Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
13:33 (GMT +7)

Đám đông và sức mạnh của nó trên mạng xã hội

Hoài Nam

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Với sự xuất hiện của internet, điện thoại thông minh, và đặc biệt là tham vọng tối ưu hóa nhu cầu cũng như năng lực tham gia vào đời sống truyền thông cộng đồng của từng cá nhân, mạng xã hội đã ra đời. Một sự ra đời mang tính bước ngoặt. Bởi như chúng ta đã và đang thấy, mạng xã hội, với các nền tảng chủ yếu như Facebook, Instagram, TikTok hay YouTube, vừa là sự bổ sung cần thiết, vừa là một thách thức đầy “hỗn xược” trước các loại hình báo chí truyền thông giờ đã trở thành “truyền thống cũ”: báo giấy, báo ảnh, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

 Với mạng xã hội, bất kỳ một cá nhân nào cũng có quyền cất lên tiếng nói, ngay lập tức, thể hiện quan điểm, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của riêng mình về mọi vấn đề, mọi sự kiện xảy ra trong đời sống, và thể hiện một cách chủ động chứ không bị phụ thuộc vào các loại hình báo chí truyền thông như trước. Họ có thể đăng bài (status), đăng ảnh, đăng video clip của mình trên trang cá nhân của mình, hoặc chia sẻ (share) bài, ảnh, video clip của những người khác từ các trang cá nhân khác. Và cũng thường thấy nữa, là việc họ thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình bằng cách viết bình luận (comment), tương tác trực tiếp, nhiều khi là ngay lập tức, với các status trên những trang cá nhân khác. Một sự dân chủ hóa gần như tuyệt đối của việc các cá nhân ngôn luận trên mạng xã hội.

Dân chủ, nhưng có thực sự tự do hay không, tự do hiểu theo nghĩa là chủ động đưa ra những quan điểm, suy nghĩ độc lập của mình, như là kết quả của một quá trình tìm hiểu, nghiền ngẫm đến độ về con người hoặc sự việc đang được nói đến? Trong rất nhiều trường hợp, câu trả lời là “không”. Ở đây, thật kỳ lạ, có vẻ như chúng ta đang chứng kiến thấy lặp lại sự lên ngôi của cái mà nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon (1841 - 1931) đã nghiên cứu rất lâu dài, rồi phơi trần nó bằng việc xuất bản công trình “Tâm lý học đám đông” vào năm 1895 (Nguyễn Xuân Khánh dịch, NXB Tri Thức, 2006).

 “Những đám đông và tâm hồn của chúng”, ấy chính là điều mà Gustave Le Bon nói với chúng ta. Ông nói điều đó, từ việc quan sát một thực tế lịch sử xã hội mà phương tiện truyền thông mới chỉ phổ biến ở hình thức báo giấy và điện tín, sự can dự của các cá nhân vào truyền thông cộng đồng còn rất hẹp. Thế nhưng những mô tả và phân tích về đám đông của Le Bon ở quãng thời gian gần 130 năm trước dường như đã tiên báo cho những biểu hiện của đám đông bây giờ, vào thời này, khi mà mạng xã hội đã trở nên một kênh truyền thông chủ yếu của đời sống đương đại, khi “lên mạng” đã trở thành một phần nối dài và không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của các cá nhân.

Le Bon viết về quy luật tâm lý làm thành sự thống nhất tinh thần của đám đông: “Trong một vài hoàn cảnh đã cho, và chỉ trong những hoàn cảnh này thôi, một quần tụ những con người sẽ có những tính cách mới rất khác những tính cách của những cá nhân hợp thành quần tụ ấy. Cá tính có ý thức biến mất, những tình cảm và tư tưởng của tất cả các đơn vị đều hướng về cùng một hướng. Nó hình thành một tâm hồn tập thể, tuy chỉ nhất thời, nhưng có những tính cách rất rõ. Vì thiếu một từ ngữ hay hơn nên tôi gọi cái tập thể ấy là một đám đông được tổ chức, hoặc, nếu hay hơn, còn gọi là một đám đông tâm lý. Đám đông này hình thành trên một thực thể duy nhất, phục tùng quy luật thống nhất tinh thần của những đám đông” (Sđd, tr40).

Ông mô tả: “Hàng ngàn cá nhân tách riêng, ở một thời điểm nào đó, có thể chịu ảnh hưởng của một vài cảm xúc mãnh liệt, ví dụ một biến cố quốc gia to lớn, cũng có tính cách một đám đông tâm lý. Lúc ấy chỉ cần một ngẫu nhiên nào đó tập hợp họ lại thì những hành động của họ lập tức mang tính cách đặc biệt của hành vi đám đông” (Sđd, tr41).

Cần chú ý rằng Le Bon là học giả thường đặt những nghiên cứu của mình về tâm lý đám đông trên các “vật liệu” có tầm vóc, quy mô lớn, đó là các quốc gia dân tộc, các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, chí ít là các cuộc bạo động hay xung đột xã hội gay gắt. Chỉ ở những “vật liệu” này ông mới phát hiện ra sức mạnh của đám đông cùng những đặc điểm tình cảm và đạo đức của nó: tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích động, tính nhẹ dạ và dễ bị gợi ý, sự phóng đại và giản đơn trong tình cảm, lòng bất khoan dung, tính chuyên chế và sự bảo thủ v.v.. Xét cho cùng thì những đặc điểm này chính là cái làm thành sức mạnh kia. (Ví như ông từng viết về tương quan giữa đám đông với số phận bi thảm của một trong những nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp 1789: “Khi Robespierre sai chặt đầu đồng sự và rất nhiều người cùng thời của mình, ông ta có một uy tín rất lớn. Khi sự chuyển dịch của một vài phiếu bầu cướp đi quyền lực, ông ta lập tức bị mất uy tín ấy, và đám đông theo ông đến máy chém với chính những lời nguyền rủa mà hôm trước họ đã dành cho các nạn nhân của ông”. Sđd, tr206).

Dĩ nhiên Le Bon, ở thời điểm công bố “Tâm lý học đám đông”, không cách nào lại có thể tưởng tượng được rằng sau đây hơn 120 năm, trong một hiện thực đời sống vô cùng đặc dị được gọi là “mạng xã hội”, thì những đám đông ấy vẫn tồn tại, vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn thể hiện sức mạnh và những đặc điểm tâm lý của mình, không chỉ ở chủ đề “một biến cố quốc gia to lớn” nào đó, mà là ở mọi chủ đề phong nhiêu và đầy phồn tạp của xã hội dân sự.

Ngày nay, khi một hiện tượng nào đó trong đời sống được chuyển vị vào mạng xã hội và trở thành một chủ đề khiến nhiều người sử dụng, chủ yếu là các facebookers, quan tâm, thì người ta thường chứng kiến những “cơn lên đồng tập thể của các cư dân mạng”. Chủ đề ấy, như đã nói ở trên, có thể là “một biến cố quốc gia to lớn” nào đó, nhưng đa phần thì nó chỉ là những sự vụ “lặt vặt” xảy ra trong khung khổ của đời thường: bạo lực gia đình và học đường; sự xuống cấp đạo đức trong mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò; lỗ thủng trong cơ chế vận hành của ngành y tế và giáo dục; nạn quấy nhiễu, thậm chí cưỡng ép tình dục nơi công sở; sự gia tăng hành vi tự tử ở lứa tuổi vị thành niên; những tác động tiêu cực của văn hóa, nghệ thuật phẩm đến lối sống của giới trẻ; những khuất tất trong việc các văn nghệ sỹ kêu gọi đóng góp từ thiện v.v và v.v..

Trong những trường hợp này, nói chung, “cơn lên đồng tập thể của các cư dân mạng” đã trình hiện một đám đông phẫn nộ, một đám đông bị chính tình cảm phẫn nộ của mình, như một làn sương mù, che mờ sự tỉnh táo, bình tĩnh, năng lực quan sát, phân tích, đánh giá sự việc một cách điềm tĩnh, theo những chỉ dẫn của lý trí lành mạnh. Chỉ cần một status hay một hình ảnh được đăng lên, một bài báo hay một video clip được chia sẻ, kèm theo vài bình luận có định hướng theo một cách tiêu cực, thậm chí ác ý, là đã đủ khiến cho vấn đề từ một mồi lửa nhỏ biến thành cả một đại hỏa hoạn.

Đám đông trên mạng, do được “gợi ý” và theo cơ chế “lây nhiễm” - những chữ của Le Bon - thường làm lan tỏa cực nhanh các thông tin gây sốc mà không cần phải đắn đo, suy xét, kiểm chứng, bởi vì họ đã sẵn có niềm tin rằng những thông tin ấy là sự thực, thậm chí là chân lý. Niềm tin ấy dẫn đến tính bảo thủ, sự chuyên chế và lòng bất khoan dung, như là những đặc điểm của đám đông trên mạng xã hội bây giờ, chẳng khác là bao so với những đám đông mà Le Bon đã nhận thấy từ gần 130 năm trước, qua các cuộc cách mạng đẫm máu mà ông từng nghiên cứu.

Quá dễ dàng để chúng ta có thể chứng kiến một hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội: khi một ai đó bị đám đông coi là thủ phạm, là tội đồ, thì người ấy sẽ vĩnh viễn là thủ phạm, là tội đồ, bất chấp những chứng cứ và lý lẽ có thể đưa đến kết luận trái ngược. Đám đông trên mạng không đủ bình tĩnh để tranh luận một cách thích đáng, và nói chung thì họ cũng không ưa tranh luận: trong cao trào của cuộc đấu tố được dẫn dắt bởi “cá tính có ý thức biến mất”, như Le Bon từng nhận định, nếu có ý kiến trái chiều xuất hiện, thì dù nó hợp lý và đúng đắn đến mấy, nó cũng bị đám đông gạt ra, thậm chí bị nhấn chìm xuống bằng cả một thác lũ những bình luận chế giễu, công kích, vu cáo, thóa mạ. Tình cảnh ấy rất giống, nếu ta đặt nó bên cạnh một trong những mô tả về đám đông của Le Bon: “Cá nhân có thể chịu đựng được mâu thuẫn và tranh cãi, còn đám đông thì không bao giờ chịu đựng được điều đó. Trong những cuộc hội họp đông người, diễn giả chỉ mới bộc lộ chút mâu thuẫn thôi, lập tức đã bị bao vây bởi những tiếng la hét cuồng nộ và những lời thóa mạ kịch liệt, ngay tiếp theo là những hành động gây tổn thương và xua đuổi dù diễn giả có cố nài nỉ” (Sđd, tr80).

Sự việc không có gì đáng để bàn thêm, đám đông trên mạng xã hội vẫn cứ là đám đông trên mạng xã hội với tất cả sức mạnh bản năng mù mờ và bạo ngược của nó, chẳng có gì xảy ra cả, nếu mạng xã hội chỉ là một “thế giới ảo” như nhiều người vẫn tưởng. Không hề như thế. Mạng xã hội chính là một phần của thế giới thực, nó gắn với thế giới thực một cách hữu cơ và tác động vào đời sống bằng những hệ quả trực tiếp, sống động nhất. Trong những sự vụ “lặt vặt” đời thường như đã nói ở trên, nếu định hướng ban đầu là tích cực và hợp lý trên cơ sở của những dữ liệu khả tín, có thể kiểm chứng được, thì “cơn lên đồng tập thể của các cư dân mạng” lại mang ý nghĩa là nhân tố tốt cho cuộc đấu tranh để thanh lọc xã hội, đấu tranh vì lẽ phải ở đời. Nhưng nếu ngược lại, đám đông trên mạng xã hội sẽ đích thực là đao phủ của những sự việc và con người đang nằm vùng sáng/ tối, tốt/ xấu, có tội/ vô tội còn chưa được phân định.

Đã có nhiều “án oan” xảy ra khi đám đông trên mạng xã hội thực hành quyền lực của nó, hậu quả thì không chỉ thanh danh hay đời sống riêng tư của một vài cá nhân bị tổn hại, mà đó còn là sự bình yên của những gia đình, uy tín của những cơ quan hay tổ chức liên đới. Trên thực tế, pháp luật không mấy có hiệu năng trong việc điều chỉnh những xung động trong tâm hồn và trí tuệ của đám đông trên mạng xã hội, và có lẽ cũng chẳng bao giờ có một pháp luật như vậy. Tất cả phải phó mặc vào sự thận trọng và sáng suốt của mỗi “cư dân mạng”, vào trách nhiệm với chính kiến của mỗi cá nhân khi đăng bài, chia sẻ hay bình luận về những con người và sự việc còn chưa đủ chứng lý để phân định một cách thuyết phục. Hay nói cách khác, đành phải trông chờ sức mạnh văn hóa để cưỡng chống bị hút vào đám đông của mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội. Bởi, như Gustave Le Bon từng xác quyết: “Chỉ riêng việc biến mình thành bộ phận trong một đám đông có tổ chức, con người đã tụt xuống nhiều nấc trong thang bậc văn minh. Đứng tách riêng, có thể đó là một cá nhân có văn hóa; nằm trong đám đông, anh ta là một kẻ dã man, nghĩa là một kẻ bản năng” (Sđd, tr51).

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy