Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
02:29 (GMT +7)

Đại biểu Thái Nguyên lên tiếng về dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên

VNTN - Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị, ông Hoàng Văn Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên lên tiếng về tiến độ xử lý dự án mở rộng giai đoạn hai gang thép Thái Nguyên.

Tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 27/10, đại biểu Hùng dành phần lớn thời gian 7 phút phát biểu để nói về dự án trên - một trong 12 đại dự án tai tiếng của ngành Công Thương.

Thông tin từ Chính phủ thì đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9 năm 2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quí I năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao; mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc đã phát sinh tranh chấp, vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.

Đại biểu Hùng cho biết, trước kỳ họp này, tại buổi tiếp xúc cử tri, công nhân lao động gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư tới đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, đề nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương nhưng đến nay tiến độ triển khai còn quá chậm, không đạt hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên)

Vị đại biểu Thái Nguyên nhấn mạnh, giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên dừng từ năm 2013 đến nay, tính đến thời điểm 31/5/2018, công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn đang phải gánh trên vai của công nhân lao động.

Theo ông Hùng, thực tế, về sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, có lợi nhuận, lợi nhuận lũy kế đến nay là 155 tỷ, lãi năm 2016 là 207 tỷ, lãi năm 2017 là 109 tỷ, lãi năm 2018 dự kiến trên 100 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, công ty đã nộp ngân sách 1961,8 tỷ đồng, ổn định việc làm thu nhập cho 5000 lao động và góp phần ổn định đời sống khoảng 20000 người trong gia đình họ. Ngoài ra, công ty còn liên doanh hợp tác cung ứng dịch vụ với hơn 500 doanh nghiệp trong nước, với hơn 30000 lao động.

"Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện cho 5000 công nhân lao động công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác với công ty chủ động xử lý giai đoạn 2, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, tạo tiền đề để công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị", đại biểu Hùng phản ánh.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị trong những phiên thảo luận toàn thể về kinh tế -xã hội của Quốc hội thì nên có cách xử lý khác.

Bình luận về vấn đề đại biểu Hùng nêu, đại biểu Hồng nói: việc thoái vốn của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên nằm trong lộ trình 12 dự án Chính phủ đang chỉ đạo, đang tái cơ cấu lại, nên như đề nghị của cử tri Thái Nguyên về Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên của đoàn đại biểu, cử tri Thái Nguyên phải hết sức thận trọng.

Dẫn cảnh báo vừa được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng  nêu, nếu thoái vốn, cổ phần hóa không tốt thì sẽ thất thoát tài sản nhà nước, ông Hồng cho rằng không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng thoái vốn, cũng phải cổ phần hóa, vì doanh nghiệp nhà nước là công cụ để quản lý nhà nước, là nền tảng cốt lõi của nền kinh tế. "Nếu như đại biểu nói rằng cử tri phản ánh phải cổ phần hóa để nâng cao đời sống thì theo báo cáo hàng năm đều đang có lãi thì việc tái cơ cấu đang đi đúng hướng. Nếu thoái vốn rõ ràng cử tri cũng không thể tham gia mua cổ phần được vì không phải cổ phần ưu đãi. Tôi đề nghị cân nhắc việc này", đại biểu Hồng tranh luận.

Theo báo cáo Chính phủ gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này, Trong thời gian qua, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) đã hoàn thiện Dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án với Tổng thầu MCC trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu. Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ và làm việc với Vietinbank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho Dự án.

Trong năm 2017, mặc dù Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty Gang thép Thái nguyên vẫn đang xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc, tuy nhiên, giai đoạn I của Dự án vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Sang năm 2018, kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng của TISCO như sau: sản xuất thép cán đạt 524.376 tấn; sản xuất phôi thép đạt 277.192 tấn; sản xuất gang lò cao đạt 132.404 tấn; tiêu thụ thép cán đạt 530.015 tấn; doanh thu đạt 7.521 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 48,4 tỷ đồng; nộp ngân sách 128 tỷ đồng.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn giữ nguyên nợ nhóm 1, trong khi nhiều dự án đã phát sinh nợ xấu.

Nằm trong các dự án có vay vốn của ngân hàng ADB, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên đã được ngân hàng VDB đã gia hạn thời hạn cho vay vốn của dự án lên 15 năm, tuy nhiên do dự án vẫn đang dừng thi công và chưa có phương án cụ thể để tái khởi động nên VDB chưa có căn cứ để tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ cho dự án.

Khó khăn là hiện nay Dự án chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện và đã hoàn tất công tác thanh tra tại TISCO. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành Dự thảo kết luận thanh tra và đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Trong số 4 dự án, doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật có Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Trúc Bạch


0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy