Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:10 (GMT +7)

Không công bố danh tính, lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid- 19 trên báo chí

Không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân là việc làm nhân văn. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Dịch Covid- 19 đã và đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, việc chống dịch được quan tâm và thực hiện sát sao trong toàn xã hội như hiện nay, công tác tuyên truyền cũng góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc đăng tải các thông tin nhằm truy vết các đối tượng cần theo dõi, cách ly như báo chí đã làm thời gian qua, mặc dù đảm bảo hiệu quả của việc phòng chống dịch nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và gia đình người bệnh…

Trên tinh thần đó, ngày 20 tháng 5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT& TT) đã có công văn số 6131/BTTTT-CBC do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký, gửi Bộ Y tế với nội dung: “Phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí trong việc phòng chống dịch Coivd- 19”.

 Nội dung công văn nêu: “Một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng chống dịch, trong đó có việc công khai danh tính và lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid 19, gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập. Những thông tin này được các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở các địa phương có người nhiễm Covid- 19 công bố (phần nhiều dựa trên nội dung khai báo của người bệnh), và sau đó được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn thêm, khiến cho dư luận cộng đồng bám theo, bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ”.

Để công tác tuyên truyền chống dịch vẫn hiệu quả mà không làm tổn thương tới các cá nhân và gia đình người bệnh, Bộ TT& TT đã đề nghị Bộ Y tế: “Đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh Covid- 19 để không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không gây hoang mang…; Không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với Covid- 19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế…”.

Sau khi nhận được công văn của Bộ TT& TT, ngày 21 tháng 5 năm 2021, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 4191/BYT-TT-KT do Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Nguyễn Đình Anh, thừa lệnh Bộ trưởng kí, gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ y tế; sở y tế các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, về việc Phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí trong việc phòng chống dịch Coivd- 19, như tinh thần công văn số 6131 của Bộ TT& TT.

Ngay sau khi văn bản trên của Bộ Y tế được ban hành, dư luận trong giới báo chí truyền thông  đã bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh. Cũng có một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc không công khai danh tính sẽ dẫn đến nhiều người dân không nắm được thông tin để phòng, tránh triệt để dẫn đến việc chủ động phòng chống dịch trong cộng đồng khó khăn hơn… Nhưng từ thực tiễn công tác phòng chống dịch cho thấy việc điều chỉnh thông tin về người bệnh trên phương tiện truyền thông theo hướng không làm tổn thương người bệnh và gia đình mà vẫn đảm bảo việc phòng, chống dịch trong điều kiện hiện nay là một việc làm đúng đắn, mang đậm tính nhân văn của Bộ TT& TT và Bộ Y tế, cần được cộng đồng ủng hộ và phối hợp thực hiện.

HUỆ MINH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy