Đại dịch COVID-19 và sức sáng tạo của nghệ sĩ
VNTN - Vào một ngày đầu năm 1846, bất ngờ xuất hiện một câu chuyện in trên báo khiến cho cả đất nước Nhật Bản khi đó rúng động. Đó là việc có một vị quan tại tỉnh Higo, đảo Kyūshū trong khi chèo thuyền thưởng trăng đã bất ngờ phát hiện ra một con vật kỳ quái với bộ da cá, ba cái chân, mái tóc dài lộn xộn, và một cái mỏ chim. Kỳ lạ hơn nữa, con thuỷ quái leo lên trên thuyền và nói với vị quan toà, chỉ khi nào người dân địa phương chịu sắm vật phẩm làm lễ cúng bái cho nó thì họ sẽ không bị chết hết vì dịch bệch trong vòng ba tháng tới.
Bức tranh Amabie đeo khẩu trang do nghệ sỹ Kaori Hamura Long vẽ
Dù rất bán tín bán nghi nhưng cuối cùng, vị quan nói trên vẫn yêu cầu người dân của mình thực hiện nghi lễ cúng bái. Thế mà rồi lời của con thuỷ quái cũng thành sự thật. Một đợt dịch hạch quét qua toàn bộ đảo Kyūshū. Chỉ có một mình huyện của vị quan trên là không hề có bất cứ một người nào mắc dịch mà chết (!).
Theo tín ngưỡng đạo Shinto, người Nhật Bản thời cổ cho rằng vạn vật thứ gì cũng có linh hồn, đất nào cũng có thần thánh. Họ sẵn sàng tin vào những hiện tượng thiên nhiên kỳ quái hay các tình huống éo le trong cuộc sống đều do những thực thể siêu hình gây ra. Vì thế mà câu chuyện một con thuỷ quái có thể báo trước được dịch bệnh sắp xảy ra cũng không có gì lạ. Do đó, sau vụ đại dịch kể trên người Nhật Bản đã gọi con thú mà vị quan đó gặp là Amabie, vị thần bảo hộ người trần khỏi bệnh tật.
Bây giờ, khi mà đất nước hoa anh đào đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, thì lại một lần nữa người dân quốc gia này nhớ đến Amabie. Nhưng thay vì cầu khấn Amabie như ông cha họ đã làm, thế hệ trẻ Nhật Bản lại lấy sinh vậy kỳ quái này làm biểu tượng cho truyền thông. Những bức tranh vẽ Amabie cách điệu được thường xuyên đăng tải trên Twitter và Instagram cùng với hashtags Amabie.
Làn sóng sáng tác tranh vẽ Amabie nay không còn giới hạn ở Nhật nữa mà đã lan ra toàn cầu. Nếu như các nghệ sĩ người Nhật coi Amabie như một công cụ tuyên truyền về việc phòng bệnh, thì bạn bè quốc tế của họ lấy con thuỷ quái làm biểu tượng cho tinh thần đoàn kết với quốc gia Đông Á này.
Hoạ sĩ trẻ Ceruzen Lee người Phillipines đã bình phẩm bức hoạ Amabie của mình như sau: “…Thật tuyệt vời khi thấy có nhiều hoạ sĩ trên thế giới cùng sáng tác về Amabie như vậy. Nó củng cố lòng tin của tôi rằng, những người nghệ sĩ luôn đến được sự đồng cảm sẻ chia với nhau kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất!”.
Thực tế cho thấy, người Nhật Bản từ lâu đã có phong tục vẽ Amabie lên những mảnh bùa bằng giấy hay ngọc lục bảo để phòng trừ bệnh tật. Phong tục này có nguồn gốc từ tập tục thờ vị thần Shinto Amabiko chuyên phù hộ mùa màng và sức khoẻ người nông dân.
Hoạ sĩ minh hoạ Kaori Hamura Long sống tại thành phố Fukuoka trên đảo Kyūshū bắt đầu có dấu hiệu cảm cúm từ đầu tháng ba này. Vì nước Nhật rất thiếu bộ thử virus COVID-19 nên sự lựa chọn duy nhất của cô là tự cách ly ở nhà. Cô bất ngờ tìm được một chiếc bùa cũ của cụ nội quá cố của mình có khắc hình Amabie. Đó chính là nguồn cảm hứng để cô trở thành người khởi động trào lưu vẽ Amabie.
Thế nhưng Kaori không lựa chọn khắc hoạ Amabie theo những bức tranh cổ. Cô đã đưa cuộc sống mới vào sinh vật kỳ quái này. Có bức tranh cô vẽ Amabie với mái tóc trắng đang thả mình trôi theo dòng nước như một người tắm biển. Một bức khác lại mô tả Amabie kéo chiếc khẩu trang xuống để lộ ra nụ cười. Kaori đã trả lời phỏng vấn một tờ báo thế này: “Tôi vẽ bức tranh này trong tuần đầu tiên phát hiện ra người Nhật mắc phải virus COVID-19. Tôi mong rằng mọi người sẽ không nhìn nhau mà tỏ ra nghi ngờ, hoảng sợ, hay tức giận, mà có thể cùng chung tay tìm ra cách giải quyết nó một cách thông minh nhất!”.
Hoạ sĩ người Anh Matthew Meyer là một người rất yêu thích tìm hiểu về nền văn hoá tâm linh Nhật Bản, đã đưa ra nhận xét về “hiện tượng” Amabie tại Nhật Bản rằng: “Amabie bây giờ như là một lá cờ để tập hợp người dân Nhật lại. Họ vẫn đang phải đối phó với lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở khác do chính phủ ban bố. Ngẫu nhiên thay, họ phát hiện Amabie và dùng nó như một nguồn động viên bản thân và gia đình, cộng đồng của mình!”.
Hiện tại, có vẻ như tình trạng dịch bệnh COVID - 19 tại Nhật Bản đang càng ngày có xu hướng trở nên tệ hại hơn. Vì thế chính quyền Nhật Bản đã phải sử dụng đến những biện pháp mạnh tay để chống dịch, mà đặc biệt nhất là việc cho lùi thời điểm tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 thêm một năm. Thiệt hại về tính mạng, tài sản đối với người Nhật là vô cùng lớn, nhưng thiệt hại tinh thần cũng đáng kể. Đây là một vấn đề liên quan đến sự tin tưởng của từng cá nhân đối với gia đình, cộng đồng, và đất nước của mình. Amabie có thể là một hình tượng truyền thống của Nhật, nhưng cái cách mà nó đã - đang xuất hiện trong tác phẩm của các hoạ sĩ hiện đại lại mang đậm chất quốc tế. Ở một chừng mực khiêm tốn, có thể xem Amabie chính là hình ảnh đại diện mà người Nhật Bản muốn thể hiện ra trước thế giới để khẳng định tinh thần bình tĩnh, dũng cảm và truyền thống đoàn kết vô cùng đặc trưng riêng có của mình. Chính sự bảo tồn hình ảnh đó có thể sẽ giúp người Nhật Bản vượt qua được những ngày khó khăn sắp tới bởi sự “tác yêu tác quái” của đại dịch COVID-19.
CÔNG CÔNG (tổng hợp)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...