Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:25 (GMT +7)

Dám nghĩ, dám làm người tiên phong

Tác phẩm dự thi Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

VNTN - Nỗ lực làm giàu trên đất quê hương dường như là một tư duy không mới, song lại không cũ khi những ý tưởng vươn lên không chỉ mang lại hiệu quả cho bản thân, gia đình, mà còn cho một lớp thanh niên cùng trang lứa… Đó là câu chuyện của Nguyễn Văn Quảng ở Tân Linh, Đại Từ, chàng trai 28 tuổi có vẻ ngoài hiền hậu nhưng tâm tính quyết đoán, luôn dám nghĩ dám làm.


 

Duyên lành với thỏ

Thong thả bước, thong thả nói cười, phong thái tự tin, điềm đạm, Nguyễn Văn Quảng hiện đang là Bí thư Chi đoàn xóm 13, xã Tân Linh, chủ nhân một trại thỏ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Tân Linh. Nói đến thành công của Quảng sau 3 năm tự thân lập nghiệp, những việc mà anh đã và đang làm cho HTX, bất cứ ai ở Tân Linh cũng có thể kể vanh vách như chuyện của nhà mình.

Trong lúc chờ khách hàng lựa chọn số lượng thỏ giống theo nhu cầu, Quảng dẫn chúng tôi đến chỗ nuôi nhốt thỏ bố mẹ, mở một gian lồng lấy ra chiếc hộp giấy chứa đàn thỏ con mới ít ngày tuổi, tỏ vẻ hào hứng: “thỏ là loài sinh sản rất năng suất, một năm 7 - 8 lứa, mỗi lứa trung bình 8 - 10 con. Chỉ đầu tư một lần và sau đó tự nhân giống, chịu khó để ý, chăm chút một tí thì rất dễ. Ngoài thức ăn là cám công nghiệp thì thỏ dễ nuôi bởi tận dụng được cỏ, rau củ từ tự nhiên nữa”.

Trên diện tích hơn 300 m2, kinh phí đầu tư lồng chuồng, hệ thống máy làm mát, quạt hút gió… khoảng 250 triệu đồng, thời điểm nhiều nhất Quảng sở hữu tới cả nghìn con thỏ. Anh nói chuyện lập nghiệp cứ nhẹ như không, bởi từ khi còn là một cậu bé, Quảng đã ước mơ sau này sẽ có mô hình chăn nuôi lớn của riêng mình. Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Đại Từ, Quảng theo học đào tạo nghề ở Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đóng trên địa bàn, rồi trở thành một công nhân vận hành máy. Công việc khá ổn định, thu nhập không đến nỗi nào, vậy nhưng chỉ gắn bó được vài năm, Quảng bỏ ngang về nhà nghĩ kế làm kinh tế, theo đuổi ước mơ thuở thiếu thời. Nhiều người là bạn, rồi ngay cả bố mẹ, anh chị em trong nhà cũng không hài lòng với quyết định “gàn dở” ấy của Quảng. Nhưng lúc đó anh chẳng nói gì, chỉ kiên định với ý nghĩ, khi làm những việc “khác người” mà thành công thì đó mới là điều đáng nói.

Nguyễn Văn Quảng chăm sóc đàn thỏ giống

Bắt tay vào hành động, Quảng đã nhờ sự “trợ giúp” của mạng xã hội để nghiên cứu các mô hình chăn nuôi, tiếp cận và tìm hiểu thông tin về giống, vật nuôi. Thấy chuyện nuôi lợn, gà đã rất phổ biến, vốn đầu tư lớn mà lại nhiều rủi ro bệnh tật. Nhiều ngày trăn trở với ý tưởng tìm nuôi một loài vật có khả năng khống chế, tăng đầu ra, giảm đầu vào…, Quảng đã chọn thỏ. Và hành trình để trở thành ông chủ trại thỏ giống thuộc hàng nhất nhì tỉnh Thái Nguyên hiện nay của Quảng, đã khởi đầu chỉ với số lượng ít ỏi là… 6 con thỏ anh cất công đi tận Bắc Giang mua về (năm 2013). Đẩy mạnh phát triển đàn thỏ, anh lặn lội xuống Trung tâm nghiên cứu giống dê và thỏ (Ba Vì, Hà Nội) để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và mua thêm giống mới. Như một mối duyên lành, chỉ sau gần 2 năm, số lượng đàn tăng lên nhanh chóng, đó cũng là lúc Quảng đau đầu nghĩ đến chuyện tìm đầu ra. Một lần nữa may mắn đã mỉm cười. Thông qua mạng internet và nhờ tư vấn từ những người cùng chăn nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh, Quảng biết đến công ty dược Nippon Zoki của Nhật Bản (Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) đang có nhu cầu rất lớn về thỏ (khoảng 2500 con/ngày) để dùng làm nguyên liệu chế biến thuốc tân dược. Nắm bắt xu thế xã hội, chăn nuôi, trồng trọt gì cũng cần một tổ chức hoạt động có cơ sở pháp lý, có uy tín trong cộng đồng, nếu một mình độc lập làm theo kiểu tự phát thì sẽ rủi ro cao. Vì thế Quảng nảy ra ý tưởng thành lập HTX Thanh niên Tân Linh, vận động những người trẻ tuổi ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi  tham gia, chủ yếu là nuôi thỏ. Bằng sự xông xáo, nhiệt tình của một Bí thư Đoàn, anh “lần mò” xuống tỉnh rồi chạy ngược lên huyện mất cả tháng trời…, cuối cùng kế hoạch thành lập HTX cũng đã được các cấp chính quyền chấp thuận vào tháng 7/2015.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, Quảng xin giấy giới thiệu của Liên minh HTX tỉnh, đích thân xuống công ty dược của Nhật để chào bán thỏ. Công ty đã cho người về cơ sở khảo sát cụ thể, vì nhu cầu rất lớn nên họ đã đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm thỏ của HTX. Không dừng lại ở đó, Quảng đã kết nối các hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên, thông qua HTX để “giao dịch” với công ty Nippon Zoki, bao tiêu đầu ra cho họ.

Sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, khỏe re, Quảng hóm hỉnh bảo: Lúc đầu thấy tôi nuôi nhiều, người nói ra nói vào, bảo làm ra rồi bán cho ai. Nhưng giờ thì chẳng có để bán ấy chứ. Ngoài các xã viên HTX thì hiện nay nhiều hộ dân ở Tân Linh cũng “máu mê” với thỏ, nuôi ngày càng nhiều đấy.

Xưởng cơ khí mỗi tháng xuất bán khoảng 3 tấn thành phẩm

Cho mình, cho người

Có thể nói, Nguyễn Văn Quảng là người tiên phong đầy bản lĩnh, bởi ý tưởng thành lập HTX Thanh niên Tân Linh đã đem đến những thay đổi, nhận thức mới cho một lớp người trẻ nơi làng quê này. Tham gia HTX chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, ban đầu có 12 xã viên, sau một năm hoạt động nay đã tăng lên 20 người. Hiện một nửa trong số đó đầu tư nuôi thỏ, toàn HTX có khoảng 2000 thỏ bố mẹ và tổng đàn khoảng 9000 con, số thỏ bán ra khoảng 2000 con thương phẩm/tháng. Hiện nay giá thỏ giống là 150 nghìn đồng/kg, thỏ thương phẩm 120 nghìn đồng/kg. Cá nhân Quảng hiện có gần 200 thỏ bố mẹ, là nơi cung cấp thỏ giống cho người nuôi trên toàn huyện và cả tỉnh, với số lượng từ 200 - 300 con/tháng. Thỏ giống thường chỉ đạt từ 1,5 - 2kg/con, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng Quảng thu về từ 15 - 20 triệu đồng.

HTX có tư cách pháp nhân tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên thuận lợi hơn trong việc huy động vốn đầu tư, vốn vay phục vụ cho sản xuất. Với sự năng động và linh hoạt của “thủ lĩnh” Nguyễn Văn Quảng, HTX hoạt động đa năng không chỉ về thỏ (cung cấp thỏ giống, thỏ thịt cho các nhà hàng; tư vấn kỹ thuật, lắp đặt chuồng trại; cung cấp thức ăn, các vật dụng chăn thỏ như máng thức ăn, van bú…; thu mua, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm) mà còn có một xưởng cơ khí sản xuất lồng chuồng công nghiệp, cũng là cơ sở sản xuất lồng chuồng duy nhất ở Thái Nguyên hiện nay. Thời gian đầu xưởng chỉ nhập sản phẩm từ tỉnh ngoài về bán, sau đó các xã viên tự góp vốn với nhau, đầu tư mua các loại máy móc như: máy hàn chập, máy cắt, máy duôn sắt… với tổng kinh phí 50 triệu đồng; tự tìm mối mua nguyên vật liệu sắt thép tại Hà Nội, học cách làm lồng chuồng không chỉ nuôi thỏ mà còn các loại lồng chuồng thông dụng khác như lồng chim, lồng gà… Trung bình mỗi tháng, xưởng xuất bán khoảng 3 tấn thành phẩm.

Người trẻ và tư duy mới, tuy là mô hình HTX tập trung, song lợi nhuận không áp dụng theo chế độ cũ là chia đều đầu người mà có làm mới có hưởng. Anh Nguyễn Ngọc Đạt (sinh 1988) đôi tay thoăn thoắt với những mối hàn, vui vẻ trò chuyện: HTX hoạt động theo cơ chế mới, được hỗ trợ khi thành lập, tập huấn cách thức quản lý và tổ chức hoạt động, còn lại đều tự thân vận động. Mỗi người một ít vốn góp vào, không đặt nặng việc thu lợi nhuận cao, chỉ tích cóp dần, dù ít nhưng đều là được. Số vốn 4, 5 người góp vào làm xưởng khoảng 50 triệu đã bắt đầu sinh lợi từ thành phẩm. Nếu thuê nhân công, trừ chi phí thì mỗi người góp vốn cũng có thu 4 - 5 triệu/tháng, còn nếu cá nhân góp vốn và trực tiếp làm thì thu nhập khoảng 7 - 8 triệu/tháng.

Tính Quảng cởi mở, nhưng nói đâu chắc đấy. Cá nhân ham học hỏi, thông qua mạng internet, anh đưa thông tin trên trang facebook cá nhân, tích cực quảng bá và mở rộng giao lưu với người nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh; đi nhiều chuyến xuống Bắc Giang, Sơn Tây… để mục sở thị các mô hình, trang trại nuôi thỏ, đúc rút nhiều kinh nghiệm. Quảng cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, của Chi cục Phát triển Nông nghiệp về tổ chức quản lý HTX, cách làm thương hiệu…, phổ biến rộng rãi đến xã viên.

Chia sẻ về những khó khăn, Quảng chẳng ưu tư gì nhiều, thật thà: Lúc tôi quyết bỏ việc làm công ăn lương về nhà tính nuôi thỏ, mọi người bảo tôi liều. Thì cũng liều thật, nhưng liều trong sự tính toán chứ không mơ hồ, không phương hướng. Ngày đầu còn thiếu kinh nghiệm nên cũng có thiệt hại chút ít. Thỏ thường đẻ đêm, không biết để chăm sóc nên bị chết nhiều. Nếu nắm rõ quy luật này thì chẳng vấn đề gì nữa. Nhắc đến những thành quả của HTX, của cá nhân, Quảng chỉ cười hiền: Điều khiến bản thân vui sướng nhất là không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà những kế hoạch hoạt động của HTX còn mang đến công ăn việc làm cho nhiều người, họ là bạn, là anh em đồng trang lứa khác. Chưa từng chán nản hay thất bại với lựa chọn của mình, đó là may mắn của tôi.

Vui vẻ và lạc quan, Quảng nói về chuyện anh đang nghiên cứu để sắp tới tiến hành nuôi dê trong chuồng, ý tưởng không biết đã nung nấu bao lâu, nhưng nghe anh chia sẻ dự định một cách đầy tin tưởng, cái nhìn về một lớp thanh niên trẻ vô cảm, lười biếng chợt nhòa đi trong chúng tôi. Luôn dám nghĩ, dám làm người tiên phong, vẫn cung cách điềm tĩnh, những bước đi vẫn cứ thong thả và nụ cười cứ thân thiện thế, hẳn là khi giao thiệp với anh, người ta chỉ trông thế mà tin tưởng mấy phần rồi. Có lẽ đó cũng là một bí quyết để Quảng thành công.

 

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước