Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
11:02 (GMT +7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – linh hồn của đoàn tàu không số

VNTN - Trong chiến thắng vang dội của quân và dân ta Mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, đưa giang sơn về một mối có chiến tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Vị tướng thiên tài của dân tộc ta, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình luôn nghĩ ra những cách đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều, ít hao binh mà thắng lợi lớn. Từ “đánh chắc thắng chắc” ở Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đến chiến dịch đường 9 - Nam Lào đánh cho tan tác cuộc hành quân lớn Lam Sơn 719 của Mỹ và quân đội Sài Gòn năm 1971; đến  mệnh lệnh nổi tiếng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...” cho đến việc đề xuất với Bác Hồ và Bộ Chính trị với mở đường Hồ Chí Minh với việc thành lập Binh đoàn 559 mở đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn... Đến việc ra lệnh cho Hải quân ra giải phóng Trường Sa ngay từ đầu tháng 4 tháng 1975, mà nếu chậm mấy ngày thì nhất định quân đội nước ngoài sẽ chiếm mất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - linh hồn của đoàn tàu không số       Ảnh tư liệu

Đại tướng cũng là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những con tàu không số suốt 14 năm ròng thu hút tâm trí của ông. Đó cũng là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ quân sự Võ Nguyên Giáp, vị tướng thiên tài mọi thời đại của nhân loại.

Tháng 7 năm 1959, Đại tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu thành lập tiểu đoàn vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đại tướng dặn đi dặn lại: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn...”. “Phải dốc sức chi viện cho miền Nam, nhất là Nam Bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men, để anh em chiến đấu”.

Sau vụ “Tàu vận tải  603” với 6 thủy thủ chở 5 tấn vũ khí vào Hố Chuối dưới chân đèo  Hải Vân không thành, 6 anh em bị địch bắt, phải đổ toàn bộ vũ khí xuống biển, Đại tướng rất băn khoăn. Đại tướng thay mặt Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu ngưng ngay hoạt động của “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, nghiên cứu tìm cách thức vận chuyển mới. Đại tướng nói: “Đường thủy có nhiều khả năng thực hiện. Có thể dùng biện pháp từ trong miền Nam ra lấy hàng vào và từ miền Bắc đưa hàng vào gặp nhau tăng bo chuyển hàng giữa đường. Trước mắt cần nghiên cứu biện pháp thứ nhất...”. Trung tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân công trực tiếp phụ trách việc mở tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam trên biển. Thế là các tỉnh Nam Bộ, Khu 7, Khu 8  khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện ra Bắc nhận vũ khí. Bến Tre tổ chức được 3 đội thuyền ra Bắc. Và 2 đội thuyền đã xuất phát thành công ra cập bến Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào tháng 8/1961. Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bến Tre không đưa đội thuyền thứ hai ra nữa mà ở lại để chuẩn bị bến bãi, kho tàng, sẵn sàng đón tàu chở vũ khí vào. Các thuyền đầu đóng giả thuyền đánh cá miền Nam, với giấy tờ, căn cước đàng hoàng. Bạc Liêu -Cà Mau cũng thành lập được 2 đội thuyền, nhưng chỉ một thuyền của Bông Văn Dĩa ra được Bắc, cập cảng Nhật Lệ; Trà Vinh cũng lập được một đội thuyền vượt biển, nhưng lạc sang Ma Cao, rồi Trung Quốc, nhờ Đại sứ quán ta mới về được miền Bắc. Bà Rịa cũng có thuyền  vượt biển, bị lạc vào Đảo Hải Nam, Trung Quốc, cuối cùng cũng về được miền Bắc. Ra đến miền Bắc, các chiến sĩ của đất Thành Đồng được đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp rất ân cần. Số cán bộ chiến sĩ miền Miền Nam này chính là lực lượng nòng cốt, là “vốn ban đầu” để Bộ Tổng tư lệnh xây dựng Đoàn tàu không số - Đoàn 759, thực hiện chiến lược mở đường vận tải trên biển Đông.

