Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:40 (GMT +7)

Đám cưới nhà hàng xóm

VNTN - Trời mưa mỗi lúc một to. Con phố này ban ngày người ta đi lại như mắc cửi nhưng cơn mưa làm cho người đi lại thưa thớt hẳn. Pha ấm trà nóng ông Đức nhìn mưa thở dài lẩm nhẩm:

- Khổ thế, sao trời không thương người có việc.

Bà vợ nhìn ông ngạc nhiên:

- Này ông đang nói một mình cái gì, ai khổ.

Ông Đức cười phân bua:

- Đâu có, tôi đang nghĩ đến chiều nay, ông bà Thuần cưới cô con gái út ấy mà. Mưa thế này cũng vất vả.

Nghe vậy, bà Đức cười ròn tan, át cả tiếng mưa.

- Trời ơi, ông lo bò trắng răng. Người ta có quyền có chức, kinh nghiệm đầy mình, có bao nhiêu người lo giúp, lại đã qua cưới cậu con trai rồi có phải như ông đâu mà lo hộ, vớ vẩn…

- Ờ ờ, bà nhắc đến chuyện cưới cậu con trai lớn, tôi mới nhớ ra. Đám cưới ấy mọi người bàn ra tán vào nhiều đấy.

- Ối dào, ma chê, cưới trách, làm gì cho vừa lòng thiên hạ.

Ông Đức nói nhỏ như sợ ai nghe thấy:

- Không phải như thế đâu. Họ nói có lý của họ. Mọi người đều chứng kiến đó thôi. Trước hết nói về mời. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, ông ấy tuy chức vụ chưa cao lắm. Ai cũng hiểu ý ông ấy còn muốn lên nữa, ông đang sống trong mối quan hệ trên dưới, trong ngoài. Tuy nhiên, ở đời phải sống bình đẳng, không nên phân biệt cao thấp, sang, hèn mà để tiếng đời. Ví như thiếp mời nhà ông ấy. Mọi người cưới con chỉ làm một loại lá thiếp, ông bà ấy làm hai ba loại: loại cấp trên in sang, đẹp hơn có phong bì hẳn hoi, loại hàng xóm chúng ta, ở quê thì in loại xoàng, không có phong bì, bó từng bó gửi qua cuộc họp nhà văn hóa, loại nữa là bạn bè của con cái. Cậu chủ tịch phường có phong bì lịch sự hơn của tôi, một cán bộ hưu. Thiếp mời ai nhận người nấy, nhưng nếu được chứng kiến thì họ sẽ suy nghĩ.

- Ối dào, ông chỉ nhiều chuyện. Ông nói bao nhiêu cũng thừa. Ông xem đám cưới con trai ông ấy bạn bè nườm nượp ra vào mấy ngày, cỗ có đến hai trăm mâm có ai bằng không. Mình là bình dân chân chì hạt bột cứ biết phận, phê phán họ làm gì.

- Tôi đâu có phê phán, là nói chuyện trong nhà như thế. Đây nhé, như việc tổ chức tiệc cưới cũng vậy. Đặt tiệc ở khách sạn, tất nhiên ai cũng biết ý, liệu giờ giấc mà đi. Tôi hẹn mấy ông bạn hàng xóm cùng đến. Nhìn hai hàng mấy ông áo trắng, ca vát đỏ thấy choáng ngợp. Nào ngờ toàn bắt tay hờ hững, nụ cười nhạt phèo. Bên cạnh ông bà đó đang bắt tay, ôm vai bá cổ các quan chức.

Đến lúc vào tiệc thì chia phòng ăn riêng rẽ. Phòng ăn của chúng tôi toàn loại khách hàng xóm, ông bà già, thanh niên, nhà quê… Trời nóng bức cũng chỉ có mấy cái quạt trần. Nhìn gian bên cạnh rành riêng cho quan chức, có máy điều hòa. Khi vào tiệc phòng bên này, toàn ông đại diện xa lạ… đến mời rượu. Từ lúc ăn đến lúc về cấm thấy bóng ông bà và dâu rể đâu. Hóa ra là họ còn bận mời rượu bên kia, làm gì có thời gian sang bên này…

- Thôi, ông nói lắm thế. Người ta đang công tác đang còn muốn thăng quan tiến chức, họ phải thế chứ. Ông về hưu lèng phèng đến mừng có vài đồng. Họ mừng hàng triệu. Tiền nào có cách cư xử đó ông ạ.

Bà vợ đi vào trong buồng. Ông Đức ngồi thần lại một mình, ngẫm lại lời bà nói. Cũng là một đám cưới sao không biết làm cho tỏ ra có văn hóa trong ứng xử để đa số mọi người chấp nhận. Nghĩ đi ăn cỗ ông lại ngại, thà đến mừng tiền rồi về chứ ngồi ăn như thế ông chả thấy ngon miệng.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước