông cháu trò chuyện gì trên sông, lúc về cái Minh cứ hỏi cháu kích điện là cái gì. Cháu cho nó xem, đem ra ao chạy thử… nó hét lên, bảo cậu phải bán sắt vụn đi. Cháu bảo cần câu cơm của cậu, bán là bán thế nào… các ông các bà biết nó nói thế nào không… nó bảo, cậu còn làm cái trò giết sông cháu về mách mẹ…
- Đúng là con nhà phố, nói năng phát kinh. … Thế anh có nghe lời nó không?
- Phải nghe chứ. Sang năm cháu làm nhà, anh chị dưới ấy mà cắt viện trợ là mình ra sông… ùm xuống.
- Thằng này mấy lần điện giật suýt chết không chừa. Bố bảo không nghe, may lần này nó nghe đứa cháu. - ông bố nói.
….
Chuyện trên bờ, rõ mồn một xuống sông. Chả biết sông có hiểu không. Chắc là có, vì thấy sóng lăn tăn, gió lên mát rượi rặng tre.
Truyện ngắn. DU AN
TRẦN KẾ HOÀN
Sự tích giọt mưa
Cô Mây gánh nước giúp Trời
Vô tình vấp gió ngã rơi đôi thùng
Bão giông sấm sét đùng đùng
Nước tuôn xuống,
trắng một vùng... thành mưa
Vẫn còn
Mùa hè rộng rãi quá chừng
Cho mùa đông trọ trong thùng kem que
Lại còn đựng cả tiếng ve
Nô đùa thỏa thích lòng hè vẫn vơi
Khi tắm biển, lúc tập bơi
Thả diều quê ngoại, sáo trời vi vu
Khai trường... theo bước mùa thu
Hạt sen đầy túi... hè như vẫn còn.
TRƯƠNG QUANG THỨ
Mâm quả biết đi
Hai đứa cùng đi hái quả
Sóc leo tít tận cành cao
Nhím không biết trèo đứng gác
Liệu lo hứng quả gom vào.
Nhím bảo bạn tung quả xuống
Mình xòe lông nhọn dương lên
Thế là bao nhiêu quả chín
Găm vào lông Nhím như in.
Cả hai nhìn nhau thích chí
Ăn no còn lại đưa về
Quả treo đầy trên mình Nhím
Hóa thành mâm quả biết đi.
ĐẶNG TOÁN
Chuyện nhà Trời Đất
Chuyện ngày xưa kể rằng
Nhà ông Trời bà Đất
Chỉ có bốn người con
Nắng, Mưa và Mây, Gió
Cô bé Mưa ngoan lắm
Lại có tính thương người
Thấy ruộng vườn khô hạn
Là nước mắt tuôn rơi
Anh Gió mạnh mẽ hơn
Chạy ào ào chẳng dứt
Thấy mọi người nóng bức
Anh quạt mát luôn tay
Duyên dáng nhất chị Mây
Áo vàng bay tha thướt
Bác nông dân đang cuốc
Chị đến xòe ô che
Anh Nắng cũng rất chăm
Giúp mọi nhà phơi thóc
Làn da vàng như mật
Trông anh thật đáng yêu
Trong vòng tay ấp iu
Của bố Trời mẹ Đất
Bốn anh em hòa thuận
Dệt mùa màng tốt tươi...
Đường em đi. Ảnh: Mai Đồng
Đôi mắt. Ảnh: Việt Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...