Theo sách “Hải trình bí mật của những con tàu không số” của Hồ Sĩ Thành (NXB Trẻ 2006), hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng tàu không số Đặng Văn Thanh kể: “Tôi quê ở Thuận Nam, Ninh Thuận. Năm 1954, tôi  không tập kết mà được phân công “nằm vùng”. Một hôm Khu ủy khu 6 gọi lên bảo tôi ra Bắc học. Khu ủy giao cho tôi cái phong bì, bảo: “Nếu gặp bất trắc, dù hy sinh cũng phải thủ tiêu phong bì trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao phong bì này cho một người, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vượt Trường Sơn gần 8 tháng mới ra đến Hà Nội. Một hôm tôi đang ở Ban Thống nhất trung ương thì có người đưa xe đến đón, bảo đi có việc. Đến phố Lý Nam Đế, người dẫn đường đưa tôi lên tầng hai một căn nhà. Căn phòng mở, một người dáng chắc đậm, quần ka-ki, áo lụa ba túi bước vào. Người sĩ quan giới thiệu: “Báo cáo thủ trưởng đây là đồng chí Đặng Văn Thanh vừa ở Khu 6 ra”. Rồi anh quay lại phía tôi: “Đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Thanh chào Đại tướng đi”.

Tôi sững sờ. Đại tướng tươi cười bước lại bắt tay và ôm hai vai tôi. Tôi đưa cho Đại tướng chiếc phong bì vẫn giữ trong người: “Anh Hiền ở Khu 6 dặn tôi chỉ được đưa phong bì này cho Đại tướng”. Đại tướng đọc thư rồi đặt lên bàn. Sau khi tôi kể chuyện và báo cáo tình hình trong Nam, nhất là tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào Mũi Đèn (Phan Thiết), người sĩ quan trải lên bàn tấm bản đồ lớn rồi nói: “Đây, đồng chí báo cáo đi, chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ”. Tôi lắp bắp đỏ mặt không nói được gì. Cuối cùng tôi quay sang Đại tướng nói:

“Báo cáo... Đại tướng, tôi... không biết chữ”.

Căn phòng bỗng lặng đi. Đại tướng cũng lặng đi hồi lâu, rồi nói với người sĩ quan: “ Anh em trong ấy cực vậy đó. Thế này nhé, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ từng nơi...”. Đêm hôm đó, đại tướng thức tới khuya trò chuyện, thăm hỏi, nghe tôi kể lại cuộc đời mồ côi của mình đến một giờ sáng. Chia tay, Đại tướng nói:

“Bây giờ” đồng chí có hai nhiệm vụ tôi giao, phải làm cho kỳ được. Một là chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Hai là phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ báo cáo cho tôi biết...”.

Và Đặng Văn Thanh đã thực hiện trọn vẹn, xuất sắc hai nhiệm vụ mà Đại tướng giao. Anh đã học để trở thành một thuyền trưởng giỏi của đoàn tàu không số, chỉ huy mấy chục chuyến tàu chở vũ khí vào Nam thắng lợi và trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Để ăn chắc, Đại tướng đã chỉ thị cho đồng chí Bông Văn Dĩa phải thực hiện chuyến vượt biển về lại Cà Mau để trinh sát, sau đó mới quyết định chuyến đi mở đường. Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa lại vô Quảng Bình sửa chữa chiếc tàu khi đi ra đang nằm ở đó, rồi xuất phát tại bến Nhật Lệ đi Cà Mau. Vào Cà Mau, Hai Dĩa cùng Tư Mau, Hai Tranh và Sà Vĩnh (đảng viên, gốc Thái Lan), chiều 19/5/1962 lên thuyền đi tìm bến cho tàu không số. Đoàn đã đến nhiều hải đảo gần xa khắp vịnh Thái Lan như Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà, Nam Du, Hòn Nồm, Hòn Chuối, hòn Hải Tặc..., nhưng không có nơi nào hội đủ yêu cầu làm bến trung chuyển của ta. Thế nên, theo đề xuất của đồng chí Bông Văn Dĩa, ban lãnh đạo nhất trí chọn Vàm Lũng (thuộc rạch Kiến Vàng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), cũng là quê hương của Bông Văn Dĩa, làm bến. Cửa Lũng được thăm dò lại, đo đạc độ sâu, chiều rộng khi nước lớn, ròng, rông, kém. Độ che phủ, độ dầy của cây rừng, an toàn dân cư, thói quen săn bắn, đánh cá, mua bán của ghe xuồng các nơi... Nói chung Lũng là bến lý tưởng, được chọn làm bến 1 (Giá Lồng Đèn gần đó là bến 4). Khu ủy báo cáo Trung ương bến này.

Đồng chí Bông Văn Dĩa lại được Trung ương gọi đích danh ra Hà Nội để bàn việc vận chuyển. Lại một chiếc ghe 6 tấn (gắn máy và buồm) rời Vàm Lũng ngày 26/7/1962 với 6 người: Hai Dĩa, Sáu Danh, Sáu Thông, Năm Kỷ, Bảy Cựa, Sà Vĩnh. Đồng chí Hai Dĩa vừa là thuyền trưởng vừa là bí thư chi bộ tàu. Chuyến này cũng gặp giông bão dữ dội, ghe nhỏ yếu lại không có hải đồ và la bàn. Phải thắng biển bằng lý tưởng cách mạng và tài đi biển truyền đời của người Cà Mau - "đi đến nơi, về đến chốn" như lời chúc của Võ Đại tướng. Đêm 1/8/1962, ghe tới Nam Định, lại gặp đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư, báo cáo tận tường về đặc điểm Vàm Lũng và đồng chí Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ kẻ đường trên bản đồ tàu hành trình cho Đoàn 125 Hải quân Việt Nam.

Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương họp thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau khi nghe Trung tướng Trần Văn Trà báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương hỏi: “Liệu có thể đảm bảo chắc chắn được 50 phần trăm những chuyến đi không?”. Đồng chí Trần Văn Trà trả lời: “Đạt một trăm phần trăm thì khó chứ năm mươi phần trăm thì tôi chắc được”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cùng họp, nói thêm: “Chỉ cần nửa số chuyến đi vào được bến cũng đã là thắng lợi to rồi!”. Thế là nghị quyết chính thức được thông qua. Từ đây lịch sử chiến tranh của dân tộc ta lại ghi thêm một nét son chói lọi về sự độc đáo, sáng tạo trong cách đánh giặc: Đường Hồ Chí Minh trên biển!

Và 22 giờ ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên được gọi là “Phương Đông 1” cùng đội đặc nhiệm cảm tử 12 chiến sĩ: Lê Văn Một (Út Một) - thuyền trưởng, Năm Sao - máy trưởng, Tư Bé - máy phó, Hai Sơn, Ba Hùng (đoàn Bến Tre), Sáu Lai, Sáu Rô (người tập kết), Thanh Đen (Bà Rịa), Ba Thành, Năm Kỷ và Hai Dĩa (đoàn Cà Mau); Tám Kết (đoàn Trà Vinh). Thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy. Tàu chở hơn 35 tấn vũ khí rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn lên đường đi Cà Mau. Hành trình của tàu bắt đầu từ Hải Phòng, ra Hồng Quảng (Hòn Gai, Quảng Ninh), qua đảo Hải Nam, Trung Quốc, sau đó đi ra hải phận quốc tế theo tuyến “Hồng Công - Sài Gòn”, “Hồng Công - Xiêm La”, đến ngoài khơi Cà Mau thì chuyển hướng chạy thẳng vào bến ở các cửa sông theo kế hoạch. Tàu không mang số mà chuẩn bị sẵn rất nhiều biển số của các tàu đánh cá của ngư dân vùng biển miền Trung và Nam Bộ. Kế hoạch tàu sẽ đi 5 ngày. Hồi  ký của anh hùng Bông Văn Dĩa lưu ở Bảo tàng Hải quân Việt Nam ghi: "8 giờ đêm 11/10/1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn - Hải Phòng đi theo đường kẻ trên bản đồ. Đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, nên phải đi theo đường kẻ số 2. Đi đến Hòn Đồ phía cù lao Thu thì máy trục trặc, chúng tôi phải thả trôi một đêm để sửa máy, nhưng vẫn không chạy mau được như cũ”.

Tàu mới đi một ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suốt ruột hỏi: “Có tin gì chưa?”. Hôm sau lại hỏi: “Tàu đã  đến nơi chưa?”. Sau 9 ngày đêm vượt biển, tàu Phương Đông 1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà Mau trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Ngày 19/10, đồng chí Phạm Thế Bường, Bí thư Khu ủy khu 9 đã điện cho Quân ủy Trung ương: “Tàu Lê Văn Một- Nông Văn Dìa đã về đến nơi an toàn...”.  Nhận được điện báo, Đại tướng Tổng tư lệnh đang họp bỗng hai mắt nhòa lệ. Đại tướng đã khóc vì mừng một phát kiến chiến lược đã khởi đầu thành công. Đại tướng nói: “...Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí, trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày  với một tiểu đội, lợi  hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn A trong 5 tháng...” Đó là sự đánh giá, tổng kết rất chính xác về con đường bí mật trên biển.

Trong vòng 2 tháng tiếp theo, Đoàn 759 đã thực hiện được 4 chuyến tàu không số về bến an toàn, đưa được 111 tấn vũ khí vào cung cấp cho Khu 9. Số vũ khí này có thể trang bị cho 2 trung đoàn chủ lực. Nếu đi đường bộ, tính toàn theo cách của Đại tướng Tổng tư lệnh thì mỗi người gùi cõng 20 kí thì phải 5.550 người đi trong 5 tháng. Trong lúc đó, mãi cuối năm 1964, đường Trường Sơn mới vươn đến vùng ba biên giới, chủ yếu chi viện cho Tây Nguyên và vùng giáp ranh Liên khu 5, chưa thế vào Nam Bộ được.

Vì thế, sau khi nghe đề án vận chuyển vũ khí bằng đường biển cho khu 5, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp đã khẳng định: “Đường biển là con đường duy nhất có thế chi viện vũ khí cho đồng bằng Sông Cửu Long, nên phải giữ cho được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi, không để có một sai sót nhỏ đáng tiếc khiến kẻ địch nghi ngờ...”. Rồi Đại tướng chỉ đạo phải nghiên cứu các bến vào khu 5, khu 6 thật kỹ, vì bờ biển ở đây trống trải, không có chỗ nấp. Nghe lời chỉ đạo của Đại tướng, Đoàn 759 đã tiến hành rất nhiều chuyến tàu vào bến Ray (Bà Rịa), Bến Lộ Giao (Bãi Ngang) Bình Định. Ngày 29/11/1964, tàu 56 do thuyền trưởng Lê Quốc Thân, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy đã chở 44 tấn vũ khí cập bến Sông Ray an toàn. Nhờ số vũ khí kịp thời này đã trang bị cho 2 trung đoàn bộ đội chủ lực để lập nên chiến thắng Bình Giã vang dội.

Về con tàu 401, giữa đêm 31/10/1964, đúng lúc vừa bắt được tín hiệu bến Lộ Giao thì máy tàu bị hỏng. Địa hình trống trải, không có cây cối che chắn, tàu phải dỡ hàng ngay nơi bờ cát. Tuy hàng được đưa vào chỗ thu giấu thành công, anh em đã đốt tàu để phi tang, nhưng khi nghe báo cáo tình hình tàu 401, Đại tướng đã chỉ thị ngay: “Không sử dụng bến Lộ Giao nữa. Phải theo dõi chặt tình hình địch ở quanh khu vực đó và kết luận xem chúng  có phát hiện ra ý đồ của ta không. Tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên. Phú Yên đang cần súng đạn”. Sau khi nghe Cục tác chiến và Bộ tư lệnh Hải quân chọn Vũng Rô làm bến đỗ, vì đây sẽ là chỗ không ngờ nhất đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn. Đại tướng ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết: “Đồng ý vào Vũng Rô!”.

Những cán bộ chiến sĩ "tàu không số"                        Ảnh tư liệu

Và bến Vũng Rô, Phú Yên đã được chọn. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, hiện còn sống ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đã chỉ huy 3 chuyến tàu vào Bến Vũng Rô thành công với 180 tấn vũ khí cho chiến trường khu 5. Tháng 4/1971, sau một thời gian các chuyến tàu bị đánh phá ác liệt, phải tạm ngưng, Quân khu 9 lại cử một chiếc thuyền vượt biển ra Bắc do tài công Tư Mau làm thuyền trưởng để bàn chuyện nối lại đường tiếp tế vũ khí trên biển. Khi tàu ra tới cảng Hải Phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải đưa ngay chiếc thuyền ấy về giấu ở vùng núi của huyện Thủy Nguyên... Và khi nghe báo cáo việc vận chuyển vũ khí bằng phương thức đi công khai, Đại tướng đã đồng ý ngay.

Đúng là dù trăm công nghìn việc ở Bộ Quốc phòng, chỉ huy toàn bộ chiến trường, chỉ huy các binh chủng, quân chủng, Đại tướng Tổng tư lệnh vẫn quan tâm theo sát từng chuyến tàu không số vượt biển Đông. Đại tướng dặn: “Việc những con tàu trên biển Đông, phải báo tôi bất cứ giờ nào, không được trễ”. Đại tướng góp ý, chỉ thị cả về bến đỗ, chỗ giấu thuyền để giữ con đường vận tải chiến lược trên biển được lâu dài, nhằm chi viện hiệu quả chiến trường Nam Bộ và Khu 5.

Con đường mòn trên biển luôn gắn liền với tên tuổi của người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước