Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:00 (GMT +7)

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 qua lăng kính của người nước ngoài

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài và gian khổ của nhân dân ta. 47 năm đã qua đi, nhưng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta và sự thất bại thảm hại của Mỹ vẫn là một đề tài thu hút giới chính trị, quân sự và các học giả Mỹ và phương Tây đi tìm lời giải đáp.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta không chỉ đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới mà đế quốc Mỹ đã dày công, tốn của tạo dựng nên và không từ một âm mưu, thủ đoạn tàn bạo, thâm hiểm nào để duy trì nó ở miền Nam Việt Nam, mà đây còn là đòn chí mạng làm sụp đổ thần tượng về một nước Mỹ "bất khả chiến bại".

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta đã được các thế hệ người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến thắng mang ý nghĩa, tầm vóc thời đại, song đối với không ít người Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các chính khách, các nhà chiến lược quân sự, chính trị gia, thì "Hội chứng Việt Nam" vẫn chưa kết thúc, vẫn còn đang âm ỉ, nhức nhối với câu hỏi: "Vì sao nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới về quân sự và kinh tế lại thất bại thảm hại ở Việt Nam?". "Một cuộc chiến tranh vô nghĩa đã cướp đi sinh mạng của 58.195 quân nhân Mỹ", và mỗi khi đi qua Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington, nhiều người dân Mỹ chưa thể tìm ra lời giải đích thực cho những quân nhân này đã chết vì ai? vì cái gì? có phải vì nền dân chủ của nước Mỹ? v.v. và v.v.. 

Alan Dawson, là người Mỹ gốc Canada, có mặt ở Việt Nam từ năm 1967, với tư cách là một quân nhân phục vụ trong quân đội Mỹ. Sau đó 2 năm, Alan Dawson trở thành cộng tác viên, rồi phóng viên của hãng tin Mỹ UPI có trụ sở ở Sài Gòn và Băng Cốc. Ông đã chứng kiến nhiều sự kiện, biến động quan trọng, những diễn biến về chính trị, quân sự ở miền Nam Việt Nam. Ông là một trong số ít phóng viên nước ngoài được chứng kiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta. Trong cuốn sách "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" (55 Days, the Fall of South Vietnam), Nhà xuất bản Englewood Cliffs, New Jersey, 1977, ông đã viết: "Năm 1954, 16.000 lính Pháp, lê dương và Việt Nam đã cầm cự với quân đội Bắc Việt Nam 55 ngày đêm ở Điện Biên Phủ rồi thì đầu hàng. 21 năm sau, Bắc Việt Nam đã tràn ngập toàn cõi miền Nam Việt Nam, đánh bại một đội quân Sài Gòn tất cả là 1 triệu người. Cũng như Điện Biên Phủ, trận đánh này cũng mất 55 ngày đêm".

Chỉ hơn 1 tháng sau thất bại thảm hại ở Việt Nam, trên tờ "Sao và Vạch" (Stars and Stripes), ngày 14/5/1975, Maxwell  D. Taylor, Đại tướng quân đội, từng là Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam đã chua chát thừa nhận rằng: "Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó". Còn Henry Kissinger, người được đánh giá là một trong những "bộ óc" thông thái nhất trong lịch sử nước Mỹ, từng là Ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ thì "không thể giải thích nổi cái gì đó đã nhen lên trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy"!

Trong cuốn "Từ điển lịch sử những năm 1970" (Historical Dictionary of the 1970s) của tác giả James Stuart Olson, Nhà xuất bản Greenwood Publishing Group, 1999, cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã thú nhận: "Chúng ta (Mỹ) vẫn chưa biết cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Phải đợi hàng chục năm nữa mới biết được". Một số chính trị gia khác thì nhận xét rằng, đối với đa số người Việt Nam, sau hàng nghìn năm chiến đấu chống các lực lượng ngoại xâm, người Mỹ đơn giản là sự hiện diện mới nhất của ngoại bang trên đất nước họ; nước Mỹ đã góp nên sức mạnh cho phong trào yêu nước mãnh liệt do Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, với uy tín trong nhân dân… và đã đạt được sự ủng hộ rộng rãi của đa số nhân dân. Với ý chí độc lập và thống nhất đất nước đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản Việt Nam thắng lợi chứ không phải là nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự của họ để làm nên chiến thắng.

Stanley Karnow, nhà sử học, là một trong số ít phóng viên Mỹ có mặt ở chiến trường miền Nam từ đầu đến khi quân và dân Việt Nam làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, trong tác phẩm "Việt Nam: Một thiên lịch sử" (Vietnam: A History), do Nhà xuất bản The Washington Post Book World xuất bản năm 1983 (một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam, được giải thưởng Pulitzer của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành), đã viết: "Sai lầm xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài và đau đớn những cuộc chiến, những xung đột và điều chỉnh đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Cũng những xung đột và điều chỉnh ấy đã làm nên một Đảng tiên phong, bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước". 

Để trả lời cho câu hỏi: "Vì sao Mỹ thất bại cay đắng ở Việt Nam", Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (1961 - 1968), dưới thời các Tổng thống Lindon Johnson, và Richard Nixon, người được coi là "kiến trúc sư trưởng", tác giả của hàng rào điện tử McNamara tại vùng phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, trong cuốn hồi ký "Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam" (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam), do Nhà xuất bản Vintage Books, xuất bản năm 1996, đã công khai thừa nhận: "Chúng ta (tức Chính phủ Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng ta nợ những thế hệ tương lai một lời giải thích".

Một chiếc B-52D chứa đầy bom vừa cất cánh khỏi đường băng Andersen để lên đường ra ném bom Hà Nội, năm 1972. Ảnh tư liệu quân sự.

Đây là lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Theo McNamara, Chính phủ Mỹ đã có những đánh giá sai lầm và rất thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, chính trị ở Việt Nam; vì thế đã đẩy nước Mỹ sa lầy trầm trọng vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, với một kết cục tất yếu là thất bại thê thảm trong trận quyết chiến chiến lược Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân Việt Nam. Ông còn nêu ra 11 nguyên nhân gây ra thất bại nặng nề cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có sai lầm "đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó". Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và lý giải, xét cho cùng, thất bại cay đắng của nước Mỹ nảy sinh từ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của Mỹ; từ việc không nhận thức được sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam, được nhân lên gấp nhiều lần, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là đã không khuất phục được một dân tộc anh hùng.

Cũng chính ông đã kết luận rằng: "Tóm lại, đó là những thất bại của chính chúng ta. Mặc dù chúng xuất hiện rời rạc, nhưng ở một mức độ nào đó, chúng có liên quan với nhau; thất bại ở một khía cạnh này lại góp phần hoặc tạo nên thất bại ở khía cạnh khác. Mỗi thất bại đó, đến lượt mình, lại trở thành một mớ bòng bong".

Trong tác phẩm "Giải phẫu một cuộc chiến tranh: Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại" (Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience), xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, giáo sư sử học, tiến sĩ triết học Mỹ Gabriel Kolko đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, được khơi dậy từ "đường lối quần chúng và sự động viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra là một phương pháp rất có  hiệu quả…". Ông rút ra nhận xét: "Ngoài những chiều cạnh về thể chất và về quân sự rất đặc biệt của Việt Nam, kẻ thù đó của Mỹ còn có những vốn quý về chính trị và về tri thức rất nguy hiểm cho Mỹ, bởi vì phương pháp luận sáng tạo của cách mạng có thể áp dụng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi khác nữa. Mỹ đã chọn nhầm một nước để thử lòng tin của mình". Gabriel Kolko còn lý giải chiến thắng của quân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử chống Mỹ xâm lược, ngoài tính chất ưu việt của chế độ xã hội chính trị được thể hiện qua việc tổ chức và tiến hành chiến tranh, huy động toàn dân, toàn lực để giành chiến thắng; còn một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy dân chủ, thân thiết đối với binh sĩ của mình như người cha, người anh, người bạn; họ quan hệ với nhau như anh em trong một gia đình. Điều này hoàn toàn trái ngược với quân đội nhà nghề Mỹ.

Trong cuốn hồi ký "Tường trình của một quân nhân" (A Soldier Reports) xuất bản tháng 1/1976, Đại tướng William C.Westmoreland, người đứng đầu Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) từ tháng 6/1964 - 3/1968; sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, được Tổng thống Lyndon B. Johnson bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lục quân và thay ông là tướng Creighton Abrams, đã thú nhận rằng: "Lịch sử rất có thể đánh giá rằng, nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ".

Đúng như vậy, trong lịch sử nước Mỹ, có hơn trăm cuộc xung đột quân sự, trong đó có hàng chục cuộc chiến tranh lớn do Mỹ tiến hành đều giành chiến thắng hay chí ít là không thất bại. Duy chỉ có cuộc chiến tranh Việt Nam là "cuộc xung đột đầu tiên Mỹ không dám nói mình chiến thắng". Không giống các thời kỳ sau các cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha (1889), sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), và chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945)… là những thời kỳ được coi là vinh quang nhất trong lịch sử nước Mỹ, thời kỳ "sau Việt Nam" là thời kỳ đen tối, nhục nhã nhất đối với lịch sử nước Mỹ.

Nhân dân đón chào đoàn quân chiến thắng. Ảnh tư liệu.

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Mặc dù thời gian đã lùi xa, nhưng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện trọng đại này vẫn để lại dấu ấn sâu đậm, là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; đồng thời là sự cổ vũ đối với các dân tộc nhỏ yếu trong cuộc đấu tranh vì tự do, hòa bình và độc lập dân tộc.

Vũ Khanh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy